Khai thác di sản văn hóa Chăm trong phát triển du lịch Nam Trung Bộ

Hơn 10 năm trở lại đây, hệ thống các di sản văn hóa Chăm đã có đóng góp khá lớn trong việc thu hút khách du lịch đến với khu vực Nam Trung Bộ. Đẩy mạnh công tác bảo tồn và khai thác di sản văn hóa Chăm trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc sẽ tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa cho ngành Du lịch khu vực Nam Trung Bộ trong thời gian tới.

Di sản văn hóa Chăm

Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đền tháp Chăm: Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm pa, cùng với Giava và Khơme được đánh giá là một trong ba nền nghệ thuật đặc sắc ở Đông Nam Á, mang tầm cỡ thế giới. Kể từ năm 1995, khi khu di tích đền tháp Chăm Mỹ Sơn được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Quảng Nam trở thành điểm đến thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. Từ một khu phế tích hoang vắng nằm sâu trong rừng núi, khu di tích Mỹ Sơn đã trở thành trọng điểm của ngành Du lịch Quảng Nam. Tại Bình Định, hệ thống tháp Đôi, Bình Lâm, Bánh Ít, Cánh Tiên, Dương Long, Phú Lốc, Thủ Thiện thực sự là một kho tàng di sản nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm Pa. Tháp Nhạn tọa lạc trên núi Nhạn, nằm trong thành phố Tuy Hòa là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử cao của người Chăm và cũng là một thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Phú Yên. Tháp Nhạn đã được công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 16/ 11/1988. Khách du lịch khi đến Nha Trang (Khánh Hòa) không thể không ghé thăm tháp Bà Ponagar. Từ Ponagar trong ngôn ngữ Chăm là Po INư Nưgar có nghĩa là “Mẹ xứ sở”. Tháp Ponagar được xây dựng từ thế kỷ thứ 8 để thờ nữ thần - đấng tạo hóa của người Chăm, về sau này gắn với truyền thuyết nữ thần Thiên Y Ana và hòa trộn vào tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt. Tháp Bà Ponagar vừa là điểm đến tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm vừa là điểm đến du lịch tâm linh của Khánh Hòa. Đền tháp Chăm ở Ninh Thuận còn được gọi là “nơi tháp Chăm còn sống” vì đây là vùng có đông cộng đồng người Chăm đang sinh sống, vẫn tổ chức cúng tế các vị thần linh ở đền tháp định kỳ hàng năm. Trong đó, cụm tháp Pô Klong Giarai và cụm tháp Pô Rome là những quần thể kiến trúc gạch hầu như còn nguyên vẹn. Từ năm 2010, dưới chân tháp Po Klong Giarai đã được xây dựng thành điểm du lịch hấp dẫn trong mùa Lễ hội Ka Tê. Năm 2016, tháp Po Klong Giarai và tháp Hòa Lai đã được công nhận là Di sản Văn hóa quốc gia đặc biệt. Đây là điều kiện thuận lợi để Ninh Thuận xây dựng các khu đền tháp Chăm trở thành điểm đến du lịch thu hút du khách. Tháp Po Sah Inư ở Bình Thuận nằm trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài, cách thành phố Phan Thiết 7km về hướng Đông Bắc. Tuy có kích thước vừa và nhỏ nhưng tháp Po Sah Inư chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí, trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn của Ninh Thuận.

Làng nghề gốm Bàu Trúc: Đây là làng nghề truyền thống Chăm ở thôn Bàu Trúc, nay thuộc khu phố 7, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Khó có thể tìm thấy một làng làm gốm nào ở Đông Nam Á có cách làm “thủ công” như ở làng Bàu Trúc. Vì không dùng bàn xoay

nên người thợ gốm phải tự mình xoay vòng tròn để vuốt cho sản phẩm có độ tròn, rồi dùng vòng để gọt cho sản phẩm dày hay mỏng đều. Chính vì thế, độ tròn đều và tính mỹ thuật hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng, tâm hồn của nghệ nhân khi nặn gốm. Vì nung lộ thiên nên sản phẩm khi nung xong có độ chín không đều, chỗ đậm, chỗ nhạt. Tất cả tính nghệ thuật thủ công ấy đã tạo nên những sản phẩm gốm có tính độc bản cao, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Năm 2000, các họa sĩ đã thử nghiệm lấy chất liệu gốm Chăm để nặn tượng, đồ mỹ nghệ và rất thành công. Làng nghề gốm Bàu Trúc từ đó đã thêm một nghề mới - nghề thủ công làm đố gốm mỹ nghệ. Thương hiệu “Gốm mỹ nghệ Bàu Trúc” được hình thành.

Làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp: làng Mỹ Nghiệp có hơn 95% số hộ làm nghề dệt và chủ yếu do phụ nữ đảm nhận. Ngày xưa người dân tự trồng bông làm nguyên liệu sản xuất và dùng cây chùm bầu, cây mo, bùn non làm phẩm nhuộm, dùng các khung gỗ thô sơ làm công cụ tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu trang phục. Ngày nay, để phục vụ du lịch, người Chăm Mỹ Nghiệp chuyển sang sản xuất sản phẩm đa dạng hơn như túi xách, ví, cà-vạt, nón, áo ký giả... đều bằng chất liệu thổ cẩm, với hoa văn đặc thù của tín ngưỡng Chăm…

Lễ hội truyền thống: Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm, người Chăm có trên 100 lễ hội lớn nhỏ quanh năm. Trong đó, đáng chú ý nhất là Lễ hội Ka tê, lễ hội cộng đồng lớn nhất diễn ra tại các đền tháp, ở tất cả các palei (làng) Chăm Bàlamôn thuộc tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Lễ hội Katê diễn ra vào ngày 1/7 theo lịch Chăm (thường vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 dương lịch. Các lễ thức của lễ hội Ka tê rất phong phú, đa dạng và hấp dẫn cả hình thức lẫn nội dung. Lễ hội Ka tê đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và đã được xây dựng thành sản phẩm du lịch có giá trị.

Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Chăm: Âm nhạc dân gian Chăm luôn gắn với múa trong các nghi lễ dân gian và nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng. Hệ thống nhạc cụ Chăm phong phú, đủ các bộ cho một dàn nhạc. Bộ gõ có trống Paranưng, trống ghi năng, chiêng, chũm chọe, đàn đá, mõ, kà rồng (dây lục lạc); bộ dây có đàn ka nhi (nhị mu rùa), đàn chămpi; bộ hơi có kèn saranai, tù và bằng sừng trâu, khèn bầu, sáo… Người Chăm còn lưu giữ một kho tàng dân ca với những làn điệu, cung bậc có sự ảnh hưởng đến các làn điệu nhạc dân gian Nam Trung Bộ và cả Nam Bộ. Nhiều điệu hát như “Thay mai” (Ai đến phía xa), “Dohdamdara” (hát đối đáp), “Klaymrailopan” (Sợi chỉ đủ màu) đều mang những âm hưởng trữ tình, đặc sắc. Người Chăm còn có hát Ariya, là hình thức hát trường ca theo dạng kể chuyện, hát lối bằng thơ và có một kho tàng các làn điệu hát ru... Trong các lễ nghi, lễ hội Chăm đều có múa. Múa quạt là điệu múa phổ thông mà bất cứ thiếu nữ hay phụ nữ Chăm nào cũng biết… Múa Chăm luôn đi đôi với âm nhạc, tên các tiết điệu trống cũng là tên các điệu múa.

Một số lưu ý trong xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên di sản văn hóa Chăm

Có thể thấy, di sản văn hóa Chăm là kho tàng đầy tiềm năng cho việc hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang bản sắc riêng có của vùng Nam Trung bộ. Vấn đề đặt ra là cần có sự đầu tư, nghiên cứu từ định hướng đến xây dựng sản phẩm cụ thể của từng địa phương và cả vùng Nam Trung bộ, tuân thủ nguyên tắc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của cộng đồng dân cư địa phương.

Đối với các công trình kiến trúc, điêu khắc đền tháp Chăm: cần thực hiện khoanh vùng bảo vệ di tích, tổ chức quy hoạch, thiết kế các khu dịch vụ mang phong cách nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm. Khi thiết kế các khu vực dịch vụ cần lưu ý bảo vệ cảnh quan - không gian thiêng của đền tháp. Các mô hình xây dựng điểm đến ở khu di tích đền tháp Mỹ Sơn - Quảng Nam và khu du lịch đền tháp Po Klong Giarai - Ninh Thuận là những nơi đã làm tốt điều này. Ngoài ra cần lưu ý áp dụng các công nghệ mới vào xây dựng sản phẩm du lịch; biên soạn bài viết, lời giới thiệu về các di tích dành cho thuyết minh viên đúng với giá trị của di tích, tạo sự hấp dẫn đối với du khách…

Tại các điểm đến làng nghề truyền thống Chăm: Khi hình thành điểm đến tại các làng nghề truyền thống Chăm, cần bảo lưu tính chất “thủ công” của nghề, tránh hiện đại hóa, công nghệ hóa làm mất đi yếu tố quan trọng nhất của di sản văn hóa. Mô hình homstay ở làng nghề gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) đang được triển khai là một mô hình hợp đủ các yếu tố để đạt mục tiêu kép vừa bảo tồn vừa phát huy được giá trị văn hóa. Hiện nay, các làng nghề dệt và gốm Chăm đã xây dựng được điểm đến khá khang trang nhưng việc bán sản phẩm tương đối chậm. Các nhà quản lý văn hóa và du lịch cần hỗ trợ bà con bảo tồn và giới thiệu, tôn vinh làng nghề thông qua các chính sách bảo tồn làng nghề, hỗ trợ về vốn, giảm thuế, hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ du lịch...

Sản phẩm du lịch từ các lễ hội truyền thống: Trong quá trình xây dựng lễ hội thành các sản phẩm du lịch cần tuân thủ các quy tắc tổ chức của cộng đồng người dân bởi đây là hoạt động thể hiện đời sống tâm linh của mỗi cộng đồng người. Trong đó, cần nhận thức lễ hội là của dân, do dân tổ chức. Nhà nước và các cơ quan quản lý địa phương tạo điều kiện, không nên can thiệp sâu vào cách thức tổ chức lễ hội. Đối với Lễ hội Ka tê, cần tôn trọng và phát huy vai trò của Hội đồng Chức sắc Chăm Bà La Môn. Trung tâm xúc tiến du lịch địa phương và các doanh nghiệp du lịch hỗ trợ thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách tham gia lễ hội.

Sản phẩm du lịch từ nghệ thuật biểu diễn truyền thống Chăm: Trong những năm qua, nghệ thuật biểu diễn truyền thống Chăm đã có mặt ở nhiều điểm du lịch, khách sạn, resort ở các tỉnh Nam Trung Bộ... và mang lại điểm nhấn cho nhiều điểm du lịch. Riêng tại khu di tích Mỹ Sơn trong mùa cao điểm, đội văn nghệ Chăm phải chia ra nhiều nhóm nhỏ mới đảm bảo suất diễn theo các tour. Tuy vậy, các đội văn nghệ Chăm chỉ có nhiều suất diễn trong mùa đông khách. Vào mùa thấp điểm ít khách du lịch, đồng nghĩa với việc không đảm bảo thu nhập, đời sống cho nghệ nhân, diễn viên. Từ đây đặt ra vấn đề về sự liên kết chặt chẽ giữa đội ngũ nghệ sỹ, nghệ nhân với các khu, điểm du lịch, công ty lữ hành trong việc phân phối lợi ích hài hòa từ nguồn thu hoạt động du lịch...

Tài liệu tham khảo:
1. Phan Quốc Anh (2019), Giáo trình Văn hóa Chăm, Nxb Đại học Quốc gia.
2. Ngô Văn Doanh (1994) Văn hóa Chăm Pa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
3. Bảo tồn và phát huy nghệ thuật làm gốm của người Chăm (2018), kỷ yếu Hội thảo quốc tế (trong khuôn khổ xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận làng nghề gốm Bầu Trúc là di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp)…

Nguồn: Tạp chí Du lịch

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam