Du lịch thông minh được xây dựng trên nền tảng của công nghệ thông tin - truyền thông và là một phần của đô thị thông minh. Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển du lịch theo hướng thông minh và bước đầu đã mang lại những kết quả thiết thực. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều những khó khăn trong phát triển du lịch thông minh. Vì vậy, nghiên cứu về phát triển du lịch thông minh, từ đó định hướng được một số giải pháp phát triển du lịch thông minh ở Đà Nẵng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay là việc làm cần thiết.
Thực trạng phát triển du lịch thông minh ở Đà Nẵng
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang chi phối một cách mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực, các quốc gia trên toàn thế giới, đã mang lại nguồn lợi to lớn. Ngành Du lịch Đà Nẵng cũng đang tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh như một giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Đà Nẵng vốn được biết đến như một thành phố du lịch “nhỏ gọn” nhưng chứa đầy những điều thú vị. Khám phá Đà Nẵng không quá tốn kém, cũng không quá cầu kỳ, bởi nét đẹp tự nhiên ở đây từ cảnh quan đến con người, ẩm thực, vốn đã mang trong mình những sức hút rất riêng. Đa số khách du lịch đến Đà Nẵng, đặc biệt là các bạn trẻ đều muốn trải nghiệm Đà Nẵng theo cách riêng mà không tham gia vào một chương trình tour cụ thể. Nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu và xu hướng “du lịch năng động, thông minh” đó, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng phối hợp với công ty TNHH MTV Gola đã xây dựng ứng dụng “Danang Fantasticity”, có thể tải về trên các hệ điều hành IOS và Android, với hai ngôn ngữ Việt – Anh. Đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore). Đà Nẵng cũng là địa phương đi đầu trong phát triển mô hình du lịch thông minh. Ngoài việc thường xuyên sử dụng các phương pháp marketing điện tử để quảng bá du lịch, Đà Nẵng đã xây dựng các hệ thống phần mềm, tiện ích hỗ trợ du khách như “Da Nang Tourism", “inDaNang”, “Go! Đà Nẵng,” “Da Nang Bus”.
Thành phố đã xây dựng thành công Hệ thống thông tin chính quyền điện tử, trong đó bao gồm một nền tảng ứng dụng trực tuyến cung cấp nhiều dịch vụ hữu ích cho người dân. Thành phố cũng đã xác định tiếp tục đầu tư mạnh vào chính quyền điện tử và cụ thể là vào thành phố thông minh. Vì vậy, công nghệ Chatbot chính là một lựa chọn tất yếu của Đà Nẵng. Một số cơ sở trên địa bàn Đà Nẵng đã từng bước ứng dụng công nghệ phục vụ khách du lịch trong việc hướng dẫn tham quan, đặt phòng, đặt tour… Mặc dù mới mẻ, nhưng những nền tảng bước đầu này hứa hẹn những bước phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Hiện nay ở Đà Nẵng, bên cạnh việc quảng bá du lịch trên các trang mạng xã hội nổi tiếng như Facebook, Twitter, Instagram thì việc phát triển các công nghệ thông minh trong du lịch sẽ là cầu nối đưa du khách đến với Đà Nẵng. Người dân và du khách có thể sử dụng các tiện ích từ ứng dụng thông minh của ngành Du lịch Đà Nẵng bất cứ lúc nào. Ứng dụng hoạt động liên tục 24/7 và thường xuyên được cập nhật các thông tin mới về các sự kiện văn hóa, du lịch tại thành phố và các vùng lân cận.
Đà Nẵng cùng với Singapore là những nơi triển khai ứng dụng thông minh Chatbot đầu tiên ở Đông Nam Á. Được triển khai từ tháng 11 năm 2017, Chatpot Đà Nẵng Fanstaticity là một nền tảng tin nhắn tự động cho phép người dùng đặt câu hỏi tra cứu về dữ liệu du lịch ở bất cứ nơi đâu, tại bất cứ thời gian nào. Người sử dụng có thể tra cứu tên khách sạn, nhà hàng, món ăn mà họ muốn tìm. Chatbot tự động đưa ra những thông tin hữu ích. Chatbot có tên đầy đủ là Chatbot Danang Fanstaticity do Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng hợp tác cùng Công ty Cổ phần Công nghệ Hekate xây dựng và phát triển xuất phát từ thực tế yêu cầu của du lịch thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sản phẩm hoàn toàn miễn phí, được tích hợp ngay trên nền tảng mạng xã hội Facebook và tương thích được với các điện thoại di động thông minh sử dụng hệ điều hành Android, IOS… có kết nối Internet thông qua 3G, Wifi. Người dân và du khách có thể tiếp cận Chatbot bằng thao tác đơn giản là quét mã Messenger Code hoặc truy cập link: m.me/visitdanang để tương tác và trải nghiệm. Chatbot được thiết kế như một khung chat tin nhắn bình thường, màn hình tương tác thân thiện và thông minh, không cần phải tải về máy. Ứng dụng cũng có thể giao tiếp được bằng 2 ngôn ngữ Anh - Việt góp phần hỗ trợ các du khách quốc tế đến Đà Nẵng.
Đà Nẵng và FPT đã ký hợp tác về xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018 – 2020 với nội dung: y tế và quản lý du lịch là hai lĩnh vực được ưu tiên phát triển bên cạnh giao thông, nông nghiệp, đào tạo tiếng Anh. Theo đó, trong lĩnh vực du lịch, hai bên sẽ phối hợp xây dựng hệ thống kiểm tra thông tin thẻ hướng dẫn viên, xe vận chuyển du lịch di động, tra cứu thông tin doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch đạt chuẩn, hệ thống thẻ du lịch thông minh... Phát triển du lịch thông minh được xem là một trong những trụ cột để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cả về chiều sâu và chiều rộng. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động và lan tỏa trên phạm vi rất rộng như hiện nay, các doanh nghiệp du lịch chính là những người hưởng lợi và cũng chịu áp lực cạnh tranh.
Giải pháp phát triển du lịch thông minh tại Đà Nẵng
Đà Nẵng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục để phát triển du lịch theo hướng thông minh. Nguồn nhân lực ngành du lịch, dịch vụ còn thiếu rất nhiều so với sự phát triển của ngành. Do đó, Đà Nẵng đã tiên phong trong việc chuyển đổi du lịch thông minh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Du lịch thông minh sẽ là nền tảng dữ liệu trực tuyến, kết nối các giải pháp, các tổ chức, các phương thức để có hình thức du lịch ngày một hấp dẫn và tiện lợi hơn cho du khách.
Để Du lịch Đà Nẵng thực sự trở thành trung tâm du lịch của khu vực miền Trung và cả nước, ngoài việc tiếp tục phát huy những thành quả đạt, trong thời gian tới, Du lịch Đà Nẵng tiếp tục cần sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố, cũng như của Trung ương, trong đó việc hình thành các cơ chế chính sách, nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược để xây dựng các sản phẩm mới chất lượng cao, nhất là giải trí, mua sắm, du lịch sinh thái, đầu tư phát triển hạ tầng... là rất quan trọng.
Để phát triển du lịch theo hướng thông minh trong thời gian tới, ngành Du lịch Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng việc tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, gìn giữ môi trường du lịch, phát triển du lịch theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch, làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường; bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đặc biệt sớm xử lý nguy cơ ô nhiễm môi trường biển; tạo môi trường đầu tư tốt cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Đặc biệt, cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, xác định "ngưỡng phát triển" của du lịch Đà Nẵng để xây dựng chiến lược phát triển bền vững, có chiều sâu và hiệu quả; hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các sản phẩm du lịch mới, khác biệt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch và có sức cạnh tranh cao nhằm xây dựng và giữ gìn thương hiệu du lịch Đà Nẵng.
Xây dựng "du lịch thông minh" (Smart Tourism), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý hoạt động du lịch; xúc tiến việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để tăng kinh phí đầu tư cho công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến Đà Nẵng và phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Tài liệu tham khảo: 1. Lan Dịu (2017), “Đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam”, https://baomoi.com. Cập nhật ngày 28/10/2017. 2. Prof. Dr. Angelina Njeguš, Introduction to e-Tourism (ppt), 2014 3. Tường Nghi, “Mắt xích” quan trọng trong phát triển du lịch 2018, trang 28, Tạp chí Vietnam Traveller, số tháng 1-2/2018 4. Vũ Thế Bình: “Ứng dụng Công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp du lịch” - Tạp chí Du lịch, số 1/2018, trang 38 5. Ministry of Tourism and Sports Thailand: The Second National Tourism Development Plan (2017 - 2021)… |
Thạc sỹ Lê Đức Thọ