Cà Mau là tỉnh cực Nam của tổ quốc, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, phía Bắc giáp tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu, phía Đông và phía Nam giáp biển Đông, phía Tây giáp vịnh Thái Lan, với diện tích tự nhiên khoảng 5.294km2.
Toàn tỉnh Cà Mau có 254km đường bờ biển, chiếm 7,8% chiều dài đường bờ biển của cả nước. Đến Cà Mau, du khách sẽ được tham quan các khu di tích lịch sử tìm về cội nguồn lịch sử văn hóa dân tộc hòa mình vào thiên nhiên biển đảo kỳ thú với những cánh rừng đước, rừng tràm xanh bạt ngàn vô tận hoặc đến các khu du lịch sinh thái để khám phá, chiêm ngưỡng các loài động vật quý, hiếm và thưởng thức các món ẩm thực đặc sản hấp dẫn tại vùng đất mũi Cà Mau trù phú. Điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, hệ thống giao thông, dịch vụ được đầu tư, nâng cấp; nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng... là lợi thế để ngành Du lịch Cà Mau phát triển.
Danh lam thắng cảnh
Cà Mau là nơi giao thoa của rừng và biển. Đến Cà Mau du khách sẽ bị hấp dẫn bởi không gian du lịch sinh thái rộng lớn với hệ thống sông ngòi, kênh rạch xen lẫn những cánh rừng đước, rừng tràm bạt ngàn của khu dự trữ sinh quyển, khu ramsar thế giới. Trong đó, Khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau là một trong những điểm đến có đặc điểm độc đáo về địa lý tự nhiên và địa mạo, tạo nên một vùng sinh thái cửa sông, ven biển độc đáo.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới mũi Cà Mau
Khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau có quy mô trên 371.500ha với 3 vùng: vùng lõi có diện tích là 17.330ha, vùng đệm có diện tích là 43.300ha và vùng chuyển tiếp có diện tích là 310.870ha. Vùng lõi được chia làm 3 vùng nhỏ là các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ và dãy rừng phòng hộ ven biển Tây. Nơi đây có các hệ sinh thái đặc trưng điển hình như hệ thống diễn thế rừng nguyên sinh trên đất bãi bồi, hệ thống chuyển tiếp các hệ sinh thái đặc trưng từ rừng ngập mặn theo chế độ thủy triều sang rừng tràm ngập nước ngọt theo mùa, hệ sinh thái biển là vùng sinh sản và nuôi dưỡng con giống tự nhiên các loài thủy hải sản cho cả vùng biển phía Đông, phía Tây mũi Cà Mau và vùng vịnh Thái Lan. Đặc biệt, Khu dự trữ sinh quyển thế giới mũi Cà Mau còn có hệ sinh thái rất đa dạng, với quần thể thực vật chiếm ưu thế là cây đước. Nơi đây còn rất nhiều loài động, thực vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN). Với những giá trị sinh thái đặc sắc, ngày 26/5/2009, Khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau
Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau tọa lạc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, có diện tích 159,7ha. Đây là điểm du lịch mang tính địa lý, danh thắng và du lịch sinh thái tiêu biểu của cả nước, nằm trong quần thể khu du lịch chuyên đề cấp quốc gia. Đến với Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau, du khách sẽ được tham quan Cột mốc tọa độ quốc gia GPS0001 và biểu tượng tiểu cảnh pano hình tượng chiếc thuyền căng đầy gió, con tàu của đất nước luôn hướng ra biển khơi; chinh phục vọng lâm đài cao 20m để chiêm ngưỡng màu xanh bạt ngàn của rừng đước, màu xanh thẳm của biển mênh mông. Đặc biệt, đây là nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam du khách có thể thấy mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở biển phía Tây. Ngoài ra, đến với Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau, du khách còn được thưởng thức những đặc sản tươi ngon còn mặn mùi phù sa như: hàu, sò huyết, vọp, ốc len, cua,… và thưởng thức loại hình nghệ thuật đặc trưng đờn ca tài tử Nam Bộ.
Đầm Thị Tường
Đầm Thị Tường hay còn gọi là đầm Bà Tường là một đầm nước tự nhiên có diện tích lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và được mệnh danh là “biển hồ giữa đồng bằng”. Đầm nằm trên địa phận 3 huyện Phú Tân, Cái Nước và Trần Văn Thời, được hình thành bởi 3 đầm chính là đầm trên, đầm giữa và đầm dưới; trong đó đầm giữa là đầm lớn nhất. Đến với đầm Thị Tường, du khách không những được hòa mình với sông nước mênh mông của vùng đất cuối miền tổ quốc mà còn được trải nghiệm với những nét sinh hoạt rất đặc trưng của Cà Mau.
Khu đa dạng sinh học Lâm - Ngư trường sông Trẹm
Khu đa dạng sinh học Lâm - Ngư trường sông Trẹm thuộc xã Khánh Hòa, huyện U Minh, có diện tích rộng khoảng 10.000ha. Đây là khu đa dạng sinh học nhằm bảo tồn các nguồn gen của động, thực vật quý hiếm, phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học và là điểm du lịch lý tưởng ở Cà Mau. Đến tham quan Lâm ngư trường sông Trẹm, du khách có thể chèo thuyền len lỏi trong rừng tràm mát rượi, nghe tiếng chim hót véo von, cũng có thể giăng võng nghỉ dưới bóng tràm, ngắm những tổ ong mật bám dưới kèo gỗ, thưởng thức vị mật thơm và các món ăn dân dã nơi này.
Khu du lịch Khai Long
Đối với những du khách trót đem lòng yêu thiên nhiên, biển cả thì Khu du lịch Khai Long nơi cực Nam của tổ quốc là điểm đến lý tưởng. Khí hậu ôn hòa cùng vẻ đẹp hoang sơ của rừng, biển là điều hấp dẫn của Khai Long đối với nhiều du khách. Tại Khai Long, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn trọn vẹn dáng vẻ hoang sơ của cụm đảo hòn Khoai hùng vĩ. Đặc biệt, đứng ở bờ biển nơi đây, khi bình minh ló dạng, sẽ thấy mặt trời tròn như vành thúng chói đỏ nhô lên từ mặt biển phía Đông và khi chiều xuống cũng ở vị trí ấy ta lại thấy vầng kim ô vàng rực từ từ lặn xuống mặt biển phía Tây.
Di tích Lịch sử - Văn hóa
Cà Mau là miền đất của những địa danh lịch sử, văn hóa có sức hút du khách như cụm đảo hòn Khoai, hòn Chuối, hòn Đá Bạc... Ngoài ra, nơi đây còn có hệ thống đình, chùa, miếu, đền thờ, 10 di tích quốc gia, 24 di tích cấp tỉnh cùng những lễ hội đặc sắc.
Bến Vàm Lũng
Ngày 11/10/1962, chiếc tàu không số chở 30 tấn vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam xuất phát từ Hải Phòng sau nhiều ngày lênh đênh trên biển đã cập bến Vàm Lũng an toàn. Chuyến tàu đầu tiên cập bến an toàn có ý nghĩa quan trọng trong việc khai thông đường Hồ Chí Minh trên biển. Tượng đài chiến thắng bến Vàm Lũng được xây dựng và khánh thành ngày 19/5/2009 tại ấp Kiến Vàng, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển để ghi nhớ chiến công thầm lặng của các chiến sỹ đoàn Tàu không số năm xưa. Ngày 11/10/2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận bến Vàm Lũng - thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển là Di tích lịch sử quốc gia.
Chùa Phật Tổ
Tọa lạc tại số 84/4 đường Rạch Chùa, phường 4, thành phố Cà Mau, chùa Phật Tổ (sắc tố Quan âm cổ tự) là công trình kiến trúc tôn giáo cổ được xây dựng từ giữa thế kỷ 19. Các họa tiết, hoa văn được trang trí rất sinh động. Trên vách tường nổi bật những bức tranh, tượng ốp sứ có giá trị nghệ thuật cao. Trong khuôn viên chùa có trường Trung cấp Phật học, cơ sở cắt may, cơ sở khám và chữa bệnh miễn phí. Ngày 24/11/2000, chùa Phật Tổ được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật quốc gia.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cách trung tâm thành phố Cà Mau 2km về phía Tây, với tổng diện tích khoảng 6,07ha, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm nhiều hạng mục như: gian thờ Bác Hồ, nhà sàn Bác Hồ, vườn cảnh, ao hồ, cụm kiến trúc trưng bày hình ảnh chiếu phim về Bác Hồ... Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình văn hoá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Cà Mau. Không chỉ là nơi thể hiện tình cảm thiêng liêng và lòng biết ơn vô hạn của nhân dân đối với Bác Hồ, đây còn là nơi tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và là điểm đến thu hút đông đảo du khách khi tới thăm vùng đất cực Nam này của tổ quốc. Một điểm thú vị hấp dẫn du khách là nơi đây cũng nằm cạnh vườn chim trong lòng thành phố Cà Mau, du khách có thể đi dọc bờ kênh để ngắm các loại chim quý hiếm đang được bảo tồn.
Đảo hòn Khoai
Đảo hòn Khoai là Di tích lịch sử và thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Cà Mau thuộc ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiền. Nơi đây, ngày 13/12/1940 đã diễn ra cuộc khởi nghĩa có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu mốc son trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta và trở thành ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ dân quân tỉnh Cà Mau. Cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai thể hiện tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, sự hy sinh anh dũng của những chiến sỹ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập tự do cho tổ quốc. Ngày nay, du khách đến tham quan đảo hòn Khoai để được chiêm ngưỡng phong cảnh hữu tình của rừng và biển, tìm hiểu phong trào khởi nghĩa chống Pháp của anh hùng Phan Ngọc Hiển và các chiến sỹ khởi nghĩa Hòn Khoai năm xưa. Đảo hòn Khoai đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử và thắng cảnh quốc gia vào ngày 27/4/1990.
Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng
Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng là một trại giam kiên cố, nơi minh chứng tội ác chiến tranh do chế độ Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ dựng lên để giam cầm và tra tấn cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Việt Nam yêu nước cuối năm 1959. Diện tích khu chứng tích rộng khoảng 30ha, thuộc ấp Thanh Đạm, xã Tân Hải, huyện Phú Tân. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng bị tàn phá nhiều lần nhưng vẫn còn một số chứng tích như: Cầu vĩnh biệt, các hố chon người tập thể... Ngày 24/11/2000, Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.
Hòn Đá Bạc
Thuộc ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, hòn Đá Bạc là nét chấm phá kỳ diệu của thiên nhiên với những câu chuyện huyền thoại về bàn tay tiên, bàn chân tiên, giếng tiên, sân tiên và lăng thờ Cá Ông ghi lại câu chuyện huyền bí về cá Ông cứu người bị nạn trên biển. Nơi đây trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân dân xã Khánh Bình Tây đã tiêu diệt Trung đội pháo 105 ly của địch, giải phóng hòn Đá Bạc và đảm bảo an toàn tuyến hành lang ven biển của vùng căn cứ cách mạng. Cũng tại đây, lực lượng an ninh của ta đã thực hiện thắng lợi CM12 đập tan âm mưu chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, phản động, giữ gìn sự bình yên và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Ngày 22/6/2009, hòn Đá Bạc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.
Lễ hội Truyền thống
Lễ hội Nghinh ông sông Đốc
Lễ hội Nghinh ông Sông Đốc là lễ hội lớn nhất của ngư dân Cà Mau, gắn liền với tín ngưỡng dân gian, mang ý nghĩa cầu mưa thuận, biển lặng, gió hòa, ngư dân ra khơi đánh bắt cá tôm được trúng mùa, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Lễ hội được tổ chức từ ngày 14 - 16/2 âm lịch hàng năm tại thị trấn Sông Đốc, huyện Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ngày lễ chính bắt đầu vào ngày 15/2 âm lịch, các cụ già trong trang phục áo dài, khăn đóng, cùng Ban Trị sự Lăng Ông bắt đầu tiến hành các nghi thức đại lễ. Trước lễ chính, hàng trăm tàu đánh cá của ngư dân trong, ngoài tỉnh được trang trí cờ hoa lộng lẫy nhất và tiến hành lễ bái. Chiếc tàu lớn này sẽ tiến ra cửa biển, hòa mình vào hàng trăm chiếc tàu đủ mọi kích cỡ với hàng ngàn người tham gia đứng trên boong tàu vẫy cờ hoa tạo nên ngày hội tưng bừng, rực rỡ sắc màu. Trên đường diễu hành, nếu gặp cá Ông phun nước thì đoàn tàu sẽ rước Ông về và quay trở về bờ, nếu không gặp thì đoàn tàu tiếp tục ra khơi, sau đó chủ lễ vái và đọc lời cầu nguyện, rồi “xin keo” và quay trở về. Lễ hội thu hút được hàng nghìn ngư phủ khắp nơi, kể cả các ngư phủ tỉnh miền Trung, Nam về dự lễ.
Đờn ca tài tử Nam Bộ
Đờn ca tài tử thể hiện tính cách phóng khoáng và nếp sống sông nước miệt vườn của người Nam Bộ, đã đi sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày hội của người dân nơi đây. Do đó, đờn ca tài tử có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trọn gói trong 1 địa bàn, địa phương hay một vài tỉnh, thành phố mà có mặt hầu hết các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Phong trào đờn ca tài tử tỉnh Cà Mau hoạt động sôi nổi với hàng trăm câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử mang tính thường xuyên; ngoài ra, các nghệ nhân đờn ca tài tử còn tham gia tại các tụ điểm ca cổ, các nhà hàng, điểm du lịch… đã tạo nên một phong trào đờn ca tài tử phát triển mạnh và rộng khắp.
Làng nghề truyền thống
Đến Cà Mau, du khách không chỉ trải nghiệm sự hoang sơ, kỳ vĩ của miền đất xanh, với loại hình du lịch homestay độc đáo, với muôn vàn ẩm thực đặc sắc mà còn có cơ hội tìm hiểu về những nghề truyền thống như nuôi tôm, gác kèo ong, vót đũa đước, dệt chiếu thủ công,..
Nghề đan đát
Đây là nghề truyền thống có từ rất lâu đời của người dân Cà Mau. Hiện nay, nghề đan đát Cà Mau tập trung nhiều ở các xã Biển Bạch, Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình), xã Nguyễn Phích (huyện U Minh). Từ nguyên liệu chính là tre và trúc, người thợ đã tạo nên những sản phẩm đa dạng để phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất như: thúng, cần xế, rổ, cót... Nghề đan đát ở tỉnh Cà Mau góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho lao động tại địa phương.
Nghề làm mắm
Từ lâu, làm mắm là nghề phổ biến của người dân nơi đây. Cà Mau có rất nhiều loại mắm được chế biến từ nhiều nguyên liệu khác nhau như: ba khía, cá sặc, cá lóc, tôm... nổi tiếng nhất là Ba Khía muối Rạch Gốc đã trở thành thương hiệu nổi tiếng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là món ăn quen thuộc của người dân nơi đây.
Nghề đánh bắt thủy sản
Cà Mau có bờ biển dài 254km, là một trong 4 ngư trường lớn nhất của cả nước, đây là lợi thế để tỉnh phát triển nghề đánh bắt thủy sản. Hằng năm, ngư dân đánh bắt được số lượng rất lớn các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: mực, tôm, cua, ghẹ, cá ngừ, cá trích... cung cấp cho thị trường trong nước và đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hải sản đông lạnh xuất khẩu. Nghề đánh bắt thủy sản đã góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Cà Mau.
Nghề gác kèo ong
Tỉnh Cà Mau có rừng tràm U Minh Hạ rộng lớn, là điều kiện thuận lợi cho nghề gác kèo ong thiên nhiên hình thành và phát triển. Kèo ong thường được làm bằng cây tràm. Người lấy mật phải có các dụng cụ như: dao, thùng chứa mật, bình phun khói và đồ bảo hộ lao động. Nghề gác kèo ong ở Cà Mau góp phần tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho lao động địa phương. Với độ thơm, ngon, sánh mịn, mật ong Cà Mau là đặc sản nổi tiếng khắp cả nước.
Ẩm thực
Cà Mau - vùng đất Phương Nam không chỉ giàu có, trù phú về rừng và biển, mà nơi đây còn được mệnh danh là vùng đất có “cá bạc, tôm vàng”. Chính sự phong phú về động thực vật trên rừng, dưới biển đã góp phần tạo nên những món ăn ngon, dân dã, mang đậm hương vị quê hương. Là vùng đất có sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, có rừng, có biển, sông, ao, đìa nên Cà Mau có nhiều loại động thực vật nước mặn, nước ngọt và nước lợ như: cá lóc, cá trê, cá rô, cá dứa, cá nâu, cá kèo, tôm, cua, ghẹ, sò huyết, hàu, nghêu, vọp, rùa, rắn, le le, dơi, chim, chuột... Bên Cạnh đó, từ nhiều loại cây cỏ dân dã người dân nơi đây đã chế biến ra nhiều món ăn ngon, lạ miệng; đặc biệt, bông hoa là “đặc sản” của vùng sông nước Cà Mau như: bắp chuối, bông điên điển, bông súng, bông lục bình, đọt choại… Cà Mau còn nổi tiếng với các loại dưa, mắm như: mắm lóc, mắm tép, dưa bồn bồn, ba khía muối, cá khô, tôm khô… Đây sẽ là những món quà thắm đượm nghĩa tình quê hương Cà Mau theo chân du khách đến mọi miền đất nước, gửi đến bạn bè xa, gần những tinh túy ẩm thực của đất và người phương Nam.
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa nền kinh tế, du lịch Cà Mau đang từng ngày vươn xa hơn để giới thiệu du khách qua những bức tranh hài hòa, sinh động của thiên nhiên, những tiềm năng độc đáo của rừng và biển, những nụ cười thân thiện, ấm áp tình người của người dân quê biển.