Để tạo nhiều dấu ấn trên bản đồ du lịch thế giới, khẳng định thương hiệu du lịch, Thừa Thiên Huế cần triển khai nhiều giải pháp để lọt vào “góc nhìn quốc tế” từ phản hồi của du khách đến các tổ chức đánh giá, xếp loại về du lịch và truyền thông quốc tế.
Du khách quốc tế hài lòng và ấn tượng với sự nhiệt tình, vui vẻ của ngành du lịch và người dân Huế
Góc nhìn quốc tế tạo sức hút cho điểm đến
Đầu năm 2024, một tin vui cho du lịch Cố đô là nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor đã vinh danh Huế ở vị trí thứ 8 trong số 25 điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới 2024 trong Giải thưởng Travelers’ Choice Best of the Best Destinations (Điểm đến tốt nhất trong số những điểm đến tốt nhất do du khách bình chọn). Tripadvisor là một trong những trang web du lịch lớn nhất thế giới, có khoảng 463 triệu lượt truy cập mỗi tháng và cũng từ cơ sở này, du khách nước ngoài sẽ đưa ra quyết định chọn điểm đến cho chuyến du lịch của mình sắp tới.
Đây không phải là lần đầu, du lịch Huế lọt vào “góc nhìn quốc tế”. Trước đó không lâu (cuối năm 2023), Tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ Travel+Leisure đã đề xuất Thừa Thiên Huế của Việt Nam là một trong những điểm đến ở châu Á mà du khách không thể bỏ qua trong hành trình du lịch năm 2024. Theo nhận định từ các chuyên gia của Travel+Leisure, Huế là điểm đến lý tưởng để thư giãn, tìm hiểu về lịch sử và quá khứ khi du lịch Việt Nam. Du khách có thể ghé thăm Kinh thành Huế - Cố đô của triều đình nhà Nguyễn, khám phá những lăng mộ của các vị vua triều Nguyễn và những ngôi chùa linh thiêng như: chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, chùa Huyền Không Sơn Thượng… Tạp chí cũng gợi ý du khách đừng quên trải nghiệm đi thuyền trên sông Hương ngắm vẻ đẹp hai bên bờ sông trong khi lắng nghe những giai điệu tuyệt đẹp của ca Huế…
Sau đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch của du khách có nhiều thay đổi. Theo đại điện Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, trên cơ sở phân tích hiện trạng, hành vi tiêu dùng du lịch của du khách sau dịch COVID-19, có thể thấy điểm đáng chú ý, dòng khách quốc tế có xu hướng lựa chọn những điểm đến mới, hoang sơ, yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên, các điểm đến sinh thái bền vững, điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch văn hóa, cộng đồng… Nhiều du khách nước ngoài thích tổ chức chuyến đi riêng tư hoặc cùng nhóm nhỏ, thay vì đi theo đoàn lớn như trước. Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng các nền tảng trực tuyến để đặt các dịch vụ du lịch; chú trọng hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… cũng đang nổi lên.
Thực tế, Thừa Thiên Huế là điểm đến đáp ứng xu hướng, nhu cầu của rất nhiều du khách quốc tế. Tuy nhiên, trong vô vàn sự lựa chọn các điểm đến du lịch, không phải du khách nào cũng biết đến một trong những cố đô này của Việt Nam. Ông Guy Saurais, du khách từ nước Pháp chia sẻ: “Du khách quốc tế đi du lịch như chúng tôi thường xem đánh giá từ các nhóm cộng đồng, đánh giá các hạng sao trên các nền tảng mạng xã hội, website. Đặc biệt là tham khảo từ các tổ chức quốc tế về du lịch, các giải thưởng du lịch…”. Chia sẻ của ông Guy Saurais trùng khớp với kết quả khảo sát của chúng tôi khi gặp khách đến Huế. Với họ, thông qua các “góc nhìn quốc tế”, điểm đến sẽ có uy tín và đáng để lựa chọn hơn.
Du khách quốc tế đến Huế bằng đường tàu biển
Để Huế lọt vào “góc nhìn quốc tế”
Lượng khách quốc tế đến Huế năm 2023 tăng mạnh, với gần 1,2 triệu lượt khách (tăng gần 345% so với năm 2022). Tuy nhiên, du lịch Huế cần “bước nhanh” hơn để khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là trung tâm văn hóa - du lịch của Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Muốn đạt được mục tiêu, rõ ràng công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch rất quan trọng và đặc biệt cần tranh thủ cơ hội quảng bá từ du khách, các tổ chức, truyền thông quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, để đón làn sóng du khách quốc tế vào năm 2024 và những năm tiếp theo, cùng với ngành du lịch cả nước, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh chiến lược truyền thông quốc tế trong quảng bá du lịch, thông qua các hội chợ, chương trình giới thiệu du lịch tại các thị trường khách du lịch quốc tế; xây dựng, quản trị, chạy chiến dịch truyền thông điểm đến du lịch trên các nền tảng website, fanpage, mạng xã hội…
Trong một chia sẻ, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá, ngành quan hệ công chúng đóng một vai trò rất quan trọng trong truyền thông, nhằm đưa các điểm đến của Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Vì vậy, ngành du lịch Việt Nam luôn đồng hành cùng các tổ chức, đơn vị, chuyên gia du lịch... để hoạt động marketing và quan hệ công chúng được phát triển mạnh mẽ hơn. Qua đó, thúc đẩy công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch trên cả nước, cả thị trường nội địa và quốc tế. Từ câu chuyện chung mà lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia chia sẻ, Huế cũng cần có cách làm phù hợp để tạo ra giá trị quảng bá, gắn với câu chuyện truyền thông quốc tế.
Với những lợi thế của mình, ngành du lịch tỉnh cần xác định trước hết phải giới thiệu điểm đến với những người làm quan hệ công chúng và truyền thông trong khu vực, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó, phải không ngừng khai thác hiệu quả kênh truyền thông trong và ngoài nước để kể những câu chuyện về giá trị văn hóa du lịch. Ngành du lịch cũng cần quan tâm hơn vai trò của truyền thông trực tuyến trong việc ra quyết định của du khách và thúc đẩy du lịch bằng những câu chuyện của người dân địa phương.
Bài, ảnh: Hữu Phúc
Báo Thừa Thiên Huế online - baothuathienhue.vn - Đăng ngày 29/01/2024