Cao Bằng: Tăng cường liên kết, hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch

Xác định hoạt động liên kết hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch là khâu quan trọng trong phát triển du lịch, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đưa du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong những năm qua, các cấp, ngành chức năng của tỉnh luôn chú trọng thực hiện với nhiều mục tiêu và giải pháp cụ thể, thiết thực.

Thời gian qua, công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch của tỉnh từng bước đổi mới, mở rộng phạm vi hoạt động với nhiều chương trình, sự kiện quảng bá trong và ngoài tỉnh. Trong 5 năm 2015 - 2020, tỉnh tổ chức, đăng cai các chương trình sự kiện: Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc tại Cao Bằng; Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; Công bố Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An là Di tích Quốc gia đặc biệt gắn với Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; Hội thảo về phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình CVĐC Toàn cầu UNESCO; Lễ kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tuần văn hóa, thể thao và du lịch chào mừng kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng. Trong đó, một số hoạt động lần đầu tiên được tổ chức tại Cao Bằng đã tạo được hiệu ứng và có tính lan tỏa như: Cuộc thi Người đẹp Du lịch Non nước Cao Bằng, Cuộc thi chạy “Chinh phục đỉnh Phja Oắc” năm 2019; cuộc thi "Ảnh đẹp CVĐC và du lịch Cao Bằng" năm 2018, 2019; cuộc thi “Sáng tạo ý tưởng, sản phẩm du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2019”; Liên hoan hát Then - Đàn tính toàn tỉnh năm 2017 và 2019…

 

Đoàn chuyên gia mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khảo sát tại xã Thái Cường (Thạch An).

 

Bà Nông Thị Tuyến, Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch ngày càng được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch như tổ chức Lễ hội về nguồn Pác Bó; Lễ hội du lịch thác Bản Giốc; nâng cấp Lễ hội Thanh Minh tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa thành Lễ hội gắn kết làng nghề truyền thống.

Một số địa phương cũng quan tâm nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội như: Bảo Lạc tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc và Chợ tình phong lưu, Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô và Lễ mừng cơm mới; Hòa An nâng cấp Lễ hội đền vua Lê thành lễ hội cấp huyện, Thành phố phục dựng hoạt động truyền thống trong Lễ hội đền Kỳ Sầm...

Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch và hình ảnh Cao Bằng được quan tâm. Ngành du lịch chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương thực hiện các clip quảng bá về di tích, danh thắng, văn hóa, sản phẩm du lịch và xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền, giới thiệu về du lịch Cao Bằng.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký kết hợp tác với Viettel Cao Bằng và VNPT Cao Bằng về ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, nhất là tuyên truyền, quảng bá du lịch; phối hợp với VNPT Cao Bằng xây dựng, khai trương đưa vào hoạt động Cổng du lịch thông minh caobangtourism.vn. Các trang web dulichcaobang.vn, caobanggeopark.com (trang thông tin chính thức của CVĐC Non nước Cao Bằng); mạng xã hội Facebook (bằng tiếng Anh và tiếng Việt) tuyên truyền, quảng bá về CVĐC Non nước Cao Bằng được khai thác hiệu quả.

Đồng thời, nhằm đưa hình ảnh du lịch và CVĐC Non nước Cao Bằng đến với du khách quốc tế, tại các kỳ họp CVĐC Toàn cầu UNESCO, tỉnh có các gian hàng giới thiệu cảnh đẹp, văn hóa, con người và sản vật địa phương thông qua các ấn phẩm, phim tài liệu được sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh và Trung Quốc...

Lễ ký kết hợp tác giữa CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).

 

Theo Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trùng Khánh Lương Văn La, Trùng Khánh đặc biệt chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến, hợp tác, liên kết trong phát triển du lịch. Huyện đã phối hợp tổ chức 3 lần Lễ hội du lịch thác Bản Giốc (năm 2017, 2018, 2019) giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất Cao Bằng nói chung, đặc biệt là giới thiệu, quảng bá danh thắng quốc gia thác Bản Giốc cũng như những nét văn hóa đặc sắc của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng xây dựng 36 phóng sự giới thiệu  về những thắng cảnh, điểm du lịch và các điểm du lịch tiềm năng của huyện; phối hợp với 62 đoàn làm phim đến Trùng Khánh làm phim, phóng sự về vùng đất, con người, những nét ẩm thực, văn hóa của huyện; 48 bài viết trên các báo, tạp chí Trung ương và hàng trăm bài viết trên Báo Cao Bằng, cổng thông tin địa phương... Qua đó, lượng khách đến với Trùng Khánh tăng theo từng năm; năm 2015 có 150.000 lượt khách, năm 2019 tăng lên 348.000 lượt khách.

Ngoài ra, các hoạt động liên kết, hợp tác luôn được tăng cường, tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tìm kiếm thị trường, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, góp phần khai thác, mở rộng thị trường du lịch trong nước và quốc tế.

Phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức các đoàn khảo sát với sự tham gia của các đơn vị lữ hành trên cả nước, đồng thời tổ chức tọa đàm với các chủ đề “Phát triển, xây dựng tour, tuyến du lịch Việt Bắc”; “Phát triển sản phẩm du lịch Cao Bằng” và “Phát triển sản phẩm du lịch thác Bản Giốc gắn với CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng”.

Chỉ đạo, hỗ trợ Hiệp hội Du lịch Cao Bằng phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) tổ chức đoàn khảo sát các tour, tuyến du lịch trọng điểm của Cao Bằng và tổ chức hội đàm phát triển, xây dựng tour, tuyến du lịch… Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng đã ký kết hợp tác, kết nghĩa với các CVĐC trong mạng lưới: Haute - Provonce, Pháp và Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nhằm tăng cường công tác quản lý và thúc đẩy liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các CVĐC toàn cầu.

Hoạt động hợp tác du lịch với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây  (Trung Quốc) được quan tâm chú trọng. Hai bên tập trung triển khai các hạng mục phục vụ đón khách du lịch vào khu cảnh quan theo Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).

Sở Văn hóa và Du lịch Quảng Tây (Trung Quốc) và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 4 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang (Việt Nam) duy trì cơ chế tổ chức hội nghị bàn về phát triển văn hóa, du lịch; các đơn vị lữ hành hai bên đẩy mạnh hoạt động trao đổi khách theo các chương trình ký kết..., góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch giữa hai bên.

Nhờ tăng cường công tác liên kết hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch nên ngành du lịch của tỉnh có sự chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lượng khách du lịch đến Cao Bằng qua các năm đều tăng. Năm 2019 khách đến Cao Bằng đạt 1.549.346 lượt người; doanh thu du lịch đạt 480,570 tỷ đồng, tăng 32,27% so với năm 2018. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình phát triển du lịch trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, lượng khách ước đạt trên 1,3 triệu lượt, giảm 16,1% so với năm 2019.

Để du lịch Cao Bằng phát triển tương xứng với tiềm năng, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương; tăng cường công tác nghiên cứu, khảo sát thị trường; đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến, quảng bá, thông tin tuyên truyền và liên kết hợp tác phát triển du lịch; chú trọng tuyên truyền cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch của tỉnh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của công tác xúc tiến, quảng bá cũng như tăng cường liên kết nhiều chiều, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ cho quảng bá du lịch, nhất là huy động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển du lịch.

Nguồn: Báo Cao Bằng

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam