Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đối với Du lịch Việt Nam

 Ngày 15/10/2020, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tổ chức Hội thảo mang chủ đề “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đối với ngành Du lịch Việt Nam” tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là một hiệp định về nguyên tắc thương mại giữa 11 nước thành viên, được kí kết vào tháng 3/2018 và chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. CPTPP được đánh giá sẽ tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và các nước thành viên tham gia. Ngành Du lịch có thể sẽ chịu tác động bởi CPTPP ở các khía cạnh: thị trường du lịch, đầu tư FDI với ngành Du lịch, lao động và việc làm du lịch, xuất nhập khẩu các ngành hàng liên quan đến du lịch…, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành Du lịch. Bởi thế, đánh giá tác động của CPTPP đối với ngành Du lịch Việt Nam là điều vô cùng cần thiết. Năm 2020, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch được Tổng cục Du lịch (TCDL), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) giao thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu về vấn đề này.

Trong nội dung báo cáo đề dẫn, TS. Lê Quang Đăng, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Chiến lược Chính sách và Môi trường Du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch khẳng định: Nội dung của CPTPP gồm 30 chương với 493 điều, hàng nghìn khoản, mục và phụ lục kèm theo. Mặc dù trong đó không có chương, điều, khoản, mục, phụ lục nào quy định trực tiếp cho ngành Du lịch, nhưng du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và tính xã hội hóa cao nên sẽ chịu tác động bởi hiệp định thông qua các ngành, lĩnh vực có liên quan khác. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra trực tuyến, đối tượng trả lời phiếu là giảng viên các trường đại học, nghiên cứu viên các viện nghiên cứu, lãnh đạo và cán bộ, chuyên viên các đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, thương mại, kế hoạch và đầu tư, công thương, du lịch…

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 3 khía cạnh của du lịch được đánh giá sẽ chịu tác động cao bởi CPTPP là: doanh nghiệp du lịch (73% phiếu chọn), đầu tư phát triển du lịch (72,6%), chính sách phát triển du lịch (71,6%). Đối với thị trường khách quốc tế, 73,8% phiếu chuyên gia cho rằng thị trường khách quốc tế từ các nước thành viên CPTPP sẽ chịu tác động cao và rất cao bởi hiệp định. Một số thị trường khách sẽ tăng mạnh nhất là Nhật Bản, Australia và Canada, đây vốn là những thị trường gửi khách truyền thống của Việt Nam những năm qua... Malaysia, Singapore và Brunei là những thị trường gần nên cũng sẽ có những thay đổi, lượng khách đến Việt Nam sẽ tăng lên theo chiều hướng tích cực. Một số thị trường xa như Mexico, Chile, Peru được đánh giá sẽ ít chịu tác động bởi hiệp định do khoảng cách địa lý và kết nối đường bay. Nếu Việt Nam và các quốc gia này hợp tác mở đường bay kết nối trực tiếp có thể lượng khách sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới… Đánh giá của các chuyên gia về mức độ tác động của CPTPP đối với thuế quan, hải quan ở các mức trung bình, cao và rất cao là xấp xỉ nhau, với tỉ lệ phiếu chọn lần lượt là 22%, 27%, 23%. Điều này có nghĩa là CPTPP chủ yếu quy định thuế quan, hải quan cho các ngành hàng xuất nhập khẩu qua biên giới, trong khi đó du lịch là ngành kinh tế đặc biệt, sản xuất và xuất khẩu tại chỗ hàng hóa và dịch vụ du lịch, vì thế có thể sự tác động của hiệp định đối với lĩnh vực thuế, hải quan liên quan đến ngành Du lịch là chưa rõ ràng. Tuy nhiên, một số ngành hàng liên quan đến chuỗi giá trị đầu vào của ngành Du lịch (nông sản, thực phẩm, thiết bị - nội thất của khách sạn, nhà hàng...) hay những cửa hàng miễn thuế cho khách du lịch quốc tế có thể vẫn sẽ chịu tác động mạnh bởi các quy định của CPTPP về thuế quan, hải quan…

Căn cứ vào nội dung hiệp định quy định các điều, khoản có liên quan đến du lịch; căn cứ các chính sách, pháp luật về du lịch/liên quan đến du lịch; căn cứ các chỉ tiêu chính về tăng trưởng và phát triển du lịch; căn cứ kết quả điều tra chuyên gia, nhà khoa học, nhóm nghiên cứu đã đề xuất Khung tiêu chí đánh giá tác động của CPTPP đối với ngành Du lịch…

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe một số tham luận liên quan đến các vấn đề: cam kết và các tác động của CPTPP tới doanh nghiệp du lịch Việt Nam; tác động của CPTPP đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước thành viên CTTPP với ngành Du lịch Việt Nam; tác động của CPTPP đối với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của Việt Nam.

Sau phần tham luận, đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến tác động của CPTPP đối với các lĩnh vực: chính sách, thị trường lao động, lao động, việc làm, hải quan, thuế quan, hàng không, đầu tư, doanh nghiệp, cạnh tranh…; cơ hội và thách thức của CPTPP với ngành Du lịch và những vấn đề liên quan khác. Ông Trịnh Quốc Anh - Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL cho biết: Ngày 28/2/2019, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 701 về việc thực hiện CPTPP, trong đó nêu rõ những nhiệm vụ mà Bộ VHTTDL và các ngành, tổng cục, các đơn vị, trong đó có TCDL cần thực hiện. Trong kế hoạch nổi lên 3 nhiệm vụ chính là: tuyên truyền, phổ biến thông tin về hiệp định; nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của CPTPP đối với các quy định, pháp luật của Việt Nam để từ đó rà soát, điều chỉnh, xây dựng khung pháp lý, quy chế phù hợp; nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực. Điều đó cho thấy Bộ VHTTDL rất quan tâm đến CPTPP và những tác động của hiệp định đến hoạt động của toàn ngành…

Kết thúc hội nghị, TS. Trương Sỹ Vinh cảm ơn những ý kiến đánh giá, đóng góp tâm huyết và cởi mở của các đại biểu tham gia hội thảo, đồng thời khẳng định việc đánh giá tác động của CPTPP đối với ngành Du lịch sẽ được tiếp tục thực hiện nhằm tìm ra những những giải pháp, khuyến nghị phù hợp, góp phần phát triển ngành Du lịch Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam