Tà Chì Nhù - ốc đảo giữa biển mây - địa danh mà chỉ nghe cái tên cũng khiến cho người ta hình dung ra một nơi cao lắm, xa lắm, một nơi để nhớ về mà chẳng thể quên. Nơi mà tuổi trẻ chưa đi thì ao ước được một lần đến thăm, nhưng khi trở về lòng lại day dứt, nhung nhớ.
Tà Chì Nhù thuộc huyện Trạm Tấu cao 2.979m được ví như "đại dương trên mây" vì nổi tiếng với biển mây ở lưng chừng trời. Đây là cung trekking mơ ước của dân phượt bởi cảnh đẹp, nhất là độ từ cuối tháng 10 đến tháng 11, khi vào mùa hoa chi pâu màu tím, phủ đầy cả một vùng.
Cảm giác thật lạ khi đến nơi đây lại khiến con người ta thèm được trở lại để ngắm những cánh đồng hoa tím tiếp nhau xa tít tắp, được đứng giữa những “ốc đảo” lặng người ngắm mây bay.
Tôi đến Tà Chì Nhù để thực hiện lời hứa của 10 năm trước với những người bạn thời sinh viên cùng chia sẻ những khoảnh khắc gian khó trên những cung đường lên đỉnh núi này. Chỉ cần nghĩ đến cảnh những người bạn sung sướng khi chinh phục đỉnh núi cao gần 3.000 m ấy, lòng tôi lại rạo rực, đầy phấn khích.
Những ngày Xuân ngập tràn nắng ấm, nhóm chúng tôi tranh thủ rong ruổi xe máy lên Tà Chì Nhù. Cảnh sắc nơi đây thật tuyệt đẹp bởi truyền thuyết về những bông hoa tím trên mây với ngọn đồi 3 cây và những ốc đảo giữa một biển mây rộng lớn...
Đỉnh núi Tà Chì Nhù hay còn gọi là Phu Song Sung (theo tiếng dân tộc Thái) nằm tại xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, cách thị trấn Nghĩa Lộ khoảng 37 km và là đỉnh núi cao thứ 6 ở Việt Nam. Nhưng xét về độ khó, Tà Chì Nhù có lẽ được xếp vào nhóm đầu bởi những con dốc cao, dựng đứng, đá sỏi trên đường đi rất nhiều.
Khám phá Tà Chì Nhù, người ta không thể ngồi ô tô, hay cáp treo như đỉnh Phan Xi Păng mà buộc phải sử dụng xe máy cho suốt hành trình. Lên đến Yên Bái, đoàn xe máy của chúng tôi nối tiếp nhau trên đoạn đường đèo dài 30 km từ Nghĩa Lộ đến Trạm Tấu; tiếp theo là 10 km từ Trạm Tấu vào Mỏ Chì. Ở chặng đường cuối cùng dài khoảng 5 km, hai bên đường xếp chồng những tảng đá lớn, vách núi dựng bên, đường trơn trượt và xóc nảy người.
Tôi vẫn nhớ, trước khi đi, cậu bạn ở Yên Bái đã nói “đi Tà Chì Nhù sau khi hành xác bởi những cung đường xe máy, những đoạn xóc, sỏi đá mỏi nhừ tay lái sẽ đến những chặng đường leo núi gian nan, mệt đến đừ người. Sau đó, bạn sẽ đặt chân đến nơi thiên đường”.
Lời “dọa dẫm” quá đỗi hấp dẫn càng làm tôi thêm phần háo hức, muốn được nhanh chân chạm tới mảnh đất ấy; muốn được một lần thức dậy ngay bên những ruộng bậc thang nối tiếp nhau, được ngắm cánh đồng hoa tím và được ôm mây...
Tà Chì Nhù thử thách người leo núi cả về thể lực và ý chí. Khoảng hơn 3 tiếng đầu tiên, chúng tôi leo núi trong điều kiện dốc dựng đứng và trơn trượt, do chưa quen không khí trên núi cao, nên đứa nào đứa nấy đều có phần mệt mỏi.
Leo hết đoạn dốc khó khăn đầu tiên, chúng tôi bắt đầu thấy ổn dần, nhiều cây xanh, bãi cỏ đã hiện ra trước mắt. Chắc chắn là sẽ còn lâu mới tới được “nơi thiên đường”, phủ đầy mây trắng và cánh đồng hoa tím như cậu bạn nói, nhưng chúng tôi cũng quen dần. Càng đi, càng leo cao thì bức tranh đẹp Tà Chì Nhù cũng dần hiện ra, nhưng núi cao và gió giật cũng càng mạnh. Nhiều đoạn chúng tôi phải ngồi thụp xuống để tránh gió, nếu không dễ bị thổi bay khỏi sườn núi.
Đồi 3 cây là nơi tiếp theo chúng tôi phải đến. Đây là điểm nghỉ chân nhanh và cũng là dấu mốc cho biết, đã vượt qua được nửa quãng đường. Đứng trên đồi 3 cây nhìn xuống, mới thấy trước thiên nhiên hùng vĩ, đất Mẹ bao la và con người ta thật nhỏ bé.
Thế nhưng đoạn đường khiến những người trong đoàn thấy sởn gai ốc nhất lại chính là những đường núi được ví như những “xương sống khủng long”. Đường núi khá nhỏ, chỉ đủ cho một người đi, hai bên là triền núi thoải xuống và nếu không cẩn thận, cơn gió giật mạnh sẽ dễ khiến người ta phải chao đảo. Mặt trời đã sắp lặn, ánh trăng cũng dần lên. Ánh sáng yếu ớt của buổi chiều muộn không đủ soi đường. Từng tốp nhỏ bắt đầu bật đèn pin để dò đường và báo hiệu cho nhau biết những đoạn hiểm nguy trên núi.
Khoảng 19h tối, chúng tôi cuối cùng cũng đến tập kết, dựng trại để nghỉ chân. Nhiều thành viên trong nhóm bạn tôi đã lộ rõ vẻ kiệt sức và đau chân. Đúng như lời cảnh báo của đứa bạn về “một ngày leo núi dã dời tứ chi” mà thiên đường thì vẫn chưa thấy đâu.
Gió giật, lạnh buốt của sương núi và quây quần bên đống lửa sưởi ấm có lẽ là những thứ đặc sản duy nhất của Tà Chì Nhù mà cho đến lúc này chúng tôi cảm nhận được. Sau một đêm ngủ giữa núi rừng, đúng 4h sáng, chúng tôi ăn vội cốc mì rồi tiếp tục lên đỉnh nhanh nhất có thể để đón mặt trời mọc. Gió thốc vào mặt, cái lạnh buốt của sương núi buổi sớm thấm qua từng lớp áo. Cuối chân trời, đỏ ửng một khoảng không, những sóng mây quấn quanh núi, bồng bềnh phủ một màu trắng xóa.
Chưa bao giờ, mây, trời và người gần nhau đến thế, chỉ cần giang tay là có thể vén mây. Những áng mây không ở trên đầu mà nằm ngay dưới chân, mềm mại như những dải lụa, bông bông xốp xốp như những chiếc kẹo bông tôi được ăn ngày nhỏ. Theo đường chân trời, những áng mây hiện lên rõ nét, tạo nên một biển mây tuyệt đẹp. Cả nhóm bạn tôi sau khoảng thời gian “chết lặng” trước khung cảnh ấy thì vô cùng thích thú, ríu rít cứ như những đứa trẻ. Chúng hò hét, uống “cafe lắc”, chụp ảnh và nô đùa...
Tôi không biết mình đã đứng bao lâu trong buổi sáng ngày hôm ấy để ngắm từng dải mây bay qua. Mây thay áo từ ửng hồng, sang trắng rồi vương màu nắng vàng. Nơi chúng tôi đứng như một ốc đảo nhỏ giữa muôn trùng mây bao la. Săn mây nơi ốc đảo, vậy là đã thành công. Tuổi trẻ của chúng tôi đón Xuân vậy đó, một sức khỏe bền bỉ, một ý chí chinh phục, cùng sẻ chia với nhau niềm vui, gian khó trên những cung đường.