Xu hướng du lịch đường bộ lên ngôi

Mùa du lịch hè là tâm điểm của hoạt động du lịch nội địa. Việc giá vé máy bay các chặng trong nước cao đã kéo theo nhu cầu đi tour trọn gói đường bộ hình thành trong du khách. Bắt kịp xu hướng này, các doanh nghiệp tung ra nhiều sản phẩm kịp thời nhằm hạ giá thành cũng như đáp ứng nhu cầu của du khách.

Cơ hội cho tour đường bộ lên ngôi

Tình trạng giá vé máy bay cao hiện nay thể được coi là một cơ hội để thúc đẩy việc khai thác các sản phẩm du lịch đường bộ và đường sắt phục vụ du lịch nội địa. Khi giá vé máy bay tăng, người dân có thể chọn các phương tiện khác như ô tô, tàu hỏa để du lịch trong nước. Điều này mở ra cơ hội mới, giúp du lịch trong nước có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp hơn và tạo ra những hành trình trải nghiệm độc đáo cho du khách. Chia sẻ với Tạp chí Du lịch, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế Tràng An (Tràng An Travel) Nguyễn Hữu Cường - Trưởng ban Quản lý và phát triển hội viên CLB Lữ hành Unesco Hà Nội cho biết, Tràng An Travel đã triển khai một số chương trình, sản phẩm nhằm kích cầu du lịch nội địa bằng đường sắt và đường bộ trong bối cảnh giá vé bay trong nước liên tục tăng cao. Trong đó, nổi bật là chương trình charter đường sắt từ Hà Nội đến Quảng Bình, cung cấp sự thuận tiện và tiết kiệm cho du khách muốn khám phá các điểm đến xa một chút, trong khi vẫn giữ chi phí hợp lý.

 
Sở Du lịch Quảng Bình chào đón du khách đến Quảng Bình trên hành trình hoả charter đầu tiên của năm 2024 (ảnh: Trung tâm XTDL Quảng Bình)

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hữu Cường, các đơn vị thành viên của CLB Lữ hành Unesco Hà Nội hiện chủ yếu khai thác phân khúc khách đoàn số lượng lớn đi bằng ô tô và tàu hỏa. Các tuyến điểm du lịch Thanh Hóa (Sầm Sơn, Hải Hòa); Nghệ An (Cửa Lò, Cửa Hội); Hà Tĩnh (Thiên Cầm); Lào Cai (Sapa); Quảng Bình (Đồng Hới, Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng); Hải Phòng (Cát Bà); Quảng Ninh (vịnh Hạ Long, Cô Tô)… được tập trung khai thác combo trọn gói tour đường bộ bằng ô tô. “Mọi năm, các đơn vị thành viên của CLB Lữ hành Unesco Hà Nội hạn chế khai thác tour khách đoàn đường bộ thì năm nay đã tập trung khai thác combo trọn gói tour đường bộ bằng ô tô trong tầm bán kính 500km đổ lại, phù hợp túi tiền và thời gian từ 2-5 ngày, giá thành từ 2,5-5 triệu/tour” - ông Nguyễn Hữu Cường chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyết - chủ Công ty Du lịch Âu Lạc Việt ở Ninh Bình nhận định, năm nay xu hướng đi xe giường nằm nhiều, vì giá vé máy bay cao quá. Du khách đã lựa chọn giải pháp đi đường bộ bằng xe giường nằm và đi đêm để tiết kiệm thời gian và chi phí. Ông Nguyễn Văn Quyết cho biết, xu hướng du lịch bằng đường bộ phát triển mạnh, các doang nghiệp Ninh Bình cũng bắt đầu đầu tư xe giường nằm, trên Hà Nội cũng vậy. “Đấy là sự thức thời của các doanh nghiệp. Giá vé máy bay hiện tăng cao mà nhu cầu du khách đi xa vẫn có. Âu Lạc Việt gần đây thường được khách yêu cầu làm chương trình tour đường bộ đi Nha Trang, Đà Lạt. Chương trình gồm 7 ngày/đêm, chỉ khoảng 10 triệu/người cho đoàn khoảng 25 người Chương trình như vậy, chi phí thấp hơn nhiều, nếu đi bằng máy bay thì chỉ riêng tiền vé đã hết khoảng 6 triệu. Nếu bay Vietnam Airline giá sẽ cao hơn, mất khoảng 7 triệu, cộng với tiền tour sẽ cao hơn nhiều. Do đó du khách vẫn ưu tiên lựa chọn đi đường bộ” - ông Nguyễn Văn Quyết chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyết, mọi năm, rất ít đoàn đi đường bộ, năm nay các chương trình đi Đà Nẵng, Huế yêu cầu đi đường bộ lên đến 80%. Chương trình đi Sa Pa, du khách cũng yêu cầu đi xe giường nằm. Nhu cầu đi xe giường nằm đi tour đã trở thành xu hướng, phòng trào. Du khách thấy nhiều đoàn, nhiều doanh nghiệp tổ chức đi tour xe giường nằm cũng yêu cầu, họ cũng muốn trải nghiệm đi tour xe giường nằm. Điều này khiến các doanh nghiệp vận chuyển ở Ninh Bình cung không đủ cầu, phải điều xe ở những nơi khác, thậm chí điều xe từ Hà Nội về để phục vụ du khách.

Ông Nguyễn Hữu Bắc - Chủ tịch PhucGroup ở Nghệ An cho biết, sau khi cao tốc Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) thông xe, nhiều du khách đã yêu cầu các công ty du lịch lựa chọn tuyến đường này để trải nghiệm. Khoảng cách Nghệ An - Hà Nội chỉ còn hơn 3 giờ đi xe đã đem lại nhiều hiệu ứng tích cực cho các doanh nghiệp lữ hành. Du khách có thể tận dụng quỹ thời gian ngắn nghỉ ngơi để đến được những hành trình mới mà trước đây trở ngại vì đường xá và thời gian. Bên cạnh đó, tuyến cao tốc mới cũng mở ra nhiều hướng liên kết tour tuyến theo hành lang biên giới Việt - Lào, kết nối cùng hệ thống đường xuyên Á qua cửa khẩu Cầu Treo theo tour “một ngày ăn cơm ba nước”...

Trong khi đó, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã tổ chức chạy đoàn tàu Huế - Đà Nẵng gắn với sản phẩm “Kết nối di sản miền Trung” từ ngày 26/3; từ ngày 7/4 đã tổ chức đoàn tàu charter xuất phát từ ga Hà Nội, Gia Lâm đi các ga Đồng Đăng, Lạng Sơn, Hải Phòng, Giáp Bát, Quán Triều, Tiên Kiên, Lào Cai, Phủ Lý theo yêu cầu của khách hàng. Từ ngày 14/4, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã tổ chức đoàn tàu đêm Đà Lạt - Trại Mát tạo sản phẩm du lịch mới gắn với đường sắt. Bên cạnh đó, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cũng đã tổ chức chạy tàu kết nối liên vùng Hà Nội - Hải Phòng gắn với sản phẩm Foodtour... Mới đây nhất, ngày 6/6, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty Cổ phần Vinpearl đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển các điểm đến du lịch tại Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt trong việc xây dựng những sản phẩm, hành trình du lịch trải nghiệm đặc sắc với chi phí tối ưu cho khách hàng. Theo đó hai bên sẽ hợp tác và đồng hành cùng nhau trong các chương trình xúc tiến bán hàng và phát triển thương hiệu để cùng thúc đẩy các điểm đến du lịch thông qua hệ thống đường sắt; cùng hướng đến mục tiêu phát triển thêm các tuyến đường sắt và các dịch vụ gia tăng phục vụ du khách với chất lượng cao.

 
Doanh nghiệp du lịch hướng đến tổ chức các tour nội vùng để thu hút du khách

Chung tay thúc đẩy du lịch phát triển

Theo ông Nguyễn Hữu Cường để tận dụng cơ hội phát triển du lịch đường bộ trong khi giá vé máy bay tăng cao, các doanh nghiệp lữ hành cần cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ các phương tiện vận chuyển đường bộ và đường sắt để thu hút khách du lịch; tăng cường tiếp thị, quảng bá cho các điểm đến nội địa; đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp vận chuyển và các cơ quan du lịch để tạo ra các gói tour hấp dẫn, tiện ích cho du khách. Cùng với đó là tổ chức các chương trình khuyến mãi, ưu đãi đặc biệt để kích thích nhu cầu du lịch trong nước và thu hút khách hàng. “Thúc đẩy phát triển du lịch nội địa bằng việc khai thác các sản phẩm đường bộ, đường sắt, chúng ta có thể “biến nguy thành cơ” trong bối cảnh vé máy bay trong nước tăng cao” - ông Nguyễn Hữu Cường nhận định.

Ông Nguyễn Hữu Bắc chia sẻ, trong bối cảnh giá vé máy bay cao, các lịch tour dưới 500km, đa phần du khách sẽ lựa chọn phương tiện ô tô. Đây là cơ hội cho các loại hình giao thông khác “chia lửa” như tàu hỏa, xe khách... để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách. Do đó, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư sản phẩm du lịch mới, phù hợp thị hiếu với các tuyến, điểm du lịch khác biệt, cạnh tranh giá cả và chất lượng. Cần tuyển dụng nhân sự lữ hành, lái xe chuyên nghiệp và tăng cường đào tạo văn hóa du lịch, nâng tầm phục vụ; liên kết cùng các hãng vận chuyển lớn tại Hà Nội và một số tỉnh thành lập các nhóm kích cầu du lịch đường bộ...

Nhằm tăng cường sự hợp tác giữa ngành du lịch và đường sắt, thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm, kích cầu du lịch trong nước, ngày 29/5, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã có buổi làm việc với Tổng Công ty đường sắt Việt Nam. Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã đề nghị Tổng Công ty đường sắt Việt Nam tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch; đầu tư thêm các toa tàu dành riêng cho khách du lịch. Cùng với đó, phát triển các tuyến du lịch chuyên đề; phối hợp truyền thông, quảng bá thông qua các hoạt động chuyển đổi số; khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến kết nối hợp tác với ngành đường sắt. Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng đề nghị tổ chức Hội nghị phát triển du lịch đường sắt do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đồng chủ trì để kết nối, hợp tác phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đường sắt.

Đặc biệt trong phiên trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ giảm giá phí điều hành khai thác tại các sân bay, góp phần hạ giá tour. Bởi theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, giá vé máy bay tăng vì phụ thuộc vào chi phí dịch vụ ở trạm sân bay, chi phí về giá đầu vào nhiên liệu, số máy bay phải đi bảo dưỡng theo định kỳ... Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đồng thời khẳng định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không đứng ngoài cuộc vấn đề giá vé máy bay trong nước tăng cao thời gian qua.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị các hãng hàng không cố gắng đảm bảo có máy bay, thiết kế tăng cường các chuyến bay đêm để đảm bảo nhu cầu đi lại cho nhân dân và du khách. Đề nghị các doanh nghiệp lữ hành tối ưu hóa trong chương trình tour, xây dựng điểm đến linh hoạt, có thể kết nối xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch, có sự hỗ trợ lẫn nhau để hạ giá thành.

Trang Hiền Phúc

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam