Hồi nhỏ, tôi ở quê. Cứ mỗi lần đến phiên là lại khoác tay mẹ ra chợ. Phiên chợ quê đông vui và tấp nập với đủ các loại hàng hóa “cây nhà lá vườn” đặc biệt là phiên chợ tết. Ở quê tôi, mỗi lần đi chợ thường cả buổi, vì chợ không gần nhà lại rộng. Hơn nữa ra chợ người ta còn trò chuyện, chơi trò chơi với nhau như một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đã từ ngàn xưa.
Mới đầu tôi cứ nghĩ rằng, khách nước ngoài đến Việt Nam họ thích những gì lớn lao, cảnh sắc hùng vĩ hay công trình kiến trúc hoành tráng và sang trọng, nhưng thật tình không phải như vậy. Khi tôi chú ý quan sát những bức ảnh họ chụp, đôi khi phong cảnh thiên nhiên bao la mà lại thua một hình ảnh cụ già móm mém ngồi bán nước, têm trầu, hay mấy nải chuối chín treo lủng lẳng trên cây bẹo ở chợ nổi Nam Bộ. Lúc đó, tôi mới biết giá trị văn hóa nằm trong chính những điều đơn giản nhất, được hình thành trong đời sống lao động và du khách nước ngoài rất thích khám phá, trong đó có chợ quê.
Ngày nhỏ, rúc nách mẹ ngắm người quê đi chợ nườm nượp, cụ già nở nụ cười răng đen “con cô lớn thế này rồi à?”. Mẹ nhẹ nhàng đáp lại “dạ, thưa cụ, cháu nó cũng được 10 tuổi rồi ạ”, “Cầm cái bánh gai ăn cho răng đen giống cụ đi cháu”... Những mẩu chuyện hết sức dân dã mà đượm tình quê cứ xa dần theo thời gian. Rồi mẹ mặc cả lá dong, cô bán lá cũng nói lên nói xuống, cuối cùng mẹ đổi lấy bốn nải chuối của nhà trồng lấy hai cuộn lá dong. Hai bên đều vui mừng rôm rả, chúc nhau ăn tết ấp áp, đoàn viên.
Có một lần tôi vào trong Đà Nẵng, dọc theo bờ biển đi vào Hội An, trời đang mưa nhẹ thì xe dừng lại vì quá đông những chiếc nón lá đang tấp nập mua bán. Khách nước ngoài trên xe xuống trong màn mưa nhè nhẹ, họ chụp ảnh liên tiếp vựa cá tươi mới về đến đất liền, con nào con nấy giãy đành đạch. Mặt trời còn đang lấp ló bình minh, nào xảo, nào thúng, nào cân, nào muối... xoay tròn trong một khu chợ ven biển.
Cũng trong một lần đi du lịch lên miền Hà Giang, ngay dưới chân núi người dân địa bày bán đủ các loại sản vật như thịt lợn đen, quả móc mật, gấc, măng rừng tươi, thớt gỗ, hà thủ ô… Một cái chợ nhỏ đầy màu sắc, một không khí đầy chất núi rừng, đậm tình văn hóa. Ở đây người ta ít bị mua hớ, nói thách kể cả khách du lịch. Đất rừng Tây Bắc nhiều điều thú vị, cách họp chợ độc đáo có một không hai, ai đi chợ cũng như đi trẩy hội. Các cô gái luôn diện những bộ váy dân tộc đẹp nhất, các anh thì ăn mặc chỉnh tề, chọn một khoảnh đất trống để thể hiện tài năng thổi khèn, múa hát, sức khỏe, võ thuật… làm sao để cuốn hút bạn gái. Các bà thì người mang vài xâu ớt, người mang mấy dây ngô, người cắp con lợn hay vài ba cái chổi tre ngồi từ hàng này sang hàng khác vừa mời bán vừa trò chuyện, đàn ông mang chim đi thi hót, mang ngựa ra khoe dáng, cùng uống rượu và ăn thắng cố.
Nhưng với tôi ấn tượng nhất vẫn là chợ quê vùng đồng bằng Bắc bộ. Đó là phiên chợ mang đậm nét văn hóa nông nghiệp của người Việt, chợ nón làng Chuông, chợ quạt làng Vác hay chợ gà Hà Vỹ... Vào những ngày nông nhàn, phiên chợ quê rất đông, họp từ rất sớm, có nhiều người đi chợ chỉ bán dăm ba lá trầu, mấy quả chanh, đôi nải chuối… để cho đỡ nhớ không khí, đỡ nhớ bạn chợ. Phiên chợ quê chẳng đi mua sắm thì đi chơi, chia sẻ niềm vui nỗi, buồn trong cuộc sống. Người quê nghèo, chất phác, họ chẳng ngại ngần cho người mua nợ tiền đến phiên sau mới trả, thậm chí quý nhau cứ dúi mớ rau, con cá vào làn vào thúng mà chẳng hẹn khi nào lấy tiền. Chợ quê vì thế mà gắn kết tình người ghê gớm, nhiều người đã nên thông gia nhờ những phiên chợ quê.
Giữ chợ quê không chỉ là giữ lại một không gian mà còn là giữ lại một hồn văn hóa làng quê Việt. Chợ quê trong tâm thức của nhiều người là tuổi thơ vô cùng đẹp, mỗi vùng một nét chợ quê, tựu chung đó là không gian sinh hoạt văn hóa mà người ta lấy hàng hóa ra làm cái cớ, để làm ấm thêm tình làng nghĩa xóm cũng như quảng bá nét văn hóa vùng miền.
Nguyễn Văn Công, Báo Du lịch