Thanh Hóa: Không gian phố đi bộ - sản phẩm du lịch mới hấp dẫn

Để quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của thành phố và phát triển dịch vụ thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, không gian đi bộ trên tuyến đường Phan Chu Trinh (phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa) sẽ sớm được đi vào hoạt động. Đây là sản phẩm du lịch mới hấp dẫn nhằm thu hút du khách đến với thành phố Thanh Hóa ngày càng nhiều hơn.

Nhìn từ tỉnh, thành bạn

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh như Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng..., không gian phố đi bộ đã góp phần phát triển du lịch, gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố Trịnh Công Sơn là 2 phố đi bộ của thành phố Hà Nội. Sau khi được lựa chọn là nơi tổ chức không gian đi bộ, ở đây đã hình thành khu vực phát triển thương mại, du lịch phù hợp, tạo nét đặc trưng văn hóa riêng của thành phố. Giữa không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn là sân khấu ngoài trời, nơi diễn ra các buổi biểu diễn nhạc Trịnh, múa rối nước ở 2 hồ sen và biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật khác. Từ khi hình thành, phố đi bộ đã góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của địa phương, góp phần kích cầu phát triển du lịch và tăng thu ngân sách.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bùi Viện ngoài cảnh đẹp còn có sân khấu biểu diễn nghệ thuật, tạo không gian cho du khách tham gia giao lưu văn hóa như trải nghiệm âm nhạc đường phố, âm nhạc dân tộc. Ngoài ra, người dân và du khách còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật đường phố vào tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần, xem biểu diễn múa rối nước, biểu diễn violin kết hợp múa, xiếc, ảo thuật... Tại Đà Nẵng, chợ đêm kết hợp không gian phố đi bộ tại đường Lý Nam Đế - Mai Hắc Đế, phường An Hải Tây. Ngoài các sản phẩm truyền thống như lễ hội 2 bên bờ sông Hàn, du ngoạn cầu Tình Yêu, bến tàu du lịch..., nơi đây còn kinh doanh nhiều loại hình phong phú, tạo ra điểm đến mới mang dấu ấn đặc trưng của Đà Nẵng.

Không gian đi bộ phố Phan Chu Trinh

Để thu hút khách du lịch đến với thành phố Thanh Hóa, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu về phố đi bộ ở các tỉnh, thành bạn và cả các nước như Trung Quốc, Thái Lan, thành phố Thanh Hóa đã chọn tuyến đường Phan Chu Trinh để xây dựng không gian phố đi bộ. Tuyến phố này có điểm bắt đầu từ vòng xuyến công an thành phố chạy dài đến ga Thanh Hóa. Xung quanh khu vực tổ chức tuyến phố đi bộ Phan Chu Trinh có các di tích lịch sử, công trình văn hóa như đền Thiên tiên thần nữ - nơi gắn với sự kiện vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh; Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn quy mô và hiện đại, là nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn của tỉnh và thành phố; Quảng trường Lam Sơn thoáng mát, không gian rộng, sân khấu hoành tráng, đài phun nước nhiều màu sắc, hệ thống điện chiếu sáng lung linh về đêm, tháp đồng hồ ASIA, vườn hoa, cây cảnh đẹp, tạo nên một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh. Bên cạnh là công viên cây xanh, Công viên Hồ Thành và ga Thanh Hóa. Nơi đây còn có các tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt, có lộ trình kết nối với tuyến phố đi bộ Phan Chu Trinh để thu hút lượng khách lớn từ các huyện lân cận đến với thành phố. Nằm ở khu vực trung tâm của thành phố, nơi đây có mạng lưới giao thông thuận lợi, bảo đảm việc đi lại, phân luồng giao thông và bố trí các điểm dừng, đỗ xe cho nhân dân và du khách.

Không gian đi bộ phố Phan Chu Trinh chia thành 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1 tổ chức thí điểm dọc tuyến đường từ ngã tư Phan Chu Trinh - Hạc Thành đến đường Dương Đình Nghệ. Giai đoạn 2 sau khi tổng kết, nếu được đánh giá tích cực sẽ mở rộng phạm vi đến công sở Ủy ban nhân dân phường Điện Biên. Phố đi bộ sẽ tổ chức vào thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, hoạt động từ 18 giờ đến 22 giờ. Tại Quảng trường Lam Sơn sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, âm nhạc, thể thao, trình diễn thời trang, tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian, võ cổ truyền, ký họa, chơi đàn violin, các nhạc cụ truyền thống và phát triển văn hóa đọc. Tại ngõ 156 đường Triệu Quốc Đạt (không gian sắc màu) và đường Hồ Xuân Hương sẽ tổ chức các hoạt động ẩm thực, các sản phẩm của Hội An; đoạn đường Lý Nhân Tông (không gian nón lá) tổ chức các món ăn đặc trưng của Thanh Hóa như bánh cuốn, cháo lươn, bánh khoái... Đoạn từ công viên cây xanh giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật, điêu khắc, thủ công mỹ nghệ, đá quý, đá phong thủy, quần áo, khăn, túi sách, khu vui chơi cho trẻ em và các ki-ốt thông tin du lịch hỗ trợ du khách. Nơi đây cũng sẽ phát triển hệ thống ki-ốt lưu động ẩm thực, giải khát, nông sản, hoa quả, hàng tiêu dùng thiết yếu... đậm nét đặc trưng của thành phố và của tỉnh. Khi đi vào hoạt động, thành phố sẽ bố trí lực lượng và thành lập đội phản ứng nhanh để xử lý các tình huống phát sinh, lắp đặt hệ thống camera tại các điểm trọng yếu, nút giao thông để bảo đảm an ninh trật tự. Trong thời gian hoạt động, sẽ cấm các phương tiện xe đạp, xe máy, ô tô đi vào khu vực.

Đề án tổ chức không gian tuyến phố đi bộ trên tuyến đường Phan Chu Trinh đã được Hội đồng nhân dân thành phố Thanh Hóa khóa XXI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 thông qua tại Kỳ họp thứ 13. Khi tuyến phố đi bộ đi vào hoạt động sẽ phát huy tối đa tiềm năng các giá trị văn hóa, góp phần phát triển thương mại, dịch vụ du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; hạn chế được các hoạt động kinh doanh, buôn bán tự do gây mất mỹ quan đô thị, làm thay đổi diện mạo, cảnh quan đô thị thành phố Thanh Hóa và góp phần tăng nguồn thu ngân sách địa phương.

                                                                                                                                                              Bài và ảnh: Tố Phương

   Nguồn: Báo Thanh Hóa

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam