Long An - Điểm hẹn Du lịch miền Tây Nam Bộ

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Long An là cầu nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp thông thương với vương quốc Campuchia. Với vị trí chiến lược đặc biệt đó, Long An đóng vai trò cầu nối giữa hai vùng kinh tế quan trọng ở Nam Bộ và có vị thế chiến lược quan trọng trong giao thương lẫn du lịch.

Ngoài vị trí đắc địa, Long An có tiềm năng khá phong phú về tài nguyên du lịch, đặc biệt là tài nguyên du lịch tự nhiên dựa trên các giá trị cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng sinh thái Đồng Tháp Mười như Tân Lập, Láng Sen; hệ thống sông Vàm Cỏ...; các di tích văn hóa lịch sử có giá trị như cụm di tích Bình Tả (Đức Hòa), di tích lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức (Tân An), di tích đồn Rạch Cát, nhà Trăm Cột (Cần Đước), chùa Tôn Thạnh (Cần Giuộc), Di chỉ văn hóa Óc Eo… Đây là những điều kiện cơ bản để Long An phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch làng quê. Long An hứa hẹn là điểm du lịch hấp dẫn miền Tây Nam Bộ.

Danh lam thắng cảnh

Vừa mang vẻ đẹp của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vừa có nét duyên của miền Đông Nam Bộ, Long An thích hợp với những chuyến du lịch nghỉ dưỡng, khám phá. Đến với Long An, du khách sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị khi khám phá cuộc sống miền sông nước Đồng Tháp Mười thơ mộng, những khu rừng tràm nguyên sinh đa dạng…

Qua miền sông nước Đồng Tháp Mười

Đồng Tháp Mười “nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng” ngày nào, giờ không còn khó khăn trong đi lại. Hệ thống giao thông thuận lợi nên đường đến các điểm được xem là đặc thù trong phát triển du lịch sinh thái của Long An như: Khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen,... cũng phát triển. Nơi đây, đã trở thành điểm hẹn du lịch sinh thái hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế khi đến Long An.

Đầm sen Tân Lập

Khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập

Nằm ở trung tâm vùng Đồng Tháp Mười, Khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) là điểm đến bình yên với cảnh sông nước hữu tình và rừng tràm ngút mắt. Sẽ thật bình yên khi du khách ngồi trên xuồng lênh đênh trên rạch rừng, ngửi hương tràm, ngắm những vạt sen, súng rực nở một góc sông, nhìn những cánh chim chao liệng trên bầu trời xanh ngắt, thỉnh thoảng lại nghiêng mình theo con nước. Ở đây còn có đài quan sát để du khách phóng tầm mắt bao quát cảnh vật toàn khu sinh thái. Du khách cũng có thể đi bộ trên tuyến đường đai để khám phá rừng tràm. Bên cạnh đó, đến với Khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập, du khách còn được thưởng thức ẩm thực hấp dẫn (lẩu gà lá giang, lẩu chua cá lóc, cá linh chiên giòn, cá rô kho tộ, lươn xào nghệ...), tham gia đốt lửa trại và tiệc nướng, giao lưu dã ngoại, team-building... Ngoài ra, đến đây, du khách còn có cơ hội khám phá bản sắc văn hóa của cư dân địa phương qua các nghề thủ công truyền thống (chạm gỗ, đóng thuyền...), âm nhạc (đờn ca tài tử),...

Khu ramsar bảo tồn đất ngập nước Láng Sen

Cùng với làng nổi Tân Lập, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen - khu ramsar thứ 7 của Việt Nam là nơi còn giữ nét tự nhiên hoang sơ, ít chịu tác động của con người. Với diện tích 4.802ha, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nằm trên địa bàn 3 xã Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, được xem như một bồn trũng nội địa rộng lớn giữa vùng Đồng Tháp Mười. Khu bảo tồn là nơi sinh sống, trú ẩn của khoảng 156 loài thực vật hoang dã, 149 loài động vật có xương sống, trong đó có 13 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Đến Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, du khách ngoài thưởng ngoạn vẻ đẹp tự nhiên, hít thở bầu không khí trong lành còn có dịp thưởng thức ẩm thực đồng quê đặc trưng của vùng sông nước như: ốc luộc, cá trê chiên, cá lóc đồng nướng trui ăn với lá sen non, canh chua cá linh nấu với bông điên điển…

Khu du lịch làng cổ Phước Lộc Thọ

Làng cổ Phước Lộc Thọ (ấp 2, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), có tổng diện tích khoảng 30.000m2, là điểm tham quan độc đáo của Du lịch Long An. Nơi đây thu hút du khách bởi nét cổ kính của các ngôi nhà xưa với nhiều kiểu kiến trúc cổ đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Hầu hết các ngôi nhà ở đây đều được chủ nhân sưu tầm từ Huế, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Quảng Nam... và các tỉnh miền Tây. Làng cổ được chia làm 2 khu riêng biệt: khu tham quan và khu ăn uống, giải trí. Năm 2012, làng cổ Phước Lộc Thọ đã được Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là nơi sở hữu nhiều nhà gỗ cổ, hoa văn phong phú, đa dạng nhất Việt Nam; được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An công nhận là điểm du lịch. Đến làng cổ Phước Lộc Thọ, du khách sẽ có dịp tìm hiểu văn hóa người Việt ở vùng sông nước Cửu Long dọc theo dòng sông Vàm Cỏ hay văn hóa Óc Eo cổ xưa, thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng đất Long An và miền sông nước, nghe các làn điệu dân ca, những bài dạ cổ ngọt ngào, da diết…

Làng cổ Phước Lộc Thọ

Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười

Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười thuộc huyện Mộc Hóa, nằm cách thành phố Tân An 60km. Với sự đa dạng sinh học, đặc biệt là các loại dược liệu quý hiếm, nơi đây trở thành khu du lịch sinh thái đặc trưng của tỉnh nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và là khu rừng tràm gió nguyên sinh duy nhất tại Việt Nam. Đến nơi đây vào mùa nước nổi, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian của vương quốc chim, cò với mật độ dày đặc, thực vật mênh mông của vùng sông nước Đồng Tháp Mười; tham quan khu rừng tràm bạt ngàn, vườn dược liệu tập trung,... Đồng thời, du khách còn được thưởng thức bữa ăn với các loại rau dược liệu, rau cải tự trồng bằng bã của các loại dược liệu, các loại cá rừng thiên nhiên, nước uống dược liệu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe,...

Di tích lịch sử - văn hóa

Long An là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử hào hùng với nhiều di tích cách mạng kháng chiến phong phú, nơi lưu giữ tư liệu, thông tin giá trị về những sự kiện lịch sử quan trọng đặc biệt là cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta. Hiện, toàn tỉnh có 110 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 20 di tích quốc gia và 90 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích đang được trùng tu, tôn tạo góp phần giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Chùa Tôn Thạnh

Chùa Tôn Thạnh thuộc ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, cách trung tâm huyện Cần Giuộc khoảng 3km. Theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” Tôn Thạnh là ngôi chùa “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng”, nổi tiếng nhất đất Gia Định khi xưa. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hiện chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng ở chánh điện, các hoành phi câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng và nhiều pho tượng Phật cổ quý hiếm có từ những năm đầu thế kỷ 19. Đặc biệt, chùa Tôn Thạnh chính là nơi cụ Nguyễn Đình Chiểu từng sống, viết văn, dạy học, bốc thuốc cứu người (từ năm 1859 - 1861). Hiện bên phải chùa Tôn Thạnh còn lưu giữ hai tấm bia kỷ niệm được xây dựng vào năm 1973 và 1997 để lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Ngày 27/11/1997, chùa Tôn Thạnh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia chùa Tôn Thạnh

Khu di tích Vàm Nhựt Tảo

Khu Di tích Vàm Nhựt Tảo ở xã An Nhật Tân, huyện Tân Trụ là nơi ghi dấu chiến công đốt tàu Espérance của Pháp trên Vàm Nhựt Tảo của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ngọn lửa phá tan tàu giặc năm xưa vẫn còn bừng cháy đến tận hôm nay như một giá trị lịch sử quý báu được tái hiện qua hộp hình trận đánh Nhựt Tảo tại phòng trưng bày trong khu di tích. Năm 1996, Vàm Nhựt Tảo được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An (Khu di tích Bình Thành)

Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An còn được gọi là căn cứ Bình Thành, nay tọa lạc tại xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ. Đây là nơi ghi dấu những sự kiện quan trọng và hoạt động lãnh đạo của Tỉnh ủy Long An trong công cuộc chống ngoại xâm của nhân dân trong tỉnh. Tại đây, Tỉnh ủy Long An đã kiên cường bám trụ, vượt qua những khó khăn, thử thách, cùng nhân dân trong tỉnh tạo nên truyền thống cao quý “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1998.

Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An

Ngôi nhà Trăm Cột

Ngôi nhà Trăm Cột tọa lạc tại vùng đất ven biển thuộc địa phận xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Theo các nhà nghiên cứu, đây là ngôi nhà có kiểu trúc thời Nguyễn. Do được làm theo đơn đặt hàng của gia chủ trong bối cảnh Nam Bộ thời thuộc Pháp nên có nhiều nét tiểu dị trong đề tài trang trí, tạo được sự phong phú và đa dạng. Đó cũng là một phần lịch sử - văn hóa đất phương Nam ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Với giá trị ấy, nhà Trăm Cột đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia theo Quyết định số 2890-VH/QĐ vào ngày 27/9/1997.

Lễ hội Long An

Long An là một trong những tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều di tích lịch sử văn hóa, nhiều cơ sở thờ tự, cơ sở tín ngưỡng dân gian nên có nhiều lễ hội diễn ra, chủ yếu vào dịp đầu xuân hàng năm. Lễ hội ở Long An đa phần có quy mô vừa và nhỏ, lượng khách đến với lễ hội không đông, nên các hoạt động lễ hội đầu xuân chủ yếu đáp ứng đời sống tâm linh, nhu cầu du xuân, chiêm bái cầu an… góp phần quan trọng vào việc quảng bá đặc trưng văn hóa, hình ảnh và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Lễ hội Làm Chay

Hằng năm, nhân dân thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành tổ chức Lễ hội Làm Chay vào ngày 15, 16 tháng giêng. Đây là lễ hội dân gian cổ truyền nhằm khôi phục các giá trị truyền thống dân gian, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đúng 12 giờ đêm ngày 16 tháng giêng diễn ra Lễ xô giàn Ông Tiêu. Sau đó, người đi lễ xin đồ cúng từ “ông Tiêu” để mong may mắn cả năm. Ngày nay, Làm Chay đã trở thành lễ hội truyền thống, một nét văn hóa đặc sắc của người dân Long An.

Lễ húy kỵ đức nghệ nhân nhạc sư Nguyễn Quang Đại

Đức nghệ nhân nhạc sư Nguyễn Quang Đại là một quan nhạc của triều đình Nguyễn. Cuối thế kỷ 19, hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp, ông đã vào Nam truyền dạy nhạc tài tử và nhạc lễ. Ông là người có công khai sáng ra bộ môn đờn ca tài tử và nhạc lễ Nam Bộ mang đậm nét bản sắc dân tộc. Hằng năm vào ngày 19 tháng giêng, nhân dân tổ chức Lễ Húy kỵ ông tại đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước. Lễ hội là nơi hội tụ các nghệ nhân đờn ca tài tử Nam Bộ trong và ngoài tỉnh cùng đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tưởng niệm cố nghệ nhân Nguyễn Quang Đại.

Lễ hội Vía bà Ngũ hành

Miếu Bà Ngũ Hành tọa lạc tại chợ Long Thượng, nằm về hướng Đông thành phố Tân An. Nơi đây thờ phụng Ngũ hành Nương Nương - 5 vị phúc thần giúp cho mưa thuận gió hòa, bảo hộ nghề nghiệp thủ công… Lễ vía Ngũ hành Nương Nương được tổ chức long trọng vào ngày 20, 21, 22 tháng giêng hằng năm với các nghi thức của một lễ cầu an và nghệ thuật diễn xướng dân gian như: chầu mời, thỉnh bà, dâng bông, dâng mâm, bán lộc, đặc biệt là hát chặp Địa Nàng.... Hằng năm lễ hội thu hút hàng nghìn lượt khách thập phương về tham dự.

Lễ  hội vía bà Ngũ hành

Làng nghề truyền thống

Long An có nhiều nghề thủ công truyền thống. Đây vừa là đối tượng tham quan, vừa là nơi cung cấp các mặt hàng lưu niệm cho khách du lịch.

Làng nghề bịt trống Bình An

Hàng trăm năm nay, cứ mỗi dịp xuân về làng Bình An lại rộn ràng vào mùa sản xuất trống. Trống Bình An không chỉ bền, đẹp, đa dạng mẫu mã mà âm thanh cũng vang vọng, trầm bổng hơn nhiều loại trống khác. Mặt gỗ phẳng lì, nhẵn bóng không hề lộ mép ghép giữa từng miếng ván. Mặt trống căng ra bởi miếng da trâu mà khi đưa tay vào gõ thử, âm thanh rung lên khi trầm khi bổng, tạo nên một sản phẩm độc đáo của Bình An.

Làng nghề bịt trống Bình An

Làng nghề dệt chiếu Long Cang

Làng nghề dệt chiếu lác ở xã Long Cang, huyện Cần Đước là một trong những làng nghề truyền thống, nổi tiếng khắp vùng. Trải qua nhiều thăng trầm, cùng với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, không chỉ riêng nghề dệt chiếu mà đa phần các nghề thủ công truyền thống đều đứng trước nguy cơ mai một. Lực lượng lao động ngày càng khan hiếm, nguồn nguyên liệu cũng dần thu hẹp lại, thế nhưng bằng tình yêu dành cho nghề truyền thống của cha ông để lại, người dân ở xã Long Cang vẫn tâm huyết giữ gìn và phát triển nghề chiếu. Bên cạnh phương pháp dệt chiếu lác thủ công như trước, hiện nay đa số bà con đều dệt chiếu bằng chiếc máy hiện đại, giúp sản xuất sản phẩm nhanh, bền và đẹp hơn, có thể sản xuất được 10 chiếc 1 ngày.

Làng nghề đan cần xé Hòa Hiệp

Những đôi tay khéo léo, thoăn thoắt tạo nên những sản phẩm thủ công đẹp, chất lượng là hình ảnh dễ bắt gặp ở nhiều hộ gia đình tại làng nghề truyền thống đan cần xé thuộc ấp Hòa Hiệp 1, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Đan cần xé ở ấp Hòa Hiệp 1 được công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2013. Hiện nay, toàn ấp có 4 tổ với gần 50 hộ duy trì công việc này. Để hoàn thành một chiếc cần xé đẹp mắt phải trải qua nhiều công đoạn. Đó là cưa nan, vót nan, đánh nan 2, nan 4, xuống miệng, đẽo quai, đóng hông,... Trong đó, khâu gầy mê và lên mê rất quan trọng, phải làm chặt tay để định hình cần xé. Nếu thạo nghề, mỗi người có thể đan từ 12 - 17 cần xé lớn hoặc 20 – 22 cần xé nhỏ/ngày. Những chiếc cần xé này được đem đi bán ở nhiều nơi và hiện nay một số sản phẩm được xuất khẩu sang nước ngoài. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ được nhiều nghề truyền thống mà tiêu biểu nghề bánh tráng Nhơn Hòa, nghề chằm nón lá An Hiệp, nghề dệt chiếu An Nhật Tân, nghề mây tre đan Tân Mỹ, nghề nấu rượu Gò Đen (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức), nghề chạm khắc gỗ (huyện Cần Đước), nghề đóng ghe thuyền (huyện Cần Đước), nghề kim hoàn (huyện Cần Đước)…

Làng nghề đan cần xé Hòa Hiệp

Ẩm thực

Gạo nàng thơm Chợ Đào

Gạo nàng thơm Chợ Đào được trồng trên vùng đất Chợ Đào thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Gạo nàng thơm Chợ Đào có dạng thon dài, màu trắng trong, giữa có lõi trắng đục.

Đem gạo nấu cơm, nước vừa sôi là bốc hương rất thơm, khi chín cơm có hương vị đặc trưng, dẻo, ăn rất ngon và đặc biệt để cơm qua đêm không bị mất mùi thơm. Một chén cơm nóng ăn cùng với mắm cá lia thia kèm với rau đồng nội sẽ khiến thực khách khó quên.

Rượu đế Gò Đen

Nói về đặc sản Long An không thể không nhắc đến rượu đế Gò Đen. Đây là loại rượu có hương vị độc đáo được nhiều người ưa chuộng. Đặc điểm nổi bật của rượu đế Gò Đen là rượu được làm 100% từ nếp và men gia truyền, đảm bảo độ nguyên chất tuyệt đối với người sử dụng, không cồn, uống thơm, ngon, say không váng đầu. Rượu để càng lâu uống càng ngon và càng trong.

Mắm cá lia thia

Không có sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, thế nhưng, đôi bờ Vàm Cỏ cũng đủ sản sinh ra những loại mắm có hương vị rất riêng mà chỉ Long An mới có. Dọc tuyến quốc lộ N2, khi đi ngang địa phận Đức Hòa, Đức Huệ, bên cạnh những sản phẩm từ đậu phộng, khách đi đường dễ dàng nhìn thấy những hũ mắm được sắp xếp gọn gang trên kệ chào mời có cái tên rất “sang” - mắm cá lia thia. Từ tháng 10 âm lịch, cá lia thia bắt đầu rộ. Cá mua được chà sạch vảy rồi ướp muối đến 25 ngày thì trộn tỏi, ớt là có thể dùng. Mắm cá lia thia ăn nguyên chất là ngon nhất.

Cá mắm lia thia

Lạp xưởng Cần Đước

Lạp xưởng ở Cần Đước là một món ăn biến tấu có thương hiệu lâu đời và nổi tiếng nhất nhì ở Nam Bộ. Món ăn này có hương vị thơm ngon, đậm đà khó quên. Nguyên liệu để làm món lạp xưởng gồm thịt heo, mỡ heo xắt hạt lựu theo tỷ lệ 1kg thịt + 100gr mỡ, ruột heo, đường, muối, tiêu, tỏi, bột ngọt, rượu (ngâm với nhiều vị thuốc tạo mùi theo bí quyết riêng của mỗi người). Sau khi ướp chừng 2 - 3 giờ, hỗn hợp thịt sẽ được trộn thêm tiêu hột và dồn vào ruột, phơi chừng 2 - 3 nắng có thể dùng được. Có thể nói, lạp xưởng là món ăn quen thuộc, không chỉ hiện diện trong những bữa cơm thường nhật, trong đám tiệc mà còn là món quà rất có giá trị để gửi tặng nhau.

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam