Những ngày này, có mặt tại Hà Nội, du khách và các phóng viên quốc tế tác nghiệp tại sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai sẽ có dịp khám phá thành phố với những điểm đến cuốn hút, đặc sắc riêng có. Khu phố cổ, làng cổ, làng nghề và nhiều di tích văn hóa đều là những điểm dừng chân lý tưởng, kể cả với những người eo hẹp thời gian.
Vùng lõi đặc sắc
Theo quan niệm của những người làm du lịch, vùng lõi của Hà Nội bao gồm khu vực phố cổ ở quận Hoàn Kiếm và các điểm đến khác ở quận Ba Đình, Đống Đa sẽ khiến du khách khó có thể bỏ qua. Thời điểm này, những địa điểm như: Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, khu phố cổ Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà thờ Lớn Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, cầu Long Biên, chùa Một Cột, đền Quán Thánh, chợ Đồng Xuân… đang thu hút đông đảo du khách nhất.
Trong số này, Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thu hút du khách bởi những điểm đặc biệt riêng của mình - đó là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945.
Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm là một trong những nơi được các trang chuyên về du lịch trên thế giới khuyên nên đến khi du lịch Hà Nội. Du khách sẽ có trải nghiệm thú vị khi đi bộ quanh hồ để thấy một Hà Nội cổ kính nhưng vẫn đang chuyển mình theo dòng chảy thời cuộc. Những công trình kiến trúc bên hồ như: Tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn, đền vua Lê Thái Tổ… sẽ mang đến cái nhìn sâu hơn về Hà Nội...
Còn với điểm đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi được xem là biểu tượng của tri thức, của nền giáo dục Việt Nam cũng có sức hút riêng bằng nhiều hoạt động tương tác thú vị. Điểm đến Hoàng thành Thăng Long mang trong mình sức cuốn hút của lịch sử, rất nên là điểm đến của du khách và các phóng viên. Quần thể di tích gắn liền với sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử. Đây cũng là di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích lịch sử của Việt Nam...
Du khách đến với những địa điểm tham quan nêu trên đều rất thuận lợi, bởi có thể sử dụng các phương tiện giao thông tại Hà Nội từ xích lô, xe máy, taxi, đến xe buýt, xe điện… Tại nhiều địa điểm đều có hệ thống thuyết minh tự động hỗ trợ tối đa du khách.
Hấp dẫn làng nghề, làng cổ
Với số lượng làng nghề lớn hàng đầu cả nước, trên 1.200 làng, Hà Nội có không ít làng nghề đã lấy du lịch làm nguồn thu quan trọng. Trong đó, có làng nghề gốm sứ Bát Tràng và lụa Vạn Phúc nổi tiếng.
Làng gốm sứ Bát Tràng nằm cách trung tâm thành phố khoảng 14km. Để đến đây, du khách có thể di chuyển theo cầu Chương Dương bằng nhiều phương tiện. Nếu lựa chọn xe buýt, du khách có thể theo các tuyến xe 47A, 47B (đi từ Bến xe Long Biên), tuyến 52B (đi từ Công viên Thống Nhất). Làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm) nổi tiếng với nghề làm gốm, đã có thương hiệu từ hơn 500 năm nay. Khi đến đây, khách có thể ghé thăm xưởng gốm, trực tiếp trải nghiệm các công đoạn tạo ra sản phẩm gốm... Còn làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), chỉ nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Đây là làng nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống, vang danh đã lâu. Để đến làng lụa Vạn Phúc, du khách có thể đi ô tô, xe máy hoặc xe buýt các tuyến 03, 07, 14, 20c, 25, 26, 31, 32, 36, 50, 55, 79.
Ngoài ra, những điểm đến làng nghề như mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), chuồn chuồn tre Thạch Xá (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất), hoa Tây Tựu (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm), nón Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai)… là gợi ý tốt với những du khách muốn tìm hiểu và trải nghiệm nghề truyền thống tại Hà Nội...
Đặc biệt, các phóng viên quốc tế tác nghiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, đều có thể đến các làng nghề Hà Nội, trong đó có làng nghề Bát Tràng, Vạn Phúc miễn phí đến hết hôm nay 1-3, bởi sự phục vụ của Công ty Lữ hành Saigontourist.
Khi muốn tham quan một ngôi làng cổ điển hình của Hà Nội, hãy đến với làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) nằm cách trung tâm thành phố khoảng 45km. Đường Lâm còn được gọi là “đất hai Vua” vì là nơi sinh của hai vị vua nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là Phùng Hưng và Ngô Quyền. Đến nay, làng cổ Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Bắc Bộ. Với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình,… và 956 ngôi nhà truyền thống. Tuy nằm ở ngoại thành Hà Nội nhưng việc di chuyển đến làng cổ Đường Lâm cũng khá dễ dàng. Ngoài phương tiện cá nhân, du khách có thể đi bằng xe buýt đến Đường Lâm theo tuyến số 71 và 73 (từ Bến xe Mỹ Đình), tuyến số 89 (từ Bến xe Yên Nghĩa).
Du khách cũng có thể tìm đến những địa chỉ di tích văn hóa nổi tiếng ở ngoại thành như chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai), chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ), chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất)… Trong số này, chùa Tây Phương là công trình kiến trúc độc đáo, với sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc truyền thống và không gian sinh cảnh tự nhiên cùng với bộ tượng Phật hiếm thấy ở các ngôi chùa tại Việt Nam. Trong và một ngày sau thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, Công ty TransViet sẽ phục vụ tour miễn phí cho các phóng viên quốc tế tác nghiệp tại hội nghị đến một số địa điểm như làng cổ Đường Lâm, chùa Thầy, đồng thời xem chương trình nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” ở Quốc Oai (Hà Nội).
Có thể khẳng định, những địa điểm trên đều phù hợp với du khách, phóng viên quốc tế không có nhiều thời gian lưu lại Hà Nội. Những chuyến tham quan nhanh, gọn nhưng cũng đủ để du khách cảm nhận được về một Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, cổ kính, thân thiện, mến khách đã vinh dự được chọn để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai.