Cô Tô, Ngọc Đông Bắc

Những năm gần đây, du lịch Cô Tô đang được coi là điểm du lịch hấp dẫn, đáng đến trong hành trình du lịch Hạ Long. Mỗi năm, Cô Tô đón hơn 300 nghìn lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Để đẩy mạnh cơ hội mở rộng nguồn khách hàng, quảng bá hình ảnh và khẳng định vị trí của du lịch Cô Tô tại Việt Nam nói chung và khu vực phía Bắc nói riêng, ngày 16/3/2019, tại Hà Nội, UBND huyện Cô Tô phối hợp với Hiệp hội Du lịch Cô Tô tổ chức Hội thảo Xúc tiến Du lịch ‘Cô Tô – Ngọc Đông Bắc”. 

Cô Tô là huyện đảo biên giới nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, tiếp giáp với huyện Vân Đồn. Cô Tô gồm trên 50 đảo lớn nhỏ với tổng diện tích tự nhiên trên 47,2km2 gồm 2 xã và 1 thị trấn, gồm 7 dân tộc (Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa). Huyện có tuyến biên giới biển dài gần 200km kéo dài từ đảo Trần huyện Cô Tô đến huyện đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng, có trên 399km2 ngư trường đánh bắt thủy hải sản, có vùng đánh cá chung.
Tiềm năng và thế mạnh của du lịch Cô Tô được thể hiện rõ nét qua sức hấp dẫn của những bãi biển nước trong, bờ cát thoải gắn với cảnh quan của hệ sinh thái rừng nguyên sinh nhiệt đới được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Cô Tô cũng là vùng biển được coi là đa dạng sinh hoạt hàng đầu Việt Nam với sự có mặt nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô tập trung. Đây cũng là địa bàn phong phú về cơ cấu hải sản với nhiều loại quý hiếm, có giá trị cao như tôm hùm, bào ngư, hải sâm, cầu gai, cua, ghẹ, cá song, mú, mực, san hô sừng...
Các bãi biển trên đảo hoang sơ, sạch, đẹp với cát trắng mịn, nước trong, sóng khá lớn, trong đó có nhiều bãi biển tuyệt đẹp như: Hồng Vàn, Vàn Chảy, Cô Tô con, các bãi tắm trên đảo Thanh Lân... Huyện còn có nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa.... Người dân Cô Tô thân thiện, thật thà, chất phát. Văn hoá con người Cô Tô là sự thống nhất trong đa dạng các vùng miền văn hoá của các tỉnh thành ven biển Việt Nam và Đồng bằng Bắc bộ. Cô Tô luôn giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn cho người dân và du khách tham quan, làm ăn, sinh sống. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, Đào Văn Vũ cho biết, hiện nay, cơ sở hạ tầng tại Cô Tô đã được đầu tư khá đồng bộ. Hệ thống điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân và du khách trên đảo; cảng bến và đường giao thông đã được kiên cố hóa; quỹ đất dự trữ phát triển vẫn còn nhiều và chưa bị chia nhỏ. Huyện Cô Tô đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển đảo Cô Tô tới năm 2020, trong đó xác định rõ: Phát triển huyện đảo thành Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia gắn với Khu du lịch sinh thái biển đảo cao cấp Vân Đồn; đưa Cô Tô trở thành một trọng điểm du lịch trong quần thể du lịch Cát Bà - Hạ Long - Vân Đồn - Cô Tô - Móng Cái - Trà Cổ với đa dạng các loại hình du lịch, thể thao và vui chơi giải trí cả trên biển và trên các đảo.... Trên cơ sở đó, Cô Tô cũng đã cụ thể hóa bằng Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Đề án phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cô Tô xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn...
Trong những năm tới, Cô Tô sẽ tập trung phát triển nhanh ngành du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện; tiếp tục phát triển hình thức du lịch cộng đồng với sự tham gia của đông đảo người dân, đi đôi với việc kêu gọi đầu tư xây dựng để đến năm 2020 Cô Tô trở thành khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia. Phát triển Cô Tô theo hướng mở cửa, hội nhập, có tầm nhìn dài hạn và bước đi thích hợp, đảm bảo phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Thu hút các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát triển các ngành có lợi thế như thủy hải sản, du lịch, dịch vụ biển. Tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng; thực hiện các cơ chế chính sách ưu đãi và thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên vùng đảo. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển huyện Cô Tô với sự phát triển trong khu vực, nhất là thành phố Hạ Long, khu kinh tế Vân Đồn, khu cửa khẩu quốc tế Móng Cái và vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ.
Huyện rất chú trọng phát triển du lịch bền vững bằng việc khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng, kết nối các điểm đến, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch... Việc xây dựng các tour, tuyến, sản phẩm du lịch được tập trung thực hiện nên đã tạo ra sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách khi đến đây.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp lữ hành cũng mong muốn Cô Tô tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông, phát triển đội tàu vận chuyển, rút ngắn thời gian đi lại, “kéo” đảo gần bờ, và cập nhật thời tiết cho du khách vào những mùa mưa, bão…
Tiếp sau hội thảo tại Hà Nội là tour khảo sát của các hãng lữ hành và truyền thông tại Cô Tô từ ngày 6 - 7/4/2019. Famtrip là điều kiện để các hãng lữ hành trực tiếp khảo sát cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ du lịch tại Cô Tô cũng như kí kết hợp tác giữa đơn vị cung ứng địa phương và hãng lữ hành. 

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam