Người miền xuôi khi nhắc đến Tây Nguyên thường mường tượng rằng, đây là xứ sở chỉ có rừng và núi... Tuy nhiên, cũng từ vùng đất này người ta đã tìm ra thật nhiều đặc sản xuất xứ từ tự nhiên như: Trầm, Nấm linh chi, mật ong rừng.... Du khách muốn thử “Đặc sản Tây Nguyên” phải đến đúng dịp, vì đặc sản nơi đây được người dân quen thuộc gọi là mùa: mùa ong mật, mùa Xoay, mùa lấy lá Kim tuyến...
Thợ săn nhiều khi phải qua những sườn núi cheo leo
Lao vào trận tập kích
Trăm hoa đua nở và cũng như bao miền đất khác, núi rừng Tây Nguyên đang độ Xuân về. Thời tiết mùa này ở Tây Nguyên có khí trời se lạnh, do khí hậu đặc biệt của miền núi cao - có nơi cao trên 1.500m so với mực nước biển như ở Đà Lạt. Những người không quen, có cảm giác lạnh, phải khoác thêm áo thật dày. Đến Tây Nguyên mùa này, vào các thôn xóm buôn làng, du khách nhìn tận mắt và có cảm giác như nghe những ca từ rộn ràng: “Tháng Ba mùa con ong đi lấy mật...” trong ca khúc “Tháng Ba Tây Nguyên” quen thuộc. Có lẽ cũng từ ca khúc này, người ta có thêm biểu tượng của đất trời mùa Xuân, hình ảnh những chú ong rừng như ẩn, như hiện đi lấy mật gợi cho ta có cảm giác tò mò khó tả...
Trên những cánh rừng đại ngàn ở Tây Nguyên, huyện Kbang (Gia Lai) mùa này trăm hoa đua nở, quyến rũ ong rừng từ bốn phương kéo về hút mật thỏa thích. Như đến hẹn lại lên, đây là mùa rộn ràng đi lấy mật ong rừng, một nghề mưu sinh truyền thống của bà con dân tộc Bana cũng như nhiều người khác ở Gia Lai nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung. Sáng sớm, khi sương mây còn quấn quýt trên những dãy núi cao, từng đám thợ rừng đã bắt đầu lục đục rời làng: chân quấn xà cạp, vai mang gùi có áo mưa và dụng cụ tiến vào đại ngàn Tây Nguyên để mưu sinh bằng nghề lấy mật ong rừng.
Theo chân những thợ rừng, chúng tôi lầm lũi cắt qua những con đường rừng mà chỉ những người thợ rừng mới quen đường dắt lối được. Lội qua con suối lổm nhổm đá, bám dây leo chằng chịt xuyên rừng, rồi lại lang thang trên sườn đại ngàn, theo dấu vết của một đám ong đang hút nhuỵ hoa. Hơn 30 phút “bám đuôi”, chúng tôi thấy lũ ong bay vòng vo lên một thân cây cao vút, tổ của chúng nằm lửng lơ trên đó. Theo một thợ rừng người Bana có kinh nghiệm thì để bắt được 1 tổ ong rừng cần phải có tổ đội ít nhất là 2 người trở lên. Bởi, những cây rừng mà bầy ong chọn làm tổ thường có chiều cao từ 30 - 40m trở lên.
Muốn săn được ong rừng ở độ cao đó thợ rừng phải “ken” để lên cây, “ken” là cách gọi của người đồng bào ở đây để trèo lên những cây có độ cao tầm từ 20 – 30m trở lên. Theo đó, người ta chặt một cây phụ, dùng dây leo bền chắc, cột cây phụ ốp vào thân cây muốn trèo, cứ mỗi đoạn thợ rừng lại phải dùng dây leo cột thân cây phụ vào cây muốn trèo để lên cây. Chúng ta có thể tưởng tượng như họ làm thang bằng dây để trèo.
Từng đám ong rừng cứ nhộn nhịp vào ra. Một thợ rừng người Bana chuẩn bị áo mưa mặc kín người, có nón che kín mặt. Loáng một cái, thợ rừng nhanh như sóc, bám lấy cây phụ mà lên. Anh mang theo bó đuốc lên gần đến tổ thì đốt khói um tùm, cay xè. Đàn ong không chịu được bay túa ra tán loạn. Bị xâm phạm nơi trú ngụ, chúng trở nên hung dữ, nhiều con lao cả vào lửa khói để chích kẻ đốt mình cứ y như là một trận tập kích dữ dội. Thợ rừng người Bana cắn răng chịu đau, một mình chiến đấu với lũ ong bằng cách treo mình trên cây, hua bó đuốc liên hồi. Cuối cùng lũ ong phải chịu thua, rút lui. Chỉ vài thao tác, thợ rừng đã đỡ được cả tổ ong sực nức mùi thơm của mật xuống gốc cây.
Thợ săn nhiều khi phải qua những sườn núi cheo leo
Anh nhăn nhó vén áo, nhiều vết cắn đỏ tấy của ong rừng còn nguyên dấu. Thợ rừng vắt từng khối sáp, dòng mật đặc quánh thơm phức chảy vào xô nhựa. Tôi đưa lên miệng thử một tí hương vị của rừng, thấy ngọt râm ran nơi đầu lưỡi. Trưa hôm đó, chúng tôi được những thợ rừng chiêu đãi chầu ong non (nằm trong sáp ong) chấm với mật ong. Gia chủ bày cả tảng ong non trên chiếc mâm đồng và mấy bát mật ong vàng ươm sóng sánh. Tôi cắt từng tầng ong non ra chấm với mật ong rừng, vị ngọt của mật, vị béo của ong non mang đến cảm giác thật khó tả.
Mừng nhưng…
Ông Ba Phong, một già làng huyện Kbang hồ hởi: “Người Bana ta từ bé đến già, vào mùa mật ai cũng được ăn thứ ong non, uống mật ong nguyên chất nên “kháng” được nhiều loại bệnh tật như trị mụn nhọt, sâu răng, viêm loét dạ dày, chống những cơn sốt rét rừng dai dẳng, tăng cường sinh lực… Trai làng ở thôn bản, ai nấy đều rắn rỏi, nhiều già làng tuổi cao nhưng đôi mắt vẫn còn tinh nhanh, giọng nói rền vang như gió đại ngàn”.
Chớm mùa ong mật, nhiều thợ rừng Tây Nguyên đã “trúng” những tổ lớn, có khi vắt được 5 - 6 lít mật. Họ gánh nguyên cả tổ về, vắt mật rồi lại chia sẻ ong non để mọi người trong làng đều được hưởng lộc. Anh Đinh A Nghinh, người Bana Kbang nói: “Nghề săn mật ong rừng giúp người Bana vượt qua rất nhiều khó khăn, mỗi ngày vào mùa đi lấy mật ong rừng người dân có thể lời khoảng 500 - 700 ngàn đồng. Riêng bản thân anh nhờ mật ong rừng nên đã góp tiền thêm để sửa được nhà cửa, mua ti vi, cải thiện cuộc sống gia đình…”.
Từ lâu mật ong rừng đã trở thành đặc sản nổi tiếng ở những nơi có rừng núi. Hiện nay, mật ong rừng Tây Nguyên là một đặc sản có giá trị ngày càng cao, ngày càng hiếm vì khả năng khai thác rừng của con người không được kiểm soát một cách hợp lý, nơi sinh sống của loài ong bị thu hẹp dần.
Đến Tây Nguyên trong những năm gần đây, đặc biệt là vào các buôn làng, người ta không còn dễ dàng được thấy những con ong quanh quẩn tìm hoa hút mật như trước kia nữa. Hơn nữa mỗi lít mật ong rừng chính hiệu có xuất xứ trên thị trường hiện nay đều có thể đại diện cho sự “xoá sổ” của một tổ ong rừng.
Cách khai thác mật ong rừng truyền thống của người đồng bào miền núi Tây Nguyên là “diệt sạch”, lấy tất cả những thứ có từ tổ ong. Những thứ có lợi cho con người đều được tận dụng triệt để như: con ong dùng ngâm rượu, sáp ong dùng làm nến, nhộng ong làm đồ ăn và mật ong là thứ có giá trị nhất. Ngoài ra, cũng bởi vì ngày càng hiếm, cung không đủ cầu nên người tiêu dùng có nhu cầu tìm mua mật ong rừng trên thị trường băn khoăn vì sợ mua phải mật ong giả.
Ông Ba Phong cho biết: “Mùa có mật ong rừng trong những năm gần đây không còn nhiều như trước, người trong thôn muốn lấy được mật ong rừng phải tìm cách đi xa hơn, sâu vào trong rừng, nhưng như thế rất mạo hiểm vì phải ở trong rừng qua đêm...”.
Từ những thực trạng về môi trường tự nhiên của rừng núi bị xâm hại quá mức thật không quá khó để nhận thấy rằng, nếu người Tây Nguyên không biết cách bảo vệ rừng, hạn chế những yếu tố làm rừng kiệt quệ thì chẳng bao lâu nữa hình ảnh về "con ong đi lấy mật", "mùa Xuân đi lấy mật ở Tây Nguyên" sẽ chỉ còn trong quá khứ.
Nguồn: Báo Du lịch