Lượng khách đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua tương đối tốt. Trong đó, nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch từ nông nghiệp đang tham gia vào chuỗi cung ứng cho khách, nhất là khách quốc tế. Từ đó, tạo ra luồng sinh khí mới cho ngành Du lịch sau thời gian dài ảm đạm.
Thiếu sản phẩm đặc trưng
Hiện khách du lịch đang đến và tham quan trải nghiệm nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL, từ Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp đến Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau… Nhiều tín hiệu tích cực lạc quan thể hiện rõ ở du lịch vùng sông nước thời gian qua, nhất là trong bối cảnh phục hồi du lịch dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong số khách du lịch đến khu vực ĐBSCL, chủ yếu là khách du lịch nội địa, với khoảng hơn 44 triệu lượt trong năm 2022; lượng khách lưu trú chiếm gần 12 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt gần 34.000 tỷ đồng.
Vấn đề đặt ra hiện nay là khu vực này đang thiếu các sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp thực sự hấp dẫn, lôi cuốn để thu hút khách tham quan trải nghiệm, khám phá, mua sắm… Từ đó, giữ chân du khách lưu trú lâu hơn tại điểm đến, kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn. Ví dụ tại khu vực các cồn của Tiền Giang và Bến Tre (Long, Lân, Quy, Phụng), các điểm du lịch đều có điểm “na ná nhau”, thường là tham quan - ăn trái cây, nghe đờn ca tài tử, đi ngang qua các gian hàng lưu niệm - mua sắm… Tại Tiền Giang cũng có thể mua được kẹo dừa giống như khi đến với Bến Tre, ngược lại, tại Bến Tre cũng có thể mua được mật ong và các sản phẩm liên quan đến mật ong như ở Tiền Giang.
Hay đến các địa phương khác, khách cũng đều tham gia hoạt động trải nghiệm tát nước bắt cá, tham gia một số trò chơi trải nghiệm trên sông nước như đi xuồng ba lá, đi cầu bập bênh, tham quan cánh đồng lúa, vườn trái cây… Từ đây, đặt ra vấn đề làm sao để giải quyết được vấn đề “na ná nhau” trong xây dựng, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp cung ứng cho khách.
Đẩy mạnh giải pháp kết nối
Để giải quyết được vấn đề trên, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể:
Một là, cần có quy hoạch tổng thể cho phát triển du lịch nông nghiệp tại địa phương, như Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp… và liên vùng ĐBSCL. Điển hình tại Bến Tre, khi phát triển nông nghiệp cần quy hoạch phân bổ khu vực để nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản phù hợp tại khu vực đó, gắn với phát triển du lịch theo đặc trưng. Như tại huyện Thạnh Phú chỉ phát triển cây xoài Tứ Quý, rừng ngập mặn và biển Thạnh Phú. Từ đó, phát triển tốt sản phẩm, dịch vụ từ nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và lấy thương hiệu này để phát triển du lịch riêng có của Thạnh Phú. Hay tại huyện Mỏ Cày Nam phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp gắn với làng quê, đạp xe, khám phá văn hoá. Còn tại huyện Châu Thành, Chợ Lách thì phát triển vườn cây ăn trái và các dịch vụ bổ trợ, trong đó nhấn mạnh đến ẩm thực. Liên kết chuỗi giá trị này, sẽ tạo thành chương trình du lịch khép kín 2 ngày 1 đêm, sẽ không còn sự “na ná nhau”. Từ đó, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp liên tỉnh, thành phố, liên vùng, tạo thành chương trình du lịch hấp dẫn cho khách trải nghiệm trong thời gian 2 - 3 ngày hoặc lâu hơn.
Hai là, cần có sự vào cuộc quyết liệt và nâng cao vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước làm “bà đỡ” để kết nối các sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp với hoạt động du lịch. Thực tế từ các địa phương cho thấy, địa phương nào có lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo sâu sát và quyết liệt thì ở đó có sự kết nối tốt trong phát triển nông nghiệp và du lịch.
Đồng thời, cơ quan hữu trách khuyến khích người nông dân tham gia, sáng tạo phát triển du lịch dựa trên các sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp để gia tăng thêm các giá trị của sản phẩm, dịch vụ từ nông nghiệp. Sự khuyến khích này cần phải đặt trong mối liên hệ về hỗ trợ các cơ chế chính sách, đào tạo kỹ thuật - công nghệ, đặc biệt là vốn cho người nông dân. Trong mối quan hệ này, cần đặt trong tổng thể với nhà khoa học, doanh nghiệp (trong đó có các doanh nghiệp là ngân hàng).
Ba là, nâng cấp sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp để gắn kết với hoạt động du lịch. Bởi theo tập quán sản xuất của người nông dân, chủ yếu vẫn là tự phát, chưa có những sản phẩm, dịch vụ theo quy trình sản xuất chuyên nghiệp. Hoặc họ có những sản phẩm với chất lượng rất tốt, nhưng chưa được đóng gói với bao bì, nhãn mác thu hút, chưa xây dựng được thương hiệu. Vì vậy, trong kết nối để phát triển du lịch nông nghiệp, phải có những định hướng chính sách giúp cho các sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp của người làm nông nghiệp được chuyên nghiệp, khiến quá trình tham gia vào phục vụ du lịch trở nên hấp dẫn hơn. Mặt khác, trong xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp phải gắn với đặc trưng của địa phương vào mỗi sản phẩm, dịch vụ. Ở đó là mỗi câu chuyện về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán; thổi được hồn văn hóa vào mỗi sản phẩm, dịch vụ để đưa tới tay khách du lịch và người tiêu dùng khác.
Bên cạnh đó, cần xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp và tổ chức xúc tiến quảng bá, kích cầu chung cho các địa phương, trong đó nhấn mạnh điểm nổi bật của mỗi địa phương, sẽ góp phần giảm chi phí và đi xa hơn đến với những thị trường khách du lịch mục tiêu, khách tiềm năng. Hiện, Việt Nam đang chú trọng đến các thị trường khách Đông Á, Trung Đông, châu Âu, Mỹ… nên các địa phương, vùng ĐBSCL cần bám sát các chương trình này để quảng bá, kích cầu đạt được mục tiêu chung.
Bốn là, tổ chức các chương trình xúc tiến, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp. Hiện du lịch nông nghiệp khu vực ĐBSCL chưa có sự hiện diện của các nhà đầu tư lớn, kéo theo việc chưa tạo được động lực phát triển cho khu vực lân cận. Do đó, khu vực này cần liên kết chung, nhất là gắn với TP. Hồ Chí Minh (đã có chương trình kết nối) để thực hiện mời gọi nhà đầu tư lớn đến với khu vực này phát triển du lịch, trong ưu tiên phát triển du lịch nông nghiệp.
ThS. Dương Thanh Tùng - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
ThS. Lê Văn Hoài - Trường Du lịch, Đại học Huế