Cao Bằng: Bản hòa tấu tráng lệ miền sơn cước

Ca dao xưa có câu “Nàng về nuôi cái cùng con, để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Chẳng hiểu từ lúc nào, từng vần chữ ấy ngấm vào người, thôi thúc tôi lên đường chu du vùng đất nơi địa đầu tổ quốc này. Để rồi, tôi ngẩn ngơ giữa đất trời, lắng nghe từng âm thanh của núi rừng.

Nhắc đến Cao Bằng, đã có quá nhiều bài viết, bài giới thiệu về những danh thắng nổi tiếng nơi đây nhưng với bản tính tò mò, muốn được tự mình chinh phục và tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của Cao Bằng. Rời xa nơi phố thị ồn ào, khói bụi, Cao Bằng tiếp đón tôi với một bầu không khí trong lành cùng chút gió se se lạnh của những ngày đầu đông. Và cảm giác thoải mái ấy đã đưa tôi vào một hành trình tuyệt vời mà không gì có thể diễn tả được.

Cao Bằng - Âm thanh hào hùng của lịch sử

Nằm ở địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng chừng 52km theo hướng Bắc, tôi dừng chân tại Khu di tích lịch sử Pác Pó. Nhắc đến Pác Bó - hai tiếng gọi này ngân lên khiến hình ảnh về chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cùng những câu thơ nổi tiếng lại ùa về trong tâm thức:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang,

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

Đứng tại Pác Bó và ngẫm lại những câu thơ này mới thấy, nơi đây như mang cả hơi thở gắn liền với một người làm cách mạng. Có sự chông chênh, có nguy hiểm, có cả những thiếu thốn ấy thế mà vẫn vô cùng ung dung, tự tại. Cảm nhận của tôi về Pác Bó cũng vậy. Không những được lắng nghe âm vang hào hùng của quá khứ, cảnh sắc thiên nhiên Cao Bằng khiến tôi như muốn thả trôi mọi bộn bề lo âu. Những vách đá sừng sững, những con suối róc rách tỉ tê, những lòng hồ miên man màu nước tựa trời thu cùng rừng cây xanh ngát đổi màu theo mùa khiến khung cảnh nơi đây đẹp đến mức chẳng thể thốt thành lời.

Tôi không thể rời mắt được khỏi vẻ đẹp hùng vĩ của hang Cốc Bó, hang Bo Bam rồi đến suối Nậm, suối Các Mác… nhưng lưu luyến nhất vẫn là suối Lê Nin. Dòng suối hiền hòa, dịu êm như rất biết cách níu chân khách đường xa. Bên dưới nước là bờ đá nằm ngổn ngang phủ đầy rêu phong, nơi ngày xưa Bác Hồ từng ngồi câu cá. Chạm tay vào làn nước cảm nhận hơi mát, khẽ nhìn đàn cá tung tăng bơi lội, nghe tiếng chim thi thoảng cất lên cũng đủ khiến tâm hồn tôi say mê mảnh đất huyền sử này.

Cao trào của bản hòa tấu nơi mắt thần núi

Từ tỉnh lộ rẽ phải vào hồ Thang Hen đến xóm Bản Danh, tiếp tục rẽ vào con đường mòn dưới chân núi khoảng 1.5km, tôi dừng chân tại núi Mắt Thần - thác Nặm Trá. Đứng nhìn từ đỉnh núi, tôi như bị hớp hồn bởi cảnh sắc hồ Nặm Trá rộng tới 15ha đã cạn nước, một thảm cỏ xanh bạt ngàn được bao quanh bởi những ngọn núi. Phía dưới nữa là những nương ngô uốn lượn nhẹ nhàng, tạo nên vẻ đẹp “sơn thủy hữu tình”. Và điều đặc biệt nhất, chiếm trọn trái tim tôi chính là ngọn núi Phja Piót. Theo tiếng Tày, Phja Piót có nghĩa là núi thủng bởi không biết thiên nhiên vô tình hay cố ý mà để lại trên ngọn núi ấy một khoảng lớn thông qua mặt sau. Càng ấn tượng hơn khi chúng lại có hình bầu dục lớn tựa như con mắt, có thể nhìn rõ được từ bờ bên này sang phía kia núi.

Và thế là cái tên ấn tượng núi Mắt Thần được ra đời từ đó. Nét độc đáo của núi Mắt Thần là nằm trong khu vực hệ thống hồ Thang Hen liên thông nhau, có dòng chảy trên mặt hồ và dòng chảy ngầm. Vì thế phong cảnh bao quanh núi Mắt Thần được thay đổi theo mùa. Thời điểm tôi đến nơi đây đang vào mùa đông do vậy chân núi là những thảm có xanh mướt mắt. Còn nếu ai đó ghé qua vào mùa hè sẽ được chứng kiến núi Mắt Thần nổi bật giữa hồ nước khổng lồ. Quả không quá lời khi nói rằng đây là kiệt tác thiên nhiên kỳ diệu ban tặng cho Cao Bằng mà không nơi nào có được. Với tôi, đây chính là một nốt nhạc cao vút trong bản hòa tấu hùng vĩ mà non nước nơi đây đang cất lời.

Lắng đọng động Ngườm Ngao - Khép lại bản hòa tấu tráng lệ

Địa điểm thứ ba cũng là điểm cuối cùng tôi đặt chân đến chính là Động Ngườm Ngao - một trong những hang động đẹp nhất nước ta bởi hệ thống nhũ đá tạo nên khung cảnh sinh động, kì thú. Ngay từ khi bước vào hang, tôi như “đứng hình” với những lớp thạch nhũ vàng rực. Nhìn xuống dưới là vô vàn nhũ đá mọc lên, nhìn trên cao thì các vòm đá rủ xuống tạo thành nhiều hình dạng, phản chiếu ánh sáng lung linh, huyền ảo. Tôi chẳng hiểu vì sao những khối đá vô tri ấy lại có thể khiến tôi thỏa sức bay bổng, tưởng tượng đến hình ảnh của cây rừng, của con vật, của búp sen… Từng khối đá mà tôi lướt qua đều như trong một thước phim mà Mẹ Thiên nhiên ban tặng.

Động Ngườm Ngao được chia thành nhiều khu, như khu “tứ trụ thiên đình” với những cột đá trông như cột chống trời, khu trung tâm với không gian rộng, khu châu báu là những núi nhũ lấp lánh ánh vàng, ánh bạc… Lạc bước ở Ngườm Ngao, đôi khi tôi bắt gặp những con suối nhỏ và cả tiếng nước chảy róc rách nghe rất vui tai. Trong động có nhiều ngóc ngách chỉ vừa một người đi lọt, hay có những đoạn nhũ đá từ trần hang đột ngột chắn ngang lối đi, tôi phải cúi gập người mới qua được.

Độc đáo hơn cả là những thửa ruộng bậc thang do sàn đá vôi bị xâm thực và phong hóa hàng triệu năm tạo thành. Trong động Ngườm Ngao còn sở hữu khối đá vôi “Bông sen vàng” úp ngược với những cánh hoa như được gọt giũa tỉ mỉ, đây thực sự là một kiệt tác kỳ ảo của thiên nhiên. Vậy là, bản hòa tầu mà Cao Bằng trình diễn cho tôi cũng đã kết thúc. Ngày trở về, tôi vẫn còn ngẩn ngơ như để quên tâm hồn tại mây trời nơi ấy. Chắc chắn rằng, tôi sẽ quay trở lại nơi này để được một lần nữa rung động với những âm thanh đại ngàn, chìm đắm trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ.

Wanderlust Tips

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam