Lào Cai - Thiên đường du lịch vùng cao

Được thiên nhiên ưu đãi, Lào Cai sở hữu nhiều lợi thế để trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách. Đó là Sapa “thị trấn trong mây” - nơi có khí hậu mát mẻ cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ; là đỉnh Fansipan cao 3.143m được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”, cùng những thửa ruộng bậc thang xếp đều theo sườn đồi trong thung lũng Mường Hoa; là nơi hội tụ của 25 dân tộc thiểu số sinh sống, tạo nên một bức tranh văn hóa miền núi sinh động, đầy sắc màu.

Bên cạnh đó là những phiên chợ, những lễ hội đặc sắc luôn thu hút du khách hòa cùng nhịp sống đặc trưng theo phong cách vùng cao.

Danh lam thắng cảnh

Lào Cai với phong cảnh thiên nhiên kết hợp với sức sáng tạo của con người đã tạo nên cho vùng đất này một bức tranh hài hòa với nhiều cảnh sắc thơ mộng, hấp dẫn.

Bản Tả Van

Đường vào bản Tả Van men theo những lối mòn uốn lượn quanh các ngọn đồi nhấp nhô; hai bên đường là những thửa ruộng bậc thang xếp tầng nối lớp, được tô điểm bởi màu xanh của ngô và lúa non... Phía trước bản có dòng suối Mường Hoa trong trẻo. Đoạn suối chảy qua bản Tả Van rộng và phẳng trở thành bãi tắm lý tưởng cho du khách mỗi khi lưu trú qua đây. Tả Van hiện được quy hoạch thành làng du lịch mang đậm nét sinh hoạt truyền thống của các tộc người Giáy, Mông, Dao. Khách du lịch có thể ở lại Tả Van trong những ngôi nhà của người Giáy để cùng người dân ăn, nghỉ, trải nghiệm nếp sống và văn hóa bản địa. Là điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng, nằm yên bình dưới thung lũng Mường Hoa xinh đẹp, Tả Van đã trở thành điểm du lịch không thể thiếu trong những hành trình dã ngoại sinh thái của du khách khi đến với Sapa.

Bản Cát Cát

Từ lâu Cát Cát đã trở thành điểm du lịch ấn tượng không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi du lịch Sapa. Nằm ngay dưới chân núi Hoàng Liên Sơn, bản Cát Cát ẩn mình dưới sự bao bọc của mẹ thiên nhiên. Cả một màu xanh của đồng ruộng, núi đồi bao trùm lên khắp bản, xen lẫn là những ngôi nhà trình tường của đồng bào Mông. Khi đến trung tâm bản Cát Cát, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nơi hội tụ của 3 dòng suối ngày đêm rì rào là suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc cùng ngọn thác Cát Cát (còn gọi là thác Tiên Sa) tung bọt trắng xóa. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên tràn đầy màu sắc. Bên cạnh đó, đến với Cát Cát, du khách còn có cơ hội trải nghiệm, khám phá những phong tục tập quán, nét đẹp trong tín ngưỡng tôn giáo của người dân; cùng hòa mình vào những điệu múa dịu dàng, tiếng đàn môi xao động lòng người của những chàng trai, cô gái Mông.

Thác Bạc

Thác Bạc có độ cao khoảng 200m, nằm dưới chân đèo Ô Quy Hồ, là thượng nguồn của dòng suối Mường Hoa thơ mộng. Đứng dưới chân ngọn thác, du khách có thể nhìn thấy dòng nước ầm ầm đổ xuống, tung bọt trắng xóa với âm thanh vang dội núi rừng tạo nên cảm giác vô cùng hoang dã và kỳ bí. Đặc biệt, vào mùa đông, khu vực thác Bạc là một trong những nơi có băng tuyết dày nhất Sapa. Đứng từ trên cao, xung quanh thác Bạc, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh phố núi Sapa, thung lũng Sín Chải với bản làng thấp thoáng trong màn sương mờ ảo, bao quanh là những dãy núi trập trùng, nhấp nhô về phía chân trời.

Fansipan

Fansipan là ngọn núi cao nhất Việt Nam, nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Đây cũng là đỉnh núi cao nhất trong ba nước Đông Dương nên được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”. Đỉnh Fansipan có độ cao 3.143m, cách thị trấn Sapa khoảng 9km về phía Tây Nam, ở vùng giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Nằm trong vùng di sản Hoàng Liên Sơn (được công nhận là Vườn Di sản Asean), hiện nay Fansipan có hệ sinh vật rất phong phú và đa dạng, đặc biệt là về thực vật. Cho đến nay, đỉnh Fansipan vẫn luôn là điểm hẹn của nhiều nhà leo núi, nhà thám hiểm và rất nhiều du khách đam mê chinh phục thiên nhiên.

Núi Hàm Rồng

Nằm cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 3km, núi Hàm Rồng là một trong những điểm đến quen thuộc của du khách khi đến Lào Cai. Đứng từ xa, núi
Hàm Rồng trông tựa một con rồng khổng lồ đang uốn lượn và ẩn hiện trong làn mây trắng. Nơi đây còn được người dân ví như một Sapa thu nhỏ bởi hội tụ tất cả vẻ đẹp thiên nhiên, con người và văn hóa của thị trấn vùng cao. Càng lên cao, cây cối càng thưa thớt dần nhưng lại có nhiều địa danh tuyệt đẹp như sân mây, cổng trời, vườn lan, vườn đào… rất thích hợp cho du khách yêu thích ngắm cảnh và chụp ảnh.

Thác Tình Yêu

Thác Tình Yêu là ngọn thác nổi tiếng nằm tại xã San Sả Hồ, cách trung tâm thị trấn Sapa 14km về phía Tây Nam. Đây là một trong những điểm bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Fansipan. Để tới được thác Tình Yêu, du khách phải đi sâu vào rừng, xuyên qua khu rừng trúc xanh mướt. Thác Tình Yêu có độ cao 100m, ngày đêm tuôn những cột nước trắng xóa xuống con suối Vàng. Nhìn từ xa, thác hiện lên như hình chiếc nón uốn lượn bên thảm thực vật xanh mát xung quanh. Đây là nơi nghỉ ngơi lý tưởng, đặc biệt khi đến đây, du khách sẽ có dịp tìm hiểu về một câu chuyện tình đầy lãng mạn.

Y Tý - Bát Xát

Với khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và đầy nét hoang sơ, nhiều năm qua, xã Y Tý (Bát Xát) trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Là xã vùng cao, nơi quần cư của các đồng bào dân tộc thiểu số nên Y Tý còn giữ được khá nhiều nét hoang sơ từ phong cảnh đến tập quán sinh hoạt của con người. Nhiều du khách khi đến với Y Tý đều tìm đến những bản làng của người Hà Nhì, tham quan rừng già cầu Thiên Sinh. đặc biệt, trên đường từ Sapa tới Y Tý, du khách được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang nằm dưới chân núi, với đủ hình thái, màu sắc khác nhau.

Khu du lịch Sun World Fansipan Legend

Sun World Fansipan Legend nằm tại phía Tây Nam thị trấn Sapa, là quần thể công trình du lịch văn hóa, dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí và khách sạn nghỉ dưỡng đẳng cấp. Sau khi đưa vào sử dụng, Sun World Fansipan Legend đã được tổ chức Guiness công nhận là hệ thống cáp treo ba dây cao nhất, dài nhất và hiện đại nhất thế giới, lần đầu tiên được lắp đặt ở châu Á. Với hệ thống cáp treo nối từ thung lũng Mường Hoa lên đỉnh Fansipan, du khách chỉ mất 15 phút để lên tới đỉnh Fansipan, chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của những ngọn núi được bao phủ trong sương mù. Nếu trời nắng đẹp, du khách có thể thấy được cả bản Mường Hoa phía dưới chân núi.

Di tích Lịch sử - Văn hóa

Lào Cai là địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi dân tộc có những đặc trưng văn hóa riêng tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu cho vùng đất này.

Bãi đá cổ

Nhắc đến Sapa không thể không nhắc đến bãi đá cổ ở thung lũng Mường Hoa, nơi có những cuốn “sách trời” vĩ đại. Bãi đá cổ có diện khoảng 8km2, gồm 200 hòn đá lớn nhỏ nằm rải rác dọc theo thung lũng Mường Hoa và gối mình lên 3 xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào. Những dòng chữ lạ, hình ảnh bản đồ dư địa chí, sơ đồ chiến trận khắc trên đá đều là dấu ấn của người xưa chưa được giải mã. Theo các nhà khoa học, bãi đá cổ là một kho sách khổng lồ chứa đựng những kiến thức, quan niệm của người xưa về thiên nhiên, miêu tả đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Với tầm quan trọng của những chứng tích về sự phát triển của con người, năm 1994, bãi đá cổ được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia, được đưa vào danh mục cần được bảo vệ, giữ gìn.

Đền Thượng

Đền Thượng còn có tên Thánh Trần Từ, là một trong những danh thắng lịch sử của vùng Đông Bắc. Đền Thượng được xây dựng vào thời Lê, niên hiệu
Chính Hòa (1680 - 1705), là nơi thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn, người đã có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ bờ cõi non sông đất nước. Đền được xây dựng theo lối kiến trúc cổ hình chữ Công (I), tuân theo thuyết phong thủy vừa đường bệ vừa trang nghiêm, hùng vỹ.

Đền Bảo Hà

Đền Bảo Hà thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, nằm trong “Quần thể di tích Thần vệ quốc Hoàng Bảy” từ lâu đã trở thành điểm du lịch văn hóa tín ngưỡng của hàng vạn lượt du khách trong và ngoài tỉnh mỗi năm trong hành trình “Du lịch về cội nguồn,” nhất là dịp đầu xuân mới. Đền thờ Thần vệ quốc Hoàng Bảy có công dẹp giặc, giữ nước, từng được các triều vua nhà Nguyễn tặng chữ “Trần An Hiền Liệt”, sắc phong “Thần Vệ quốc”. Kiến trúc đền thể hiện truyền thống văn hóa Việt theo thuyết phong thủy có tiền án, hậu trảm, tả phù, hữu bật.

Dinh thự Hoàng A Tưởng

Dinh thự Hoàng A Tưởng ngự ở trung tâm huyện lỵ Bắc Hà, được khởi công năm 1914, chủ nhân là thổ ty Hoàng Yến Chao (bố đẻ của Hoàng A Tưởng). Ông mời thầy địa lý chọn đất, hướng nhà và hai kiến trúc sư người Pháp, Trung Quốc thiết kế và trực tiếp giám sát thi công đến năm 1921 thì hoàn thành. Dinh thự được đặt ở vị trí sơn thủy hữu tình, kiến trúc theo phong cách Á - Âu kết hợp một cách hài hòa với bố cục hình chữ nhật khép kín. Hai bên tả, hữu là nhà phụ, trước là bình phong và giữa là sân chơi để hành lễ, múa xòe.

Nhà thờ đá Sapa

Nhà thờ đá Sapa được xây dựng từ năm 1895 là dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại tại Sapa. Nhà thờ tọa lạc trên một vị trí đắc địa phía sau là núi Hàm Rồng che chắn, phía trước là khu đất rộng, bằng phẳng, nơi diễn ra những lễ hội đầy màu sắc của phố núi. Tổng diện tích khuôn viên nhà thờ đá Sapa rộng khoảng 6.000m2, được chia thành nhiều khu khác nhau, bao gồm: khu nhà thờ, dãy nhà xứ, nhà ở của thầy tu, khu chăn nuôi, nhà thiên thần, sân, hàng rào và khu vườn thánh. Toàn bộ nhà thờ được xây bằng đá đẽo và được liên kết với nhau bằng hỗn hợp của cát, vôi và mật mía. Mái lợp ngói, trần bằng vôi rơm, các cửa sổ bằng khung kính màu mô tả cuộc đời của đức chúa. Sau hơn một thế kỷ tồn tại qua bao biến cố thăm trầm lịch sử, Nhà thờ đá Sapa vẫn trụ vững uy nghi, vừa là chốn tâm linh của người dân bản địa vừa là điểm hẹn văn hóa với khách du lịch thập phương.

Làng nghề truyền thống

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 29 làng nghề và làng nghề truyền thống (19 làng nghề nấu rượu, 5 làng nghề may thêu thổ cẩm, 3 làng nghề đan lát, 1 làng nghề chạm khắc bạc, 1 làng nghề làm hương đốt) được cấp có thẩm quyền công nhận. Đặc biệt, một số mặt hàng của các làng nghề đã và đang trở thành sản phẩm hàng hóa nổi tiếng cả nước và từng bước vươn ra thị trường xuất khẩu, được người tiêu dùng ưa chuộng như: dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc, rượu Bắc Hà.

Nghề dệt thổ cẩm Lào Cai

Nghề dệt, thêu thổ cẩm của Lào Cai có hầu hết ở các địa phương nhưng tập trung chủ yếu ở các huyện: Sapa, Bắc Hà, Văn Bàn. Chỉ bằng các nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như sợi bông, sợi lanh, lá trầu, củ nghệ, lá cơm xôi, cỏ phạy… qua bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế của người phụ nữ đã thêu, dệt nên những tấm vải đủ màu sắc, hoa văn mang đậm giá trị bản sắc dân tộc. Nếu như thổ cẩm của người Mông ở Bắc Hà nổi tiếng với gam màu và họa tiết hoa văn quyến rũ; thổ cẩm của người Mông ở Sapa có gam màu chàm đất khiêm nhường, lặng lẽ thì thổ cẩm của người Tày ở Văn Bàn lại có 2 gam màu chủ lực là xanh và trắng sang trọng, giản dị. Đến với Lào Cai, du khách không quên tìm mua một vài món đồ được làm từ thổ cẩm, vừa để tìm hiểu nét văn hóa của đồng bào nơi đây vừa làm quà cho người thân sau chuyến du hành.

Nghề chạm khắc bạc

Trong đời sống hàng ngày, người Mông sử dụng bạc như một thứ bùa hộ mệnh có chức năng bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc. Vòng bạc còn được coi là nơi hội tụ sức mạnh và nơi cư ngụ của thần linh, được thầy cúng phù phép để làm vật phẩm có chức năng diệt trừ tà ma, bảo vệ sức khỏe cho con người. Chính vì vậy, nghề chạm khắc bạc từ bao đời nay vẫn được duy trì để tạo ra các sản phẩm phục vụ cho đời sống văn hóa cộng đồng. Nghề chạm khắc bạc thể hiện sự phát triển về kỹ thuật và nghệ thuật kim hoàn của người Mông ở Sapa, góp phần phục vụ thiết thực đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng nơi đây. Cho đến nay, các sản phẩm chạm khắc bạc vẫn giữ được nguyên giá trị và vị trí không thể thay thế trong đời sống của người Mông ở Sapa và được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa quốc gia.

Lễ hội Lào Cai

Lào Cai có 25 nhóm ngành dân tộc. Mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán, trang phục, kiểu kiến trúc và lối sống riêng, tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú. Nét văn hóa đặc sắc nhất của tỉnh là những phiên chợ vùng cao (toàn tỉnh có 14 chợ). Chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là dịp giao lưu, vui chơi, nơi trai gái hẹn hò, tìm hiểu bạn đời. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ Lập tịch, Tết Nhảy của người Dao đỏ, Lễ hội Gầu tào của người Mông, Lễ hội Lồng tồng của người Tày ở Bắc Hà, Lễ hội đền Bảo Hà, Hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà… Mỗi lễ hội đều có những nét riêng nhưng lại có chung những sắc thái văn học, tín ngưỡng từ xa xưa của cư dân địa phương còn được lưu truyền đến ngày nay và các lễ hội đặc trưng riêng của tỉnh đã được xây dựng trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc.

Ẩm thực

Du khách từng một lần đến thăm Lào Cai - “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” với phong cảnh hùng vĩ và trữ tình hẳn không thể quên miền đất này còn là một vùng văn hóa ẩm thực với các đặc sản và món ăn độc đáo nức tiếng gần xa… Đến đây vào dịp chợ phiên Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, Sapa… du khách có dịp thưởng thức nhiều món ăn thể hiện nét tinh tế trong nghệ thuật chế biến ẩm thực. Món ăn hấp dẫn thu hút đông người nhất phải kể đến thắng cố. Thắng cố thì vùng núi phía Bắc nào cũng có, nhưng ở Lào Cai lại mang một vị riêng đặc sắc không lẫn vào đâu được vì được chế biến từ “lục phủ ngũ tạng” của con ngựa. Bát thắng cố trở nên lôi cuốn hơn khi được nhấp với thứ rượu thóc Shan Lùng (Bát Xát), rượu ngô Bản Phố (Bắc Hà) khiến thực khách đắm chìm trong tinh hoa của đất trời ban tặng. Đến với Lào Cai, du khách còn được thoải mái thưởng thức các món ăn thơm nức mũi từ xôi ngũ sắc - với 5 màu chủ đạo gồm trắng, xanh, đen (tím), đỏ, vàng tương ứng với kim - mộc - thủy - hỏa - thổ tượng trưng cho ngũ hành thể hiện sự tồn tại vĩnh hằng, hay thịt lợn cắp nách, cá tầm Sapa.

Người dân Lào Cai đã khéo léo kết hợp các món ăn từ những nguyên liệu sẵn có của núi rừng để tạo nên một nền ẩm thực đa dạng, độc đáo, níu chân du khách mỗi lần đặt chân đến vùng đất này.

Với những tiềm năng to lớn về tự nhiên và văn hóa, Lào Cai hiện đã trở thành một trong những địa điểm du lịch nghỉ dưỡng, khám phá có sức thu hút bậc nhất cả nước.

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam