Hậu Giang, một tỉnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nằm phía Tây sông Hậu, nơi có nhiều địa danh nổi tiếng như lung Ngọc Hoàng, kênh xáng Xà No, chợ nổi Ngã Bảy với bài ca cổ trứ danh “Tình anh bán chiếu” và nhiều sản vật du khách muốn được thưởng thức như khóm Cầu Đúc, quýt đường Long Trị, bưởi 5 Roi - Phú Hữu, cá thát lát, đọt choại…
Để du khách có dịp được trải nghiệm khám phá thiên nhiên sản vật, tỉnh Hậu Giang vừa đưa ra 2 chương trình du lịch “Trải nghiệm khám phá thiên nhiên” giới thiệu trong chuỗi sự kiện Lễ hội Thể thao Du lịch Mekong Marathon, mời gọi du khách đến vùng đất thiên nhiên ruộng vườn sông nước còn nhiều hoang sơ để trải nghiệm khám phá tình đất, tình người Hậu Giang.
Hai chương trình du lịch được giới thiệu trong chuỗi sự kiện Lễ hội Thể thao Du lịch Mekong Marathon tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, vừa qua là “Khám phá lung Ngọc Hoàng” và “Hành trình khóm Cầu Đúc”.
Lung Ngọc Hoàng - điểm đến nổi tiếng
Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng tọa lạc tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, được thành lập theo Quyết định số 13/2002/QÐ-TTg ngày 14-1-2002 của Thủ tướng Chính phủ, với 2.805 ha, gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt hơn 1.015 ha, phân khu phục hồi sinh thái trên 937 ha và phân khu hành chính dịch vụ trên 852 ha.
Du khách đến lung Ngọc Hoàng sẽ ngạc nhiên khi thấy thiên nhiên nơi đây vẫn còn hoang dã và sẽ hỏi sao tên gọi là lung Ngọc Hoàng? Không ai trả lời được tên lung Ngọc Hoàng do ai đặt và có tên gọi đó từ bao giờ mà chỉ biết truyền thuyết kể rằng nơi đây là rừng tràm bạt ngàn với lau sậy, nơi trú ngụ của muôn thú, cọp beo, voi tượng… đi kiếm ăn qua lại nên thành lung bàu. Thỉnh thoảng Ngọc Hoàng giáng trần du ngoạn thăm thú thiên nhiên hoang dã nơi đây nên dân gian gọi là lung Ngọc Hoàng. Câu chuyện thực hư xưa kia chẳng biết thế nào nhưng ngày nay lung Ngọc Hoàng là điểm đến du lịch nổi tiếng của Hậu Giang. Tên gọi lung Ngọc Hoàng đã được ghi vào sử sách hơn 120 năm trước.
Dẫu chiến tranh, thời cuộc trải qua bao biến cố nhưng lung Ngọc Hoàng vẫn còn hoang sơ của cánh đồng ngập nước, đa dạng sinh học. Nơi đó, có trên 330 loài thực vật với 224 chi, 92 họ. Trong số này có 56 loài mới phát hiện. Lung Ngọc Hoàng là khu sinh học đa dạng với nhiều hệ thực vật thuộc hệ sinh thái đất ngập nước khác nhau. Ðó là các loài dây choại mọc dưới gốc hoặc trên thân tràm, lau, sậy, bòng bong… Những loài trên cạn cũng khá nhiều như trâm sắn, ngái lông, mua, gừa…
Du khách có thể lên xuồng ghe, bơi chèo len lỏi trong những cánh rừng tràm, những con kinh đầy thảm thực vật để cảm nhận thiên nhiên hoang dã ít nơi nào có được của lung Ngọc Hoàng. Ðôi khi du khách sẽ giật mình bởi gặp rắn hổ bò trên đất rừng hay những rái, chồn… chạy nhảy trong lau sậy, hay chim điên điển lặn hụp dưới kinh để tắm mát, bắt cá. Nơi đây còn có đến 206 loài động vật, trong đó có nhiều loại động vật đang nằm trong sách đỏ Việt Nam như rái cá, rắn hổ, rắn ri voi, chồn cáo mèo, càng đước, cua đinh, rùa vàng và các loại chim quý như giang sen, cò ốc, cà cuốc, điên điển, ác là…
Chiều tà, hoàng hôn buông xuống, đứng trên tháp quan sát cao 21m đặt giữa trung tâm lung Ngọc Hoàng, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh rừng tràm chạy ngút ngàn, những dòng kinh lượn quanh, những đàn cò chao liệng bay về tổ… Thú vị biết bao được đắm mình giữa bốn bề thiên nhiên hoang dã, xanh mát, trong lành mà ông Stiermann Martin, người Ðức, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Ricefiel Lodge (xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ) đã từng thốt lên “Tuyệt vời”. Sau chuyến đi khảo sát lung Ngọc Hoàng, ông Stiermann Martin, nói với đồng nghiệp chúng tôi rằng: “Tôi nghĩ lung Ngọc Hoàng đẹp hàng đầu Việt Nam. Tôi đã đi nhiều nơi ở Việt Nam nhưng chưa nơi nào tôi thấy có cảnh quan tuyệt vời như thế này”.
Sẽ thật tiếc rằng trong chuyến hành trình khám phá lung Ngọc Hoàng mà du khách chưa được thưởng thức những sản vật hương đồng cỏ nội nơi đây. Ðó là những món đặc sản hương vị miệt đồng sông nước miền Tây. Lẩu mắm được chế biến từ cá của lung Ngọc Hoàng ăn với các loại rau từ lung bàu như bông súng, đọt choại... sẽ đậm đà biết mấy. Hay những con cá lóc đen mun sống trong lung bàu thiên nhiên được đem nướng trui thơm phức cuộn bánh tráng với rau rừng, chấm nước mắm me. Cá trê vàng xứ lung Ngọc Hoàng đem nướng hay chiên chấm với nước mắm gừng, cá rô đồng kho trái giác hay nấu canh chua trái giác bông súng… thì thật khó tả, ăn quên no.
Hương vị khóm Cầu Đúc say lòng du khách
Ðến Hậu Giang chưa đến vùng khóm Cầu Ðúc xem như chưa biết Hậu Giang, có du khách đã nói như vậy! Hậu Giang được thiên nhiên ban tặng vùng khóm Cầu Ðúc - đặc sản nổi tiếng của miệt vườn sông nước miền Tây. Theo những lão nông, khóm Cầu Ðúc đã có mặt tại Hỏa Tiến - Vị Thanh từ thập niên 30 của thế kỷ XX. Ban đầu chỉ có một vài hộ trồng nhưng sau đó thấy khóm ngon, dễ trồng nên người dân địa phương nhân giống trồng dọc theo bờ sông Cái Lớn. Lúc bấy giờ, xã Hỏa Tiến có một cây cầu đúc xi măng do Pháp xây dựng bắc qua sông Cái Lớn. Hằng ngày, bà con mang khóm ra bán dưới chân cầu, thương lái từ khắp nơi đến cũng tập kết tại đó. Lâu ngày thành một cái chợ nhỏ và cái tên khóm Cầu Ðúc cũng ra đời từ đó. Dẫu “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh” nhưng khóm Cầu Ðúc vẫn tồn tại đến nay hơn 90 năm nay. Năm 2006, khóm Cầu Ðúc đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa “Khóm Cầu Ðúc Hậu Giang”. Hiện nay, Hậu Giang có hơn 2.500ha khóm, với sản lượng hơn 36.000 tấn.
Khóm Cầu Ðúc thuộc giống Queen (nữ hoàng) nổi tiếng là đặc sản của Hậu Giang. Theo nhiều du khách, do đặc thù của thổ nhưỡng đất phèn tơi xốp nên khóm ở khu vực này trái to, cùi nhỏ, xơ thưa, ít nước, ăn giòn và vị ngọt thanh, ít rát lưỡi. Khóm gọt vỏ xong có màu vàng rất bắt mắt, hương vị ngọt thơm và ăn rất ngon miệng. Ðặc biệt, trái khóm Cầu Ðúc có thể để khoảng 10-15 ngày mà không hư.
Du khách tham gia “Hành trình khóm Cầu Ðúc” sẽ tận mắt thấy những cánh đồng khóm bạt ngàn trồng ngay hàng thẳng lối, rất đẹp. Từ lâu nay, khóm Cầu Ðúc là điểm đến du lịch sinh thái cộng đồng Hậu Giang. Du khách có thể tham quan khám phá tìm hiểu cách trồng và thu hoạch khóm Cầu Ðúc. Hấp dẫn hơn là thưởng thức hương vị khóm Cầu Ðúc với nhiều món ngon, lạ như: bánh xèo củ hủ khóm, gà hấp khóm, la gu khóm, canh chua khóm với cá lóc, hay khóm kho với cá he, ba rọi xào khóm, sườn heo xào chua ngọt với khóm… Hay ăn khóm tươi, uống nước ép khóm… sẽ sảng khoái, đầy năng lượng.
Thiên nhiên Hậu Giang vẫn còn hoang sơ, là điểm đến hấp dẫn và du lịch đang trở mình thức giấc. Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, từng ví von về du lịch Hậu Giang: “Giống như một cô gái đẹp đang ngủ say và cần được đánh thức, Hậu Giang với viên ngọc xanh lung Ngọc Hoàng, chợ nổi Ngã Bảy đi vào bài hát Tình anh bán chiếu, Trúc lâm Thiền viện, rừng tràm Vị Thủy, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, sáng tạo… và đặc biệt Hậu Giang mến khách, nghĩa tình, thủy chung. Hậu Giang tuy giàu tiềm năng nhưng mới chỉ bước những bước ban đầu, chưa có nhiều sản phẩm du lịch ấn tượng được thương mại hóa và cạnh tranh được với các địa phương khác trong khu vực. Hậu Giang sẵn sàng hợp tác và tiếp nhận công nghệ làm du lịch, để làm giàu hơn, đặc sắc hơn các sản phẩm du lịch hiện có, thích ứng với nhu cầu của thị trường và phải làm sao để du khách biết đến Hậu Giang và các sản phẩm du lịch đó…”.