Trong những năm qua, đặc biệt là từ sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Du lịch Nghệ An đã có những bước chuyển mình và đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2020, Nghệ An đánh dấu một bước mới trong chuyển đổi công tác xúc tiến theo hướng tập trung một đầu mối cả 3 lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch.
Chuyển mình phát triển mạnh mẽ
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, diện mạo ngành Du lịch Nghệ An những năm qua đã có bước đổi thay nhanh chóng, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Hầu hết các tuyến đường giao thông tiếp cận các khu du lịch trọng điểm của tỉnh được đầu tư xây dựng, nhất là đối với khu vực ven biển. Nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử, di tích cách mạng được quan tâm đầu tư xây dựng và bảo tồn tôn tạo trở thành những điểm du lịch văn hoá, tâm linh hấp dẫn đối với du khách và nhân dân cả nước. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch phát triển nhanh chóng cả về quy mô và chất lượng, góp phần làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng quê, đô thị.
Nếu như năm 2011, Nghệ An đón trên 3,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 1.327 tỷ đồng thì đến năm 2019, toàn tỉnh đã đón trên 6,5 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 8.800 tỷ đồng, một con số ấn tượng chỉ sau 9 năm. Quy mô và số lượng các cơ sở lưu trú có chất lượng cũng ngày càng tăng, hiện toàn tỉnh có 839 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 3 khách sạn 5 sao, 7 khách sạn 4 sao, 20 khách sạn 3 sao. Toàn tỉnh có hơn 50 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cả nội địa và quốc tế.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch, dịch vụ từng bước được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng với trọng tâm là du lịch văn hóa - lịch sử gắn với lễ hội và tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng biển. Các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với văn hóa cộng đồng miền Tây Nghệ An, du lịch làng nghề, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu được khai thác. Công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch được đẩy mạnh và đem lại hiệu quả thiết thực, tổ chức được nhiều hoạt động văn hoá, du lịch gắn với các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước để quảng bá hình ảnh Nghệ An đến với du khách và nhân dân cả nước. Hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong nước, trong khu vực ngày càng được mở rộng. Đội ngũ lao động có bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Hệ thống trường có đào tạo nghề du lịch phát triển khá nhanh, chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện.
Chuyển đổi mô hình từng bước khẳng định thương hiệu
Nhằm phát huy tối ưu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò là trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, giữ vị thế dẫn dắt, kết nối và thúc đẩy du lịch của cả vùng phát triển mạnh mẽ theo đúng định hướng đã được đề cập trong Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong thời gian tới, Du lịch Nghệ An xác định thực hiện một số giải pháp cụ thể, đặc biệt là đổi mới mô hình xúc tiến, tập trung một mối ba lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch.
Thứ nhất, quy hoạch và hạ tầng phải đi trước một bước, đóng vai trò định hướng và khuyến khích thu hút đầu tư du lịch; tăng cường công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phát triển du lịch, đảm bảo tập trung khai thác tối ưu và có hiệu quả thế mạnh tài nguyên du lịch của tỉnh, trong đó ưu tiên cho phát triển các sản phẩm đặc thù, có giá trị nổi bật như: Khu du lịch quốc gia Kim Liên, Vườn quốc gia Pù Mát, du lịch biển Cửa Lò, Di sản Dân ca ví, giặm... thành các sản phẩm mang thương hiệu Du lịch Nghệ An.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng du lịch để biến Nghệ An thực sự là đầu mối giao thông của cả vùng Bắc Trung Bộ, tạo cú hích mạnh mẽ cho thu hút đầu tư phát triển du lịch; tập trung huy động nhiều nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở quy hoạch, đặc biệt là hạ tầng đô thị thành phố Vinh, các tuyến quốc lộ, cao tốc qua Nghệ An, hạ tầng cửa khẩu và đường bộ kết nối với nước bạn Lào, sân bay Vinh, nhà ga, bến cảng, hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch của tỉnh và với các địa phương khác trong vùng, đảm bảo gắn kết Du lịch Nghệ An với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và du lịch cả nước, quốc tế, đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư tại các khu, điểm du lịch, các di tích lịch sử, làng nghề; có chính sách huy động các nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và đặc biệt là thu hút sự tham gia, nâng cao vai trò và trách nhiệm của cộng đồng dân cư đối với phát triển du lịch; tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng gắn liền với các bãi biển, tập trung thu hút đầu tư xây dựng các tổ hợp khu nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch, giải trí, sinh thái cao cấp có khả năng tạo dựng thương hiệu mới cho Nghệ An; có cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với rừng, hệ sinh thái tự nhiên phục vụ đa dạng khách nội địa và khách quốc tế.
Thứ tư, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao dựa trên những thế mạnh về tài nguyên và vị trí của Nghệ An, từng bước khẳng định thương hiệu Du lịch Nghệ An trên bản đồ du lịch cả nước và khu vực; thúc đẩy phát triển loại hình du lịch MICE, du lịch mua sắm kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch đường bộ liên quốc gia với Lào, Thái Lan và các quốc gia ASEAN khác, đảm đương tốt vai trò là trung tâm điều phối du lịch của vùng, coi đây là hướng đi đột phá cho Du lịch Nghệ An trong thời gian tới; lựa chọn khôi phục và tôn tạo một số khu di tích lịch sử để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù; đầu tư kết cấu hạ tầng và hạ tầng du lịch bên bờ sông Lam trở thành sản phẩm du lịch cuối tuần; tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái ở miền Tây Nghệ An, khai thác một số lễ hội, phong tục tập quán truyền thống của các dân tộc miền Tây Nghệ An để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng…
Thứ năm, gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn, nhất là bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, giáo dục truyền thống, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới và biển đảo; thực hiện nghiêm đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là các dự án nằm ở các vùng có tài nguyên du lịch hấp dẫn, nổi trội, có giá trị sinh thái cao.
Lễ ký kết và trao biên bản thỏa thuận hợp tác thương mại, du lịch giữa Lâm Đồng và Nghệ An
Thứ sáu, tăng cường hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố có trọng điểm về du lịch: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Huế, Quảng Ninh, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, vùng Tây Bắc, Tây Nguyên; các doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Bắc Trung Bộ như: Saigontourist, Vietravel, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội... để xây dựng các chương trình du lịch tìm hiểu, nghiên cứu và tham quan các di tích lịch sử, công trình văn hóa, lễ hội tâm linh góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của Du lịch Nghệ An, gắn điểm đến Nghệ An vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Thứ bảy, đổi mới phương thức quảng bá xúc tiến du lịch thông qua các phương tiện truyền thông điện tử như truyền hình, internet, mạng xã hội, điện ảnh; phát hành rộng rãi các ấn phẩm giới thiệu về con người, lịch sử văn hóa, cảnh quan và sản phẩm du lịch xứ Nghệ trong và ngoài nước; đổi mới và hoàn thiện nội dung, kết cấu website về Du lịch Nghệ An; tập trung sản xuất video clip chất lượng cao hoặc các đoạn phim ngắn giới thiệu về Du lịch Nghệ An để tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh của điểm đến Nghệ An trên các phương tiện thông tin truyền thông, kể cả trong nước và quốc tế.
Thứ tám, bên cạnh đẩy mạnh quảng bá thu hút khách quốc tế, cần tập trung ưu tiên quảng bá thu hút khách du lịch nội địa; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển; đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tranh thủ kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn về du lịch để định hướng thị trường và phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao.
Thứ chín, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; có chính sách thu hút đầu tư, hợp tác liên kết nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo du lịch đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch chuyên nghiệp và đẳng cấp; xây dựng mô hình liên kết giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp du lịch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường tổ chức tập huấn về du lịch cộng đồng tại các bản làng, các điểm du lịch.
Bước sang năm 2021, với mô hình thực hiện xúc tiến cả ba lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch theo cơ chế một đầu mối đang hứa hẹn những đổi thay, từng bước chuyên nghiệp hóa trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Nghệ An.