Chính sách visa mới có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 được kỳ vọng là cú hích thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng du lịch sau đại dịch COVID-19. Theo ý kiến của một số doanh nghiệp (DN) lữ hành chuyên thị trường châu Âu, việc tăng thời hạn lưu trú sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các DN lữ hành cũng như du khách, nhưng khả năng thu hút được khách hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, visa không thể tạo “đòn bẩy” nếu không có sự đồng bộ…
Visa chỉ là một yếu tố…
Ông Đỗ Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Typic Việt - doanh nghiệp lữ hành chuyên thị trường Pháp và châu Âu nhìn nhận, chính sách nâng thời hạn miễn visa đơn phương cho công dân 13 quốc gia từ 15 ngày lên 45 ngày là “rất hợp lý”, không chỉ thuận tiện cho du khách đến Việt Nam sau đó đi du lịch một số nước xung quanh như Cambodia, Lào, Thái Lan… rồi quay lại Việt Nam để về nước mà không cần phải xin gia hạn visa như trước; mà các DN lữ hành cũng có “cái mới” để giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch của mình. Tuy nhiên, theo ông Tiến, khả năng bán tour trọn gói 30 ngày (hoặc 45 ngày) là rất khó.
“Không có du khách nào lại chọn 1 tour trải nghiệm dài như vậy vì giá thành tour sẽ lên rất cao, trừ phi họ bị thu hút bởi lý do đặc biệt nào đó”, ông Tiến nói.
Chung nhận định, Giám đốc Mr Linh’s Adventures cho rằng, từ trước đến nay đối tượng khách đi dài ngày chủ yếu là khách lẻ, tự đi trải nghiệm, khám phá theo “công thức” đi đến đâu đặt dịch vụ đến đấy, không có lộ trình nào cụ thể bởi tính chất của du lịch kiểu này là tự mày mò, chỗ nào hấp dẫn thì họ ở lâu, không hấp dẫn thì lướt qua.
Theo ông Linh, việc nâng thời gian lưu trú có thuận lợi rất lớn đối với du khách trong việc đặt vé khứ hồi, khách sang Việt Nam rồi đi các nước khác thì họ có thể chọn nơi bay về tùy ý, không nhất thiết phải cố định ngày về, nơi về như trước.
“Bên cạnh Việt Nam được xem là điểm đến chính, các DN lữ hành phải tính toán đến chuyện làm tour các nước Đông dương, bởi với khoảng thời gian dài như vậy, chỉ bán tour trong nước sau đó để khách tự đi các nước xung quanh thì sẽ không hợp lý”, ông Linh nói và cho rằng, các DN lữ hành tại thị trường lân cận cũng sẽ có những động thái thu hút khách quốc tế từ Việt Nam theo chương trình visa dài ngày.
“Cần có những sản phẩm thực sự khác biệt để cạnh tranh với những đối thủ trong khu vực, như Thái Lan, Lào, Cambodia. Do đó, để có thể giữ chân khách lâu là yếu tố hết sức quan trọng”, ông Linh bày tỏ.
Trong khi đó, Giám đốc Typic Đỗ Tiến cho rằng, yếu tố có tính chất quyết định đến việc lựa chọn điểm đến của du khách là “điều kiện kinh tế”. Gần đây, kinh tế suy thoái, chính trị ở nhiều nước khá bất ổn khiến tình hình trở nên khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu, đây là bài toán không dễ có lời giải.
“Với riêng thị trường Pháp, đối tượng khách đã dự trù ngân sách để đi du lịch không nhiều, nếu bây giờ lên kế hoạch thì có thể cuối năm, hoặc đầu năm tới sẽ đi chứ chưa đi ngay (vì những nguyên nhân nói trên), ông Tiến cho hay.
“Nhằm ổn định tình hình sau những biến động thời gian qua, chính phủ Pháp vừa ban hành chính sách hỗ trợ người dân đi du lịch trong nước với chương trình “chuyến tàu 1 Euro” đi các vùng ngoại ô Pháp, vì thế nhu cầu du lịch ra nước ngoài của người dân cũng giảm đáng kể”, ông thông tin thêm.
Cần đẩy mạnh quảng bá…
Các DN lữ hành cho rằng, để tạo “đòn bẩy”, cần triển khai ngay chương trình quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ ở những thị trường áp dụng chính sách visa mới. Quảng bá, xúc tiến để phát huy hiệu quả trước mắt (ngắn hạn) cũng như mang tính dài hơi.
Theo nhìn nhận của nhiều DN lữ hành quốc tế, các chương trình, hội chợ xúc tiến du lịch nước ngoài thiếu sự hoạch định rõ ràng, gần như quyết định “có tham gia hay không” được đưa ra vào phút cuối (last minutes), như vậy sự chuẩn bị không thể kỹ càng, và không thể kỳ vọng vào chất lượng, hiệu quả của một chương trình như vậy.
“Chỉ có thể gọi một cách chính xác là có sự xuất hiện hình ảnh của du lịch Việt Nam tại đó, còn những thông điệp đưa ra khá mơ hồ, thiếu cụ thể, cái cần thiết là hướng vào đối tượng khách nào, phân khúc thị trường nào, phải cốt lõi là phải nắm được nhu cầu của du khách đang hướng tới dòng sản phẩm nào tại Việt Nam để từ đó có cách tiếp cận… thì chưa làm được. Do vậy, hội chợ quốc tế nào gian hàng Việt Nam cũng na ná nhau, cách xuất hiện trước công chúng không có gì nổi bật”, Giám đốc một DN lữ hành phản ánh.
Theo ông Đỗ Tiến, công tác xúc tiến phải có sự chủ động mới chớp được thời điểm, hiện nay là bị động nên không thể phản ứng nhanh khi cần thiết.
“Tháng 9 tới có hội chợ du lịch Top Resa tại Pháp, tầm cỡ thế giới, quy tụ các doanh nghiệp từ nhiều quốc gia, trong khi đó, các cơ quan quản lý Việt Nam không hề có kế hoạch để các DN chuẩn bị”, ông Tiến nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, theo các DN lữ hành, giá hàng không từ châu Âu về Việt Nam cao ngất ngưởng là câu chuyện đau đầu đối với các DN lữ hành và du khách. Hiện có nhiều hãng hàng không bay châu Âu – Việt Nam như hãng hàng không Pháp Air France, Đức Lufthansa, Anh British Airways; Vietnam Airlines khai thác chặng bay từ Pháp về Việt Nam; Bamboo Airways bay từ Frankfurt …, Vietnam Airlines có nhiều chặng bay nhất nhưng giá quá cao (do bay thẳng), Bamboo Airways giá thấp hơn một chút nhưng vẫn cao so với mặt bằng chung.
Hiện tại do tình hình khá phức tạp ở một số nơi nên hầu hết các hãng hàng không đều phải điều chỉnh đường bay so với trước (bay vòng, transit), tâm lý chung của hầu hết du khách là không thoải mái khi bay quá dài, transit nhiều, đây là một trong những yếu tố quyết định đến việc đi du lịch của khách.
Giám đốc Typic Đỗ Tiến cho biết, trước khi xảy ra dịch COVID-19, giá vé máy bay từ Pháp đến Việt Nam vào khoảng 700 Euro/vé (khứ hồi), ví dụ 1 cặp vợ chồng đến Việt Nam du lịch 15 ngày với mức chi tiêu tại chỗ vào khoảng 1.000 Euro/người (15 ngày). Như vậy, tổng chi phí trên dưới 1.700 Euro/người cả đi cả về. Nhưng hiện tại cũng với số ngày như vậy thì riêng tiền vé đã rơi vào khoảng 1.500 Euro/người, gấp đôi trước dịch (chưa kể trường hợp đặt vé muộn giá vé lên tới 1.800 – 1.900 Euro), chưa kể tiền tour tại chỗ, chưa kể tiền tour cũng tăng khá cao so với trước.
“Nhìn chung, giá cả dịch vụ đều tăng là vấn đề khó khăn trong việc thu hút khách quốc tế”, ông Tiến nói.
Viễn Nguyệt