Đẩy mạnh du lịch MICE tại Quảng Ninh

Với tiềm năng và thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, thỏa mãn yêu cầu tổ chức du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng, sự kiện) cùng việc tham gia ngày càng nhiều vào các tổ chức quốc tế, Quảng Ninh đang nổi lên là một trọng điểm diễn ra nhiều hội nghị, hội thảo, sự kiện quốc tế quan trọng. Tuy nhiên trên thực tế, loại hình du lịch MICE tại Quảng Ninh vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng nên cần được đầu tư phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

 
Hạ Long xanh. Ảnh: Nguyễn Thành Chung

Tiềm năng, lợi thế và hiện trạng phát triển du lịch MICE

Định vị được những tiềm năng và lợi thế, Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TV ngày 20/3/2012 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng chiến lược, công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của các đơn vị tư vấn hàng đầu trên thế giới. Trong đó có Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 do Tập đoàn BCG - Hoa Kỳ lập. Trên cơ sở đó, Quảng Ninh đã tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về du lịch và dịch vụ để tập trung lãnh đạo chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng xác định việc phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có hạ tầng giao thông được coi là chất xúc tác quan trọng tạo sự đột phá trong phát triển hạ tầng du lịch. Đến nay, Quảng Ninh có hệ thống đường bộ với 5 tuyến quốc lộ dài 381km, đường tỉnh có 12 tuyến với 301km, 764km đường huyện và 2.500km đường xã; toàn tỉnh có 16 bến xe trong đó có 6 bến xe liên tỉnh hỗn hợp. Đối với hệ thống đường thủy nội địa, Quảng Ninh có 96 bến thủy nội địa, 5 cảng biển (9 khu bến) thuộc Danh mục cảng biển trong Quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Các cảng biển lớn gồm có Cái Lân, Vạn Gia, Cửa Ông, Hòn Nét và Mũi Chùa. Ngoài ra, Quảng Ninh còn có 65km  đường sắt quốc gia thuộc tuyến Kép - Hạ Long và hệ thống đường sắt chuyên dùng ngành Than. Hạ tầng giao thông của Quảng Ninh đã được kết nối trong nước và quốc tế bằng cả 3 đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường thủy. Trong lĩnh vực du lịch, Quảng Ninh đã tập trung đa dạng hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn trong và ngoài nước có uy tín về đầu tư (Sungroup, Vingroup, FLC, Hiton, Sheraton...) để hình thành nhiều sản phẩm đẳng cấp: Công viên Đại Dương Hạ Long, Quần thể nghỉ dưỡng sinh thái và sân golf FLC Hạ Long, Vinpearl Hạ Long và nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, Khu du tích Quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông - Cặp Tiên... Các dự án hạ tầng du lịch trọng điểm như: Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, tuyến đường nối khu di tích nhà Trần (Đông Triều) với khu di tích danh thắng Yên Tử, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ, khai thác có hiệu quả các trung tâm dulịch trọng điểm của tỉnh.

Những năm gần đây, Du lịch Quảng Ninh đã đạt được sự tăng trưởng cao về chất và lượng, góp phần quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Thị trường khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh có khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tiêu biểu là khu vực Đông Bắc Á. Hiện trên địa bàn có khoảng 2.049 cơ sở lưu trú với 34.812 phòng, trong đó có 1.557 cơ sở lưu trú du lịch với 28.785 phòng đã được xếp hạng (343 khách sạn đạt tiêu chuẩn và hạng từ 1 đến 5 sao với 14.799 phòng, 174 tàu lưu trú 2.151 phòng). Các khách sạn cao cấp tập trung tại trung tâm du lịch Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Đông Triều… có thể tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo và các sự kiện quy mô lớn như Mường Thanh Quảng Ninh, Vinpearl Hạ Long, Wuyndham Legend Hạ Long, FLC Hạ Long, Hoàng Gia, Novotel Hạ Long... Đây là những khách sạn đã xác định phân khúc thị trường rõ ràng, đầu tư cho việc phục vụ đối tượng khách công vụ, khách quốc tế, thương gia, khách du lịch cao cấp với các dịch vụ khép kín, từ hệ thống phòng lưu trú, khả năng tổ chức sự kiện với những điều kiện vật chất đạt tiêu chuẩn tổ chức hội nghị quốc tế.

Quảng Ninh còn có một hệ thống dịch vụ phát triển đa dạng bao gồm hàng trăm cơ sở dịch vụ trong đó có 24 nhà hàng ăn uống, 27 điểm mua sắm, 1 điểm vui chơi giải trí, 11 bãi tắm du lịch được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Ngành Du lịch Quảng Ninh còn một lực lượng lao động lớn với 23.000 lao động trực tiếp và 37.000 lao động gián tiếp.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 12/14 địa phương có tuyến, điểm du lịch được công nhận với 33 tuyến, 91 điểm du lịch, 2 khu du lịch địa phương và 1 khu du lịch quốc gia. Việc mở rộng quan hệ hợp tác, thúc đẩy phát triển thị trường và quảng bá, xúc tiến và xây dựng thương hiệu du lịch Hạ Long - Quảng Ninh gắn liền với di sản vịnh Hạ Long theo hướng xây dựng những sản phẩm du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế đã phát huy hiệu quả. Công tác phối hợp liên kết phát triển du lịch với các địa phương trọng điểm về du lịch trong nước và quốc tế; tính kết nối giữa các tour, tuyến, khu du lịch, sản phẩm du lịch để tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch được quan tâm.

Quảng Ninh đang nổi lên như là một địa điểm diễn ra nhiều hội nghị, hội thảo, sự kiện quốc tế quan trọng; thỏa mãn đầy đủ yêu cầu của một trọng điểm về tổ chức du lịch MICE. Tuy nhiên, du lịch MICE tại Quảng Ninh vẫn tồn tại một số hạn chế sau:

Một là, phát triển du lịch MICE còn mang tính tự phát, đa số dựa vào sự năng động của các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, chưa có mô hình chuyên nghiệp tổ chức hoạt động MICE.

Hai là, công tác quảng bá, xúc tiến cho du lịch MICE Quảng Ninh hiệu quả chưa cao, quy mô nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp.

Ba là, số lượng trung tâm hội chợ, triển lãm với đầy đủ trang thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế, trung tâm biểu diễn văn hóa, khu mua sắm cao cấp, khu dịch vụ ăn uống, giải trí về đêm… còn ít hoặc chưa đáp ứng tốt nhu cầu của khách MICE.

Bốn là, nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch nói chung, du lịch MICE nói riêng còn thiếu và yếu; đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh còn thiếu kinh nghiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn, điểm mua sắm chưa được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và thái độ phục vụ khách du lịch.

 
Du khách quốc tế tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. Ảnh: Dương Văn Toàn

Thúc đẩy du lịch MICE tại Quảng Ninh

Phát triển kết cấu hạ tầng và chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch MICE: Xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú quy mô lớn, cao cấp với phòng hội nghị, hội thảo đạt 2.000 chỗ ngồi trở lên; phát huy hiệu quả vai trò tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm của các công trình hiện có như Trung tâm Hội nghị, Cung quy hoạch và triển lãm.

Tăng cường công tác quảng bá tiếp thị du lịch: Xây dựng kế hoạch quảng bá đồng bộ giới thiệu Quảng Ninh là một điểm đến hấp dẫn cho du lịch MICE. Tranh thủ sự hợp tác, tận dụng cơ hội quảng bá du lịch MICE trên các sư kiện, diễn đàn trong khu vực và thế giới… Tổ chức các đoàn công tác tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu tại các nước trong khu vực quảng bá du lịch MICE thành công như Singarpore, Thailand… Quảng bá có chọn lọc, sâu rộng, chuyên nghiệp và hiệu quả về hình ảnh, văn hóa, di sản của địa phương.

Liên kết phát triển thị trường MICE: Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, giữa doanh nghiệp du lịch với cơ quan quản lý nhà nước nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch MICE Quảng Ninh.

Thành lập tổ chức hiệp hội MICE của doanh nghiệp du lịch Quảng Ninh: Do thị trường MICE có tính chất khác biệt so với các thị trường thông thường, nên cần có nhà tổ chức chuyên nghiệp và được quản lý tách biệt với những sản phẩm du lịch khác. Đơn vị này có nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng các chiến lược marketing, quảng bá, giới thiệu dịch vụ cho khách MICE như: visa, sân bay, hệ thống khách sạn, điểm tham quan… Bên cạnh đó, tổ chức này cũng giúp phân tích số liệu thông tin thị trường, xây dựng website, phát triển thương mại điện tử…

Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của Quảng Ninh: Duy trì những sự kiện đã tổ chức thành công, thu hút đông du khách như Tuần lễ du lịch Hạ Long - Carnaval Hạ Long tổ chức thường niên vào lễ kỷ niệm 30/4 - 1/5, chương trình Chào hè Hạ Long… và tổ chức thêm chuỗi các sự kiện mang tính khác biệt thu hút các sự kiện, khách du lịch MICE đến Quảng Ninh. Đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên cơ sở xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, tham quan làng nghề, làng quê, mua sắm, phục vụ nhu cầu giải trí cho du khách.

Đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng cho các đơn vị tổ chức và đội ngũ phục vụ đối tượng khách du lịch MICE: Các đơn vị làm du lịch MICE cần chủ động trong việc đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên, đặc biệt là trang bị các kiến thức về lễ tân, ngoại giao, ngoại ngữ; phối hợp với Trường Đại học Hạ Long, các chương trình đào tạo quốc tế, với các địa phương, các nước có ngành công nghiệp du lịch MICE phát triển nhằm xây dựng một chiến lược đào tạo nguồn nhân lực du lịch MICE…

TS. Vũ Văn Viện
ThS. Hà Thị Hương

(Tạp chí Du lịch tháng 3/2023)

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam