Dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức (thường được gọi là nhà Vương) là một điểm đến không thể bỏ qua khi đến Hà Giang. Khuôn viên dinh thự với diện tích gần 3.000 m2, tọa lạc trên địa thế phong thủy tuyệt đẹp giữa thung lũng Sà Phìn, phía trước được che chắn, phía sau có chỗ dựa, bao quanh là núi hình cánh cung. Dinh thự được khởi công và hoàn thành trong 9 năm (1919 – 1928) với số tiền là 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương.
Hơn một thế kỷ trước, với nghề trồng và buôn thuốc phiện, Vương Chính Đức (1865 – 1947) đã thống lĩnh toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn tại Hà Giang và được bà con gọi là vua Mèo.
Trước khi khởi công xây dựng dinh thự kiêm pháo đài của dòng họ, Vương Chính Đức đã sang Trung Quốc mời thầy địa lý cao tay sang chọn địa thế đất. Qua nhiều ngày tìm kiếm trong khu vực rộng lớn thuộc quyền cai quản của vua Mèo, cuối cùng, thầy địa lý quyết định chọn thung lũng Sà Phìn là nơi đặt “đại bản doanh” của dòng họ Vương.
Ở đây có một khối đất nổi lên cao như hình mu con rùa, phía trước được che chắn, phía sau có chỗ dựa, bao quanh là dãy núi hình cánh cung. Thầy phong thủy cho rằng, đây là nơi “tụ khí tàng long”, làm dinh thự trên địa thế này không những “vượng” (giàu sang phú quý) mà còn hết sức “an” (an toàn) .
Dinh thự vua Mèo có sự giao thoa của phong cách kiến trúc từ 3 nền văn hóa: Trung Quốc, người Mông và Pháp. Toàn bộ khu dinh thự do một người thợ quê gốc Nam Định thiết kế và hoàn toàn do đồng bào người Mông làm thủ công.
Ngôi nhà có 4 nhà ngang, 6 nhà dọc, được chia thành tiền dinh, trung dinh và hậu dinh với 64 buồng được xây 2 tầng tường bằng đá xanh, mái vách bằng gỗ thông và ngói làm từ đất nung.
Khu Tiền dinh là nơi ở của lính canh, lính hộ vệ và người hầu. Trung dinh và Hậu dinh là nơi ở, làm việc của thành viên trong gia tộc họ Vương.
Trên các tháp canh có cất giữ súng và có các lỗ châu mai để đối phó với kẻ thù. Tuy nhiên, thời đó người Pháp mới chỉ đánh chiếm khu Đồng Văn, Quản Bạ, chưa xâm nhập đến khu vực vua Mèo cai quản.
Năm 1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử người sang Sà Phìn để giác ngộ ông Vương Chính Đức đi theo cách mạng. Do tuổi cao nên Vương Chính Đức đã cử con trai là Vương Chí Sình về Hà Nội gặp Hồ Chủ tịch.
Giữ lời hứa bảo vệ mảnh đất Đồng Văn, Vương Chí Sình đã quyết tâm bảo vệ vùng đất này. Sau đó, ông là chủ tịch huyện Đồng Văn và tham gia đại biểu quốc hội khóa 1.
Ông Vương Chí Sình cũng đã góp nhiều công sức, tiền của cho cách mạng, năm 1946, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cũng là lúc ngân khố quốc gia cạn kiệt. Ông Vương Chí Sình đã ủng hộ chính phủ 2,2 triệu đồng bạc hoa xòe và 7 kg vàng...
Ngày 23/7/1993, khu dinh thự đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào hạng di tích quốc gia. Nhà Vương là một điểm tham quan hấp dẫn đang ngày càng trở nên thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.