An Giang - Tìm về đầu nguồn Mê Kông

An Giang nằm ở phía Tây Nam tổ quốc, nơi đầu nguồn sông Mê Kông, có sông Tiền và sông Hậu đi qua làm nên mùa nước nổi hàng năm khi hiền hòa, khi dữ dội. Phía Tây Bắc An Giang giáp Campuchia với gần 100km đường biên giới, phía Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông Nam giáp Cần Thơ, Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp. Với đặc thù của một tỉnh miền Tây Nam Bộ, An Giang có đồng lúa mênh mông, có sông xanh nước biếc, có dãy thất sơn hùng vĩ và rừng tràm bạt ngàn,… cùng với truyền thống năng động, phóng khoáng, hiếu khách, An Giang đang tích cực phát huy lợi thế từ nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn để thu hút khách du lịch.

Danh lam thắng cảnh

An Giang giống như một bức tranh thu nhỏ về vẻ đẹp của miền Tây Nam Bộ. Đến với vùng đất này, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi cảnh sắc thiên nhiên yên bình thơ mộng, với những rừng tràm ngào ngạt hương thơm, những ngọn núi mang đậm màu sắc huyền thoại.

Khu du lịch núi Sập

Khu du lịch núi Sập nằm tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cách thành phố Long Xuyên khoảng 26km. Trước kia, núi Sập có dạng hình con thỏ nằm phủ phục bên những đồng lúa xanh ngút ngàn đến tận chân trời. Theo thời gian, ngọn núi bị biến dạng thành những hình khối muôn màu, vẽ lên một không gian núi non huyền bí. Sườn phía Tây của núi Sập có danh thắng bậc nhất của vùng núi Thoại Sơn: hồ số 1, hồ số 2, hồ Ông Thoại, được thông nhau bằng các đường hầm xuyên núi và hang núi Sập. Du khách đến đây có thể bơi thuyền thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của núi cao, hang sâu, hồ nước xanh thẳm với những đàn cá bơi lượn. Để tạo điểm nhấn cho cảnh đẹp của các hồ nước, Ban quản lý Khu du lịch núi Sập đã dựng quanh hồ và các đảo nhỏ nhô lên mặt nước những tượng đá mang hình nữ thần Siva, tháp Ponagar, hình tượng Linga, Yony… do những nghệ nhân vùng núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng khắc tạo.

Rừng tràm Trà Sư

Rừng tràm Trà Sư thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách thành phố Châu Đốc khoảng 20km và cách biên giới Việt Nam - Campuchia 10km. Đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, nơi sinh sống của nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Với diện tích gần 850ha, rừng Trà Sư không chỉ phong phú về động vật, còn là nơi tụ họp của hàng trăm loài thực vật. Chính sự đa dạng và phong phú về tài nguyên khiến rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà nghiên cứu và người ham mê khám phá thiên nhiên hoang dã. Ngoài những giá trị phong phú về mặt tài nguyên thiên nhiên, rừng tràm Trà Sư còn chứa đựng những yếu tố văn hóa độc đáo của cộng đồng dân cư sống ven rừng. Nơi đây, có khá nhiều đồng bào Khmer và Kinh sinh sống với nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu đường thốt nốt, chưng cất tinh dầu tràm, nuôi ong lấy mật.

Núi Cấm

Núi Cấm hay còn gọi là núi Ông Cấm có tên chữ là Thiên Cấm Sơn (nghĩa là một ngọn núi đẹp), nằm trong khu tam giác Tịnh Biên - Nhà Bàng - Tri Tôn thuộc địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Với độ cao 705m, chu vi 28.600m2, núi Cấm không chỉ được biết đến là ngọn núi cao nhất, lớn nhất… mà còn được tương truyền là ngọn núi ẩn chứa nhiều điều kỳ bí nhất trong dãy thất sơn huyền bí của An Giang. Với dáng vẻ hùng vỹ, khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp và cây cối xanh um tùm, hằng năm núi Cấm thu hút đông đảo du khách đến tham quan ngắm cảnh. Trên núi có các danh lam nổi tiếng như: miếu Sơn Thần, chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long, hang ông Hổ, hang Bác Vật Lang... Dưới chân núi Cấm, về phía Đông là Khu du lịch Lâm Viên, với diện tích khoảng 100ha, có cảnh quan đẹp, có đường bê tông khá rộng lên đến đỉnh.

Núi Sam

Núi Sam thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang có độ cao 284m, bao phủ diện tích khoảng 280ha, rợp mát cây xanh... có dáng dấp như một con Sam nằm giữa cánh đồng trải rộng mênh mông. Không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan hữu tình, núi Sam còn sở hữu nhiều di tích kiến trúc, văn hóa đã khắc sâu vào tâm linh người dân An Giang và đồng bằng Nam Bộ. Trên đỉnh núi Sam vẫn còn dấu tích một bệ đá trầm tích màu xanh đen, nơi tượng Bà Chúa Xứ núi Sam ngự trước khi đem về miếu. Ngoài ra, còn có một pháo đài được xây dựng từ thời Pháp và một ngôi miếu nhỏ thờ Trương Gia Mô (1866 - 1929) - một nho sĩ của phong trào Duy Tân. Có đến 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác ở chân núi, sườn núi và cả trên đỉnh. Trong đó nổi tiếng nhất là miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Phước Điền (còn gọi chùa Hang) đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Hằng năm, du khách từ khắp nơi hành hương về đây hành lễ rất đông.

Cánh đồng Tà Pạ

Cánh đồng Tà Pạ cách thị trấn Tri Tôn khoảng 1km, thuộc địa phận xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đây được xem là ruộng bậc thang độc đáo nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhìn từ xa, cánh đồng Tà Pạ như một bức tranh yên bình trải dài bên sườn núi, điểm tô trên đó là những chòm cây thốt nốt xanh tươi. Khi bình minh bắt đầu ló rạng, dưới ánh sáng lung linh của buổi sớm mai, những giọt sương còn vương trên lá long lanh như những viên ngọc trời. Gió mơn man tạo nên những đợt sóng lúa uốn lượn đến tận chân trời xa. Đứng dưới tán cây thốt nốt, nghe tiếng gió đan vào kẽ tóc, thoang thoảng trong đó mùi hương của đất trời, mùi thơm của lúa mới mọi muộn phiền của cuộc sống dường như tan biến.

Di tích Lịch sử - Văn hóa

Với 1.287 di tích lịch sử - văn hóa, đình, chùa, miếu, An Giang đang sở hữu “kho” danh lam thắng cảnh, hệ thống hang động và di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đáng tự hào. Trong đó, địa bàn tỉnh có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật văn hóa Óc Eo; 27 di tích cấp quốc gia, 52 di tích cấp tỉnh và hàng ngàn cơ sở thờ tự, kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử truyền thống nằm rải khắp trong tỉnh. Mỗi di tích là một câu chuyện cô đọng, chứng tích cho cả giai đoạn phát triển trong lịch sử, là nền tảng soi rọi truyền thống văn hóa cho con người ngày nay và cả mai sau.

Khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng nằm ở Cù lao Ông Hổ, giữa sông Hậu, tổ 4, ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng được thành lập sau khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia năm 1984. Đây là nơi Bác Tôn đã sinh ra, trưởng thành, hình thành nhân cách, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của người lãnh tụ của nhân dân Nam Bộ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Khu di tích rộng khoảng 3.102m2, nằm trong một tổng thể không gian cảnh quan thoáng mát như bao nhiêu làng quê Nam Bộ, bao gồm các hạng mục: đền thờ, nhà lưu niệm và ngôi nhà gỗ cổ - nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã sống thời thơ ấu. Hiện nay, Khu lưu niệm Bác Tôn đã trở thành một địa điểm lưu niệm quan trọng về Bác, đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của nhân dân tỉnh An Giang... Những hoạt động diễn ra ở đây mang tính chất thường kỳ, có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục truyền thống sâu sắc, nhất là đối với thế hệ trẻ. Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, du lịch, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Di chỉ văn hóa Óc Eo

Khu di chỉ Óc Eo thuộc vùng núi Sập - Ba Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Đây là một khu di tích cổ rộng lớn, gắn liền với vết tích vật chất của vương quốc Phù Nam, một quốc gia hùng mạnh ở vùng Đông Nam Á cách nay khoảng hai nghìn năm. Hiện nay, khu di chỉ Óc Eo không những đón được rất nhiều nhà sưu tầm, khảo cổ đến nghiên cứu, tìm hiểu mà còn hấp dẫn được rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây để xem di vật, vết tích được phát hiện để biết thêm về một thời kỳ phát triển rực rỡ của vùng đất An Giang ngày xưa nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Thánh đường Mubarak

Nằm ở xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, cách thành phố Long Xuyên khoảng 62km, thánh đường Mubarak được xem là một thánh đường tiêu biểu có lối kiến trúc hết sức độc đáo mang đậm tính tôn giáo của cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi. Trên nóc thánh đường có một tháp lớn 2 tầng hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, tượng trưng cho đạo Hồi. Bốn góc trên nóc thánh đường đều có bốn tháp nhỏ, giữa nóc có bầu tròn nhô cao. Từ cửa chính của thánh đường trở ra bên, mỗi bên có 2 vòm hình vòng cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau khoảng 2,4m. Bên hông thánh đường, phía tay trái và tay phải, mỗi bên cũng có vòm hình vòng cung nhọn đầu. Với những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mang đậm màu sắc tôn giáo của người Chăm và những lễ hội truyền thống mang tính đặc trưng của đạo Hồi, thánh đường Mubarak đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là kiến trúc nghệ thuật vào ngày 5/12/1989.

Cù lao Giêng

Cù lao Giêng (hay Diên, Riêng, Den, Ven) là một cù lao nằm giữa sông Tiền, thuộc 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ngoài cảnh quan thiên nhiên đầy sức quyến rũ của một vùng sông nước, cù lao Giêng còn có những công trình kiến trúc kiểu Pháp tuyệt đẹp. Nơi đây đã từng là căn cứ địa của Xứ ủy Nam Kỳ, nơi phát đi những tín hiệu và mệnh lệnh đấu tranh giành quyền sống cho nhân dân thời thuộc Pháp. Và cũng chính nơi đây đã sản sinh ra không ít những người con anh hùng. Ngày nay, cù lao Giêng là một địa điểm du lịch quen thuộc của du khách gần xa khi đến An Giang. Đến với cù lao Giêng du khách không nên bỏ lỡ cơ hội ghé thăm nhà thờ Cù lao Giêng, chùa Bà Lê (Phước Hội Tự), Thành Hoa tự, chùa Bà Vú, nhà thờ cổ dòng tu Phan-xi-cô, đình Tấn Mỹ, phần mộ của nhà cách mạng Ung Văn Khiêm… Đến với cù lao Giêng, du khách không những có nhiều trải nghiệm mới lạ khi được ngắm cảnh, chiêm bái, vui chơi… mà còn có thêm những hiểu biết nhất định về vùng đất cù lao Giêng nói riêng và An Giang nói chung.

Lễ hội An Giang

Toàn tỉnh An Giang có 41 lễ hội lớn nhỏ, diễn ra hầu như quanh năm, trong đó có 1 lễ hội cấp bộ quản lý, 6 lễ hội thuộc cấp tỉnh quản lý và còn lại là các lễ hội do cấp địa phương huyện, xã quản lý. Do là địa bàn cộng cư của 4 dân tộc nên trong năm có nhiều lễ hội được đồng bào các dân tộc tổ chức. Mỗi lễ hội đều mang những đặc điểm, bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc.

Lễ Sen Dolta

Vào dịp Lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer Nam Bộ, ngày 19/8 đến 1/9 âm lịch hằng năm, tại xã Lương Phi, thị trấn Tri Tôn, tỉnh An Giang lại diễn ra hội đua bò Bảy Núi hấp dẫn, thu hút hàng nghìn du khách. NTheo quan niệm của đồng bào Khmer, Lễ hội đua bò có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đôi bò giành được giải cao trong năm không những mang lại cho chủ nhân niềm kiêu hãnh mà còn mang đến cho cả phum sóc niềm vui và hứa hẹn cho việc gieo trồng được dễ dàng, đem lại một mùa bội thu, dân làng no ấm. Lễ hội đua bò ở An Giang luôn thu hút hàng vạn du khách đến theo dõi và cổ vũ. Đây cũng chính là cơ hội để quảng bá du lịch đến đông đảo người dân trong cả nước. Quan trọng hơn, lễ hội đã góp phần giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer vốn có lịch sử tồn tại hằng trăm năm qua.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ

Lễ hội Bà Chúa Xứ (còn gọi là lễ Vía Bà) được tổ chức hàng năm bắt đầu từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch, tại miếu Bà Chúa Xứ thuộc phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc. Các nghi thức cúng bái sẽ được các hương chức trong làng thực hiện theo nghi thức cổ truyền. Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một lễ hội mang bản sắc dân tộc đậm nét, nhưng cũng chứa đựng nhiều màu sắc Nam Bộ, đáp ứng nhu cầu văn hoá xã hội, đời sống tinh thần của nhân dân. Phần hội diễn ra rất sôi nổi với lễ, các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian được biểu diễn như: múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén... Du khách đến với lễ hội không chỉ là tham gia một nét văn hóa vùng miền, mà còn tận mắt chứng kiến các chứng tích lịch sử mà ông cha ta đã dày công xây dựng và giữ gìn. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được công nhận là Lễ hội cấp quốc gia từ năm 2001. Ngày 8/6/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh An Giang, TP Châu Đốc (An Giang) tổ chức Lễ đón Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam theo Quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL.

Làng nghề truyền thống

Làng nghề mộc chạm khắc gỗ thủ công truyền thống ở Chợ Thủ

Được mệnh danh là “Đệ nhất nghề mộc và chạm khắc gỗ vùng Tây Nam Bộ”, làng nghề mộc chạm khắc gỗ thủ công Chợ Thủ ở huyện Chợ Mới (An Giang) đã tồn tại và phát triển hơn 200 năm với những sản phẩm vang danh, được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng. Những người thợ ở Chợ Thủ phần đông được học nghề từ nhỏ theo lối cha truyền con nối. Kĩ thuật chạm khắc gỗ ở Chợ Thủ rất đa dạng, phong phú, nhưng có thể quy về 4 loại chính: chạm trổ, chạm lộng, chạm nổi và chạm âm. Với tinh thần cần cù, đôi bàn tay khéo léo, trí thông minh, sáng tạo, họ đã làm ra những sản phẩm nổi tiếng như: tủ áo, tủ thờ, tủ ly, salong, giường ngủ, bàn, ghế... với kiểu dáng đẹp đẽ, trang nhã, sang trọng mà không cầu kỳ. Ở làng nghề Chợ Thủ có một điều khá thú vị là con gái làng nghề khi lớn lên theo chồng đều được cha mẹ tặng cho một chiếc tủ quần áo để làm của hồi môn. Đây là một phong tục có ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở con cháu dù có đi đâu xa cũng luôn nhớ về quê hương, nguồn cội. Hiện nay, sản phẩm mộc Chợ Thủ có chất lượng gỗ tốt, sử dụng bền, đẹp theo thời gian nên tạo được uy tín cao với khách hàng.

Làng dệt thổ cẩm Châu Phong

Nằm dọc hai bên bờ kênh Vĩnh An, đối diện thị xã Châu Đốc là làng Chăm Châu Phong (còn được gọi là làng thổ cẩm Phũm Soài hay làng dệt thổ cẩm Châu Phong) thuộc thị xã Tân Châu. Đây là ngôi làng cổ, còn mang đậm nét đặc trưng văn hóa Chăm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những người phụ nữ Chăm ở đây đều thành thạo, nhuần nhuyễn nghề dệt thổ cẩm. Từ nhỏ, họ đã được học dệt và đến khi trưởng thành thì trở thành những người thợ dệt chuyên nghiệp của vùng. Hoa văn được dệt lên các đồ vật đều có ý tưởng sáng tạo từ truyền thống đến hiện đại càng làm tăng thêm giá trị nghề dệt nơi đây. Sản phẩm dệt ra chủ yếu là vải thổ cẩm, áo choàng, sarông, khăn quấn cổ - đội đầu, khăn trải bàn, các mặt hàng lưu niệm như: ví, túi xách, móc khóa… Ngoài ra, các cô gái Chăm còn dệt icat (một loại khăn làm của hồi môn khi về nhà chồng). Với vẻ đẹp mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế, sang trọng, thổ cẩm Châu Phong ngày càng được nhiều người ưa chuộng.

Ẩm thực

Sức hút của ẩm thực An Giang là sự pha trộn của một nền văn hóa ẩm thực đa dạng nhưng mỗi món ăn đều mang bản sắc riêng. Điểm nổi bật trong ẩm thực An Giang là những đồ ăn, thức uống được chế biến từ đường thốt nốt chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây. Đường thốt nốt An Giang có vị ngọt thanh, nổi tiếng với các món ăn như: thạch thốt nốt, bánh bò thốt nốt, bia chua thốt nốt… An Giang còn nổi tiếng với nhiều món ăn gắn liền với các địa danh và luôn có sức hấp dẫn đối với thực khách. Bánh canh Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên) được làm bằng gạo lúa sóc nên cọng bánh mềm, dai có mùi thơm đặc trưng cùng độ dẻo tự nhiên. Bò bảy món Núi Sam (thành phố Châu Đốc) với lòng bò luộc, bò đun bánh hỏi, cháo bò, bò khìa bánh mì, bò xào lá giang, bò lúc lắc và bò bít tết luôn được đánh giá là thơm ngon và mềm, ngọt. Xôi phồng Chợ Mới (huyện Chợ Mới) ăn kèm gà quay được đánh giá là món ăn thơm ngon, hấp dẫn du khách. Bò leo núi Tân Châu (thị xã Tân Châu) lôi cuốn bởi tên gọi, cách chế biến, cách thưởng thức, độ mềm mại và sự thơm ngọt.

Bánh xèo Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) lôi cuốn thực khách bởi hơn 20 loại rau rừng ăn kèm. Mắm Châu Đốc nổi tiếng với mùi đặc trưng, có vị rất đặc biệt và được đánh giá cao về vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể nói, ẩm thực của An Giang đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của địa phương.

Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, An Giang đang nỗ lực phát triển du lịch bằng cách nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ; đồng thời tổ chức hợp tác, kết nối tour thông qua chương trình hợp tác phát triển du lịch với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia để khai thác có hiệu quả du lịch tiểu vùng Mê Kông.

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam