Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ vừa phối hợp Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) tổ chức hội thảo Xây dựng Bộ tiêu chí du lịch bền vững, nhằm định hướng phát triển du lịch chú trọng giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với môi trường, xã hội, kinh tế; đồng thời, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn...
Hội thảo xoay quanh 3 nội dung chính: nhu cầu du lịch mới và xu hướng phát triển bền vững của các điểm đến, bài học thực tế từ hoạt động hỗ trợ triển khai Bộ tiêu chí du lịch xanh ở Quảng Nam, giới thiệu Bộ tiêu chí Du lịch bền vững tại Cần Thơ.
Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) có thiết lập và quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu cho lữ hành và du lịch bền vững. Các tiêu chí chú trọng đến 4 nội dung cốt lõi: quản lý bền vững, tác động đến kinh tế - xã hội, tác động đến văn hóa và tác động đến môi trường. Việc xây dựng Bộ tiêu chí du lịch bền vững là cơ sở để định hướng phát triển du lịch chú trọng giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đối với môi trường, xã hội, kinh tế; đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch thông qua việc tránh lãng phí điện, nước, nhân công; đáp ứng nhu cầu của thị trường khách du lịch đang có xu hướng quan tâm đến môi trường, văn hóa địa phương.
Cần Thơ chú trọng đến văn hóa sông nước, các giá trị bản địa…
Từ khảo sát ở địa phương, SSTP đã hỗ trợ Cần Thơ xây dựng 6 Bộ tiêu chí và Chỉ số du lịch bền vững áp dụng cho 6 mô hình kinh doanh du lịch vừa và nhỏ. Đó là: khách sạn, lữ hành, nhà nghỉ sinh thái (eco-lodge), du lịch dựa vào cộng đồng, lưu trú tại nhà dân (homestay) và điểm tham quan. Cách tiếp cận bộ của SSTP là thực hiện từ những việc nhỏ, như: tiết kiệm điện nước, giảm rác thải, quan tâm đến người lao động… qua đó góp phần bảo vệ môi trường, tăng cường kinh tế địa phương theo hướng bền vững.
Các chuyên gia cũng đề ra những định hướng về xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch bền vững của Cần Thơ, đó là: du lịch sông Mekong, du lịch nông nghiệp, làng nghề, du lịch tham quan thành phố, ẩm thực Cần Thơ. Trong đó chú trọng đến văn hóa sông nước, các giá trị bản địa…
Định hướng phát triển du lịch của thành phố Cần Thơ và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là phát triển tuyến du lịch quốc gia và quốc tế, mở rộng các tuyến du lịch liên vùng dựa trên việc xây dựng du lịch đặc thù cho từng địa phương. Thành phố luôn chú trọng công tác quy hoạch xây dựng các quận, huyện trực thuộc phù hợp với tiềm năng, lợi thế, tầm nhìn trước mắt và lâu dài của từng vùng, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.
Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành thành phố văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Công là chủ trương xuyên suốt được lãnh đạo thành phố xác định. Để hiện thực hóa chủ trương đó, thành phố Cần Thơ chú trọng phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao mức sống cho nhân dân và bảo vệ môi trường sống ngày càng tốt hơn.
Nguồn: Tạp chí Du lịch