Trà Vinh nằm ở hạ lưu sông Mê Kông được bao bọc bởi sông Tiền và sông Hậu. Tỉnh có vị trí địa lý phía Bắc giáp Bến Tre và Vĩnh Long, phía Tây và Tây Nam giáp Sóc Trăng, phía Đông giáp biển Đông. Là vùng đất giao thoa giữa vùng đồng bằng và biển, Trà Vinh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với nền văn hóa đặc trưng của người Khmer ở Nam Bộ, với những ngôi chùa cổ kính uy nghi nằm giữa tán rừng cây cổ thụ rợp bóng mát, các lễ hội đặc trưng văn hóa sông nước miệt vườn cùng nhiều danh thắng tự nhiên thích hợp để phát triển du lịch sinh thái.
Danh lam thắng cảnh
Với vị trí nằm giữa 2 nhánh sông Mê Kông và tiếp giáp biển Đông, Trà Vinh có nhiều cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển với những vườn cây ăn trái chuyên canh thích hợp để phát triển loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch nghỉ dưỡng. Đa số danh thắng trên địa bàn tỉnh còn hoang sơ là điểm đến hấp dẫn để du khách trong và ngoài nước khám phá, trải nghiệm.
Nét quyến rũ của biển Ba Động
Biển Ba Động
Biển Ba Động là điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh (thuộc xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), cách trung tâm thành phố Trà Vinh 50km về hướng Đông Nam và cách thị xã Duyên Hải 10km về hướng Đông. Ba Động là khu vực hiếm hoi ở miền Tây Nam Bộ được thiên nhiên hào phóng ban tặng một bãi cát dài hơn 10km để phục vụ du lịch. Biển Ba Động đẹp bởi vẫn còn giữ được nét hoang sơ với cát trắng, nước trong, không khí trong lành và yên tĩnh. Nơi đây có những “đụn cát” nhấp nhô với những hàng phi lao xanh vút và bãi cát phẳng lì trải dài đầy hấp dẫn. Từ Ba Động, du khách còn có thể tham gia những chuyến du khảo tìm hiểu khu di tích tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu (đường Hồ Chí Minh trên biển), tham quan những dãy rừng ngập mặn…, thưởng thức nhiều loại sản vật tươi sống đã trở thành đặc sản của vùng quê ven biển như: dưa hấu Ba Động, nghêu Nhà Mát, tôm sú Cồn Cù, đuôn chà là, cá kèo kho gợt, chù ụ rang me, nước mắm rươi…
Cù lao Tân Quy
Cách thành phố Trà Vinh hơn 50km về phía Tây, Cù lao Tân Quy, quanh năm có nước ngọt và phù sa màu mỡ. Tận dụng lợi thế này, các thế hệ người dân Tân Quy đã biến dãy cù lao này thành một vườn ăn trái trĩu quả, mênh mông nối tiếp nhau như vô tận với những loại trái cây nổi tiếng khắp gần xa như chôm chôm, măng cụt, sầu riêng… Riêng trái măng cụt Tân Quy đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế bởi chất lượng cao và sản phẩm ổn định. Đến với Tân Quy, đi giữa màu xanh bất tận, thưởng thức những loại trái cây đặc sản, thơm ngon, theo ghe phiêu lưu một chuyến săn cá bông lau du khách như quên đi mọi vất vả lo toan của cuộc sống xô bồ thường nhật.
Đến với cù lao Tân Quy để thưởng thức những loại trái cây thơm ngon
Cù lao Long Trị
Cù lao Long Trị có diện tích 336ha, thuộc xã Long Đức, cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 3km theo hướng Bắc, nằm giữa dòng sông Cổ Chiên thơ mộng. Cù lao Long Trị chuyên canh cây ăn trái đặc sản như nhãn, mận, xoài, bưởi… xen lẫn những chủng loài thực vật đặc hữu bị xâm nhập mặn như bần, dừa nước, cùng nhiều loại chim muông,… Đến cù lao Long Trị du khách được đắm mình trong khung cảnh yên bình thơ mộng, thưởng thức món canh chua bần cá bông lau, tôm nướng. Đặc biệt, nếu du khách đến đây trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 12 âm lịch sẽ có cơ hội ngắm hoa bần lấp lánh về đêm trên những rừng bần sông nước mênh mông.
Di tích Lịch sử - Văn hóa
Bên cạnh tiềm năng tự nhiên, Trà Vinh còn có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc cổ xưa và các di sản văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 10 di tích lịch sử, kiến trúc và di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 143 ngôi chùa Khmer Nam Bộ có kiến trúc cổ xưa độc đáo, tiêu biểu là chùa Hang, chùa Âng... Ðây là các ngôi chùa cổ, mang kiến trúc đặc trưng của Phật giáo Khmer Nam Bộ, trong đó có chùa Âng thuộc hàng cổ nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long thường được khách du lịch và nhân dân địa phương chiêm bái.
Chùa Angkorajaborey (Chùa Âng)
Chùa Âng tiếng Khmer có tên là Angkorajaborey, nổi tiếng trong hệ thống 141 ngôi chùa Khmer trên đất Trà Vinh bởi sự cổ kính, độc đáo và kiến trúc đẹp. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị về nghệ thuật kiến trúc lẫn nét đẹp tôn giáo. Hiện nay, chùa Âng là một trung tâm văn hóa, giáo dục quan trọng đối với đồng bào Khmer và nhân dân trong vùng. Chùa được xây dựng hoàn toàn theo phong cách chùa Khmer Nam Bộ, xung quanh có hào nước sâu bao bọc. Với cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, chùa Âng đã thu hút đông đảo du khách tới tham quan, chiêm bái.
Chính diện chùa Âng
Chùa Vàm Ray
Chùa Vàm Ray là ngôi chùa Phật giáo Nam tông lớn nhất Việt Nam và theo phong cách Angkor Khmer tọa lạc tại ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú. Dù mới được khánh thành năm 2010 nhưng chùa Vàm Ray đã góp phần tạo nên diện mạo đầy mới mẻ và hấp dẫn cho du lịch văn hóa Trà Vinh và hệ thống chùa Khmer Nam Bộ. Nhìn từ bên ngoài, chùa Vàm Ray như một cung điện vàng son với các hoa văn, họa tiết được chạm trổ và điêu khắc tỉ mỉ. Nơi đây hiện nay còn là địa điểm tổ chức các lễ hội văn hóa Khmer như Chol Chnam Thmay (Lễ mừng năm mới), Dôlta (Lễ cúng ông bà), Ok Om Bok (Lễ cúng trăng).
Chùa Ông Mẹt
Chùa Bodhisàlaraja, còn gọi là chùa Kompong hay chùa Ông Mẹt, tọa lạc ngay trung tâm thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Đây là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất ở Trà Vinh của người Khmer theo Phật giáo Nam Tông còn nguyên vẹn kiểu dáng kiến trúc độc đáo, được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hiện nay, chùa là nơi đặt trường trung cấp Phật học Nam Tông Khmer Nam Bộ. Qua thời gian ngôi chùa được trùng tu, sửa chữa nhiều lần nhưng hai công trình là ngôi chính điện và thư viện xây dựng lại vào những năm đầu thế kỷ 20 vẫn giữ được giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật. Chùa Ông Mẹt có một thư viện, được xây dựng vào năm 1916. Thư viện được làm bằng gỗ theo kiểu nhà sàn đã trên 100 năm, các đầu xà cột bên trong cũng sơn son thếp vàng và chạm khắc hoa văn. Đặc biệt, gian giữa thư viện có bức bình phong gỗ là tác phẩm mỹ thuật độc đáo. Có dịp đến Trà Vinh, du khách nhớ ghé thăm, vãn cảnh chùa Ông Mẹt để có thể tìm đến chốn thanh tịnh và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây.
Nét bình yên của chùa Ông Mẹt
Ao Bà Om
Ao Bà Om hay ao Vuông, là một thắng cảnh độc đáo và nổi tiếng ở tỉnh Trà Vinh, thuộc khóm 3, phường 8 thành phố Trà Vinh (trước đây là ấp Tà Cụ, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành), cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 7km dọc theo quốc lộ 53 về phía Tây Nam. Đây là một danh thắng bậc nhất của tỉnh Trà Vinh được nhiều người biết đến. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên mà còn có thể cảm nhận rõ nét hơn những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Trà Vinh qua câu chuyện truyền thuyết mang đậm màu sắc Khmer Nam Bộ... Ao Bà Om không nằm tách biệt riêng lẻ mà bên cạnh ao còn có chùa Âng và Bảo tàng Văn hóa Khmer tạo nên một quần thể thu hút du khách.
Ao Bà Om - Một thắng cảnh độc đáo của vùng đất Trà Vinh
Khu di tích đền thờ Bác Hồ
Khu di tích đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gọi là “Công trình của trái tim” bởi ý nghĩa thiêng liêng của việc hình thành, quá trình chiến đấu bảo vệ ngoan cường và giá trị tinh thần của ngôi đền trong đời sống tinh thần của Đảng bộ, quân dân tỉnh Trà Vinh. Khu di tích tọa lạc tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, cách trung tâm tỉnh lỵ Trà Vinh hơn 4km về phía Bắc. Được xây dựng vào năm 1970, sau nhiều lần được tu sửa lại, hiện nay Khu di tích đền thờ Bác Hồ rộng 5,4ha với các hạng mục chính như: Đền thờ Bác Hồ, nhà trưng bày thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, khuôn viên cây xanh, ao cá, khu vui chơi cắm trại… và đặc biệt là mô hình nhà sàn Bác Hồ được thiết kế, in sao và lắp đặt khoa học với tỉ lệ 97% theo nguyên bản nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ở thủ đô Hà Nội. Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách trong nước, quốc tế đã viếng, tham quan ngôi đền. Khu di tích đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer
Là một trong hai bảo tàng lớn nhất trên cả nước về văn hóa Khmer, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh hiện đang lưu giữ khoảng 800 hiện vật, tư liệu cổ, quý phản ánh đậm nét đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của người Khmer. Được xây dựng vào năm 1995 với kiến trúc cổ điển pha lẫn hiện đại. Bảo tàng gồm có 4 phòng trưng bày được chia thành 4 chủ đề: Tôn giáo và tín ngưỡng của người Khmer; Văn hóa - cuộc sống đời thường; Ngành nghề truyền thống của dân tộc Khmer và Văn hóa - nghệ thuật. Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh đã góp phần gìn giữ và giới thiệu đến công chúng đầy đủ về đặc trưng đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Khmer ở Trà Vinh nói riêng cũng như cộng đồng Khmer Nam Bộ nói chung. Hiện nay, bảo tàng là nơi thu hút đông đảo du khách, nhà nghiên cứu đến tham quan học tập.
Bảo tàng Khmer - Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Khmer ở Trà Vinh nói riêng và vùng Nam Bộ nói chung
Lễ hội Trà Vinh
Lễ hội ở Trà Vinh là hình thức đặc trưng phản ánh đời sống sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật - tôn giáo - tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, là tài nguyên nhân văn quan trọng để phát triển du lịch.
Lễ hội Ok Om Bok
Lễ hội Ok Om Bok, hay còn gọi là Lễ hội cúng trăng, là một trong 3 lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh. Lễ hội diễn ra vào ngày 15/10 âm lịch - thời điểm mùa mưa chuyển sang mùa khô, mùa gieo trồng chuyển sang mùa thu hoạch. Trước ngày diễn ra Lễ hội Ok Om Bok, ngày 14/10 âm lịch, trên dòng sông Long Bình - thành phố Trà Vinh diễn ra lễ hội đua ghe ngo sôi nổi giữa tiếng nhạc ngũ âm vang lừng, tiếng hò reo cổ vũ vang dậy của hàng chục ngàn người dự khán. Đua ghe ngo vừa là trò chơi dân gian, vừa là nghi thức truyền thống tiễn đưa thần Nước sau mùa gieo trồng về với biển cả, đồng thời cũng là nghi thức tôn giáo của người Khmer tưởng nhớ rắn thần Nagar xưa từng biến thành đoạn gỗ đưa đức Phật qua sông. Với những giá trị văn hóa đặc sắc, Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer Nam Bộ, nói chung và Trà Vinh nói riêng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015.
Lễ hội Ok Om Bok
Lễ hội Nghinh Ông
Lễ hội cúng biển ở Trà Vinh (hay còn gọi là Lễ hội Nghinh Ông) là một nét văn hóa đặc trưng của ngư dân vùng ven biển, gắn liền với tục thờ cá Ông phổ biến từ Đèo Ngang trở vào đến Cà Mau. Lễ hội cúng biển ở Trà Vinh không chỉ thể hiện đầy đủ quy trình vốn có của lễ hội dân gian, mà còn phản ánh sinh động cả nội dung và hình thức của nghề đánh bắt trong hệ thống tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Lễ hội diễn ra vào các ngày 10, 11, 12/5 âm lịch hằng năm tại làng biển Mỹ Long (huyện Cầu Ngang) dưới các hình thức: túc yết, đoàn cả, tống quái. Với những ý nghĩa văn hóa đặc sắc, năm 2013, Lễ hội cúng biển Mỹ Long đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lễ hội Nguyên tiêu
Lễ hội Nguyên tiêu hay Lễ hội cúng Ông Bảo diễn ra vào ngày 14 -15 tháng giêng âm lịch hằng năm, tại Phước Thắng Cung, xã Đại An, huyện Trà Cú. Đây là lễ hội xuất phát từ tín ngưỡng dân gian tiêu biểu của đồng bào người Hoa Nam Bộ. Theo thời gian, lễ hội này đã trở thành tài sản văn hóa chung, vừa tăng cường tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở Trà Vinh vừa thể hiện ước vọng ấm no, hạnh phúc lâu dài của con người nơi đây.
Làng nghề truyền thống
Làng cốm dẹp Ba So
Cốm dẹp là phẩm vật chính dâng cúng tạ ơn thần Mặt trăng theo phong tục của đồng bào Khmer trong Lễ hội Ok Om Bok. Với hương vị rất riêng, theo dòng thời gian, món ăn này đã trở thành đặc sản và hình thành nên một làng nghề truyền thống của tỉnh Trà Vinh. Cốm dẹp làm bằng nguyên liệu nếp đầu mùa vừa chín tới nhưng vẫn còn hơi “non hái”, để giữ lại chút sữa ở đầu hạt nếp. Nếp sau khi thu hoạch được phơi dưới nắng nhẹ buổi sáng cho vừa se se khô, sau đó cho vào nồi đất rang trên ánh lửa rơm cho đến khi cháy xém vỏ trấu, bốc lên mùi thơm nhè nhẹ. Gạo nếp được đổ vào chiếc cối nhỏ xinh và giã thành cồm dẹp để dâng lên vị thần Mặt trăng, thần Đất, thần Nước như thể hiện lòng biết ơn của người nông dân về một mùa vụ bội thu.
Làng cốm dẹp Ba So
Làng nghề bánh tét Trà Cuôn
Ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) nằm đọc theo quốc lộ 53, cách trung tâm thành phố Trà Vinh 12km là nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống và nổi danh với thương hiệu bánh tét. Loại nếp để làm bánh tét là nếp sáp đặc sản của Trà Vinh vừa dẻo, vừa thơm hoặc nếp Thái Lan. Nếp sau khi vo thật sạch vớt ra cho ráo rồi trộn với nước lá bồ ngót để sau khi nấu chín bánh sẽ có màu xanh như đọt chuối. Công đoạn gói bánh phải rất cẩn thận làm sao cột lạt, dây vừa đủ chặt, nếu không khi nấu nước sẽ thấm vào khiến bánh không để lâu được. Đây chính là một trong những bí quyết làm cho bánh tét Trà Cuôn có thể để được từ 5 - 7 ngày vẫn dẻo, thơm ngon mà không cần có chất phụ gia bảo quản. Bánh tét Trà Cuôn hiện nay không chỉ được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mà còn được người tiêu dùng nhiều tỉnh, thành khác như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… và bà con Việt kiều ưa chuộng.
Ẩm thực
Bún suông Trà Vinh
Bún suông Trà Vinh còn được gọi là bún đuông. Sự hấp dẫn của món này chính là nước lèo mang đậm chất Trà Vinh. Nước lèo không trong mà có màu nâu đậm, bởi được thêm một ít me và tương hạt vừa tạo nên vị ngọt thanh lại vừa thoang thoảng hương thơm của tương. Món ăn này hiện đang được ưa chuộng ở các tỉnh miền Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh.
Bún suông Trà Vinh
Bún nước lèo
Bún nước lèo là món ăn đặc sản nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh, thể hiện sự giao thoa văn hóa, đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc nơi đây. Bún nước lèo được chế biến từ mắm pròhốc của người Khmer, có thêm món thịt quay của người Hoa. Nếu có dịp về Trà Vinh, du khách nhớ dừng chân tại một quán ăn bên đường và gọi một tô bún nước lèo để thưởng thức, để cảm nhận hương vị đặc trưng riêng của vùng đất này.
Dừa sáp Cầu Kè
Dừa sáp Cầu Kè
Nhắc đến ẩm thực Trà Vinh bạn sẽ cảm thấy tiếc nuối nếu chưa một lần thưởng thức hương vị của dừa sáp Cầu Kè (một huyện nhỏ của tỉnh Trà Vinh). Loại dừa này có đặc trưng là phần cơm dừa rất dày, béo, nước dừa đặc sệt như keo.