Hậu Giang - Phát triển du lịch sông nước, miệt vườn

Là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây sông Hậu, thuộc châu thổ sông Cửu Long, Hậu Giang có diện tích đất tự nhiên khoảng 1.601km2, dân số 774.350 người, vị trí địa lý tiếp giáp với các tỉnh Cần Thơ ở phía Bắc, Sóc Trăng ở phía Nam, tỉnh Vĩnh Long ở phía Đông và tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang ở phía Tây. Hậu Giang được biết đến là vùng đất của những chiến thắng hào hùng trong lịch sử, của những cánh đồng bạt ngàn, xanh mướt; là một vùng sông nước mênh mông hữu tình. Các điểm đến ở đây vẫn còn giữ được nét hoang sơ, không bị tác động bởi con người. Đây là điểm thu hút, hấp dẫn du khách trong nước cũng như quốc tế đến trải nghiệm và khám phá Hậu Giang tươi đẹp.

Cảnh đẹp Hậu Giang

Sông nước Hậu Giang hữu tình với chợ nổi Ngã Bảy trên sông; với những vườn cây bốn mùa xanh tươi trĩu quả, những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những khu bảo tồn thiên nhiên có hệ sinh thái đa dạng…

Công viên Chiến Thắng

Công viên Chiến Thắng thuộc phường 5, thành phố Vị Thanh, nằm trong Khu hành chính của UBND tỉnh. Công viên gồm các hạng mục như: sân lễ, quảng trường, nhà trưng bày ngoài trời, ao sen, nhà thủy tạ… và cụm tượng đài thể hiện lòng tri ân những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Công viên Chiến Thắng và Trung tâm Hành chính tỉnh là điểm tham quan không thể bỏ qua khi du khách có dịp đến Hậu Giang.

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng

Với diện tích khoảng 2.800ha thuộc 2 xã Phương Bình và Phương Phú (huyện Phụng Hiệp), Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được mệnh danh là “lá phổi xanh” của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nơi bảo tồn hơn 330 loài thực vật và 206 loài động vật, trong đó có một số động vật có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như: rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang… Hằng năm, Khu bảo tồn đều tổ chức các cuộc tuyên truyền đến người dân về ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật quý hiếm, mở các buổi hướng dẫn người dân về các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, giới thiệu các giống mới năng suất, chất lượng cao...

Chợ nổi Ngã Bảy

Chợ nổi Ngã Bảy hay còn gọi là Chợ nổi Phụng Hiệp được hình thành từ năm 1915. Từng được người Pháp gọi là “Ngôi sao Phụng Hiệp”, Chợ nổi Ngã Bảy là nơi buôn bán sôi động của người dân vùng sông nước Hậu Giang. Không những vậy, chợ nổi Ngã Bảy còn đi vào thi ca với bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” của cố soạn giả Viễn Châu luôn sống mãi trong tâm trí người dân Nam Bộ. Nếu có dịp đến Hậu Giang, du khách hãy một lần tham quan chợ nổi Ngã Bảy, thả hồn vào sông nước để cảm nhận nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây.

Công viên Xà No - Hậu Giang

Công viên Xà No - Hậu Giang là công trình nhân tạo nằm dọc theo hai bên bờ kè kênh xáng Xà No, kéo dài từ địa phận phường 1, 3, 5, 7 và xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Công viên Xà No có tổng diện tích xây dựng là 23ha. Phần nền công viên lát gạch vỉa hè, khuôn viên trồng nhiều cây xanh như cau đỏ Java, dừa cảnh Philipines, hoa ban, hoàng hậu, liễu đỏ, bằng lăng… kết hợp với các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bằng đá trắng tạo nên nét hài hòa bên dòng kênh xáng. Buổi tối, hệ thống đèn chiếu sáng của công viên càng làm cho công viên và dòng kênh đẹp hơn.

Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng

Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng thuộc ấp Mùa Xuân, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp. Điểm nhấn trong khu du lịch là vườn chim sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, thú vị. Bên cạnh đó, du khách có thể lên vọng gác phóng tầm mắt nhìn bao quát cả một màu xanh của rừng tràm, ngắm từng đàn chim bay về tổ hoặc có thể tham gia các trò chơi dân gian, câu cá, xem gà chọi… Một lần đến với Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng sẽ khiến du khách không thể quên vùng đất hoang sơ nhưng ấm tình người cùng những món ngon chỉ có ở vùng đất này.

Khu du lịch sinh thái Phú Hữu

Khu du lịch sinh thái Phú Hữu thuộc ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành. Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên xanh mát của những vườn cây ăn trái, những hàng dừa soi bóng xuống dòng sông chở nặng phù sa; được trải nghiệm cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động chèo xuồng, hái trái cây, tát mương bắt cá và thưởng thức những món đặc sản miền Tây.

Công viên giải trí Kittyd & Minnied

Công viên giải trí Kittyd & Minnied tọa lạc bên quốc lộ 1, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A là một trong những công viên giải trí lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đến đây, du khách được tham gia các trò chơi cảm giác mạnh như: tàu cướp biển Viking, đu quay siêu tốc, tàu lượn siêu tốc 3600, xe đạp không gian, lâu đài Coues, quảng trường tình yêu…

Cây lộc vừng - cây di sản Việt Nam

Cây lộc vừng cổ thụ tọa lạc tại ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp. Cây có chiều cao khoảng 22m, chu vi gốc hơn 6m. Cứ vào mùa xuân, cây lại trút hết lá già, khoe những chồi non xanh mơn mởn cùng hàng ngàn chùm hoa đỏ thắm, làm rực rỡ cả một vùng quê. Hằng năm, vào ngày 16/3 âm lịch, có rất đông người dân trong vùng mang lễ vật đến tạ ơn tại cây lộc vừng.

Kim Lân Homestay

Kim Lân homestay là một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tại Hậu Giang. Nơi đây được xây dựng với khung cảnh miền quê yên ả, thanh bình cùng những ngôi nhà mái tranh, vách lá như tái hiện khung cảnh Nam Bộ xưa. Đến với Kim Lân homestay du khách có dịp hóa thân thành người nông dân làm những công việc đồng áng hay chèo thuyền tham quan sông nước và thưởng thức những món ngon địa phương.

Vùng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc

Vùng du lịch cộng đồng vùng khóm Cầu Đúc thuộc xã Hỏa Tiến và Tân Tiến, thành phố Vị Thanh. Đây là điểm dừng chân thú vị của du khách khi đến với Hậu Giang. Đến với vùng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đức, du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như: tham gia hoạt động chăm sóc, thu hoạch khóm, bơi xuồng xung quanh các vườn khóm và tổ chức sinh hoạt tập thể, vui chơi.

Nhà thờ Vị Hưng

Nhà thờ Vị Hưng tọa lạc tại khu vực 2, phường 4, thành phố Vị Thanh, là một công trình kiến trúc nghệ thuật hiện đại, kết hợp giữa kiến trúc nhà thờ La Mã và kiến trúc mái đình chùa của Việt Nam. Nhà thờ được xây dựng trên một khu đất rộng, thoáng mát, bên cạnh dòng kênh xáng Xà No thơ mộng. Vào dịp lễ giáng sinh hằng năm, đây là nơi tập trung đông đảo giáo dân đến tham quan, dự lễ.

Già Lam cổ tự

Già Lam cổ tự tọa lạc bên Quốc lộ 1, thuộc phường Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy. Chùa được xây dựng vào năm 1940 do Hòa thượng Thích Huệ Đức sáng lập, xây dựng theo kiến trúc Ấn Độ, có miếu Bà Chúa xứ (Thánh mẫu), với 145 tượng phật bao gồm: Phật, Thánh, Tiên… Khuôn viên chùa rộng hơn 2ha có 8 lễ đài chính như: vườn Lâm Tì Ni, vườn lộc uyển, Phật nhập niết bàn, Đạt ma sư tổ, Long đỉnh của Hòa thượng Thích Huệ Đức… Già Lam cổ tự là một trong những điểm tham quan hấp dẫn của du khách.

Chùa Sansanatrangsay

Chùa Sansanatrangsay tọa lạc tại đường Nguyễn Trãi, khu vực 5, phường 4, thành phố Vị Thanh, trong khuôn viên rộng, với những hàng sao phủ bóng mát. Chùa được xây dựng với lối kiến trúc truyền thống của người Khmer Nam Bộ. Hiện nay, chùa Sasanatrangsay đang được xây dựng lại với quy mô lớn và đẹp hơn.

Thiền viện trúc lâm Hậu Giang

Thiền viện Trúc lâm Hậu Giang thuộc phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Đây là ngôi chùa mới được thành lập với các hạng mục như: chánh điện, nhà tổ, lầu chuông, lầu trống, cổng tam quan, nhà nghỉ chân, tôn tượng Quan âm lộ thiên, miếu thờ Mẹ Âu cơ, giảng đường, trai đường, nhà trụ trì, nhà khách, thư viện… Thiền viện Trúc lâm Hậu Giang là Trung tâm Hội Phật giáo tỉnh Hậu Giang, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của bà con phật tử. Nơi đây còn là điểm đến tâm linh của du khách gần xa khi đến với Hậu Giang.

Di tích Lịch sử - Văn hóa

Bên cạnh có tiềm năng thiên nhiên phong phú, Hậu Giang còn là nơi lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử - cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng, đó là: Di tích chiến thắng Chương Thiện, chiến thắng Tầm Vu, Đền thờ Bác Hồ, Khu căn cứ Tỉnh ủy, Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, Thiền viện trúc lâm…

Di tích chiến thắng Chương Thiện

Di tích chiến thắng Chương Thiện gồm 2 điểm: khu vực 3, phường 5 thành phố Vị Thanh và ấp 1, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ. Với thành tích chiến thắng vẻ vang 75 lượt tiểu đoàn địch của quân và dân khu 9 tại Chương Thiện, ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Khu di tích là điểm đến quan trọng trong hành trình về nguồn tại Hậu Giang của du khách.

Di tích chiến thắng Tầm Vu

Di tích chiến thắng Tầm Vu thuộc xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, là nơi diễn ra 4 trận đánh quan trọng trong lịch sử cách mạng địa phương những năm đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Đến thăm khu di tích, du khách sẽ được tìm hiểu về chiến thắng lịch sử Tầm Vu và chiêm ngắm tượng đài chiến thắng cao 10m, nổi bật lên giữa trời xanh, bên cạnh là hồ sen nở hoa thơm ngát.

Đền thờ Bác Hồ

Đền thờ Bác Hồ thuộc ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, được nhân dân trong vùng lập nên từ năm 1969 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Đền được xây dựng trên khoảng đất rộng gần 2ha, với nhiều công trình kiến trúc rất trang trọng và tôn kính. Hằng năm, vào những ngày lễ lớn như 19/5, 2/9… Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân Hậu Giang tổ chức lễ dâng hoa để tưởng nhớ công lao của Bác.

Di tích Khu Trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu

Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu tọa lạc tại đường Hồ Xuân Hương, khu vực 1, phường 1, thành phố Vị Thanh. Đây vốn là một “sản phẩm điển hình” của chính sách thực dân kiểu mới, được xây dựng một cách công phu, là công trình thí điểm của kế hoạch bình định tại miền Nam Việt Nam của Mỹ. Ngày nay, Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu là điểm về nguồn của thế hệ trẻ và du khách dần xa đến tìm hiểu về truyền thống đấu tranh cách mạng của ông cha ta trong cuộc  kháng chiến giành độc lập dân tộc.

Di tích chiến thắng Vàm Cái Sình

Di tích chiến thắng Vàm Cái Sình thuộc khu vực 2, phường 7, thành phố Vị Thanh. Vào ngày 20/12/1952, đội Thủy lôi (thuộc Đại đội 4053, Tiểu đoàn 410) phối hợp cùng lực lượng của Tỉnh đội Cần Thơ đã đánh chìm chiếc tàu sắt tiêu diệt trên 400 tên lính và sĩ quan Pháp. Ngày nay, bên cạnh dòng sông ghi dấu chiến tích lừng lẫy thủa nào, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã xây dựng một tượng đài để tưởng nhớ đến các chiến sỹ tham gia trận đánh năm xưa cùng nhà trưng bày xác tàu chiến của địch bị quân ta đánh chìm.

Di tích Ủy ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ

Di tích tọa lạc tại phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy. Đây là nơi đặt trụ sở của Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam Bộ, là trung tâm của 2 điểm tập kết Cần Thơ và Cà Mau sau Hiệp định đình chiến năm 1954. Ngày nay, có dịp đến Hậu Giang, du khách hãy ghé thăm khu di tích này để tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước.

Di tích căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ

Di tích căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, được xây dựng trên khoảng đất rộng 6ha và được bao bọc bởi chiến hào: kinh xáng lái Hiếu, kinh Cả Cường, kinh Rạch Cũ, kinh Bà Bái. Trung tâm di tích là hội trường, nơi diễn ra Hội nghị đề ra chỉ thị đánh phá kế hoạch bình định của địch. Ngày nay, khu di tích đã được tôn tạo khang trang, là niềm tự hào của nhân dân trong tỉnh.

Lễ hội truyền thống

Hậu Giang là vùng đất có sự giao thoa về văn hóa của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, tạo nên đời sống văn hóa tín ngưỡng, tinh thần phong phú. Trên địa bàn tỉnh có nhiều lễ hội đặc sắc, mỗi năm thu hút hàng nghìn khách du lịch đến tham quan, chiêm bái.

Lễ hội của người Khmer

Nổi bật nhất trong các hoạt động tín ngưỡng của đồng bào Khmer là lễ hội, trong đó đáng chú ý nhất là Tết Chool Chnăm Thmây (trung tuần tháng 4 dương lịch), Lễ Ok - Om - Bok (15/10 âm lịch) và Sen Đolta (từ ngày 29/8 đến ngày 1/9 âm lịch) hàng năm. Với những nét đặc trưng riêng biệt, độc đáo trong các hoạt động văn hóa, sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội của mình, đồng bào Khmer ở Hậu Giang đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa của tỉnh.

Lễ hội Quan Thánh Đế Quân

Lễ hội Quan Thánh Đế Quân là lễ hội của người Việt gốc Hoa tại thành phố Vị Thanh. Lễ hội được tổ chức vào các ngày mùng 10, 11, 12 và 13 tháng giêng hằng năm. Đây là dịp để bà con đến cúng viếng, thắp hương, bày tỏ lòng thành kính đối với Quan Công. Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật phong phú như: múa lân, thả hoa đăng…

Lễ hội đền thờ Bác Hồ

Vào các dịp 19/5, 2/9, Tết Nguyên đán hằng năm, hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh quy tụ về đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ để dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ - vị cha già đáng kính của dân tộc. Vào dịp lễ hội, ở đây còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, các buổi biểu diễn nghệ thuật, triển lãm sách, tranh ảnh và tổ chức các cuộc thi vui nhộn. Đền thờ Bác Hồ đã trở thành biểu tượng, mang ý nghĩa giáo dục tư tưởng, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

Làng nghề truyền thống

Làng nghề đan đát lục bình

Nghề đan đát lục bình phát triển mạnh ở huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh. Các sản phẩm từ nghề đan đát lục bình mang đậm nét văn hóa đặc trưng của nông thôn Hậu Giang nói riêng và vùng sông nước Cửu Long nói chung, nổi bật là các sản phẩm: thảm lót chân, khay đựng giấy, túi xách, chậu bông…

Xóm trồng trầu Vị Thủy

Xóm trồng trầu Vị Thủy thuộc xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, có diện tích khoảng 15ha. Có dịp ghé thăm xóm trồng trầu, du khách sẽ được ngắm nhìn những giàn trầu xanh mướt, thưởng ngoạn chút hồn quê còn lưu lại nơi này.

Làng nghề đan xé

Làng nghề đan xé nằm ngay khu vực chợ Nổi Ngã Bảy, trên một đoạn ngắn cạnh bờ sông Cái Côn. Nguyên liệu phục vụ cho nghề tre này là tre, trúc, mây, dây kẽm… Người thợ dùng tre, trúc chẻ thành những nan nhỏ rồi đan lại thành cần xé để đựng các loại hàng hóa nông sản, trái cây. Hiện tại, các sản phẩm của làng nghề đan xé đã cung cấp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh lân cận, thu hút đông đảo du khách đến vùng đất này.

Làng nghề đóng ghe, xuồng

Cách trung tâm thị xã Ngã Bảy khoảng 1km, dọc theo quốc lộ 1 đến phường Hiệp Thành, du khách sẽ đến làng nghề đóng ghe, xuồng. Đây là làng nghề được hình thành khi phương tiện đi lại của người dân chủ yếu bằng đường thủy. Có dịp đến Hậu Giang, du khách đừng bỏ qua cơ hội tham quan làng nghề này, một làng nghề truyền thống nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh thủa xưa còn lưu giữ đến ngày nay.

Ẩm thực

Hậu Giang là vùng đất có nhiều món ăn ngon và sản vật quý như: khóm Cầu Đúc, bưởi năm roi Phú Hữu, quýt đường Long Trị… Các loại cây trồng, vật nuôi nơi đây qua quá trình phát triển đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nên thương hiệu cho từng loại đặc sản để mỗi khi nhắc đến, người ta sẽ nghĩ đến vùng đất Hậu Giang xinh đẹp.

Cá Thát Lát

Ở các nhà hàng, quán ăn tại Hậu Giang đều có các món ăn được chế biến từ cá Thát Lát. Đây được xem là món ăn đặc sản đáng tự hào của tỉnh Hậu Giang. Cá Thát Lát được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Gần đây, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã công bố cá Thát Lát 7 món Hậu Giang đã lọt vào top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Hiện nay, cá Thát Lát Hậu Giang là sản phẩm có mặt trong hệ thống siêu thị bán lẻ của Co.opmart và là món quà mang về không thể thiếu khi du khách đến Hậu Giang.

Bưởi năm roi Phú Hữu

Bưởi năm roi Phú Hữu được trồng ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành. Bưởi có màu vỏ vàng đẹp, không hạt, tép bưởi khô, vị ngọt thoảng chua thanh. Những năm gần đây, nông dân Phú Hữu đã lai tạo ra loại bưởi hồ lô (có hình dạng giống bình hồ lô) để trưng bày trên bàn thờ tổ tiên trong những dịp lễ, tết, được thị trường ưa chuộng.

Các sản phẩm từ khóm

Khóm Cầu Đúc được trồng rất nhiều ở vùng đất Hỏa Tiến, Tân Tiến, thành phố Vị Thanh. Trải qua hơn 100 năm, khóm Cầu Đúc đã trở thành một loại đặc sản, có hương vị ngọt thanh rất đặc trưng không giống bất kỳ loại khóm nào, trái khóm to, xơ thưa, cùi nhỏ… Vào những dịp lễ, Tết, người dân nơi đây thường sử dụng khóm để chế biến thành các món ăn hấp dẫn như: gà hấp khóm, lagu khóm, bánh xèo cổ hũ khóm, mứt khóm…

Quýt đường

Quýt đường là loại trái cây nổi tiếng vùng đất Long Trị. Với ưu điểm trái to, vỏ mỏng, mọng nước, vị ngọt thanh, thơm và để được lâu, là loại trái cây đặc sản của Hậu Giang.

Trong thời gian tới, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục xây dựng những sản phẩm du lịch theo hướng du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa, tín ngưỡng đồng thời tập trung xây dựng các dịch vụ phục vụ du lịch nhằm thu hút du khách; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho phát triển du lịch. Với tiềm năng và định hướng nêu trên, Du lịch Hậu Giang đang sẵn sang hội nhập và hứa hẹn có những bước phát triển bền vững trong tương lai.

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam