Tìm hiểu lễ trưởng thành của thiếu nữ người Chăm Bàni

Lễ Kareh ở  tỉnh Ninh Thuận - Việt Nam được bảo tồn nguyên hiện trạng cho đến ngày nay. Đây được coi là một trong những nghi lễ quan trọng nhất, bởi đây là thời điểm chuyển tiếp tuổi trưởng thành của thiếu nữ để chuẩn bị bước vào tuổi hôn nhân, và họ được cả cộng đồng làng, tôn giáo công nhận mình đã lớn.

 

Kareh là một trong những nghi lễ nằm trong hệ thống nghi lễ vòng đời của người Chăm Awal, hình thành cùng lúc với sự ra đời của Chăm Awal. Lễ Kareh được tổ chức cho các thiếu nữ từ 9 đến 15 tuổi. Theo quan niệm của người Chăm, tốt nhất nên làm lễ này trước khi các thiếu nữ vào tuổi dậy thì để tỏ lòng tôn kính cũng như thân thể sạch sẽ cho Po Awluah (Thánh Ala) chứng dám. Nghi lễ được tổ chức trong hai ngày, thứ 5 và thứ 6 vào các tháng 3, 8 hoặc 10 lịch Chăm. Ngày lễ đầu gọi là Harei Mbeng Awluah (ngày thông báo với Allah). Ngày lễ thứ hai gọi là Harei TaokKareh, ngày lễ chính. Sau nghi lễ này, người thiếu nữ có thể tự do yêu đương và lựa chọn bạn đời.

Trong ngày đầu tiên, buổi sáng các thiếu nữ được Muk Buh (người kinh có thể hiểu là Bà Mụ) dắt đi tắm. Nghi thức này được tiến hành ngoài trời. Họ xếp thành một hàng dọc theo trật tự, dẫn đầu bởi Muk Buh, sau đó là Po dhi kumei, tức con gái của gia đình tổ chức lễ, tiếp theo là những anak Kareh khác (con gái cùng độ tuổi của các gia đình khác được đem gửi nhờ làm lễ, với chi phí chỉ là một con gà). Các thiếu nữ được tập trung lại để làm lễ thánh tẩy do một bà Mụ (một phụ nữ Chăm có tuổi) tiến hành, bằng cách ra bờ sông và đổ nước lên đầu. Vừa đổ nước bà Mụ vừa đọc lời cầu khấn.

 

Các thiếu nữ Chăm sau khi tắm thanh tẩy sẽ đi theo Bà Mụ để chuẩn bị cho buổi lễ. Ảnh: Jamen Ivan, Hoàng Lân.

Tắm xong họ lại theo thứ tự cũ đi về. Tiến hành trang điểm cẩn thận, chải tóc và búi lên cao, các cô gái phủ lên người những bộ trang phục màu trắng tinh, với khăn thêu đỏ che mặt bước vào lều chính. Họ thường được người nhà cho mang nhiều trang sức bằng đồng, vàng, bạc rất sang trọng. 

Những ngón tay nhỏ nhắn được trang trí thêm qua những bộ trang sức bằng đồng hoặc vàng lộng lẫy. Ảnh: Jamen Ivan, Hoàng Lân.

Tiếp đó, họ được thực hiện nghi thức Mbeng Awluah, do vị tu sĩ chủ trì lễ (Po Gru) trực tiếp thực hiện. Nghi lễ này diễn ra đơn giản, nhanh chóng. Lễ vật được đặt trên mâm cao (salao glaong), sắp xếp theo trật tự gồm: một nải chuối, hai chén nước đường (hoặc đường cát), nếp, bánh xôi chè (tapei paoh) và chén muối - vốn là thứ không thể thiếu. Vị Cả sư đọc kinh mời thượng đế Awluah và tổ tiên các thiếu nữ về chứng giám. Kết thúc ngày lễ thứ nhất, các thiếu nữ trở lại cấm phòng cho đến ngày hôm sau.

Trong buổi sáng thứ hai, Muk Buh cũng dẫn các thiếu nữ đi tắm như ngày đầu, bao gồm cả những thao tác như: tắm thanh tẩy, trang điểm, khoác lên mình bộ trang phục vàng thổ cẩm rực rỡ cùng chiếc khăn tua màu đỏ. 

Các thiếu nữ Chăm đi theo Bà Mụ vào làm lễ trong ngày thứ hai. Ảnh: Jamen Ivan, Hoàng Lân.

Sau khi chuẩn bị xong, thầy Cả sư cho gọi các thiếu nữ vào “thánh đường” làm lễ. Muk Buh sẽ dẫn các thiếu nữ theo trật tự hàng dọc bước vào nhà lễ chính để thực hiện nghi thức cắt tóc, đặt tên. Tóc được cắt hai lần, giữa trán và hai bên. Điều này thể hiện sự biết ơn đối với đấng sinh thành và lòng tôn kính thánh Allah.

Nghi lễ cắt tóc được tiến hành như một sự thể hiện lòng biết ơn đối với đấng sinh thành và lòng tôn kính thánh Allah. Ảnh: Jamen Ivan, Hoàng Lân.

Các thiếu nữ được vị sư cả làm phép, đọc kinh Koran và khấn cầu để có sức khỏe và có tương lai tốt đẹp. Nghi lễ này có sự chứng giám của bé trai gọi là Anak Polabadhi. Theo quan niệm của người Chăm Bani, bé trai này là người làm chứng linh thiêng đối với thánh Allah, chứng kiến việc cắt tóc đã hoàn thành để các thiếu nữ chính thức trở thành tín đồ của Bani. 

Bé trai là Anak Polabadhi sẽ là người chứng kiến toàn bộ nghi thức trưởng thành. Ảnh: Jamen Ivan, Hoàng Lân.

Các thiếu nữ được vị sư cả làm phép, đọc kinh Koran và khấn cầu để có sức khỏe và có tương lai tốt đẹp. Ảnh: Jamen Ivan, Hoàng Lân.

Sau phần cúng lễ vật, các thiếu nữ lại được triệu vào làm Lễ lạy. Họ bưng lễ vật là các khay trầu (thor hala) dâng lên cho các thầy lễ. Các thiếu nữ lần lượt theo thứ tự lạy ba vị chức sắc. Lạy Po Gru trước, rồi tới vị bên phải, sau đó là vị bên trái, mỗi vị lạy ba lần. Lạy thành hai lượt. Trong khi các cô lạy thì các tu sĩđọc kinh mời Po Awluah và tổ tiên của các cô gái về chứng giám. Lạy lượt đầu là lạy Thượng đế Awluah; lạy lượt thứ hai là lạy chức sắc, tổ tiên, cha mẹ, người thân để mọi người công nhận kể từ lúc này họđã là người trưởng thành và được công nhận.Từ đây, họ chính thức là một phụ nữ Chăm trong cộng đồng mẫu hệ và là một tín đồ của Hồi giáo Bàni. 

Thiếu nữ Chăm lần lượt tiến hành lễ Lạy. Ảnh: Jamen Ivan, Hoàng Lân.

Các lễ vật được dâng lên. Ảnh: Jamen Ivan, Hoàng Lân.

Kết thúc nghi lễ, các thiếu nữ Chăm đã chính thức trưởng thành và được coi là tín đồ của Hồi giáo Bàni. Ảnh: Jamen Ivan, Hoàng Lân.

Có thể nói, nghi lễ Kareh là một nghi lễ ấn tượng nhất, là thời khắc đáng nhớ trong cuộc đời khi đánh dấu cột mốc trưởng thành của một người con gái - vốn là một đặc trưng nổi bật của chế độ mẫu hệ Chăm. Ngày nay vai trò của người phụ nữ Chăm vẫn còn phát huy và được đề cao trong xã hội. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất qua nghi lễ Kareh. Nghi lễ Kareh mang ý nghĩa giáo dục cộng đồng, tượng trưng cho sự trao truyền văn hóa, sự trao truyền quyền lực của chế độ mẫu hệ từ mẹ sang con, sự kế tục tín ngưỡng truyền thống bao đời của dân tộc Chăm giàu bản sắc. 

Tài liệu tham khảo:

1. Tiếp biến văn hóa Chăm - Islam, Tập. 149 Số. 11 (2015), tác giả Nguyễn Ngọc Ánh.

2. Tạp chí Khoa học Văn hóa và Du lịch, số 4 (84), tháng 7/2016.

3. https://vnexpress.net/le-truong-thanh-cua-thieu-nu-cham-bani-ninh-thuan-3013753.html

4. https://dantocmiennui.vn/dac-sac-le-truong-thanh-cua-thieu-nu-cham-bani/140710.html

Nghiêm Ngọc

 

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam