Chiều ngày 13/4, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức chương trình khảo sát liên kết phát triển du lịch với các địa phương. Đây là hoạt động trong khuôn khổi Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023. Chương trình thu hút sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến, cơ quan quản lý du lịch các địa phương cả nước.
Theo chương trình, đoàn đã khảo sát Phim trường Smiley Ville, Làng múa rối nước Đào Thục, Việt phủ Thành Chương, Paradise Sóc Sơn Resort. Tại Phim trường Smiley Ville, đoàn đã khảo sát các điểm check-in, nghe giới thiệu về các dịch vụ tổ chức sự kiện, tham quan - lưu trú, du lịch dã ngoại – giáo dục, ẩm thực, camping –glamping... Tại Làng múa rối nước Đào Thục, đoàn đã xem các nghệ nhân trình diễn một số tiết mục độc đáo như Phùng Hưng đả hổ, rồng phun lửa, anh Ba Khí. Tại Việt phủ Thành Chương, đoàn đã tham quan một không gian văn hóa đặc sắc thông quan việc tái hiện các không gian kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật truyền thống, các di vật dân gian. Tại Paradise Sóc Sơn Resort, đoàn tìm hiểu về phong cách kiến trúc, các dịch vụ.
Chị Phan Hà, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch Lê Gia (Thanh Hóa) cho biết, chương trình biểu diễn tại làng múa rối nước Đào Thục để lại rất nhiều cảm xúc. Đặc biệt, đối với những người làm du lịch, sẽ là sự lan tỏa, giới thiệu, kết nối giá trị văn hóa giữa quá khứ với hiện tại nhằm phát huy tốt hơn trong tương lại. Thông qua đó, có thể chia sẻ với du khách, với những người trẻ để tạo nên những ấn tượng về văn hóa truyền thống, để giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa truyền thống giữa cuộc sống hiện đại ngày nay. “Tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục được tham dự nhiều hoạt động khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, kết nối các địa phương, qua đó sẽ tạo ra sự kết nối các tuyến, điểm để chúng ta có thể nhân rộng giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình trải nghiệm các tuyến, điểm” - chị Phan Hà chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sóc Trăng Trịnh Công Lý cho biết, Sở Du lịch tổ chức chương trình khảo sát rất ấn tượng, đặc biệt là chương trình xem biểu diễn ở làng múa rối nước Đào Thục. Đây là nghề truyền thống cha ông truyền lại từ ngàn năm nay, cần được tiếp tục bảo tồn, phát huy. Du khách quốc tế cũng rất ngạc nhiên và đặc biệt khâm phục tài nghệ của cha ông ta cũng như những nghệ nhân biểu diễn rối nước. “Đây là một trong những điểm có thể phát huy được, có thể trở thành một trong những trọng điểm trong điểm đến du lịch, không chỉ của Hà Nội, mà là của cả nước” - ông Trịnh Công Lý nhận định.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang Võ Phạm Tân cho biết, Trong thời gian ngành Du lịch đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, việc kết nối vùng miền, nắm bắt sâu các bản sắc văn hóa từng vùng miền để phát triển là điều hết sức cần thiết và quan trọng hiện nay. Qua chương trình khảo, tôi biết thêm một số điểm mới của Hà Nội, đặc biệt là phù hợp với chủ đề của Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2023 là “Du lịch Văn hóa”. “Với bề dày lịch sử hàng ngàn năm văn hiến của Hà Nội, tôi cho rằng phát triển thế mạnh du lịch gắn với văn hóa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa vật thể, phi vật thể là một không gian cực kỳ hấp dẫn có chiều sâu văn hóa. Từ làng múa rối nước Đào Thục đến Việt phủ Thành Chương..., tôi cảm nhận được nhiều màu sắc văn hóa, nhiều cái mới lạ, là điều kiện để doanh nghiệp các tỉnh có được sự kết nối, xây dựng chương trình tour để tham gia các hoạt động du lịch, đưa khách đến Thủ đô Hà Nội” - ông Võ Phạm Tân khẳng định.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Thị Hương Giang cho biết, chương trình khảo sát đều là những điểm mới, đối với cả doanh nghiệp Hà Nội. “Giữa Thủ đô Hà Nội có một điểm để du lịch “rất” miền quê, có đặc trưng rất riêng. Bởi Sóc Sơn gần như vẫn giữ được khu vực rừng, cùng với địa thế được thiên nhiên ưu đãi và đang dần từng bước phát triển du lịch. Sở Du lịch Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, xúc tiến du lịch các địa phương thông qua chương trình, cùng nhau quảng bá để phát triển du lịch, để đến với Hà Nội, du khách có thêm một điểm đến nữa để trải nghiệm” - bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.
Được biết, thời gian qua, ngành Du lịch Thủ đô đã đẩy mạnh liên kết với các tỉnh qua đó hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng tour du lịch mới trên cơ sở kết nối giá trị văn hóa, lịch sử giữa Hà Nội với các địa phương. Đáng chú ý là chương trình kết hợp giữa du lịch biển và khám phá hang động khởi hành từ Hà Nội qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và kết thúc tại Quảng Bình. Hay tour liên tuyến từ Hà Nội vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với chủ đề “Hành trình trở lại miền Trung”. Các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội cũng xây dựng tour du lịch liên kết với các địa phương như tour Hà Nội với các địa phương hành lang kinh tế Lào Cai - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai); xây dựng các sản phẩm du lịch mới đến với Quảng Bình, Huế, Lào Cai, Đà Nẵng, Vinh...
Đình Phong