Bạc Liêu - Điểm đến thân thiện

Bạc Liêu nằm ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc, phía Bắc giáp tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Cà Mau, Đông và Đông Nam giáp biển Đông. Tỉnh có diện tích tự nhiên 2.669km2, dân số là 894.257 người (năm 2017), trong đó người Kinh là chủ yếu, các tộc người khác như Khmer, người Hoa, Tày, Nùng, Thái, Chăm… chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Nếu ngày xưa Bạc Liêu hiền hòa đón dòng người phương Bắc về đây khai hoang, lập nghiệp, thì ngày nay, Bạc Liêu hấp dẫn du khách bởi sức sống mới của một thành phố trẻ giàu tiềm năng phát triển du lịch. Du lịch Bạc Liêu gắn liền với những giai thoại, lịch sử hào hùng, nét văn hóa du lịch tâm linh tín ngưỡng độc đáo và duyên ngầm của một vùng quê thắm đượm tình đất, tình người.

Danh lam thắng cảnh

Bạc Liêu sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị để phát triển du lịch sinh thái. Đó là vùng biển Nhà Mát - một quần thể đa dạng phong phú về sinh thái biển với bờ biển dài 54km, có trữ lượng tôm cá rất dồi dào; là hệ sinh thái ven bờ có thảm rừng ngập mặn chạy dài theo bờ biển có tính đa dạng sinh học rất cao; sân chim Bạc Liêu và vườn chim Lập Điền với hệ động vật và thực vật khá phong phú; là vườn nhãn được hình thành cách đây trên 100 năm… luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Bạc Liêu

Khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Bạc Liêu thuộc xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Đây là nơi sinh sống của hơn 40 loài chim, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm được ghi trong sách Đỏ Việt Nam. Vườn chim luôn tạo ra những bất ngờ cho du khách đến tham quan. Khi mới bước chân vào đây, du khách sẽ nhìn thấy ngay cảnh náo nhiệt của một sân chim tự nhiên. Những quả trứng chim nằm rải rác đó đây trên mặt đất như hòn cuội trắng. Thú vị nhất là đứng trên tháp canh cao bằng Nngọn cây rồi mơ màng ngắm cảnh. Đó là lúc đàn chim đi ăn xa về tổ. Từ hướng biển Đông tím rịm sắc chiều, từ cánh đồng Bạc Liêu vàng rượm lúa chín... những đàn chim lũ lượt bay về tổ. Nếu có dịp nghỉ đêm tại vườn chim, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức bản hòa tấu réo rắt của thiên nhiên với tiếng rì rào của lá rừng, tiếng những loài chim ăn đêm đi kiếm mồi, tiếng xào xạc của gió chướng chớm mùa mơn man rừng chồi hay tiếng mưa thu rắc nhẹ trên cành lá. Tất cả hòa quyện thành tiếng rừng, thành hơi thở của thiên nhiên nghe êm ái và hiền dịu vô cùng. Sáng ra tỉnh dậy đã nghe tiếng chim hót líu lo trong nắng sớm, du khách sẽ thấy tâm hồn mình thật thanh thản.

Khu du lịch Nhà Mát

Khu du lịch Nhà Mát tọa lạc ở đường Bạch Đằng, cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 7km, nằm ven biển Bạc Liêu với diện tích rộng hơn 21ha. Đây được xem là điểm du lịch hấp dẫn và lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết hợp giữa khu vui chơi và nghỉ dưỡng phức hợp. Một trong những điểm thu hút du khách nhất của Khu du lịch Nhà Mát là bãi biển nhân tạo còn gọi là biển Tiên Rồng. Ngoài khu bãi tắm nhân tạo, dự án Khu du lịch Nhà Mát còn có nhiều công trình khác như khuôn viên cây xanh ven bãi biển, sân khấu đa năng, khu resort cao cấp, khu ẩm thực có các món ăn Nam Bộ, khu nhạc nước thiết kế theo công nghệ Singapore… phục vụ nhu cầu thiết yếu của khách du lịch khi đến đây tham quan, giải trí.

Khu du lịch sinh thái Hồ Nam

Nằm ở vị trí đắc địa về phong thủy trên địa bàn thành phố Bạc Liêu (đường Trần Quang Diệu, khóm 10, phường 1), Hồ Nam như trút bỏ cái hơi hướng thị thành, đắm mình vào khung cảnh thiên nhiên hữu tình, một chút lặng lẽ, trầm mặc như thế nhưng đầy sức quyến rũ để thu hút du khách tìm đến. Điểm nhấn của nơi này chính là một hồ nước rộng, được lấy để đặt cho tên gọi khu du lịch: Hồ Nam. Hồ nước rộng 12ha đem lại không gian thoáng mát, tạo cho du khách cảm giác an bình. Không chỉ thu hút du khách bởi việc bố trí khu resort hài hòa với môi trường sinh thái, giữa khuôn viên của các resort còn là một khu liên hợp các dịch vụ giải trí như hồ bơi, sân tennis, sân tập golf, dịch vụ spa, massage, gym, karaoke… có thể giúp du khách hưởng thụ những dịch vụ tiện ích trong những ngày nghỉ dưỡng. Khu du lịch sinh thái Hồ Nam đã trở thành một điểm đến tuyệt vời mà du khách không thể bỏ lỡ khi du lịch Bạc Liêu.

Khu điện gió Bạc Liêu

Công trình điện gió hay còn gọi là “Cánh đồng điện gió” Bạc Liêu nằm trong khu vực 500ha đất ven biển xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Đến đây, du khách cứ ngỡ mình đang lạc vào phương trời Tây với xứ sở của cối xay gió quay đều như những chong chóng khổng lồ in trên bầu trời. Giữa vùng nước mênh mông hoang sơ, công trình điện gió Bạc Liêu mang hơi thở hiện đại, tô điểm cho vùng đất này bộ mặt mới khởi sắc và đang chuyển mình từng ngày theo nhịp sống hiện đại. Hãy đến với điện gió Bạc Liêu để cảm nhận những điều thú vị đó.

Vườn nhãn cổ Bạc Liêu

Vườn nhãn cổ Bạc Liêu rộng khoảng 230ha, chạy dài qua 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Vườn nhãn cổ đã hơn 100 năm tuổi là khu vườn đặc biệt nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và là niềm tự hào của người dân địa phương. Đây là nơi quy tụ hơn hàng trăm cây nhãn có hình dáng bề ngoài gân guốc, uốn lượn có chút cổ quái, mang đậm dấu ấn thời gian. Đến vườn nhãn, khách tham quan có thể nghỉ ngơi dưới những tán cây rợp bóng, hít thở bầu không khí trong lành của một vùng quê yên tĩnh. Vào mùa nhãn chín, khách tham quan còn có thể thưởng thức những trái nhãn thơm ngon, đậm chất miệt vườn. Hương vị thơm ngon của từng trái nhãn khiến cho người ăn không thể nào quên….

Di tích Lịch sử - Văn hóa

Bạc Liêu, vùng đất hội tụ 3 dòng văn hóa Kinh - Hoa - Khmer luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách không chỉ bởi cốt cách của những con người thân thiện, hào phóng, hiếu khách, tiếng đờn tài tử réo rắt, các lễ hội độc đáo, văn hóa ẩm thực hấp dẫn mà còn bởi các công trình văn hóa, lịch sử đặc sắc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 di tích, trong đó 40 di tích được xếp hạng như: Đền thờ Bác Hồ, Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đồng hồ Thái Dương, Nhà công tử Bạc Liêu, Quảng trường Hùng Vương, chùa Xiêm Cán, Khu di tích lịch sử Nọc Nạng, tháp cổ Vĩnh Hưng...

Quảng trường Hùng Vương

Quảng trường Hùng Vương nằm ngay tại trung tâm Bạc Liêu, được khánh thành từ năm 2014, đây là công trình để chào mừng Festival Đờn ca tài tử lần thứ nhất do tỉnh Bạc Liêu đăng cai. Quảng trường Hùng Vương có chiều dài 366m, rộng 111m, được thiết kế theo thẩm mỹ hiện đại, toàn bộ sân được lát bằng đá tự nhiên màu xám nhạt xen kẽ xám đậm trông như những nốt nhạc rất sinh động. Nơi đây vừa là nơi tổ chức các sự kiện của tỉnh, vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng. Trung tâm quảng trường còn gây ấn tượng bởi chiếc đờn kìm cách điệu vươn lên từ những cánh sen được ghi tên vào sách kỷ lục Việt Nam; có sân phun nước nghệ thuật với 68 vòi phun cao từ 1,5 đến 3m. Dọc 2 bên quảng trường trồng 2 hàng cây cổ thụ, tán lá rộng, trồng xen kẽ cây đa lộc vừng, biểu thị cho sự đại lộc, sự thịnh vượng của Bạc Liêu. Ngoài ra, Bạc Liêu còn có nhiều công trình nghệ thuật văn hóa độc đáo và ý nghĩa. Quảng trường là niềm tự hào của tỉnh, là điểm đến du khách không thể bỏ qua khi tới Bạc Liêu. Khuôn viên tràn ngập cây xanh và quần thể kiến trúc đặc sắc đã giúp Quảng trường Hùng Vương trở thành điểm du lịch tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long. Nằm trong khuôn viên Quảng trường còn có công trình Tượng đài sự kiện Mậu Thân là sự chắt lọc ý nghĩa những sự kiện tiêu biểu diễn ra trên vùng đất Bạc Liêu trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân 1968; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh Bạc Liêu được xây dựng trên đường Trần Huỳnh cạnh Quảng trường Hùng Vương. Trong khuôn viên còn có Nhà hát Cao Văn Lầu, nơi được xem là trái tim của khu Quảng trường Hùng Vương, có tổng diện tích 2.262m2 được chia làm 3 khối có hình trụ tròn, mái hình chiếc nón lá hướng vào nhau, chiều cao nón lớn nhất là 24,25m, đường kính nón lớn nhất là 45,15m, mái được làm bằng tấm composite màu chiếc nón lá… Xung quanh nhà hát còn có nhiều công trình khác như hồ nước, sân ngoài trời, đường đi bộ, hệ thống cây xanh…Trung tâm triển lãm và Nhà hát Cao Văn Lầu được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập là công trình có hình dạng nón lá lớn nhất Việt Nam.

Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1890 - 1976) là người sáng tác bản “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng, tiền thân của bản vọng cổ ngày nay. Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu được xây dựng trên tuyến đường Ninh Bình, phường 2, thành phố Bạc Liêu. Khu lưu niệm được mở rộng tôn tạo trên diện tích hơn 12ha, gồm nhiều hạng mục như: nhà trưng bày, mộ nhạc sĩ, nhà biểu diễn đờn ca tài tử, vườn nhạc cụ, tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đặc biệt là “Đài nguyệt cầm” là công trình biểu tượng văn hóa nhằm tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Khu lưu niệm từ lâu được xem là “điểm son” của Du lịch Bạc Liêu.

Quán âm Phật đài

Khu Quán âm Phật đài (phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu) được xây dựng từ năm 1973, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của bà con phật tử nhất là ngư dân vùng biển. Nơi đây có tượng Phật Bà Nam Hải cao 11m mặt hướng ra biển Đông. Hằng năm, vào ngày 23 - 25/3 âm lịch, Lễ hội Quán âm Nam Hải được tổ chức, thu hút đông phật tử và du khách hành hương từ khắp nơi đổ về. Đây là một trong những lễ hội mang bản sắc Phật giáo đậm nét.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc tại ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Trên khuôn viên khá rộng và thoáng mát, với diện tích khoảng 9.300m2, đền thờ bao gồm các kiến trúc chính như: ngôi đền thờ Bác, nhà trưng bày, hội trường và phòng làm việc, khu nhà ở, khu vườn trồng nhiều cây lưu niệm (có rất nhiều vị nguyên thủ quốc gia đã trồng cây lưu niệm ở nơi này)…

Đặc biệt, trong khuôn viên di tích có hồ sen - một loại hoa luôn gắn với hình ảnh quê hương và tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây có hơn 300 tài liệu và hiện vật phản ánh quá trình nhân dân xã Châu Thới chiến đấu bảo vệ đền thờ và các tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là điểm sáng để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của ông cha ta cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Khu nhà công tử Bạc Liêu

“Công tử Bạc Liêu” là cụm từ dân gian phổ biến ở miền Nam Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 để chỉ các công tử, con những gia đình giàu có sống ở tỉnh Bạc Liêu trong thời kỳ Pháp thuộc. Nổi bật nhất trong số các công tử Bạc Liêu là Trần Trinh Huy (1900 - 1974), còn có các tên gọi khác là Ba Huy, Hội đồng Ba Huy hay Hắc công tử, một tay chơi nổi tiếng nhất ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930, 1940. Chính vì vậy, danh xưng “Công tử Bạc Liêu” gần như được dành riêng để nói về ông. Khu nhà công tử Bạc Liêu (còn có tên gọi là nhà Lớn) được xây dựng năm 1919. Hầu hết các vật liệu xây dựng ngôi nhà, từ thép đúc, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí đến ốc vít đều có khắc chữ “P” chìm, như minh chứng cho nguồn gốc xuất xứ tại thủ đô Paris hoa lệ. Sau khi hoàn thành, đây được xem là ngôi nhà bề thế nhất Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ. Ngay khi bước chân vào ngôi nhà, du khách sẽ bị cuốn hút bởi những đường nét thiết kế tỉ mỉ, tinh tế, toát lên vẻ sang trọng và hào hoa. Những chiếc đèn màu vàng tỏa ánh sáng lung linh tạo cảm giác ấm cúng và lịch lãm. Trên mỗi cây cột của ngôi nhà đều được trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt. Một phần của khu nhà được dùng làm nơi trưng bày những hiện vật quý hiếm là đồ nội thất gia đình công tử Bạc Liêu từng sử dụng như các bộ bàn ghế được khảm xà cừ tinh xảo; những chiếc ấm, tách trà với họa tiết rồng bay, phượng múa…

Chùa Xiêm Cán

Chùa Xiêm Cán tọa lạc tại ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu được xây dựng năm 1887 trên diện tích rộng gần 50.000m2. Chùa Xiêm Cán mang kiến trúc Angkor của người Campuchia, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang, các mảng phù điêu, màu sắc hoa văn, đường nét chạm trổ cong lượn. Hiện nay, Xiêm Cán là một trong những ngôi chùa lớn và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Khu nhà công tử Bạc Liêu Nam Bộ.

Tháp cổ Vĩnh Hưng

Tháp cổ Vĩnh Hưng được phát hiện vào năm 1911 tại ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi. Đây không chỉ là một kiến trúc tháp thuộc nền văn hóa Óc Eo còn sót lại duy nhất ở Tây Nam Bộ, mà tại đây các nhà khảo cổ học còn thu được một bộ sưu tập hiện vật hết sức quí giá với nhiều tượng đá, đồng, gốm, đá quí… đánh dấu một giai đoạn tồn tại và phát triển khá dài (từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13 sau công nguyên) của tháp cổ Vĩnh Hưng. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992.

Đồng hồ Thái Dương

Tọa lạc ngay tại trung tâm thành phố Bạc Liêu, đồng hồ Thái Dương hơn 100 năm tuổi trở thành một điểm tham quan thu hút đông đảo du khách. Đồng hồ Thái Dương (còn gọi là Đồng hồ đá) do nhà bác vật Lưu Văn Lang (1880 - 1969, quê tỉnh Sa Đéc, nay là Đồng Tháp) chế tạo vào đầu thế kỷ 20 để tặng cho Tỉnh trưởng Bạc Liêu. Chiếc đồng hồ độc đáo này cao khoảng 1m, rộng 0,8m được làm chủ yếu bằng gạch, đá. Bề mặt của đồng hồ đối diện hướng Đông, trên có những chữ số La mã từ I - XII để chỉ giờ. Đồng hồ hoạt động nhờ vào ánh sáng mặt trời. Vào buổi sáng sớm, lúc mặt trời vừa mọc thì bóng rọi ngay số 7, khi mặt trời đứng bóng thì chỉ đúng số 12. Lúc trời xế chiều, bóng dần nghiêng nhưng vẫn rọi đúng vào những con số chỉ thời khắc tương ứng. Đây là chiếc đồng hồ đá duy nhất ở Việt Nam và đã được tỉnh Bạc Liêu xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2006.

Cây xoài 300 tuổi

Cây xoài 300 năm tuổi nằm trên địa bàn ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Cây có chiều cao khoảng 20m, tán lá tỏa bóng mát rộng đến 300m2, đường tròn gốc khoảng 5 người ôm. Đây được xem là cây xoài có tuổi thọ cao nhất ở Bạc Liêu nói riêng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Cây xoài đã được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Hiện nay, cây xoài 300 tuổi đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Bạc Liêu với những giá trị gắn liền với văn hóa lâu đời của vùng đất trù phú dồi dào nước ngọt quả thơm.

Di tích lịch sử văn hóa đồng Nọc Nạng

Di tích đồng Nọc Nạng nằm tại ấp 4, xã Phong Thạnh, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Nhân vật chính trong sự kiện Nọc Nạng là gia đình ông Mười Chức chống Tây cướp lúa đã gây tiếng vang lớn, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh đòi ruộng đất của nông dân Nam Bộ lúc bấy giờ. Để ghi nhận sự kiện này, tỉnh Bạc Liêu cho xây dựng Khu di tích lịch sử Nọc Nạng, vừa là nơi lưu giữ truyền thống yêu nước, vừa là một nơi tham quan du lịch cho người dân trong và ngoài tỉnh. Tại khu di tích, ngoài cụm tượng còn có khu mộ của gia đình ông Mười Chức; Nhà lưu niệm với nhiều hình ảnh, hiện vật có liên quan đến sự kiện và truyền thống cách mạng của tỉnh Bạc Liêu. Hiện, Khu di tích văn hóa đồng Nọc Nạng là một trong những điểm tham quan ý nghĩa của tỉnh Bạc Liêu.

Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu

Tọa lạc tại ấp Cái Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, Khu Di tích Tỉnh ủy Bạc Liêu được khởi công xây dựng vào tháng 10/2011 với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng trên khuôn viên đất rộng 37.000m2. Khu di tích gồm nhiều hạng mục như: sân khấu ngoài trời, nhà trưng bày hình ảnh hiện vật, bia tưởng niệm và tái hiện, phục chế lại nhiều căn nhà của nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhà Bí thư Tỉnh ủy, các cơ sở cách mạng… Nơi đây trước kia không chỉ là địa bàn hoạt động mà còn là nơi tổ chức học tập, quán triệt cụ thể hóa các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Tây Nam Bộ nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng. Hằng năm, nơi đây đón hàng ngàn lượt đảng viên, đoàn viên và nhân dân về thăm viếng. Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích cấp quốc gia năm 2011.

Lễ hội Bạc Liêu

Lễ hội Dạ cổ hoài lang

Lễ hội Dạ cổ hoài lang là một lễ hội nghệ thuật độc đáo của người Bạc Liêu nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - người đã có công đóng góp cho quá trình ra đời và phát triển của bản vọng cổ ngày nay. Lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến 15/8 âm lịch hằng năm tại Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa tiêu biểu như: biểu diễn nghệ thuật, giao lưu đờn ca tài tử, Hội chợ Thương mại - Du lịch giới thiệu ẩm thực Nam Bộ…, với sự tham gia của đông đảo du khách đặc biệt là giới văn nghệ sĩ.

Lễ hội Oóc Om - Bok

Lễ hội Oóc Om - Bok là lễ cúng trăng được tổ chức vào ngày 15/10 âm lịch của dân tộc Khmer nhằm tưởng nhớ và tạ ơn mặt trăng. Người Khmer coi mặt trăng là vị thần điều động mùa màng trong năm, đồ cúng chính là món cốm dẹp. Trong dịp lễ này, người Khmer còn tổ chức hội đua ghe Ngo truyền thống độc đáo, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến thưởng thức.

Lễ hội Dấu ấn đồng Nọc Nạng

Lễ hội Dấu ấn đồng Nọc Nạng diễn ra từ ngày 15 đến 17/2 âm lịch tại Khu di tích lịch sử đồng Nọc Nạng thuộc ấp 4, xã Phong Thạnh, thị xã Giá Rai. Lễ hội diễn ra với nghi thức tưởng niệm và dâng hương, dâng hoa để tri ân các bậc tiền nhân đấu tranh giành lại ruộng đất từ tay địa chủ và chính quyền thực dân Pháp.

Lễ hội Nghinh ông Gành Hào

Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc của ngư dân miền biển Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Lễ hội được tổ chức vào 2 ngày 9, 10/3 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ công ơn của loài cá voi - được ngư dân miền biển phong là vị thần Đại tướng quân Nam Hải đã có công cứu giúp ngư dân vượt qua sóng to gió lớn mỗi khi gặp bão tố.

Làng nghề truyền thống

Bạc Liêu không chỉ là vùng đất của những con người hào sảng, trọng nghĩa, nặng tình, mà còn là vùng đất của nhiều làng nghề truyền thống. Làng nghề ở Bạc Liêu mang một nét đặc trưng độc đáo, được hình thành gắn với văn hóa của từng dân tộc.

Nghề làm bánh kẹo

Với các nguyên liệu phong phú và có sẵn, nghề làm bánh kẹo ở phường 2, phường 5, thành phố Bạc Liêu cũng khá phát triển, tạo nên sự đa dạng của các loại đặc sản địa phương. Có thể kể đến một số loại bánh kẹo như: bánh in, bánh pía (Thái Can), bánh thèo lèo, bánh dẻo (Huỳnh Minh Thành), bánh củ cải Tiều, bánh củ cải,…

Nghề làm bánh tráng

Nghề làm bánh tráng tại thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân đã có từ rất lâu và được gìn giữ, lưu truyền cho đến ngày nay. Để có được chiếc bánh ngon, người thợ phải tỉ mỉ từ khâu chọn gạo, xay bột, ủ bột, tráng bánh, canh thời gian phơi bánh; đồng thời phải khéo léo có kinh nghiệm thì mới có thể cho ra chiếc bánh mỏng mà không bị rách, lại có độ dai. Bánh tráng Hồng Dân không chỉ phục vụ địa phương mà còn cung cấp cho các tỉnh lân cận.

Nghề làm muối

Hơn 100 năm phát triển, hạt muối Bạc Liêu đã gắn chặt với đất, với người như một phần hương vị không thể thiếu của quê hương. Có lẽ vì thế mà trải qua biết bao nhiêu năm cát lở, sông bồi, những dòng kênh: Huyện Kệ, Trường Sơn, Cái Cùng, Gành Hào… vẫn luôn “thủy chung” chở nước mặn về “dang tay ôm lấy” những làng muối, nuôi sống diêm dân trên đồng đất ven biển Bạc Liêu. Theo thời gian, nghề làm muối cũng trải qua không ít những thăng trầm, biến cố. Ngày nay, Bạc Liêu có một vùng nguyên liệu muối với diện tích hơn 2.600ha, mỗi năm cho sản lượng hơn 150.000 tấn. Từ kinh nghiệm sản xuất của người xưa và những tiến bộ khoa học - kỹ thuật của hôm nay, hạt muối Bạc Liêu đã được nâng lên tầm cao mới. Đồng thời, nghề làm muối cũng đã đưa không ít diêm dân “thương muối”, “bám muối” trở thành tỷ phú.

Nghề chằm lá

Chằm lá là nghề truyền thống lâu đời của người dân huyện Hồng Dân với nguyên liệu chủ yếu là những cây dừa nước. Trước kia, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu lợp nhà, che nắng, che mưa cho người dân trong vùng. Ngày nay, lá chằm đã trở thành sản phẩm có giá trị, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.

Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu còn có nhiều làng nghề khác như: nghề rèn, nghề làm bánh kẹo, nghề đan lát, nghề dệt chiếu, nghề làm tương chao, nghề làm bún, hủ tiếu, làm khô các loại,… góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt làm phong phú thêm nét văn hóa truyền thống của vùng đất Bạc Liêu hoài cổ.

Ẩm thực

Bánh tằm Ngan Dừa

Bánh tằm ở miền Tây thì tỉnh nào cũng có, nhưng điều đặc biệt làm nên tên tuổi bánh tằm Ngan Dừa đó là được làm thủ công. Bột được làm ra từ một loại gạo ngon nức tiếng xứ Bạc Liêu là gạo một bụi đỏ, tất cả đều được làm bằng tay trên mâm bột. Sau đó được hấp chín, tạo nên từng sợi bánh tằm màu trắng ngà. Bánh tằm ăn kèm với xíu mại bì và thịt nạc luộc xắt sợi, vị bùi béo, thêm một ít dưa leo thái nhỏ, rau thơm, giá sống, nước sốt cà chua, nước nắm, giấm, đường, ớt và nước cốt dừa đậm đà. Bánh tằm Ngan Dừa là món ăn dân dã, đậm đà bản sắc văn hóa ẩm thực miệt vườn sẽ làm nao nòng bước chân du khách gần xa khi đến với thị trấn nhỏ hiền hòa mến khách.

Bánh xèo A Mật

Đến Bạc Liêu, bạn hãy ghé qua Hiệp Thành để thưởng thức món bánh xèo A Mật và cảm nhận sự khác biệt của món bánh này. Sở dĩ bánh xèo nơi đây đặc biệt hơn những nơi khác là do nguyên liệu và một phần là do truyền thống đổ bánh xèo của người thợ. Những chiếc bánh vàng rụm điểm xuyết vài chấm xanh của hành lá xắt nhuyễn với nhân bánh là những con tôm đỏ au, chen lẫn những cọng hành tây thái mỏng, những hạt đậu xanh chín mềm, vài sợi củ sắn… khiến thực khách mới nhìn thôi đã ngất ngây. Gắp miếng bánh màu vàng, cuộn với lá cải xanh, xà lách, rau thơm, vài lá diếp cá, thêm các loại rau đồng khác chấm với chút nước mấm ớt chua ngọt cùng cà rốt xắt sợi nhuyễn tạo hương vị béo, cay, ngọt, thơ, đó quả là một trải nghiệm tuyệt vời.

Mắm chua Vĩnh Hưng

Ở vùng tháp cổ Vĩnh Hưng có một đặc sản với những người sành mắm sẽ không thể bỏ qua, đó là mắm chua. Mắm chua được làm từ cá sặt, cá rô, cá lóc nhỏ chừng hai đến ba ngón tay. Mắm có mùi rất thơm, khi ăn còn thấy nguyên vẹn hình con cá nhưng toàn bộ xương đã mềm. Mắm chua Vĩnh Hưng không chỉ dễ ăn mà còn là món quà biếu cho người thân, bạn bè.

Ba khía Bạc Liêu

Trong văn hóa ẩm thực Bạc Liêu, ba khía thường được nhắc đến với công thức chế biến đa dạng thuyết phục thực khách. Tuy ba khía có mặt rộng khắp trên các vùng đồng bằng sông Cửu Long song ba khía Bạc Liêu lại nổi lên như những sản vật độc đáo. Tại đây, bà con chế biến ba khía theo các cách truyền thống: ba khía rang me, rang muối; ba khía làm mắm và ba khía trộn…

Bún bò cay

Bún bò cay được xem là món ăn đặc biệt nhất miền đất Bạc Liêu. Sự hòa quyện giữa vị cay của gia vị, thơm của thịt bò được cắt dày làm kích thích vị giác của nhiều người. Màu đỏ đặc trưng của sa tế ớt xăm xấp tô bún nóng mang vị cay nồng ăn kèm với rau quế, thêm vài miếng bánh chéo quẩy chấm với muối ớt kèm lát chanh tươi đã tạo nên hương vị tuyệt hảo. Bún bò cay tuy là món ăn đơn giản nhưng đã làm bao người nhớ nhung khi về với vùng đất này.

Thanh nhãn Hiệp Thành

Từ lâu, nhãn Bạc Liêu vốn đã nổi tiếng với vị ngọt thanh và hương thơm quyến rũ. Ngày nay, đến với vùng đất này, du khách sẽ có dịp thưởng thức một giống nhãn mới được lai tạo ngay trên đất Giồng có tên gọi là thanh nhãn. Trái nhãn có màu vàng nhạt, cơm dày, giòn, vị thơm ngọt mà những loại nhãn khác không có. Ngày nay, thanh nhãn Hiệp Thành trở thành là niềm tự hào của người dân Bạc Liêu, thu hút khách phương xa đến tham quan, thưởng thức.

Dưa bồn bồn

Bạc Liêu là một trong nhưng nơi có món dưa bồn bồn nổi tiếng gần xa. Ngoài việc làm dưa chua, phần tươi non của cây bồn bồn được chế biến thành nhiều món ăn dân dã như: xào tôm thịt, nấu canh, nấu lẩu, làm gỏi… có vị ngọt rất riêng biệt và hấp dẫn. Ngoài ra, khi đến với Bạc Liêu, du khách còn có thể thưởng thức những món ăn công phu, khéo léo từ những đầu bếp chuyên nghiệp tại các khu ẩm thực, nhà hàng đạt chuẩn như: gỏi tôm, chạo ốc, lẩu cua đồng (Hồ Nam), vọp xào rau ngổ, giò heo chiên giòn (Nhà khách Tỉnh ủy), bún thịt nướng (Nhà hàng Công Tử Bạc Liêu), bún bò huế (Khách sạn Sài Gòn - Bạc Liêu), bánh cuốn hồ Bơi, hủ tiếu mì hoành thánh (Khải Ký), bún nước lèo… Bên cạnh đó, đến với vùng đất này, du khách còn có thể thưởng thức và mua về làm quà cho người thân những thức đặc sản nổi tiếng như: tôm, cua, bánh in, bánh pía (Thái Can, Huỳnh Minh Thành), bánh củ cải tiều, rượu Công Xi, muối tôm Bạc Liêu,… và vô số món ăn từ vùng đất Bạc Liêu nghĩa tình.

Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, với những lợi thế về điều kiện tự nhiên cùng bàn tay xây dựng của con người, Bạc Liêu đang trở thành điểm du lịch thú vị đối với du khách. Hãy đến Bạc Liêu để cùng khám phá, trải nghiệm, để yêu hơn vùng đất và con người nơi đây.

Các Tour tiêu biểu

Bạc Liêu - Hiệp Thành - Nhà Mát: nhà Công tử Bạc Liêu, chùa Ông, tịnh xá Ngọc Liên, khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, vườn nhãn Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán, Phật Bà Nam Hải, điện gió.

Bạc Liêu - Vĩnh Hưng - Giá Rai - Đông Hải - Gành Hào: nhà Công tử Bạc Liêu, di tích lịch sử đền thờ Bác Hồ, tháp cổ Vĩnh Hưng, di tích

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam