Để du lịch tâm linh là điểm nhấn của du lịch Hà Tĩnh

Nằm ở cửa ngõ Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử cách mạng với những giá trị văn hóa dân gian, tín ngưỡng, nét ẩm thực đặc sắc luôn được bảo tồn và phát triển. Hà Tĩnh đang chú trọng phát triển các loại hình du lịch về lịch sử - văn hóa, sinh thái, lễ hội, biển đảo, nghỉ dưỡng, trong đó du lịch tâm linh sẽ là điểm nhấn của du lịch Hà Tĩnh.

Đầu tư, tôn tạo nhiều điểm đến du lịch tâm linh

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hà Tĩnh Lê Trần Sáng cho biết, với lợi thế có nhiều di sản văn hóa (DSVH) vật thể và phi vật thể, Hà Tĩnh đã và đang đẩy mạnh khai thác du lịch tâm linh, gắn với du lịch nghỉ dưỡng. Song song với đó là đầu tư, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tâm linh, bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể gắn với điểm du lịch tâm linh. Thông qua một số loại hình như du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, kết hợp du lịch văn hóa tại khu du lịch nước suối nóng Kim Sơn, gắn với quần thể khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông; hình thành các tour du lịch tham quan, chiêm bái, hành lễ tại Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, chùa Hương Tích, Khu di tích cách mạng Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Lý Tự Trọng, Ngã ba Đồng Lộc, Khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông, đền Chợ Củi, đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, đền Lê Khôi, đền Võ Miếu, chùa Thiên Tượng, chùa Hang; kết hợp nghỉ dưỡng tại khu du lịch Thiên Cầm, Xuân Thành, Vinpearl Cửa Sót, Resort Quỳnh Viên, C-resort Kỳ Xuân… Ngoài ra, các giá trị DSVH phi vật thể như: dân ca ví, giặm, ca trù, trò Kiều, mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa Sứ Trình đồ đã được đưa vào phục vụ du lịch. “Các điểm đến du lịch tâm linh, tưởng niệm ở Hà Tĩnh thời gian qua có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước. Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh, có sự tham gia của các doanh nghiệp, nên các điểm đến, di tích đã có nhiều đổi thay, tiêu biểu như chùa Hương Tích, ngã ba Đồng Lộc… tạo điều kiện thuận lợi cho du khách gần xa về dâng hương, tưởng niệm”, ông Sáng cho hay.

Du khách tham quan chùa Hương Tích, Hà Tĩnh
Du khách tham quan chùa Hương Tích, Hà Tĩnh

Trưởng Ban quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích Võ Thành Chung cho biết, chùa Hương Tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là di tích Văn hóa - Thắng cảnh cấp quốc gia năm 1990, là chốn linh thiêng và là 1 trong 21 thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất của nước Nam xưa, hàng năm thu hút trên 15 vạn lượt du khách. Đến nay, diện mạo của di tích văn hóa - thắng cảnh chùa Hương Tích ngày càng đổi thay, nhưng các giá trị DSVH vẫn được bảo tồn, lưu giữ và phát huy hiệu quả. Dự án nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng, nâng cấp hạ tầng và cải thiện môi trường khu du lịch chùa Hương Tích đã hoàn thiện cơ bản hạ tầng, cơ sở thiết yếu. Các loại hình dịch vụ cũng được đầu tư đi vào khai thác như hệ thống cáp treo, thuyền máy, xe điện, góp phần nâng cao tiện nghi phục vụ khách du lịch.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và du lịch Hồng Lĩnh (HIDT) Đỗ Trọng Khoa cho biết, du khách trải nghiệm chùa Hương Tích tuyến 1 sẽ ngồi thuyền trên hồ Nhà Đường khoảng 2km, đi bộ tiếp khoảng 2km đến khu vực cáp treo; tuyến thứ 2 là trải nghiệm bằng đường bộ 5km; tuyến thứ 3 đi bằng xe điện với tổng chiều dài 4,5km. Năm 2010, Công ty HIDT đã đầu tư xây dựng tuyến cáp treo trị giá 150 tỷ đồng và đưa vào hoạt động từ năm 2012. “Kể từ khi hệ thống cáp treo được đưa vào sử dụng, hàng năm có từ 75% đến 80% khách tham quan chùa Hương Tích sử dụng cáp treo. Hệ thống cáp treo không chỉ giúp cho du khách thuận lợi trong việc di chuyển mà còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân tại địa phương” - ông Khoa chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Thành Sen (Thành Sen) Nguyễn Tiến Trình cho biết, kể từ sau khi du lịch Việt Nam mở của đón khách trở lại 15/3/2022, Thành Sen đã xây dựng nhiều chương trình du lịch đa dạng, lấy chùa Hương Tích làm điểm nhấn để thu hút khách du lịch toàn quốc và du khách đến từ Lào, Thái Lan về với Hà Tĩnh. Ngoài trải nghiệm du lịch tâm linh, du khách còn được khám phá, trải nghiệm ở các khu, điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Tĩnh cùng nét ẩm thực độc đáo của mảnh đất Hà Tĩnh.

Cần nhiều giải pháp để phát triển

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp lữ hành khu vực phía Bắc, Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng để có thể xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa, biển đảo, nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch tâm linh. Những điểm đến như chùa Hương Tích, chùa Hang, đền Củi (đền ông Hoàng Mười), đền bà Nguyễn Thị Bích Châu, khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, ngã ba Đồng Lộc… hàng năm luôn thu hút rất đông du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, hành lễ, dâng hương, tưởng niệm, tạo điểm nhấn cho du lịch Hà Tĩnh. Tuy nhiên, ở những điểm đến này, vẫn cần tăng cường đầu tư các quầy thông tin, bán đồ lưu niệm, các gian hàng giới thiệu sản phẩm địa phương; đầu tư các khu vệ sinh dành cho khách, thùng rác, biển chỉ dẫn dọc theo tuyến đường đi…

Du khách tham quan khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du
Du khách tham quan khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du

Có ý kiến cho rằng, Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch, tuy nhiên vẫn chưa có sản phẩm độc đáo, hấp dẫn. Sự kết nối du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh với các loại hình du lịch khác ở Hà Tĩnh cũng như kết nối Hà Tĩnh với các địa phương khác trong vùng, đặc biệt là kết nối liền con đường di sản miền Trung vẫn còn rời rạc, chưa hiệu quả. Tính liên kết trong các sản phẩm du lịch chưa cao; chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm tại điểm đến, chưa tạo sự hấp dẫn đối với du khách.

Ông Đỗ Trọng Khoa cho biết, do tình hình dịch bệnh thời gian qua, cùng với việc cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ, nên lượng du khách đến với chùa Hương Tích đang có sự sụt giảm. Công tác phối hợp giữa các đơn vị dịch vụ trong khu du lịch và cơ quan quản lý chưa đồng bộ, thống nhất, còn chồng chéo, thiếu sự chuyên nghiệp. “Ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương để có cơ chế ưu tiên, chính sách phù hợp. Qua đó, định hướng trong công tác quản lý, đầu tư khai thác, phát triển du lịch, dịch vụ, tạo thuận lợi trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp” - ông Đỗ Trọng Khoa kiến nghị.

Ông Nguyễn Tiến Trình cũng cho biết, Hà Tĩnh đã xây dựng chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đề ra bảy giải pháp, xác định rõ hai sản phẩm du lịch chủ lực để tập trung đầu tư, khai thác: du lịch biển gắn với nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, tâm linh. “Để du lịch tâm linh Hà Tĩnh phát triển, cần nhận rõ thế mạnh của du lịch tâm linh. Cần khắc phục những hạn chế, tồn tại, bấp cập; tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực - nhất là nhân lực tại các điểm đến - thân thiện, văn minh, tâm huyết với di sản của mình. Tăng cường liên kết địa phương trong tỉnh, liên kết vùng; có chính sách hỗ trợ, ưu tiên đối với các đơn vị lữ hành đưa khách về Hà Tĩnh. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về những thế mạnh của du lịch tâm linh Hà Tĩnh đối với du khách gần xa” - ông Trình nhấn mạnh.

Tuấn Hải

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam