Trải nghiệm chương trình nghệ thuật “Di sản hội tụ” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

“Di sản hội tụ” là chương trình nghệ thuật do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức tối 18/11 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11.

Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ Công an-Trung tướng Nguyễn Quốc Hùng; Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - PGS.TS Nguyễn Duy Bắc; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa thiên – Huế Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia - PGS.TS Đặng Văn Bài.

Ban Tổ chức cho biết, chương trình nghệ thuật “Di sản hội tụ” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là cơ hội giao lưu, quảng bá văn hóa giữa các đơn vị bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam và khẳng định mục tiêu khai thác không gian di sản về đêm thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Bên cạnh đó, chương trình đã mở ra một không gian ấn tượng, độc đáo tại Văn Miếu để du khách có thể trải nghiệm ánh sáng nghệ thuật, tham gia các trò chơi cung đình triều Nguyễn được truyền ra dân gian của người dân Huế xưa.

 
Trải nghiệm trò chơi cung đình Huế tại Văn Miếu.

Ấn tượng với du khách khi đến với di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là được thấy vẻ đẹp lung linh về đêm. Ngay từ cổng vào đón khách có 4 người trang phục lính, đội nón, cầm đèn lồng cán cao đón khách. Qua cổng chính đi vào Khuê Văn Các, cổng Đại Trung, bia Tiến sĩ..., du khách sẽ được chiêm ngưỡng một không gian lung linh, huyền ảo qua kỹ thuật trình diễn ánh sáng kết hợp cùng ảnh động, tạo ra hiệu ứng 3D trên bề mặt phẳng, kể các câu chuyện gắn với đạo học Việt Nam. Ở các điểm chính đều có người trang phục lính, đội nón, cầm đèn lồng cán cao. Nổi bật ở Khuê Văn Các có đội Tiểu nhạc dàn hàng ngang tấu “Thập thủ liên hoàn” đón khách. Điểm nhấn ở khu vườn bia Tiến sỹ được ứng dụng công nghệ, giúp cho khách tham quan hiểu sâu nội dung bia đề cập đến khoa cử. Ở không gian bên ngoài, đến lớp học thầy đồ, du khách sẽ được lắng nghe các phong tục tập quán, lễ nghi truyền thống cùng cách viết thư pháp và soạn câu đối với phong thái mực thước, chỉnh tề.

Nổi bật tại sân trước khu điện Đại Thành, du khách có thể tham gia các trò chơi cung đình Huế xưa, như: trò xăm hường, trò Bài vụ; trò Đầu hồ; trò thả Thơ... Trong đó, thả Thơ thu hút nhiều du khách trải nghiệm nhất, bởi trò chơi này được coi như lối “đánh bạc” bằng trí tuệ, thể hiện sự nhanh trí và vốn kiến thức uyên thâm về thi phú của tầng lớp nho sĩ đất Thần Kinh (Kinh đô thần bí) xưa.

Điểm nhấn của tour khám phá là ở Nhà Thái Học. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức một bữa tiệc của ánh sáng, âm thanh và cảm xúc khi mà toàn bộ mặt trước của nhà Tiền đường trên sân Thái Học biến thành một màn hình khổng lồ. Mở đầu, du khách được thưởng thức bộ phim mapping 3D “Tinh hoa đạo học” được lấy cảm hứng từ những giá trị di sản văn hóa tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám gắn liền với đạo học của dân tộc xuyên suốt qua nhiều thế kỷ. Tiếp nối du khách sẽ được thưởng thức chương trình nghệ thuật "Huế giao hòa" với các tiết mục đặc sắc là di sản phi vật thể thế giới như: Đại nhạc Tam luân cửu chuyển, Múa cung đình Trình tường tập khánh, Lục cúng hoa đăng, Tiểu nhạc Phú lục địch,… và các tác phẩm âm nhạc sáng tác mới trên chất liệu cung đình.

 
Chương trình nghệ thuật Di sản hội tụ

Tại sự kiện, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế Hoàng Việt Trung nêu rõ: Thông qua chương trình nghệ thuật “Di sản hội tụ”, những giá trị văn hóa truyền thống và gái trị kế thừa về di sản diễn xướng của dân tộc một lần nữa khẳng định tinh thần hội tụ và lan tỏa; tinh thần cộng hưởng và tiếp biến trong nhiều nội dung mà Festival Huế đã từng thực hiện. Đây cũng là cách mà văn hóa Huế tự giới thiệu và quảng bá đến cộng đồng, khẳng định định hướng xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, chương trình nghệ thuật đêm “Di sản hội tụ” là hoa trái của quá trình hợp tác lâu dài, gắn bó, hiệu quả, thiết thực giữa Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong nhiều năm qua, nhằm tri ân và tôn vinh các di sản văn hóa của tổ tiên để lại, động viên những người làm công tác di sản tiếp tục nỗ lực, cố gắng trong công việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, mang  giá trị di sản đến gần hơn với công chúng. “Hoạt động giao lưu văn hóa có ý nghĩa hôm nay sẽ góp phần quảng bá giá trị di sản văn hóa Huế và Thăng Long - Hà Nội, làm giàu thêm, sâu sắc thêm những giá trị văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện nay. Đồng thời, nuôi dưỡng tình yêu, sự trân quý và trách nhiệm đối với di sản văn hóa dân tộc cho sự tiếp nối, cho dòng chảy các giá trị di sản tới các thế hệ tương lai”, ông Kiêu nhấn mạnh.

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam