Du lịch Huế “bội thu” trong kỳ nghỉ lễ

Qua 5 ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 01/5, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đón được 100 ngàn lượt khách du lịch, tăng 80% so với kỳ nghỉ lễ năm ngoái.

 

Du khách tham quan di sản Huế

Vượt dự báo

Trước lễ, dự kiến trong 8 ngày, từ ngày 28/4 - 05/5, ngành du lịch Thừa Thiên Huế sẽ đón khoảng 90 ngàn khách du lịch. Công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú đạt 77%.

Thực tế đón và phục vụ khách trong dịp lễ, chỉ trong 5 ngày, từ 29/4 đến 03/5, du lịch Thừa Thiên Huế đã vượt dự báo, khi đón 99 ngàn lượt khách, tăng 80% so với kỳ nghỉ lễ 2022; trong đó, có khoảng 36,3 ngàn lượt khách quốc tế, tăng gấp 26 lần. Khách lưu trú ước đạt 54,4 ngàn lượt, tăng 70%. Công suất sử dụng phòng đạt 85%. Riêng trong 3 ngày 29, 30/4 và 01/5 các khách sạn trên địa bàn TP. Huế công suất đạt 100%. Doanh thu trong 5 ngày lễ ước đạt 153 tỷ đồng, tăng 80% so với năm 2022.

Thống kê lượng khách mua vé vào tham quan các điểm di tích trong 5 ngày lễ ước đạt khoảng 82 ngàn lượt. Riêng ngày 01/5, các điểm di tích đón lượng khách kỷ lục, khi có 24,3 ngàn lượt khách mua vé vào tham quan. Doanh thu bán vé trong ngày đạt hơn 3,5 tỷ đồng. Đây là số lượng khách vào tham quan di tích lớn nhất từ trước đến nay, kể cả thời điểm trước dịch.

Du khách quốc tế đến trong dịp lễ tăng 26 lần so với dịp lễ năm ngoái

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch, du lịch Huế đón lượng khách lớn như thế là do hiệu ứng quảng bá khá tốt trên các kênh thời gian qua. Trong thời gian diễn ra kỳ lễ, Thừa Thiên Huế thật sự sôi động với hàng chục hoạt động, sự kiện sôi động, hấp dẫn tại trung tâm TP. Huế, nhất là hiệu ứng của tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế 2023 và các lễ hội hưởng ứng của các địa phương. Thêm đó, sự hấp dẫn của một số sản phẩm, dịch vụ, phố đi bộ, điểm “check-in” mới ở các địa phương cũng đã góp phần thu hút khách.

Các hoạt động hưởng ứng ở các địa phương, như lễ hội “Hương sắc đầm phá, biển khơi” huyện Phú Vang; chương trình mùa du lịch biển năm 2023 tại một số bãi biển trên địa bàn huyện Quảng Điền; phiên chợ quê tại cầu ngói Thanh Toàn, thị xã Hương Thủy... cũng tạo ra thêm lựa chọn cho du khách.

Trong những ngày lễ, các doanh nghiệp cũng đã tổ chức mới và duy trì có hiệu quả các dịch vụ du lịch, sản phẩm phục vụ khách, như tour du thuyền cao cấp trên sông Hương; tour trải nghiệm Cố đô Huế trên xe buýt 2 tầng thoáng nóc; hoạt động văn hóa và ẩm thực ở các tuyến phố đi bộ của TP. Huế; điểm du lịch cộng đồng ở Bản Dỗi (huyện Nam Đông); điểm di tích chiến khu Dương Hòa (thị xã Hương Thủy); các điểm du lịch suối thác… thu hút rất nhiều nhóm khách gia đình, nhóm bạn bè đến tham quan và trải nghiệm.

Trong khi đó, các đơn vị lữ hành cũng đã chủ động xây dựng các tour tuyến mới, đưa du khách đến trải nghiệm đầm phá Tam Giang; khám phá văn hóa và cảnh quan sinh thái vùng cao A Lưới và Nam Đông; trải nghiệm tour ẩm thực, các tour gắn với các hoạt động của Festival Nghề truyền thống Huế 2023.

Dịp lễ này, nhiều đoàn khách lựa chọn Nam Đông làm điểm đến 

Điểm nhấn Festival Nghề truyền thống

Thời gian nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 01/5 năm nay diễn ra Festival Nghề truyền thống Huế 2023, với chuỗi lễ hội, sự kiện hấp dẫn.

Chị Hoàng Lê Thái Bảo, du khách đến từ TP. Hà Nội cho biết, ấn tượng nhất là lễ hội đường phố. Các con của chị rất thích thú với những tiết mục biểu diễn của các đoàn nghệ thuật tham gia, nhất là đoàn đi cà kheo của Vương quốc Bỉ.

Theo Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2023, qua 5 ngày đầu của lễ hội, ước tính có khoảng 250 ngàn lượt du khách và người địa phương đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động lễ hội. Có những lễ hội thu hút rất đông du khách, như lễ hội đường phố, lễ hội âm nhạc, lễ hội ẩm thực…Mỗi chương trình thu hút hàng chục ngàn lượt khách.

Các nghệ nhân trình diễn làng nghề ở không gian đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu

Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP. Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2023 nhận định, Festival Nghề truyền thống Huế 2023 dù chưa bế mạc, song đã thực hiện được hai nhiệm vụ quan trọng. Đó là nơi tôn vinh nét đẹp và trình diễn nghề thủ công truyền thống, nơi hội tụ của những bàn tay nghệ thuật tài hoa, nghiên cứu phương thức đổi mới sáng tạo đương đại… được tổ chức trong không gian cảnh quan, văn hóa - nghệ thuật đặc trưng của TP. Huế.

Thứ hai là chuỗi sự kiện, chương trình văn hóa – nghệ thuật đặc sắc, tạo ra không khí lễ hội sôi động, đa sắc màu. Cách thể hiện, tổ chức gần gũi hơn với khán giả, công chúng, để du khách có thể hòa vào lễ hội một cách dễ dàng nhất.

Trở lại với toàn ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong dịp lễ, các doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan và đơn vị vận chuyển và các cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cơ bản đã đảm bảo được an ninh, an toàn phòng cháy chữa cháy; an toàn vệ sinh thực phẩm; bán hàng hóa đúng giá niêm yết và đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện 2K tại nơi đông người.

Ông Phúc khẳng định, tình hình hoạt động du lịch và tổ chức lễ hội đảm bảo ổn định, an toàn. Quản lý ngành chưa nhận được cuộc gọi phản ảnh nào về tình hình nạn chèo kéo, bán giá không đúng quy định... mà chủ yếu hỏi thông tin khách sạn nào còn phòng và mua vé tham quan.

Đức Quang 

Báo Thừa Thiên Huế Online - baothuathienhue.vn - Đăng ngày 03/5/2023

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam