Xu hướng tác động kinh tế của ngành Du lịch và Lữ hành toàn cầu

Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới (WTTC) phát hành Báo cáo xu hướng tác động kinh tế 2022 (Global Economic Impact Trends Reports 2022) của ngành Du lịch và Lữ hành toàn cầu. Báo cáo là kết quả nghiên cứu của WTTC phối hợp với Oxford Economics thực hiện tại 185 quốc gia/nền kinh tế và 26 khu vực trên thế giới. Hoa Kỳ vẫn được xác định là thị trường du lịch lớn nhất thế giới; Trung Quốc và Đức giữ vị trí thứ hai và thứ ba. Báo cáo dự báo những chỉ số và xu hướng phát triển của ngành Du lịch và Lữ hành toàn cầu cũng như ở từng khu vực và ở mỗi quốc gia trong vòng một thập kỷ tới.

Năm 2021: Du lịch và Lữ hành đóng góp 5,8 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu

Theo Báo cáo của WTTC, mặc dù đại dịch COVID-19 đã tác động toàn bộ hệ sinh thái Du lịch và Lữ hành toàn cầu trong 2 năm qua, nhưng năm 2021 đã ghi nhận ​​những tín hiệu phục hồi ở hầu hết các quốc gia và khu vực. Năm 2021, Du lịch và Lữ hành đã đóng góp 5,8 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu, tăng 21,7% (tương đương 1 nghìn tỷ USD) so với năm 2020; tỷ trọng của Ngành trong nền kinh tế toàn cầu tăng từ 5,3% năm 2020 lên 6,1% năm 2021; tạo ra 18,2 triệu việc làm mới, tăng 6,7% so với năm 2020.

Năm 2021, ngành Du lịch và Lữ hành ở khu vực châu Phi đóng góp vào nền kinh tế khu vực 119 tỷ USD, tăng 23,5% so với mức 97 tỷ USD vào năm 2020. Tỷ lệ phục hồi này nhanh hơn tốc độ của toàn cầu (21,7%).

Tại châu Mỹ, sau khi giảm đáng 45,5% vào năm 2020, đóng góp của ngành Du lịch và Lữ hành vào GDP ở khu vực này đã tăng 23,1% vào năm 2021, đạt 1.781 tỷ USD, dẫn tới tỷ trọng GDP của Ngành trong tổng thể nền kinh tế tăng nhẹ, từ 5% lên 5,9% trong năm 2021. Sự phục hồi này đã giúp ngành Du lịch & Lữ hành châu Mỹ giữ vị trí là khu vực có đóng góp lớn nhất vào GDP.

Trước COVID-19, tỷ trọng đóng góp của ngành Du lịch và Lữ hành vào nền kinh tế châu Âu đạt 9,2%. Năm 2020, khi doanh thu giảm 47,1%, tỷ trọng này giảm xuống còn 5,2%. Năm 2021, doanh thu của du lịch khu vực châu Âu đã tăng 28% so với năm 2020, đạt mức độ phục hồi nhanh nhất trong số tất cả các khu vực trên toàn cầu. Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch và Lữ hành châu Âu là do chi tiêu của du khách quốc tế tăng 23,9% và khách du lịch nội khối tăng 34,2%.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một số quốc gia trong khu vực vẫn đóng cửa hoặc hạn chế khách du lịch quốc tế nên đóng góp của ngành Du lịch và Lữ hành vào tổng thể nền kinh tế khu vực trong năm 2021 vẫn thấp hơn 52,2% so với trước đại dịch. Tốc độ phục hồi chậm bởi chi tiêu của khách du lịch quốc tế giảm thêm 44,4% vào năm 2021, sau khi giảm mạnh 77,9% trong năm 2022.

Theo đánh giá của WTTC và Oxford Economics, Hoa Kỳ vẫn giữ vững vị trí là thị trường du lịch lớn nhất và mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, đóng góp của ngành Du lịch và Lữ hành Hoa Kỳ năm 2021 vào nền kinh tế quốc gia đã giảm 700 tỷ USD, xuống còn 1,27 nghìn tỷ USD so với năm 2019. Trung Quốc giữ vị trí thứ hai với hơn 814 tỷ USD, trong khi Đức vẫn giữ vị trí thứ ba với đóng góp 251 tỷ USD cho kinh tế Đức. Ngành Du lịch và Lữ hành Vương quốc Anh giảm mạnh nhất trong số 10 quốc gia hàng đầu, từ vị trí thứ năm năm 2019 xuống thứ chín vào năm 2021 với mức đóng góp chỉ hơn 157 tỷ USD. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngành Du lịch Thái Lan và Nhật Bản đã rơi khỏi top 20 vào năm 2021 trong khi giữ các vị trí thứ năm và thứ tám trước đại dịch.

WTTC cho rằng, sự phục hồi của ngành Du lịch và Lữ hành toàn cầu vẫn diễn ra chậm hơn dự kiến. Nguyên nhân được chỉ ra là do tác động của biến thể Omicron, các hạn chế đi lại quốc tế vẫn được duy trì cũng như thiếu sự phối hợp giữa các quốc gia để đối phó với đại dịch. Theo WTTC, các chỉ số phục hồi du lịch phản ánh rõ nét những biện pháp mà các quốc gia đã thực hiện để đối phó với dịch COVID-19. Ví dụ như đóng góp của Du lịch và Lữ hành Thái Lan vào GDP quốc gia thấp hơn 70% so với mức năm 2019, trong khi Hy Lạp chỉ thấp hơn khoảng 30% so với mức trước đại dịch. WTTC nhấn mạnh, sự phục hồi chủ yếu là do sự quay trở lại của khách quốc tế khi các quốc gia này giảm thiểu các hạn chế đi lại đối với khách quốc tế đến. Sự khác biệt về tốc độ phục hồi du lịch giữa các quốc gia và khu vực cho thấy tác động của các hạn chế đi lại quốc tế, vốn chặt chẽ hơn ở châu Á - Thái Bình Dương so với các khu vực còn lại của thế giới.

Những dự báo cho giai đoạn tới

Theo bà Julia Simpson - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành WTTC, mức tăng trưởng của ngành Du lịch và Lữ hành toàn cầu được dự báo sẽ đạt trung bình 5,8%/năm trong giai đoạn 2022-2032, vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới (2,7%/năm). GDP của ngành Du lịch và Lữ hành toàn cầu có thể trở lại mức 2019 vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024; ​​ tạo ra gần 126 triệu việc làm mới trong vòng một thập kỷ tới. WTTC dự đoán, Trung Quốc có thể vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thị trường du lịch lớn nhất thế giới vào năm 2032 với mức đóng góp vào GDP đạt 3,9 nghìn tỷ USD. Ấn Độ có thể vượt qua Đức để đạt vị trí thứ ba với giá trị dự kiến ​​là 457 tỷ USD.

Năm 2022, khi niềm tin của du khách được cải thiện, ngành Du lịch và Lữ hành toàn cầu được dự báo sẽ đạt tốc độ hồi phục lên 43,7% so với năm 2021 và thêm 10 triệu việc làm mới. Trong đó, du lịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương được dự báo sẽ đạt doanh thu gần 2,7 nghìn tỷ USD, tăng 71% so với năm 2021. Malaysia, Nhật Bản và Úc là những quốc gia sẽ có sự hồi sinh lớn về lượng khách quốc tế đến. Tuy nhiên WTTC cũng cảnh báo, những dự báo này có thể không thành hiện thực nếu các thị trường nguồn lớn như Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục áp đặt các hạn chế đối với du lịch quốc tế.

WTTC cũng đưa ra dự báo về tình trạng thiếu hụt nguồn lao động du lịch ở hầu khắp các quốc gia/vùng lãnh thổ được nghiên cứu trong Báo cáo. Theo WTTC, nếu như trong năm 2021, tình trạng thiếu hụt nhân lực tập trung vào phân khúc lưu trú và khách sạn, thì năm 2022 lan sang phân khúc vận tải và các lĩnh vực khác trong dài hạn. WTTC đề xuất, các doanh nghiệp và chính phủ cũng như các tổ chức liên quan thu hút và duy trì các chính sách thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động du lịch, tạo điều kiện làm việc linh hoạt và từ xa, nâng cao kỹ năng và đào tạo lại lực lượng lao động, thúc đẩy giáo dục và học nghề, tăng cường hợp tác ở tất cả các cấp, tận dụng các giải pháp công nghệ và kỹ thuật số… nhằm hạn chế sự thiếu hụt lực lượng lao động trong dài hạn.

WTTC cũng chỉ ra một số xu hướng du lịch chính trong quá trình phục hồi ngành Du lịch và Lữ hành toàn cầu. Trong đó, xu hướng khám phá điểm đến nội địa; ở lâu hơn tại điểm đến; đến những nơi vắng vẻ và có điều kiện hòa mình vào thiên nhiên; tìm kiếm những trải nghiệm chăm sóc sức khỏe… sẽ nổi lên trong thời gian tới. Ngoài ra, các loại hình du lịch kết hợp công tác (Business Travel), MICE sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái du lịch ở tương lai gần. Hơn nữa, sự gia tăng về “kỳ nghỉ làm việc” (workation holidays) nhờ làm việc từ xa và linh hoạt mang đến cơ hội mới cho các nhà cung cấp dịch vụ du lịch và điểm đến.

Nguồn: Tạp chí Du lịch

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam