Kiên Giang - Rừng vàng, biển bạc

Kiên Giang được coi là vùng đất “rừng vàng, biển bạc” với nhiều danh lam thắng cảnh thơ mộng… Nơi đây còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa gắn với những câu chuyện cổ tích, những huyền thoại trong tiến trình chinh phục, mở mang bờ cõi, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Một nhà thơ đã ví Kiên Giang như Việt Nam thu nhỏ với “một ít hang sâu, động hiểm của Lạng Sơn, có ngọn núi chơi vơi giữa biển khơi của vịnh Hạ Long, có ít núi đá vôi của Ninh Bình, ít thạch thất sơn môn của Hương Tích, chùa chiền Bắc Ninh, lăng tẩm Thuận Hoá và một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, Nha Trang, Vũng Tàu, Long Hải…” Có thể nói, Kiên Giang có nhiều lợi thế mà không phải tỉnh nào cũng có, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch. Hiện nay, Du lịch Kiên Giang hình thành 4 vùng trọng điểm: Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Hòn Đất - Kiên Hải và U Minh Thượng.

Danh lam thắng cảnh

Phú Quốc

Phú Quốc có diện tích trên 589km2, nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, đang được đầu tư trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp của Việt Nam và khu vực. Phú Quốc có địa hình độc đáo, gồm các dãy núi nối liền chạy dài từ Bắc xuống Nam đảo. Phú Quốc có vườn quốc gia với hệ động thực vật vô cùng phong phú và có bờ biển dài khoảng 150km với nhiều bãi tắm đẹp, cát trắng, mịn, biển trong xanh hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế như: bãi Trường, bãi Bà Kèo - cửa Lấp, bãi Sao, bãi Dài, bãi Khem, bãi cửa Cạn và quần đảo An Thới với nhiều bãi tắm và rạn san hô tuyệt mỹ… Đến Phú Quốc, du khách không chỉ được khám phá rừng nguyên sinh và thỏa thích tắm biển, hưởng thụ bầu không khí trong lành đến tuyệt vời giữa biển khơi mà còn được khám phá nét văn hóa đặc trưng của người dân xứ đảo, tìm hiểu lịch sử và thưởng thức các món ẩm thực độc đáo chỉ có tại nơi đây như: rượu sim, gỏi cá trích, nấm tràm, đặc biệt là tiêu và nước mắm Phú Quốc, cùng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương như vỏ ốc, nghêu sò và ngọc trai.

Dinh Cậu

Dinh Cậu nằm ở khu phố 2, thị trấn Dương Đông, ngay trên ghềnh núi đá nhô ra tại cửa sông Dương Đông, được xây dựng từ năm 1937. Dưới chân ghềnh có miếu Thủy Long Thánh Mẫu. Nhìn từ biển vào, bên phải ghềnh là bãi Bà Kèo - Cửa Lấp, bên trái là xóm cồn Gành Gió với bờ dừa xanh mướt. Bên trong Dinh Cậu có nhiều kiến trúc cổ mang đường nét sắc sảo, trưng bày các hiện vật gắn liền với truyền thống văn hóa của người dân đảo Phú Quốc.

Khu bảo tồn biển Phú Quốc

Có diện tích 6.825ha, Khu bảo tồn Biển Phú Quốc được đánh giá là nơi có nguồn tài nguyên biển rất đa dạng, phong phú, với những giá trị về mặt sinh học, cảnh quan. Hầu hết các hòn đảo nổi ở đây có nhiều vách đá bị phong hóa, tạo thành những hình thù khác lạ, xen kẽ với vạt rừng nguyên sinh. Những bãi biển ở khu bảo tồn vẫn còn nguyên sơ, chưa bị tác động của con người. Những năm gần đây, khu bảo tồn đã được khai thác hoạt động du lịch phục vụ du khách tham quan lặn biển, tìm hiểu, nghiên cứu, học tập và khám phá hệ sinh thái san hô đa dạng.

Bãi Sao

Thuộc thị trấn An Thới, bãi Sao là một trong những bãi biển đẹp nhất đảo Phú Quốc. Cuối bờ cát là bãi cổ An Yến với nhiều tảng đá hình thù kỳ dị, là nơi chim yến thường về làm tổ. Nắng chiếu xuống bãi cát trắng làm cho khu vực này sáng rực như muôn vạn vì sao. Sau khi tắm biển du khách có thể thưởng thức những món hải sản tươi ngon hấp dẫn tại Bãi Sao.

Mũi Gành Dầu

Mũi Gành Dầu thuộc xã Gành Dầu, là mũi đá nhô ra xa về phía Tây Bắc thuộc dãy núi Bãi Dài. Mũi nằm trên bãi biển cát trắng hoang sơ, dựa lưng vào rừng nguyên sinh có nhiều cây dầu cổ thụ. Khác với khung cảnh tấp nập và đông đúc ở thị trấn Dương Đông, mũi Gành Dầu là nơi yên tĩnh nguyên sơ và bình lặng. Mũi Gành Dầu có nhiều bãi tắm rất đẹp, với cát vàng mịn màng và nước biển trong, xanh ngắt một màu. Phong cảnh mũi Gành Dầu càng đẹp và trữ tình hơn khi hoàng hôn buông xuống.

Trại giam Phú Quốc

Là Di tích quốc gia đặc biệt, Trại giam Phú Quốc nằm  ở thị trấn An Thới, cách cảng 2km về phía Nam. Năm 1953, Pháp lập một nhà tù ở phía Nam đảo, gọi là “Nhà lao Cây Dừa” hay còn gọi là Trại giam tù binh Phú Quốc. Đây là bằng chứng ghi dấu tội ác của chế độ thực dân đế quốc nhưng đồng thời cũng là di tích biểu tượng cho tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sỹ cách mạng. Năm 1966, Mỹ ngụy cho xây dựng ở đây một khu trại giam mới có diện tích khoảng 400ha. Nhà trưng bày tại Trại giam Phú Quốc là nơi du khách được tận mắt nhìn thấy những hiện vật trong nhà tù từ thời Mỹ Ngụy.

Bãi Khem

Bãi Khem là một bãi biển có loại cát trắng mịn rất đẹp, thuộc thị trấn An Thới. Bãi được bao bọc bởi rừng cây, ghềnh đá, tạo thành cảnh quan riêng biệt. Nơi đây có khu phức hợp du lịch sinh thái Bãi Khem, bao gồm khách sạn quốc tế 5 sao JW Marriott Phu Quoc và Premeier Residences Phu Quoc Emerald Bay, là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng.

Bãi Trường

Bãi Trường bắt đầu từ rạch Bà Kèo thuộc xã Dương Tơ kéo dài đến mũi Tàu Rũ thuộc thị trấn An Thới, dài hơn 12km. Bãi Trường có bãi cát đẹp, biển quanh năm ít sóng nên thu hút rất đông du khách đến tắm biển. Tại đây có nhiều khách sạn, resort, nhà hàng cao cấp, phục vụ cho du khách có nhu cầu nghỉ dưỡng. Đặc biệt, Bãi Trường còn được xem là khu vực tập trung đông khách du lịch nhất đảo Phú Quốc.

Suối Tranh

Suối Tranh thuộc xã Dương Tơ, bắt nguồn từ dãy Hàm Ninh, chảy qua tuyến đường Dương Đông đi Hàm Ninh, là một cảnh quan đẹp của đảo Phú Quốc. Hiện nay, suối này đã được xây dựng thành khu du lịch sinh thái, có bán vé cho khách vào tham quan chính của Phú Quốc, hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách du lịch.

Quần đảo An Thới

Quần đảo An Thới nằm ở phía Nam  thị trấn An Thới, là vùng lõi của Khu bảo tồn biển Phú Quốc, trong đó có một số đảo thuộc vùng lõi bảo tồn rạn san hô. Quần đảo bao gồm 21 đảo, trong đó 18 đảo có dân sinh sống, đông nhất là đảo Hòn Thơm. Môi trường sinh thái của quần đảo phù hợp với việc nuôi trồng nhiều loại thủy hải sản có giá trị cao như: trai ngọc, cá bống mú, hải sâm… Phía Tây của vịnh An Thới có cảng biển quốc tế An Thới, có thể đón được tàu trọng tải 3.000 tấn cập bến. Một số đảo đã được quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái chất lượng cao, đưa vào hệ thống tuyến điểm phục vụ khách du lịch.

Hòn Thơm

Đảo Hòn Thơm thuộc xã Hòn Thơm, là một hòn đảo nhỏ nằm trong quần đảo An Thới, có diện tích khoảng 5,7km2. Tiềm năng và lợi thế ở đây được xác định là dịch vụ du lịch, khai thác và nuôi trồng hải sản. Trên đảo có nhiều bãi biển và vườn dừa lâu năm rất đẹp. Ngoài ra, nơi đây còn có Khu cáp treo và quần thể vui chơi giải trí biển Hòn Thơm, với hệ thống cáp treo xuyên biển dài gần 8km.

Hà Tiên - Kiên Lương

Hà Tiên là vùng đất cuối cùng của Việt Nam tiếp giáp với vịnh Thái Lan. Từ lâu, Hà Tiên - Kiên Lương đã nổi tiếng là nơi có nhiều thắng cảnh đẹp, non nước hữu tình làm say đắm lòng người. Đến Hà Tiên, du khách sẽ bị cuốn hút bởi những cảnh đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này, từ núi non cho đến những bãi biển nên thơ và khung cảnh lãng mạn của đầm Đông Hồ, cùng cảnh quan đẹp như một bức tranh thiên nhiên trên biển của quần đảo Hải Tặc. Về với Hà Tiên, du khách còn được tìm hiểu các giá trị văn hóa của vùng đất này qua các di tích lịch sử văn hóa như: lăng Mạc Cửu, chùa Phù Dung và nhiều lễ hội cổ truyền đặc sắc. Hiện nay, Kiên Giang đang khai thác du lịch đến các nước trong khu vực qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Kiên Lương cũng là địa danh hội tụ nhiều thắng cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ được mệnh danh là “Hạ Long của phương Nam” và các di tích lịch sử cách mạng vang bóng một thời. Đến Kiên Lương, du khách sẽ được khám phá v ẻ đẹp hoang sơ với các địa danh như: hòn Phụ Tử, hòn Trẹm, hòn Chông, hang động Mo So, quần đảo Bà Lụa… Hà Tiên và Kiên Lương tạo thành chuỗi du lịch khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa lịch sử hấp dẫn say đắm lòng người.

Dãy núi Mo So

Dãy núi Mo So nằm ở xã Bình An, có nhiều hang động kỳ bí và một thung lũng được bao quanh bởi vách đá dựng đứng, với những phiến đá nhọn lởm chởm. Hang động chằng chịt như mê cung là địa hình thuận lợi để làm căn cứ chiến đấu lâu dài. Xung quanh núi là đầm lầy và rừng tràm. Mo So là một thắng cảnh tuyệt vời, có phong cảnh núi rừng hoang dã, hệ thống hang động kỳ thú. Nơi đây từng là căn cứ cách mạng kiên cố trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Núi Mo So được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử cách mạng và thắng cảnh cấp quốc gia ngày 13/2/1995.

Hòn Phụ Tử

Hòn Phụ Tử là một đảo đá vôi thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, được tạo thành từ khối đá cao 45m gọi là hòn Phụ và khối đá cao khoảng 25m hơi nghiêng về hướng Đông gọi là hòn Tử. Với hình dáng đặc biệt, hòn Phụ Tử đã trở thành biểu tượng của du lịch tỉnh Kiên Giang. Năm 2006, hòn Phụ đã gãy ngang và đổ xuống biển. Tuy nhiên, đến nay hòn Phụ Tử vẫn là điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách đến tham quan.

Khu du lịch Mũi Nai

Mũi Nai có tên chữ là Lộc Trĩ, là khu du lịch nổi tiếng đông khách quanh năm, thuộc phường Pháo Đài. Bãi cát tại đây có màu đen mịn, không phù sa, chạy dài theo hình cánh cung, nước rất sạch và trong, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Ngoài ra, Khu du lịch Mũi Nai có rất nhiều nhà hàng với những món đặc sản Hà Tiên và nhà nghỉ khang trang dọc bãi biển hoặc trên núi. Ngoài thú vui tắm biển, du khách có thể lướt ca nô ra vịnh tham quan thỏa thích.

Hòn Móng Tay

Hòn Móng Tay (xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương) còn được biết đến với tên gọi đảo Robinson. Dù nằm cách Phú Quốc chỉ 14km nhưng nơi đây mới được phát hiện và phát triển du lịch. Hòn đảo đặc biệt này giữ nguyên được vẻ đẹp thiên phú như lúc ban đầu. Đến hòn Móng Tay, du khách thong dong thả hồn giữa đất trời Phú Quốc với trời xanh bao la, biển trong xanh cùng những rặng dừa xanh mát lao xao trong gió và bãi cát trắng mịn mang nét đẹp riêng biệt.

Rạch Giá - Hòn Đất - Kiên Hải

Thành phố Rạch Giá là trung tâm kinh tế - chính trị của Kiên Giang, là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa, là điểm dừng chân để du khách đi tiếp đến Hà Tiên, Phú Quốc và các vùng khác trong tỉnh. Rạch Giá có các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí về đêm, có hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại quy mô lớn, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân thành phố và du khách. Thành phố Rạch Giá là nơi đầu tiên ở Việt Nam tiến hành lấn biển để xây dựng khu đô thị mới, là một trong những khu đô thị mới lớn nhất vùng Tây Nam Bộ. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục đầu tư triển khai nhiều công trình quan trọng như: khu đô thị Phú Cường, khu đô thị mới lấn biển Tây Bắc thành phố Rạch Giá… Một số khu vực phụ cận của Rạch Giá như huyện đảo Kiên Hải, Hòn Đất có tiềm năng phát triển du lịch: khám phá biển đảo, sinh thái, nghỉ dưỡng, về nguồn... với nhiều điểm đến hấp dẫn.

Bảo tàng tỉnh Kiên Giang

Bảo tàng tỉnh Kiên Giang tọa lạc tại số 27, đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá. Bảo tàng được khởi công xây dựng năm 1911 trên diện tích khoảng 2.000m2. Đây là ngôi nhà cổ lớn và đẹp nhất còn lại ở thành phố Rạch Giá, được sử dụng làm nhà trưng bày của Bảo tàng. Bảo tàng tỉnh Kiên Giang được Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 28/9/1990. Kiến trúc ngôi nhà hình “nội nhất ngoại quốc” lạ và đẹp, vừa cổ kính vừa hiện đại. Bên ngoài như một biệt thự kiểu Pháp, bên trong lại thiết kế theo kiểu nhà Việt Nam cổ truyền. Hoa văn chạm trổ công phu, cầu kỳ, điêu luyện và tinh tế, đường nét sắc sảo. Tất cả đồ vật trong nhà đều bằng gỗ quý khảm xà cừ, tạo nên dáng vẻ lộng lẫy.

Đảo Hòn Tre

Hòn Tre là một đảo có diện tích 3,28km2, nằm cách thành phố Rạch Giá 28km. Xã đảo này còn có tên gọi là “hòn Rùa”, vì có 2 đỉnh núi (đỉnh cao 395m, đỉnh thấp 108m) hợp lại có hình thù trông giống như hình con rùa khổng lồ nằm giữa biển khơi. Trên đảo có suối nước ngọt quanh năm. Dân cư ở đây sinh sống lâu đời bằng nghề khai thác thủy sản và trồng cây ăn trái lâu năm, nổi tiếng với chất lượng ngon như: mãng cầu xiêm (na), mít, xoài. Đảo Hòn Tre có nhiều cảnh đẹp, tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, tham quan, tắm biển.

Cổng Tam Quan

Cổng Tam Quan nằm trên đường Nguyễn Trung Trực, phường Vĩnh Lạc. Cổng Tam Quan là một công trình kiến trúc cổ rất đẹp, mang đậm nét văn hóa cổ truyền Việt Nam, được xem là biểu tượng của thành phố Rạch Giá. Cổng gồm 3 cửa, 3 mái theo kiểu mái vòm cổ truyền. Trên mái trang trí nhiều biểu tượng văn hóa dân gian như mặt hổ phù, cá hóa long, lân, phượng.

Đảo Lại Sơn

Còn có tên gọi là hòn Sơn Rái, Lại Sơn là một xã đảo lớn, có diện tích 11,5km2, đỉnh cao 405m, cách thành phố Rạch Giá 53km về hướng Tây Nam. Đảo được cấu thành từ đá hoa cương, có nhiều suối nước ngọt dồi dào quanh năm. Từ trên cao nhìn xuống, đảo giống hình một con rái cá lội trên mặt biển, đầu hướng về đất liền. Xã đảo Lại Sơn có nhiều cảnh đẹp như: mũi Đá Bàn, đỉnh Ma Thiên Lãnh, bãi Thiên Tuế. Trên đảo có nhiều địa danh gắn liền với lịch sử hình thành dân cư nơi này. Cư dân trên đảo sinh sống lâu đời bằng nghề khai thác thủy sản, sản xuất nước mắm, dịch vụ mua bán và chế biến hải sản. Đảo Lại Sơn có bãi biển đẹp, cảnh quan thích hợp cho việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Quần đảo Nam Du

Quần đảo Nam Du còn được gọi là quần đảo Củ Tron, thuộc xã Nam Du, bao gồm 21 đảo lớn nhỏ. Đảo Củ Tron lớn nhất trong quần đảo, trên đảo có nhất nhiều cảnh đẹp như: bãi Chệt, bãi Ngự, bãi Đất Đỏ, Pháo Đài. Tuyến du khảo Lại Sơn - Nam Du là hành trình lý thú dành cho du khách yêu thích tham quan khám phá biển đảo.

U Minh Thượng

Với đặc thù sinh thái rừng tràm ngập nước trên đất than bùn, Vườn quốc gia U Minh Thượng - khu căn cứ địa cách mạng nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời là khu ramsar thứ 2.228 của thế giới và là khu ramsa thứ 8 của Việt Nam, phục vụ khách tham quan du lịch sinh thái kết hợp với nghiên cứu khoa học hệ sinh thái rừng ngập nước, tìm hiểu văn hóa nhân văn sông nước vùng U Minh và du lịch nghiên cứu di chỉ khảo cổ Óc Eo - Phù Nam (Cạnh Đền, Nền Vua, Kè Một). Quần thể di tích căn cứ địa cách mạng U Minh Thượng với di tích Ngã Ba Cây Bàng, Ngã Ba Tàu, Thứ Mười Một, Rừng tràm Ban Biện Phú, khu tập kết 200 ngày kinh xáng Chắc Băng, là điểm thu hút du khách tìm hiểu lịch sử cách mạng; Khu căn cứ Tỉnh ủy trong kháng chiến tại huyện U Minh Thượng… Đặc biệt, hệ sinh thái đầm lầy nước nổi trên than bùn U Minh Thượng được xây dựng là sản phẩm du lịch đặc thù.

Làng nghề truyền thống

Nghề chế biến nước mắm cá cơm

Một số tài liệu của người Pháp nhắc đến Phú Quốc như là trung tâm làm nước mắm nổi tiếng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Từ cuối thế kỷ 19, nghề đánh cá ven biển ở Phú Quốc gắn với nghề làm nước mắm với quy mô lớn. Nước mắm cá cơm thực tế được chế biến chủ yếu ở hòn Sơn Rái (xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải) với tên gọi quen thuộc là “nước mắm Hòn” và đảo Phú Quốc với tên gọi là “nước mắm Phú Quốc”. Nước mắm Phú Quốc có màu sắc, mùi vị, độ đạm khác biệt so với vùng khác. Thương hiệu nước mắm Phú Quốc đã được chứng nhận chỉ dẫn xuất xứ ở châu Âu và được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Nghề trồng hồ tiêu

Nghề trồng tiêu là nghề truyền thống lâu đời ở Kiên Giang chủ yếu ở đảo Phú Quốc và khu vực núi Tô Châu (thị xã Hà Tiên). Hồ tiêu Phú Quốc nổi tiếng bởi mùi thơm, vị cay nồng và đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Phú Quốc” năm 2011 và đang được nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu đạt chứng nhận GlobalGAP. Nhà vườn tiêu Phú Quốc là điểm đến tham quan ưa thích của khách du lịch.

Nghề đan lục bình

Lục bình lênh đênh trên sông nước được người dân Nam Bộ nói chung và người dân Kiên Giang nói riêng tận dụng làm thành những sản phẩm đẹp mắt, tiện lợi. Nghề đan lục bình được hình thành và phát triển hơn 10 năm trở lại đây. Sản phẩm từ lục bình được ưa chuộng trong các khách sạn, nhà hàng và đã xuất khẩu ra đến gần 20 nước trên thế giới. Du khách có thể tham quan một số cơ sở sản xuất ở xã Hòa Hưng Bắc, xã Vĩnh Phước B, xã Vĩnh Thắng, xã Định Hòa của huyện Gò Quao; phường Vĩnh Hiệp của thành phố Rạch Giá và một số xã thuộc huyện Giồng Riềng.

Nghề làm bánh tráng

Giồng Riềng là huyện thuần nông chuyên canh lúa nước nên có lợi thế về nguyên liệu để chế biến bánh tráng. Bánh tráng Thạnh Hưng thơm, mỏng, dẻo dai và có thể bảo quản lâu dài. Sản phẩm bánh tráng Thạnh Hưng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể và được bán rộng rãi trên thị trường.

Lễ hội Kiên Giang

Kiên Giang là vùng đất đa dạng về địa hình và phong phú về di sản văn hóa. Toàn tỉnh hiện có hơn 360 cơ sở thờ tự, 38 danh thắng - di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng. Hiện nay, Kiên Giang có 389 lễ hội, trong đó có 235 lễ hội tôn giáo, 91 lễ hội dân gian, 62 lễ hội lịch sử cách mạng và một số lễ hội khác. Đặc biệt, có 8 lễ hội tiêu biểu thu hút hàng ngàn du khách tới tham quan.

Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương

Hòa vào không khí chung của cả nước, lễ hội được tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch, tại đền thờ Quốc tổ Hùng Vương ở ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp. Lễ hội được tổ chức theo nghi thức cổ truyền và có nhiều hoạt động văn hóa, biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian. Vào ngày lễ, người dân quanh vùng chọn những vật phẩm đặc trưng của địa phương để làm vật tiến cúng Quốc tổ. Lễ hội thu hút hàng trăm ngàn lượt người tham dự hàng năm.

Lễ Đôl-Ta

Lễ Đôl-Ta được tổ chức vào ngày 30/8 âm lịch hằng năm tại các ngôi chùa Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Lễ gắn với cộng đồng người Khmer, mang nét đẹp văn hóa về lòng hiếu thảo của cháu con với những bậc sinh thành. Lễ thường có các hoạt động tiêu biểu như trang trí bàn thờ, làm bánh, dâng cơm lên chùa, thăm viếng chúc thọ ông bà…

Lễ hội Oóc-om-bok

Lễ hội Oóc-om-bok còn gọi là Lễ cúng Trăng, Lễ Rước Nước của dân tộc Khmer, được tổ chức vào ngày 15/10 âm lịch. Kể từ năm 2007, Lễ hội Oóc-om-bok được nâng lên thành Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang. Người dân tham dự lễ hội sẽ được chứng kiến cuộc thi đua ghe ngo rất sôi động giữa các đội của các chùa Khmer quanh vùng diễn ra trên sông Cái Lớn (thị trấn Gò Quao). Hoạt động của lễ hội không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi mà còn góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân Nam Bộ.

Lễ hội Chôl Chnăm Thmây

Lễ hội Chôl Chnăm Thmây là Tết mừng năm mới của người Khmer. Đây là lễ lớn và được trông đợi nhất trong năm, kéo dài 3 ngày, từ 13 - 15/4 dương lịch, tức đầu tháng Chét (lịch Khmer). Ngoài những nghi lễ truyền thống lễ hội còn có các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ mang đặc trưng nét văn hóa Khmer. Lễ hội tổ chức ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer cũng như các dân tộc anh em trên địa bàn Kiên Giang sinh sống như: Hà Tiên, Kiên Lương, Giang Thành, Gò Quao…

Lễ hội Nghinh Ông

Lễ hội được tổ chức vào ngày rằm tháng 10 âm lịch tại lăng Ông Nam Hải trên đảo Lại Sơn. Đây là một lễ hội mang tính chất nghề nghiệp trọng đại nhất trong năm của ngư dân, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng dân cư ở huyện đảo Kiên Hải. Vào khoảng trung tuần tháng 10 âm lịch hàng năm, những ngư dân ở huyện Kiên Hải dù có đang đi đánh bắt ở đâu cũng quay trở về dự lễ.

Ẩm thực

Gỏi cá trích

Gỏi cá trích được xem là đặc sản của Phú Quốc. Cá trích đi làm gỏi phải là những con cá thật tươi, thịt săn, xương nhỏ. Cá trích làm sạch, cắt bỏ đầu và phần bụng, xong thái hai bên thịt sắp ra đĩa. Nước chấm làm từ nước mắm Phú Quốc nguyên chất, thêm vào ớt, tỏi, đường, bột ngọt và đậu phộng rang giã nhuyễn. Khi thưởng thức, cho các loại rau đặt vào bánh tráng, bún, thêm ít dừa nạo và cuối cùng là cá trích nhúng vào nước cốt chanh rồi cuốn lại, ăn cùng với nước chấm. Thêm ly rượu sim thì càng thú vị.

Nấm tràm

Nấm tràm có vị hơi đắng nhưng khi ăn lại ngọt như thịt. Vì có tính hàn nên loại thực vật này được dùng để giải nhiệt, thanh lọc gan đồng thời cũng là nguyên liệu để nấu các món canh cùng với thịt, cá hoặc tôm... Thưởng thức món canh nấm tràm du khách sẽ cảm nhận vị ngọt của nấm, thơm nồng của vị tiêu và đậm đà hơn khi dùng chung với nước nắm Phú Quốc. Hiện nay, nấm tràm chỉ có bán ở Phú Quốc. Nếu chưa ăn được món nấm tràm thì xem như chưa được thưởng thức “món ngon, v ật lạ” của xứ rừng tràm.

Cà xỉu muối

Cà xỉu muối là món ngon độc đáo chỉ có ở Hà Tiên. Hình dáng bên ngoài của cà xỉu trông giống như loài sò 2 mảnh vỏ nhưng quan sát kỹ trông giống các loài côn trùng trên cạn. Cà xỉu nếu muối vào buổi sáng thì buổi chiều có thể ăn ngay được hoặc để trong hũ dùng dần quanh năm. Cà xỉu ăn với cơm nóng là ngon nhất. Món ăn truyền thống này đến nay đã trở thành đặc sản của xứ sở Hà Tiên.

Rượu vang sim Phú Quốc

Sim dùng làm rượu ở Phú Quốc chủ yếu là hồng sim. Hầu như sim ra hoa và có trái quanh năm. Tuy nhiên, theo những người chế biến cho biết, vụ sim vào tiết xuân cho trái có chất lượng tốt nhất, có nhiều mật ngọt. Rượu sim được xem như một thức uống khai vị, giúp bữa ăn thêm ngon, có tác dụng chữa một số bệnh: giúp ăn, ngủ ngon, mạnh gân cốt, giảm được các bệnh nhức mỏi của người già... Đặc biệt rượu sim còn có tác dụng làm tiêu nhanh sạn sỏi ở thận và mật.

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam