Theo báo cáo mới nhất Expat Insider - một trong những cuộc khảo sát người ngoại quốc lớn nhất thế giới do tổ chức InterNations thực hiện, đã tiết lộ danh sách điểm đến lý tưởng dành cho người nước ngoài với chi phí phải chăng nhất thế giới, trong đó có Việt Nam.
Báo cáo Expat Insider 2024 của tổ chức InterNations có sự tham gia của hơn 12.500 người nước ngoài tại 174 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đánh giá về các tiêu chí gồm nơi tốt nhất và tệ nhất để sinh sống với người nước ngoài, chất lượng cuộc sống, điều kiện làm việc ở nước ngoài và tài chính cá nhân.
Về điểm đến tốt nhất cho người nước ngoài trên toàn cầu, báo cáo Expat Insider 2024 đánh giá cảm nhận của người nước ngoài về các khía cạnh của cuộc sống ở nước ngoài, dựa trên 5 chỉ số: chất lượng cuộc sống, làm việc ở nước ngoài, mức độ thuận lợi khi đăng ký định cư, những yếu tố cần thiết cho người nước ngoài và tài chính cá nhân. Việt Nam xếp thứ 8 trong số 53 điểm trên toàn cầu, bên cạnh 3 nước châu Á khác là Indonesia, Thái Lan, Philippines và xếp thứ 13 trên 53 điểm trên toàn cầu về chỉ số hạnh phúc chung.
Việt Nam đứng đầu trong số 53 điểm đến về tiêu chí tài chính cá nhân, đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam đứng đầu về tiêu chí này. Ngoài ra, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 14 về làm việc ở nước ngoài (như triển vọng nghề nghiệp, lương và an ninh việc làm, văn hóa công sở và sự hài lòng, công việc và giải trí); đứng thứ 29 về những yếu tố cần thiết cho người nước ngoài như đời sống kỹ thuật số, nhà ở và ngôn ngữ; đứng thứ 40 về chất lượng cuộc sống (gồm du lịch, đi lại, môi trường và khí hậu, những lựa chọn giải trí, chăm sóc sức khỏe cũng như an ninh, an toàn); đứng thứ 13 về mức độ thuận lợi khi đăng ký định cư (gồm sự thân thiện của người dân, kết bạn, và văn hóa và sự niềm nở).
Về chỉ số Tài chính cá nhân, người tham gia khảo sát được yêu cầu xếp hạng ba tiêu chí khác nhau theo thang điểm từ một (rất tệ) đến bảy (rất tốt): sinh hoạt phí nói chung, mức độ hài lòng về tình trạng tài chính và liệu thu nhập khả dụng của hộ gia đình có đủ để có một cuộc sống thoải mái hay không. Trong Top 10, vị trí số 1 là Việt Nam, cái tên tiếp theo là Campuchia, Indonesia, Panama, Philippines, Ấn Độ, Mexico, Thái Lan, Brazil và Trung Quốc.
Theo đó, 86% người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam đánh giá chi phí sinh hoạt tại đây ở mức tốt, cao hơn 40% mức trung bình các nước trên thế giới được khảo sát. 65% cho biết hài lòng với tình hình tài chính hiện tại ở Việt Nam, cao hơn 54% mức trung bình các nước trên thế giới được khảo sát. Đáng chú ý, có tới 68% cho biết mức thu nhập khả dụng của họ thừa sức mang lại cuộc sống tiện nghi, cao hơn 41% nhiều mức trung bình của các quốc gia khác được khảo sát. Không chỉ vậy, có tới 19% người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam tham gia khảo sát cho biết nhận được mức thu nhập hằng năm ở mức 150.000 USD hoặc hơn trong khi tỷ lệ này ở các nước khác chỉ khoảng 10%.
Với hầu hết người nước ngoài làm việc tại Việt Nam hài lòng với tình hình của họ, Việt Nam được đứng thứ 14, một vị trí đáng nể trong Chỉ số Làm việc ở nước ngoài - tăng 15 bậc kể từ năm 2022, theo nhận xét từ Expat Insider. Chỉ số thành phần Công việc & Giải trí tại Việt Nam đạt được vị trí thứ 8. Người nước ngoài đặc biệt hài lòng với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của họ khi sinh sống ở Việt Nam: gần ba phần tư (73%) đánh giá tích cực về điều này (so với 60% trên toàn cầu).
Ảnh: Tran Thanh Hai
Nhìn chung, sự “cân bằng giữa công việc và cuộc sống quan trọng hơn thăng tiến nghề nghiệp” ở Việt Nam, chưa đến một nửa (46%) người nước ngoài làm việc toàn thời gian, so với mức trung bình toàn cầu là 57%. Có khoảng 1/5 người nước ngoài tại Việt Nam (21%) làm việc bán thời gian và khoảng 18% người nước ngoài đã nghỉ hưu. Một người Anh làm việc và sinh sống ở Việt Nam cho hay: “Cuộc sống ở đây không hề căng thẳng đối với tôi, đó là một sự thay đổi tuyệt vời so với cuộc sống công việc vốn rất bận rộn và tiêu hao nhiều nguồn lực trước đây”.
Việt Nam cũng đạt được bước tiến đáng kể về chỉ số thành phần Nhà ở, từ vị trí thứ 7 năm 2023 lên thứ 2 năm 2024. Bước tiến lớn nhất phải kể đến chỉ số thành phần về quản trị thủ tục (từ thứ 48 lên thứ 38), đặc biệt là về khâu cấp thị thực. Vào năm 2024, chỉ một phần tư số người được hỏi (25%) cho biết rất khó xin được thị thực để đến Việt Nam (so với 26% trên toàn cầu). Vào năm 2023, cứ năm người thì có hai người (40%) nói như vậy. Vào ngày 15/8/2023, Việt Nam đã áp dụng chính sách thị thực điện tử mới, cấp thị thực điện tử đối với công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và miễn thị thực cho công dân một số nước với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trung tâm Thông tin du lịch