Vĩnh Long - Từng bước hội nhập và phát triển

Tỉnh Vĩnh Long là trung tâm và là hình ảnh thu nhỏ của đồng bằng sông Cửu Long, với cửa ngõ chính là cầu Mỹ Thuận thơ mộng. Phía Bắc tỉnh Vĩnh Long giáp Tiền Giang, phía Tây Bắc giáp Đồng Tháp, phía Đông giáp Bến Tre, phía Đông Nam giáp Trà Vinh, phía Nam giáp Hậu Giang, Sóc Trăng, phía Tây Nam giáp Cần Thơ. Vĩnh Long có dân số trên 1 triệu người gồm các dân tộc Kinh, Khmer và Hoa cùng sinh sống trên diện tích 1.487km2.

Điểm đến hấp dẫn

Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Vĩnh Long còn mang đậm dấu ấn thời kỳ các bậc tiền nhân đi mở cõi về vùng đất phương Nam. Nơi đây có Văn thánh Miếu là một trong 3 văn miếu được xây dựng đầu tiên ở Nam Bộ, có đình Long Thanh, chùa Tiên Châu… những ngôi đình, chùa nổi tiếng ở vùng đất Nam Bộ. Ngoài ra, vùng đất này còn có các khu lưu niệm danh nhân nổi tiếng như Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Khu lưu niệm Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ, Vĩnh Long còn hấp dẫn du khách bởi những điểm du lịch sinh thái mang đậm nét làng quê Nam Bộ với các điểm du lịch nổi tiếng như: Khu du lịch Vinh Sang, Khu du lịch Trường Huy, du lịch homestay ở Cù lao An Bình.

Vĩnh Long có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái

Khu lưu niệm Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, tham gia cách mạng những năm đầu thế kỷ 20. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được phân công giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam,… Từ sau Đại hội VI năm 1986, đồng chí là một trong những người tiên phong trong sự nghiệp đổi mới của đất nước ta. Để tưởng nhớ công lao của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long đã khởi công xây dựng Khu lưu niệm vào năm 2000, tại ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ trên mảnh đất của gia tộc đồng chí. Khu lưu niệm được khánh thành vào ngày 11/6/2004. Nơi đây lưu giữ những hình ảnh và hiện vật về thân thế, sự nghiệp của đồng chí và cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí, Khu lưu niệm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia vào tháng 6/2012 và được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận là Điểm du lịch tiêu biểu năm 2015.

Khu tưởng niệm Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng

Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh ngày 23/11/1922 là con út trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Bình Phụng, làng Trung Lương, tổng Bình Trung, huyện Vĩnh Trị, tỉnh Vĩnh Long, nay là ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đồng chí tham gia cách mạng rất sớm, năm 1938 khi mới 16 tuổi đồng chí đã tham gia phong trào Thanh niên phản đế. Từ đó, đồng chí hoạt động ở nhiều địa bàn khác nhau trên cả nước và trở thành Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 1992 - 1997. Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã cống hiến cho Đảng và nhân dân những thành tựu to lớn. Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2012), Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long đã tổ chức khánh thành Khu lưu niệm tại khóm 2, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm. Công trình được xây dựng trong khuôn viên rộng 1,7ha, gồm ngôi nhà mà lúc sinh thời ông đã nghỉ tại đây. Công trình là một quần thể gồm nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, liền kề Khu lưu niệm là di tích tượng đài Đốc binh Lê Cẩn Nguyễn Giao, di tích Hồ Vũng Linh, công viên tượng đài Nam kỳ khởi Nghĩa… Khu tưởng niệm đã được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận là Điểm du lịch tiêu biểu năm 2015.

Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo ở xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1935, ông đi du học ở Pháp và đã tốt nghiệp nhiều trường đại học với nhiều ngành khác nhau như cầu, đường, điện, mỏ, bách khoa, Học viện kỹ thuật Hàng không và nhiều chứng chỉ khoa học cơ bản của Đại học Tổng hợp Sorbone. Đồng chí cũng bí mật học thêm chế tạo vũ khí. Năm 1946, đồng chí được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tình yêu tổ quốc, đồng chí tình nguyện theo Bác Hồ về Việt Nam và lấy bút danh mới là Trần Đại Nghĩa. Trong suốt thời gian hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Để ghi nhớ công lao của đồng chí, UBND tỉnh Vĩnh Long đã khởi công xây dựng Khu lưu niệm năm 2013, tại xã Tường Lộc, huyện Tam Bình với diện tích 16.080m2 và đến ngày 18/5/2015 được khánh thành. Năm 2017, khu lưu niệm được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận là Điểm du lịch tiêu biểu.

Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang

Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang là điểm du lịch ý nghĩa, đặc biệt với những ai yêu thích tìm hiểu văn hóa, lịch sử đất nước. Cái Ngang là vùng đất liên hoàn nhiều xã của huyện Tam Bình, là vùng căn cứ của Tỉnh ủy Vĩnh Long trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tại đây, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Căn cứ cách mạng Cái Ngang được UBND tỉnh Vĩnh Long khởi công tôn tạo và xây dựng qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 được khởi công ngày 23/10/2002 và khánh thành vào ngày 9/8/2003; giai đoạn 2 được khởi công ngày 18/2/2005 và khánh thành ngày 1/4/2006 trên diện tích hơn 5ha. Khu lưu niệm trưng bày nhiều hiện vật tự chế phục vụ công tác đấu tranh của quân và dân Vĩnh Long, gồm các hạng mục: bãi lửa, cầu chông, nhà lễ tân, nhà truyền thống, nhà thông tin, hệ thống công sự chiến đấu, hệ thống hầm bí mật... Khu di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang chính là nơi khơi dậy ntinh thần yêu nước sức mạnh của dân tộc, cũng như của nhân dân Vĩnh Long, nhắc nhở các thế hệ trẻ - những người chủ tương lai của đất nước tiếp tục bảo vệ sự nghiệp mà ông cha ta đã gây dựng. Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Văn Thánh Miếu

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long tọa lạc bên bờ sông Long Hồ tại đường Trần Phú, phường 4, thành phố Vĩnh Long, được xây dựng năm 1864 và hoàn thành năm 1866, là một trong 3 văn miếu được xây dựng đầu tiên ở Nam Bộ. Văn Thánh Miếu là một công trình văn hóa đề cao nho giáo, thuộc thiết chế chính thống của thời Nguyễn. Kiến trúc nghệ thuật của Văn Miếu mang nét đặc trưng của kiến trúc cổ: cổng tam quan được thiết kế theo hình vòm, cổng chính lớn hơn hai cổng phụ, trên cổng có dòng Hán tự đề “Văn Thánh Miếu”; cổng cột có câu đối ngợi ca đức sáng của Khổng Tử lẫn tinh thần của Văn Miếu; sau cổng là thần đạo đi thẳng vào điện đại chính; hai bên là hai hàng cây sao cổ thụ cao vút như hai hàng lính đứng hầu, phía trước là chính điện, giữa thần đạo là 3 tấm bia đá. Văn Thánh Miếu còn có Văn Xương Các - thư viện chứa sách cho các học phu và là nơi hội họp, học tập, bàn luận văn chương. Với những giá trị lịch sử, Văn Thánh Miếu được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa, loại hình kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 25/3/1991, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy hoạch thành điểm du lịch quốc gia theo Quyết định số 2227/QĐ-TTg ngày 18/11/2016.

Văn Thánh Miếu - Công trình nho giáo tiêu biểu vùng đất Vĩnh Long

Làng nghề truyền thống

Đến Vĩnh Long, ngoài tham quan, trải nghiệm loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn tại các cơ sở homestay và tận hưởng không khí trong lành do thiên nhiên ban tặng, du khách còn được thưởng thức nghệ thuật hát bội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Vĩnh Long; được tham quan những làng nghề truyền thống lưu danh một thời (tàu hủ ky, nghề gốm Cổ Chiên).

Làng nghề tàu hủ ky

Làng nghề tàu hủ ky thuộc ấp Mỹ Khánh I, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, ra đời và phát triển hơn 60 năm. Sản phẩm này được chế biến từ đậu nành sạch 100% và không sử dụng hóa chất. Quy trình chế biến khá đơn giản, đậu nành sau khi xay thô ngâm khoảng 2 - 3 giờ, rồi đổ nước vào và xát thật kỹ nhằm loại bỏ hết vỏ, sau đó bỏ vào cối xay thành bột. Phần bột sau khi xay sẽ được vắt lấy nước đổ vào nồi nước nóng. Khi miếng tàu hủ kết thành váng, người chế biến sẽ dùng thanh trúc vớt miếng tàu hủ lên và phơi trên sào. Đây là một món ăn khá lạ miệng nên được rất nhiều thực khách ưa chuộng. Năm 2017, sản phẩm tàu hủ ky được công nhận là sản phẩm tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long.

Làng nghề tàu Hủ Ky

Làng gốm Cổ Chiên

Như một món quà mà thiên nhiên ban tặng, mảnh đất Vĩnh Long không những được nhiều người biết đến bởi cây lành, trái ngọt, mà còn được mệnh danh là “vương quốc đỏ”. Dòng sông Cửu Long đỏ nặng phù sa hàng năm bồi đắp cho những cánh đồng lúa, những miệt vườn bốn mùa hoa trái bằng hàng triệu mét khối phù sa, góp phần hình thành những mỏ sét nguyên sinh quý giá. Nghề gốm ở Vĩnh Long có nét độc đáo riêng đó là dòng gốm không men. Không có màu đỏ ngói như gạch mà gốm nơi đây có màu đặc trưng, màu của rơm rạ, đặc biệt đất Vĩnh Long chỉ kết khối ở 9000C. Gốm đất Vĩnh Long với màu tự nhiên đặc trưng đã trở thành dòng sản phẩm được nhiều người ưa chuộng, kể cả khách quốc tế.

Làng gốm Cổ Chiên

Ẩm thực

Đến với vùng đất Vĩnh Long, du khách sẽ được được nghe giai điệu đờn ca tài tử, ngồi trên chiếc xuồng với cô gái Nam Bộ duyên dáng trong tà áo bà ba, vừa chèo xuồng lênh đênh trên những con rạch vừa nghe kể những câu chuyện đậm tình đất, tình người nơi đây. Đặc biệt du khách sẽ có cơ hội thưởng thức những món ăn dân dã như: canh chua cá lóc, cá tai tượng chiên xù...

Gỏi cuốn tôm thịt

Trong ẩm thực Việt nói chung cũng như ẩm thực Vĩnh Long nói riêng, có lẽ chẳng món ăn nào “dễ chịu” như gỏi cuốn, dùng làm thức ăn nhẹ cũng được, mà ăn no căng bụng cũng không ngấy. Gỏi cuốn đã trở thành món ăn không thể thiếu trong thực đơn của các nhà hàng tại Vĩnh Long.

Gỏi tôm cuốn thịt Vĩnh Long

Ốc nhồi thịt

Nếu món ốc nhồi thịt của miền Bắc có lá gừng thì món ốc nhồi thịt của miền Nam được thay bằng lá sả, hương vị cũng rất thơm ngon. Người ta rửa sạch ốc, cho vào nồi luộc chín với ít lá sả, bưởi, ổi. Phần thịt ốc thái hạt lựu nhỏ để riêng. Thịt nạc vai băm nhuyễn. Nấm rơm ngâm nở thái nhỏ. Gừng một phần thái chỉ ngâm vào nước, còn lại giã nhỏ. Trộn đều thịt ốc với một chút nước gừng, hạt tiêu, bột ngọt, ớt băm nhỏ, nấm hương, nạc vai, bún tàu, để ngấm chừng 10 phút. Sả cây rửa sạch, tách nhỏ, nhét vào vỏ ốc. Nhồi thịt đã trộn vào vỏ ốc. Đập dập 2 - 3 cây sả, lót xuống đáy xửng rồi xếp ốc đã nhồi thịt lên, hấp 15 phút. Khi ốc nhồi chín, người ta nắm hai đầu lá sả kéo thịt nhồi ra, chấm ốc nhồi với nước mắm chua cay.

Cá tai tượng chiên xù

Là món ăn dân dã, dễ ăn dễ làm xuất xứ từ vùng quê sông nước, nên cá tai tượng chiên xù đã trở thành món ngon đặc trưng được ưa chuộng nhất trong các tour dành cho du khách khi về tham quan Vĩnh Long. Cá tai tượng được dùng chế biến thành một vài món nhưng có lẽ món ngon nhất, dễ làm nhất và thông dụng nhất là cá chiên xù. Khi ăn, cá phải tươi, thịt trắng, dai và có vị ngọt tự nhiên, vảy cá nóng giòn. Cá được cuốn trong bánh tráng, thêm một ít bún và rau thơm. Nước chấm có nhiều loại tùy khẩu vị thực khách lựa chọn: mắm me, mắm ngọt hoặc mắm nêm.

Với quyết tâm đưa du lịch thành ngành kinh tế chủ lực, Vĩnh Long đã và đang nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh sẵn có để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam