Bánh pía là một biểu tượng văn hóa ẩm thực của tỉnh Sóc Trăng, là một đặc sản gắn liền với làng nghề thủ công truyền thống vùng Vũng Thơm, nằm cách thành phố Sóc Trăng khoảng 10km. Món ăn này có tuổi đời khoảng 80 - 100 năm, không chỉ trở thành một phần cuộc sống của người dân nơi đây mà còn vang danh cả nước. Năm 2020, nghề làm bánh pía truyền thống của các xã Phú Tâm, Thuận Hòa, An Hiệp (huyện Châu Thành) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Di sản văn hóa ẩm thực bản địa
Nghề làm bánh pía (''pía''/''pi-é'' theo tiếng Triều Châu có nghĩa là bánh) tập trung ở các xã Phú Tâm, Thuận Hòa, An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Bánh pía là loại bánh do một số người Minh Hương (người Hoa) di cư mang sang Việt Nam từ thế kỷ 16, có nguồn gốc từ bánh trung thu của người Triều Châu (người Tiều). Đây là loại bánh không thể thiếu trong ngày rằm tháng 8 âm lịch và các dịp lễ tết.
Các sản phẩm bánh pía Sóc Trăng đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại
Hiện nay, một số làng nghề tại Sóc Trăng còn giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống làm bánh pía như: các lò Công Lập Thành, Thuận Thành, Mỹ Hiệp Thành, Tân Huê Viên, Tạo Thành... Trong đó, lò bánh Công Lập Thành của ông Âu Minh Xương được xem là lò bánh đầu tiên. Nghề làm bánh pía là đặc trưng văn hóa của Sóc Trăng, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, khẳng định giá trị thương hiệu của các nghệ nhân, cơ sở sản xuất bánh.
Bánh pía Công Thành
Sóc Trăng hiện có trên 30 thương hiệu bánh pía được sản xuất từ nhiều cơ sở, doanh nghiệp, trong đó có những thương hiệu được xây dựng gần 100 năm, cũng có những thương hiệu mới hình thành từ vài năm trở lại đây nhưng tất cả đều hướng đến xây dựng sản phẩm đặc sản của riêng Sóc Trăng đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Các sản phẩm bánh pía đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại như: bánh pía đậu xanh sầu riêng, khoai môn sầu riêng, bánh pía nhân đậu xanh - dứa, bánh pía nhân đậu đỏ, đậu đen, hạt sen, bánh pía chay, bánh pía dùng cho người kiêng đường, bánh pía lạp thịt, bánh pía can xại, bánh pía kim sa…
Các công đoạn sản xuất bánh pía
Dù chiếm lĩnh thị trường cả nước nhưng nhiều lò bánh pía ở Sóc Trăng vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo để nâng chất chiếc bánh quê nhà trở thành những sản phẩm cao cấp, đáp ứng nhu cầu biếu tặng trong những nghi thức giao tiếp trang trọng. Bánh pía Sóc Trăng hiện nay được bày bán khắp các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, bến cảng, sân bay, các điểm tham quan du lịch... Hơn thế nữa, giờ đây bánh pía Sóc Trăng đã vượt đại dương để có mặt trên thị trường quốc tế qua con đường xuất khẩu như: Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hong Kong, Canada, riêng bánh pía Tân Huê Viên đã có mặt tại Costco, một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất của nước Mỹ.
Bánh pía Sóc Trăng đã vượt đại dương để có mặt trên thị trường quốc tế qua con đường xuất khẩu
Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, đến nay nghề làm bánh pía ở tỉnh Sóc Trăng đã có những bước phát triển bền vững và vượt bậc. Nghề làm bánh pía là sinh kế của các hộ gia đình làm nghề, tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động địa phương…
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Nghề làm bánh pía”
Nghề làm bánh pía ở Sóc Trăng hiện không còn đơn thuần là một nghề thủ công truyền thống mà đã được thương mại hóa một phần nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, nhưng không vì thế mà bị mất đi những giá trị văn hóa cốt lõi. Các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống; khuyến khích, trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, đáp ứng các yêu cầu hội nhập. Tỉnh Sóc Trăng đã có những quyết sách nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đồng đều và có sức vươn ra thị trường quốc tế.
Bánh pía Sóc Trăng hiện nay được bày bán khắp các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, bến cảng, sân bay, các điểm tham quan du lịch
UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống “Nghề làm bánh pía” xã Phú Tâm, xã Thuận Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, giai đoạn 2022 - 2025. Các cơ sở sản xuất bánh pía được tạo điều kiện, hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư hệ thống máy móc tiên tiến vào sản xuất.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống “Nghề làm bánh pía” xã Phú Tâm, xã Thuận Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng năm 2024. Sở đã tiến hành khảo sát, đánh giá “Nghề làm bánh pía”, từ đó đề ra những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần bảo vệ thương hiệu, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; triển khai có hiệu quả các mục tiêu đề án đưa ra; tổ chức quảng bá sản phẩm ẩm thực đặc trưng, kết hợp với hoạt động phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh Sóc Trăng.
Nhằm tôn vinh nghề làm bánh pía truyền thống ở Sóc Trăng cũng như bảo tồn và phát huy thương hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, quảng bá thương hiệu bánh bía Sóc Trăng đến với du khách trong và ngoài nước, trong giai đoạn 2022-2023, Sóc Trăng đã hỗ trợ 08 cơ sở sản xuất bánh pía với tổng kinh phí là 4.997,88 triệu đồng.
Ngoài ra, Sở Công Thương đã xây dựng một thương hiệu chung cho sản phẩm bánh pía ở Sóc Trăng, từ đó các thành viên trong Hội bánh pía người Hoa Sóc Trăng sử dụng thương hiệu chung này để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp cũng đã đổi mới trang thiết bị, xây dựng lại nhà xưởng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn quốc tế xác định các yêu cầu của một hệ thống quản lý thực phẩm an toàn). Đây là hướng đầu tư đúng đắn vì vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những yếu tố hàng đầu để cạnh tranh trên thương trường khi hội nhập.
Theo ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - thương hiệu sản phẩm bánh pía truyền thống của người Hoa ở Sóc Trăng, trong thời gian tới Sóc Trăng tăng cường phối hợp giữa các sở, ban ngành và chính quyền địa phương nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị nghề làm bánh pía theo phương thức thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả và chất lượng; nghiên cứu, đề xuất chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân và thợ lành nghề nắm giữ và truyền dạy nghề làm bánh pía truyền thống trong cộng đồng; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chương trình chuyên đề, chuyên khảo nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm bánh pía trên trang mạng điện tử, Đài Truyền hình Trung ương, địa phương và trên các website giới thiệu về du lịch của Sóc Trăng; tiếp tục tổ chức ngày hội bánh pía hàng năm.…
Cùng với đó, tăng cường công tác truyền dạy di sản "Nghề làm bánh pía truyền thống" tại cộng đồng và trong các hộ gia đình; tôn vinh những nghệ nhân, các tổ chức và cá nhân có công bảo tồn và phát huy giá trị di sản; tăng cường nghiên cứu khoa học kỹ thuật, trang bị các thiết bị phục vụ lưu trữ tư liệu về di sản, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin, tư liệu về di sản thuận lợi; quản lý và khai thác việc tiếp cận về di sản văn hóa thông qua hệ thống lưu trữ kỹ thuật số và hệ thống mạng internet. Đồng thời, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản "Nghề làm bánh pía truyền thống" của người Hoa Sóc Trăng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoặc tài trợ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa…
Hy vọng trong thời gian tới, bánh pía Sóc Trăng sẽ có mặt trên khắp năm châu, tạo nguồn thu lớn, giải quyết việc làm cho nhiều người dân, góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Sóc Trăng, thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển.
Trung tâm Thông tin du lịch