Huyền ảo động Cửa Buồng xứ Thanh

Hệ thống hang động Cửa Buồng (Thanh Hóa) nằm trên hai dãy núi đá vôi Tượng Sơn và Kỳ Sơn, trong đó dãy Tượng Sơn có hình dáng như voi phục, đây cũng là nơi hoàng đế Quang Trung cắm cờ hiệu khi dừng chân.

 

Về thăm thị xã công nghiệp trẻ Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), du khách không thể bỏ qua động Cửa Buồng, một di tích lịch sử, thắng cảnh nổi tiếng của xứ Thanh. Động Cửa Buồng không chỉ có vẻ đẹp huyền bí mà còn ẩn chứa nhiều câu chuyện lịch sử ly kỳ, trong đó sự kiện hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ dừng chân trên đường tiến ra Bắc đại phá quân Thanh năm 1789.

Động cửa Buồng là một hệ thống hang động gồm các động Đào Nguyên, động Trình, động Người Xưa, động Cô Tiên và động Quang Trung tối linh, nằm trên địa phận phường Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn).

Ngoài ra, còn có suối Khởi Thủy – một con suối chả tử đỉnh cao xuống có dòng nước thanh mát và đặc biệt không bao giờ cạn, được ví như tinh thần quyết chiến quyết thắng của nghĩa quân Tây Sơn.

Đường đi lên động Cửa Buồng

Động đầu tiên khi tới thăm động Cửa Buồng là động Trình. Cửa động không quá cao nhưng du khách phải men theo lối mòn hàng trăm bậc đá. Động Trình có không gian khiêm tốn chỉ hơn 40m2, kín đáo, thâm nghiêm, đặc biệt mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông.

Phía trước cửa động có hai nhũ đá lớn như hai bức mành che cho lòng động.

Về cái tên động Trình, một số người dân địa phương cho biết: Tương truyền, lúc hoàng đế Quang Trung dừng chân đã chọn đây là nơi để hội họp quan tướng, bàn việc quân cơ. Các tướng thường xuyên tới yết kiến và tâu trình với hoàng đế về tình hình quân lương, tiếp nhận lính mới để chuẩn bị tiến quân ra thành Thăng Long dẹp giặc. Vì thế, có thể dựa trên việc “tâu trình” mà dân gian đã gọi nơi đây là động Trình.

Động Trình – động đầu tiên mà du khách sẽ được khám phá

Động Đào Nguyên nằm cách động Trình khoảng 400m, nối bởi một con hẻm dài. Ở giữa còn có một khu vực bằng phẳng, rộng rãi, người dân thường xuyên tổ chức lễ hội.

Động Đào Nguyên là động có nhiều nhũ đá tuyệt đẹp nhất, và có những con đường dài thông nhau trong động. Nhiều nhũ đá có hình như voi chầu, hổ phục, đại bàng tung cánh hay cả nhũ đá đức Phật ngồi uy nghiêm. Tiến sâu vào bên trong động lại bắt gặp động nhỏ hơn tạo thành một hệ thống.

 

Động Đào Nguyên có nhiều nhũ đá rất đẹp. Ảnh : Khánh Lộc

Ở trong các động đều có các ban thờ thần linh. Theo người dân địa phương, các ban thờ đã có từ xa xưa để thờ thần Cao Sơn và Cao Các – hai vị thần núi ngự trị, cai quản chốn non thiêng.

Di chuyển từ khu vực ngã ba động Đào Nguyên, du khách sẽ lách qua các khe núi khá hẹp để đi đến động Người Xưa ở phía bên phải, và động Cô Tiên nằm ở phía bên trái. Đây là hai động có nhiều cảnh đẹp, và có thể phóng tầm mắt quan sát được nhiều khung cảnh xung quanh.

Điểm đến cuối cùng là Quang Trung tối linh động. Để đến được động này, du khách phải băng qua một đoạn đường hiểm trở, gập ghềnh. Người dân địa phương cho biết, động Quang Trung là nơi mà hoàng đế Quang Trung đã lập đàn tế trời đất và cầu thần linh phù trợ, để quân Tây Sơn hành quân thần tốc ra Thăng Long, đánh đuổi 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Chuyện xưa kể lại, vào đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Thân 1788, tại vùng đất Bỉm Sơn, hoàng đế Quang Trung đã ra lệnh chia thành 5 đạo quân thần tốc tiến ra thành Thăng Long. Hoàng đế Quang Trung hẹn ba quân đúng ngày mùng 7 Tết nguyên đán Kỷ Dậu 1789 sẽ quét sạch quân Thanh ra khỏi Thăng Long, và quân Tây Sơn sẽ ăn tết ở thành Thăng Long. 

Những nhũ đá tự nhiên làm con người liên tưởng đến những cảnh vật khác nhau

Nhưng sớm hơn dự kiến, chỉ trong vòng 6 ngày, 5 cánh quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược. Và vào đúng trưa mùng 5 tết Kỷ Dậu, hoàng đế Quang Trung tiến vào thành Thăng Long trong sự hân hoan chào đón của nhân dân Bắc Hà...

Những năm gần đây, động Cửa Buồng thu hút nhiều khách du lịch hơn, một phần nhờ sự chăm lo, xây dựng và tôn tạo nhiều hạng mục trong di tích, một phần do công tác quảng bá hình ảnh của địa phương. Động Cửa Buồng được công nhận là di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia vào năm 1993.

Một ban thờ thần trong động. Ảnh: Khánh Lộc

Động Cửa Buồng nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 120km về hướng nam. Để di chuyển đến tham quan động Cửa Buồng, du khách đi từ hướng Hà Nội theo quốc lộ 1A đến địa phận phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn thì rẽ tay trái vào đường Lý Nhân Tông, đi khoảng 3km nữa là sẽ đến khu di tích lịch sử danh thắng động Cửa Buồng. 

Một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp

Nguyễn Văn Công

Tạp chí Du lịch TP. Hồ Chí Minh - tcdulichtphcm.vn - Đăng ngày 05/4/2023

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam