Hưng Yên: Mùi thời gian theo từng bước chân

Tôi đặt chân đến Hưng Yên vào một ngày cuối thu, khi những tia nắng đầu tiên nhẹ nhàng xuyên qua từng tán lá, mang theo hơi lạnh của giọt sương sớm phả vào da thịt. Hít một hơi sớm thu thật dài, tôi chợt nhận ra hơi thở của Hưng Yên chẳng hề giống với bất kỳ nơi đâu tôi đã từng đến, nó có gì thật trầm tư, tĩnh lặng nhưng lại ẩn chứa trong đó cả một bầu trời bí ẩn cần được khám phá.

Hưng Yên? Sự thắc mắc bất chợt nảy ra trong đầu khi tôi biết được ngày hôm sau, tôi sẽ dành trọn 2 ngày ở mảnh đất này. Vội vàng tìm kiếm vài thông tin về nơi đây, tôi biết được Hưng Yên là vùng đồng bằng phù sa cổ, nằm ở khu vực trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, ngay sát với Thủ đô Hà Nội. Vùng đất này sở hữu tới hơn 1.800 di tích lịch sử, hàng ngàn tài liệu, cổ vật có giá trị và hơn 400 lễ hội truyền thống. Không chỉ vậy, Hưng Yên còn là quê hương của các làng nghề truyền thống, rồi cũng là nơi lưu trữ kho tàng văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc. Trang bị cho mình những thông tin nhỏ như vậy, tôi yên tâm tạm biệt Hà Nội ồn ào để đến mảnh đất Hưng Yên, nơi chứa đựng những mùi vị vừa thân quen nhưng cũng thật lạ lẫm.

Nơi thời gian lắng đọng

Có ai biết được rằng thời gian cũng có cái mùi riêng của nó không? Hưng Yên hiện lên trong tôi cái mùi cổ kính của hương trầm quyện với gỗ cổ thụ thơm dịu khiến tâm hồn chợt thấy nhẹ bẫng. Là hương thơm của sự quyến luyến hàng trăm năm vương vấn trên từng mái nhà, từng con đường, từng hàng cây, ngọn cỏ và cả từng bước chân của người dân xứ này.

Cái tính tò mò bất chợt trỗi dậy khi tôi muốn ghé thăm chùa Thái Lạc, một trong 3 ngôi chùa cổ nhất với kiến trúc bằng gỗ còn sót lại tại Việt Nam. Tôi muốn xem, tại đất nước nổi tiếng với nền văn hoá Phật giáo và hàng trăm kiến trúc chùa chiền độc đáo thì điều gì đã làm nên nét riêng biệt trong ngôi chùa nổi tiếng này? Chùa Thái Lạc hay còn được biết với cái tên Pháp Vân Tự tọa lạc tại xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm là nơi thờ Phật và thờ bà Pháp Vân (tức thần Mây). Được xây dựng từ thời nhà Trần theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc”, cả ngôi chùa được bao bọc bởi mùi của gỗ tự nhiên đã nhuốm màu thời gian. Ngôi chùa đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2018 nên khi đặt chân tới đây, tôi không khỏi ngạc nhiên và khâm phục con mắt tinh tường cũng như bàn tay khéo léo của người xưa khi tạo nên công trình độc đáo này. Nơi đây không mang vẻ nguy nga, tráng lệ nhưng lại gợi lên trong lòng con người ta chút bồi hồi xao xuyến về quá khứ. Từng vết nứt trên cột gỗ như đang kể một câu chuyện về lịch sử văn hoá của dân tộc ta. Mùi của gỗ xưa quyện với trầm hương như đang đưa con người trở về thời quá khứ, về với ngày mà các bức phù điêu gỗ kia chưa bị bạc đi bởi thời gian. Tất cả làm cho ta say mà lạc cả lối tìm về hiện tại.

Di vật quý giá nhất tại chùa Thái Lạc phải kể đến 20 bức phù điêu gỗ thời Trần còn lại trong di tích. Mỗi tấm lại mang một chủ đề, một câu chuyện nhưng với riêng tôi, ngắm nhìn tấm phù điêu khắc họa hình ảnh các nàng tiên nữ cưỡi phượng, thổi sáo rồi chơi đàn khiến bản thân như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh hư hư ảo ảo.

Thời gian tôi nán lại chùa Thái Lạc không nhiều nhưng cũng đủ để cảm nhận nét hoài cổ thiêng liêng của mảnh đất Hưng Yên. Bao đời nay vẫn vậy, chùa Thái Lạc vẫn là nơi người dân lui tới tìm kiếm sự yên bình sâu thẳm trong tâm hồn, để cảm nhận cuộc sống bình dị thân thương và cũng để hít hà cái mùi vị của thời gian như lắng đọng chốn này.

Hương dược liệu quẩn quanh khắp chốn

Đã từ rất lâu người dân cả trong và ngoài tỉnh Hưng Yên biết tới Nghĩa Trai như một “vựa dược liệu” phong phú. Từ những loại dược liệu bình dân như: tía tô, kinh giới, mã đề… đến nhiều loại thuốc quý như: cúc hoa, kim tiền thảo, hoắc hương… Quanh năm, chỉ cần ghé chân vào đầu làng, bạn chắc hẳn sẽ cảm nhận được ngay mùi thơm dễ chịu của thảo dược. Từ mảnh đất đầu làng, đất ruộng đến những khoảng đất nhỏ bé ven đường, đâu đâu cũng là những cây dược liệu xanh tốt.

Bên chén trà toả mùi hoa thơm, người dân nơi đây tâm sự với tôi rằng: “Cây dược liệu thực sự trở thành tâm huyết của những người trong làng, là cái nhân, cái đức của người làm nghề. Ở Nghĩa Trai từ người già đến lớp trẻ ai cũng thuộc từng loại thuốc, hiểu rõ công dụng từng cây nhưng không phải gia đình nào cũng hành nghề y”. Không chỉ trồng, chế biến và buôn bán dược liệu, Nghĩa Trai còn nổi tiếng về kê đơn bốc thuốc, chẩn trị bệnh theo y học cổ truyền. Nghề bốc thuốc chữa bệnh của làng đã qua bao thế hệ mà không bị mai một, từng bài thuốc dân gian còn được gìn giữ, cha truyền con nối cho tới ngày nay. Cũng bởi vậy mà tôi thấy người dân trong làng rất ít bệnh tật, hiếm gặp người mắc bệnh nan y, những cụ ông, cụ bà dù tuổi đã cao mà vẫn khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào.

Tôi tạm biệt làng dược liệu Nghĩa Trai nhưng trong lòng cứ vẩn vương từng lời dõng dạc và thành kính của bác trưởng làng về hai câu đối được khắc tại đình: “Thần bút áng tiền dâng khoa bảng - Thánh ý truyền hậu thế lưu danh”. Nó có nghĩa là dù đi xa hay gần, người con của làng Nghĩa Trang cũng phải tới đây để cúng bái tổ tiên, để mùi thơm của dược liệu, của gốc gác, quê hương không bao giờ phai trong mỗi người dân.

Hưng Yên mộc mạc và cổ kính

Tôi coi chuyến đi này là một cái “duyên” khi chọn đến với làng Nôm chứ không phải phố Hiến nổi tiếng tại Hưng Yên. Cũng bởi trong một ngày ngắn ngủi này, tôi thật sự muốn được trốn đi đến một nơi thật lạ, thật ít người biết đến để chìm đắm trong thế giới của riêng mình.

Làng cổ Đại Đồng hay còn gọi là làng Nôm hiện ra trong tôi với mùi rêu phong cổ kính. Nếu nói về làng cổ, nơi đây lưu giữ rất nhiều công trình với hàng trăm năm tuổi hoàn toàn có thể sánh ngang với làng cổ Đường Lâm.

Bước qua cổng làng uy nghi, dưới bóng đa cổ thụ, trải bước trên con đường gạch có niên đại hơn 100 năm, khung cảnh ngôi làng bao trùm bởi sự hoài cổ, nét văn hoá và kiến trúc thuần Việt tạo nên bức tranh thủy mặc lay động lòng người. Làng Nôm đẹp, đẹp theo cái vẻ mộc mạc, yên bình và có phần hơi trầm buồn.

Điều trân quý nhất ở làng Đại Đồng chính ở từng hơi thở tại đây đều phản chiếu hình ảnh của làng quê bình dị trước kia với kiến trúc cổ xưa, văn hóa truyền thống cho tới mỗi con người, tất cả đều vẹn nguyên như vậy chẳng đổi thay. Về đây, người ta có cảm giác như cả trăm năm qua chỉ như một giấc mộng ngắn ngủi, nếu có đổi thay cũng chỉ là những nếp gấp với nhiều sắc màu khác nhau.

Một địa điểm hấp dẫn khác tại làng Nôm là chùa Nôm (Linh thông cổ tự). Chùa Nôm có kiến trúc Á Đông đậm nét, điển hình của một ngôi chùa cổ Việt Nam, lưu giữ hơn 100 pho tượng đất nung, điêu khắc tinh xảo. Ngôi chùa thấm nhuần nét cổ kính xưa không chỉ mang kiến trúc khiến tôi đắm say mà hơn thế, tôi yêu cái sự linh thiêng nhưng dung dị, an yên nơi cửa Phật này.

Dưới bóng đa cổ thụ, thả bước trên con đường gạch có niên đại còn nhiều hơn cả vòng đời của mình, tôi như thả hồn vào ngôi đình Tam Giang, chiếc cầu đá xanh chín nhịp khắc hình đầu rồng, những ngôi nhà điểm đậm chất văn hoá Việt của các dòng họ lớn… Vỏn vẹn 2 ngày tại Hưng Yên thôi nhưng sao tôi cảm giác như mọi khái niệm thời gian đều ngừng lại, trong không gian tĩnh lặng ấy chỉ có mình tôi với những ngôi nhà cổ. Như thân mà lạ, giơ chiếc máy ảnh lên, chụp, cảm giác mọi điều đều được nắm giữ trong bàn tay.

Theo Tạp chí Wanderlust Tips

 

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam