Chợ phiên vùng cao Mường Khương ngày chủ nhật tấp nập đông vui ngay từ sáng sớm. Đây là một trong những phiên chợ còn giữ được nhiều nét đặc sắc văn hóa chợ phiên vùng cao ở Lào Cai.
Hòa vào dòng người đến chợ, chúng tôi rất thích thú khi tham quan các gian hàng nông sản của chợ phiên vùng cao. Nhưng có lẽ, điều làm chúng tôi háo hức hơn cả là được thưởng thức những món ẩm thực độc đáo, lạ miệng của đồng bào nơi đây. Ngoài thắng cố, phở chua, thì có một món ngon làm mềm lòng biết bao du khách khi đến Mường Khương. Đó là món bánh đúc làm từ bột đao thanh mát…
Giữa không khí tập nập của phiên chợ vùng cao, chúng tôi cũng tìm được cho mình chỗ ngồi trong quán bán phở chua của bà Lù Thị Khương, dân tộc Nùng ở thị trấn Mường Khương. Đã bao năm bán đặc sản phở chua, trước đây bà Khương bán bánh đúc bột đao chủ yếu phục vụ bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao xuống chơi chợ, mua sắm và thưởng thức khi đã quá trưa. Nhưng giờ đây, món bánh đúc bột đao của người Nùng lại trở thành ẩm thực độc đáo hấp dẫn khách du lịch khi trải nghiệm chợ phiên Mường Khương. Bà Khương cùng nhiều gia đình bán hàng ăn trong chợ phiên này đều bán món bánh đúc cùng với phở chua để phục vụ khách đến chợ.
Biết chúng tôi là khách phương xa lần đầu ăn món này, bà Khương, dân tộc Nùng, bán hàng ở chợ phiên Mường Khương cho biết: Món bánh này là món ăn dân giã của đồng bào Nùng, đời các cụ truyền lại, từ bé được mẹ nấu cho ăn, lớn lên học nấu và biết nấu. Rất nhiều khách du lịch đến đây sau khi thưởng thức món bánh đúc bột đao này đều tấm tắc khen ngon. Có du khách không ngần ngại, ăn một lúc 2 bát liền…
Bánh bột đao được chế biến từ bột củ đao riềng, thoạt nhìn chúng tôi ngỡ đấy là món thạch, vì giống như thạch rau câu có màu trắng đục… Khi ăn, người ta xắt bánh bột lọc đao riềng hình chữ nhật dài bằng một ngón tay, cho vào bát, thêm dưa muối chua, lạc rang giã nhỏ, hành mùi, đậu xị, tương ớt Mường Khương và chan nước dưa muối chua trong vắt. Tùy theo khẩu vị của thực khách mà gia giảm các món gia vị cho vừa miệng. Đây là món ăn dân giã của người Nùng Mường Khương có từ lâu đời.