Chịu tác động mạnh từ dịch bệnh COVID-19, có thể nói, ngành du lịch Việt Nam (DLVN) thời gian này đang “tê liệt” cục bộ. Những người làm du lịch chấp nhận thiệt hại, với quan điểm biến thách thức thành cơ hội và phải hành động, với lạc quan tin tưởng, rằng đây cũng chỉ là bước lùi để khởi động cho bước tiến dài và xa hơn, đặc biệt là dưới sự trợ giúp của công nghiệp 4.0.
Quảng bá du lịch qua online
Dịch bệnh COVID-19 khiến ngành DLVN đóng băng, đối mặt nhiều thách thức, trong đó việc tour tuyến bị huỷ vô thời hạn, lượng khách giảm sâu, khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành đóng cửa, hứng chịu sự thiệt hại lớn về kinh tế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lữ hành thống nhất ý kiến, rằng, thời điểm hiện tại “án binh bất động”, nhưng chỉ cần khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng.
Theo ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc Công ty CP Du lịch Tân Thế Giới (Neworld Travel), việc chào bán các tour h trong giai đoạn này là không phù hợp, nhưng thay vào đó, các doanh nghiệp lữ hành vẫn nên kết nối, tương tác với khách hàng bằng các bài viết trên Website, Fanpage… Trong đó, có thể giới thiệu về điểm đến hấp dẫn, ẩm thực vùng miền, cẩm nang chia sẻ kinh nghiệm về du lịch. Những bài viết đi kèm hình ảnh đẹp mang tính truyền đạt thông tin về du lịch sẽ khơi gợi sự tò mò để du khách truy cập vào trang tìm hiểu. “Nhất là khi người dân được khuyến cáo không nên ra khỏi nhà mùa dịch, thời gian lại tương đối rảnh rỗi, các bài giới thiệu hay đi kèm thông tin hữu ích về du lịch sẽ luôn thu hút sự quan tâm cho các đối tượng ưa dịch chuyển”, ông Đặng Thanh Tùng nhận định.
Đã có rất nhiều chuyên trang du lịch uy tín thế giới (Lonely Planet, TripAdvisor, Couchsurfing…) áp dụng mô hình giới thiệu các điểm đến thông qua các bài viết chất lượng, trực tiếp gợi ý những cách thức đi du lịch, đặt tour hay vé máy bay sao cho hiệu quả nhất để du khách có thể lựa chọn. Ở Việt Nam, một số trang du lịch đạt lượng người theo dõi lớn bởi các chuyên mục giới thiệu về lịch sử văn hoá truyền thống, lịch sử lâu đời của Việt Nam thông qua những thước phim, ảnh đẹp như Amazing Vietnam, Vietravel, Khám phá di sản, Ivivu, Kkday, Phuot.vn… Đây cũng là cách để duy trì thông tin, quảng bá hình ảnh đến với du khách trong và ngoài nước.
Anna Khmelenina - một người Nga làm việc và sinh sống lâu năm tại Việt Nam cho hay, trong mùa dịch không đi được đâu, chị tranh thủ dành thời gian rảnh lên trang web du lịch tìm đọc, ghi chú những điều cần biết để có thể tự xây dựng lịch trình cho mỗi chuyến đi sau này. Chị cũng đánh giá, trang du lịch trực tuyến rất tiện lợi cho người thích lựa chọn du lịch tự túc, tự do khám phá như mình.
Tính hiệu quả cao
Xu hướng sử dụng công nghệ được đặc biệt chú trọng với tính hiệu quả trong công tác hỗ trợ phát triển ngành Du lịch Việt Nam trong tương lai gần. Việc sử dụng ứng dụng công nghệ sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, kích thích tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững. Ngoài ra, tính năng và công năng của các ứng dụng thông qua App trên điện thoại, máy tính được đánh giá là có lợi đối với các doanh nghiệp lữ hành trong việc tiết kiệm chi phí quảng cáo, tăng sự cảm nhận của khách hàng, dễ dàng liên kết các tour, bán hàng qua mạng, thanh toán trực tuyến…
Bên cạnh đó, cũng nhờ dịch bệnh COVID-19 mà một số doanh nghiệp bắt đầu thử nghiệm làm việc dưới hình thức online với tiêu chí đảm bảo tốt, đạt hiệu quả cao trong công tác. Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc HanoiRedtours nhìn nhận, dịch COVID-19 khiến tất cả đơn vị lữ hành, khách sạn là những ngành chịu sự tác động trực tiếp và sớm nhất. Việc triển khai làm việc online cũng là hoạt động kịp thời và cấp thiết, đồng thời cũng nhằm đảm bảo sự an toàn, sức khoẻ cho du khách, đối tác và cán bộ công nhân viên trong mùa dịch này. “Đây cũng là bước đệm để chúng tôi đánh giá, rà soát công tác chuẩn bị để tiến tới trở thành doanh nghiệp lữ hành 4.0”, ông Nguyễn Công Hoan khẳng định.
Còn ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch lại băn khoăn rằng, với nhiều doanh nghiệp của Việt Nam, để thành thạo làm việc theo mô hình kỹ thuật số, thích ứng nhanh trong cuộc Cách mạng 4.0 là điều hơi khó, bởi các trường đào tạo du lịch ở Việt Nam vẫn chưa chú ý tập trung dạy ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch. Ông cũng chỉ ra rằng, từ điều tra thực tế cho thấy, các cơ sở giáo dục chưa có hướng dẫn đầy đủ về marketing số, chưa biết tận dụng sức mạnh của mạng xã hội cũng như chưa bỏ thói quen dùng phương thức truyền thống.
Lựa chọn và ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển du lịch là xu hướng tất yếu, nhất là trong việc quảng bá hình ảnh, tạo lập thông tin, giới thiệu sản phẩm hấp dẫn, cung cấp dịch vụ chất lượng dành cho du khách nội địa và quốc tế. Đây cũng được xem là một cách làm thông minh của doanh nghiệp lữ hành khi phát huy tối đa hiệu quả trong việc sử dụng mạng lưới công nghệ số hỗ trợ trong công tác.
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng chia sẻ sự kỳ vọng việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển du lịch thông minh sẽ giúp ngành công nghiệp không khói của Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao, vươn xa và nhanh chóng hội nhập với thế giới.