Những ngày đầu xuân, du khách tấp nập đến các điểm du lịch tâm linh và danh thắng trên địa bàn tỉnh. Đây là tín hiệu đáng mừng với kỳ vọng ngành Du lịch Quảng Ninh sẽ nhanh chóng phục hồi và đón được 9,5 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022.
Khu di tích danh thắng Yên Tử mở cửa đón du khách từ ngày 27/1. Ông Lưu Quang Trung, Phó Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cho biết: Nếu dịp Tết năm ngoái, lượng khách chỉ bằng 1/10 mọi năm, thì năm nay, ngay từ mùng 1 Tết, Yên Tử đã đón gần 1.500 khách và tiếp tục gấp đôi vào những ngày tiếp theo. Cao điểm là ngày mùng 4 và 5 Tết, đơn vị đã đón trên 36.000 lượt khách. Đây là con số vô cùng đáng mừng, cho thấy sức hút của Khu di tích danh thắng Yên Tử và sự phục hồi nhanh chóng của du lịch tâm linh.
Người dân khai báo y tế tại đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả)
Tương tự, từ ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần đến nay, Đền Cửa Ông - Cạp Tiên đã đón trên 73.000 lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Trong đó có tới 63.310 du khách thực hiện quét mã QR, còn lại khai báo trực tiếp. Theo ông Nguyễn Duy Thanh, Phó trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông - Cạp Tiên, kể từ khi có dịch Covid-19, chưa bao giờ đền Cửa Ông đón lượng khách lớn như năm nay. Chỉ tính từ ngày 4 đến 6/2, lượng khách luôn đạt từ 6.000-10.000 người. Ngay từ trước Tết, chính quyền địa phương và Ban Quản lý đã họp bàn, xây dựng kỹ các phương án, kế hoạch đón du khách. Trong đó, yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. Đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo liên tục trên hệ thống loa truyền thanh của đền về các biện pháp phòng chống dịch, nguyên tắc 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời, Ban Quản lý đền cũng bố trí đội kiểm soát dịch gồm nhân viên bảo vệ, y tế làm nhiệm vụ ngay tại cổng đền để hướng dẫn người dân khai báo y tế, đo thân nhiệt... Ngoài ra, trong khuôn viên đền đều đặt các lọ dung dịch sát khuẩn, hộp khẩu trang tại các vị trí dễ thấy để du khách sử dụng.
Để đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan, chiêm bái, các điểm du lịch tâm linh đều trang bị mã QR để người dân khai báo y tế; cung cấp miễn phí khẩu trang, dung dịch rửa tay, sát khuẩn cho du khách; phun tiêu độc, khử trùng toàn vùng di tích, in thông tin cảnh báo du khách về dịch bệnh…
Du khách đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại chùa Ba Vàng (TP Uông Bí).
Bên cạnh đó, để tổ chức các hoạt động đón khách tại các di tích, khu, điểm du lịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19, năm nay, một số điểm du lịch tâm linh không tổ chức khai hội thường niên. Như Chùa Ba Vàng không tổ chức khai hội vào ngày mùng 8 tháng Giêng như thông lệ mà chỉ thực hành nghi lễ tâm linh truyền thống, không tổ chức phần hội.
Còn tại chùa Ngọa Vân (TX Đông Triều), theo thông lệ, Hội Xuân Ngọa Vân được khai mạc vào ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm. Tuy nhiên, đây là năm thứ 3, chùa Ngọa Vân không mở hội theo truyền thống, chỉ thực hiện các hoạt động nghi lễ tâm linh cầu cho quốc thái dân an vào ngày “chính hội”, bảo đảm nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng mà vẫn hạn chế thấp nhất những nguy cơ về dịch. Các nghi lễ được tổ chức hạn chế số lượng người tham gia, thực hiện theo quy mô nhỏ, bảo đảm trang nghiêm, thành kính, tuân thủ đầy đủ yêu cầu về phòng, chống dịch.
Du khách đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại chùa Ba Vàng (TP Uông Bí).
Chị Lê Thị Nga, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, cho biết: Hầu như năm nào gia đình tôi cũng đi hành hương tại một số điểm thờ tự, di tích lớn tại Quảng Ninh như đền Cửa Ông, di tích - danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng. Dù đông khách đến tham quan, chiêm bái nhưng tôi vẫn thấy rất yên tâm vì các biện pháp phòng chống dịch được thực hiện nghiêm túc, quy củ. Bản thân tôi cũng tự giác chấp hành việc đeo khẩu trang, khai báo y tế và các quy định trong đền chùa.
Theo thống kê của Sở Du lịch, trong 6 ngày Tết Nguyên đán (từ 1- 6/2), các điểm du lịch tâm linh đã đón hàng chục nghìn du khách. Như ở chùa Ba Vàng (TP Uông Bí) đón 57.500 lượt khách, Đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) đón trên 52.300 lượt khách, Chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn) đón trên 30.000 lượt khách, Chùa Ngọa Vân (TX Đông Triều) đón trên 43.000 lượt khách…
Du khách thăm quan, chiêm bái tại chùa Ba Vàng (TP Uông Bí).
Để thu hút khách về các điểm du lịch tâm linh, trong những năm qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực cũng như đẩy mạnh các nguồn xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa lịch sử các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung xây dựng Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên trở thành trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh đặc sắc của Quảng Ninh, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê, hằng năm, các di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh thu hút 4-5 triệu lượt khách du lịch, danh lam thắng cảnh thu hút 7- 8 triệu lượt, doanh thu từ thu phí tham quan đạt xấp xỉ 1.500 tỷ đồng/năm đã cho thấy sức hút mạnh mẽ của loại hình du lịch tâm linh.
Với việc thích ứng linh hoạt trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch tâm linh Quảng Ninh được kỳ vọng không chỉ khởi sắc trong những tháng đầu năm mà được định hướng trở thành điểm đến 4 mùa. Qua đó, góp phần phục hồi ngành Du lịch, đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Quảng Ninh có hơn 600 di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh, di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới và gần 3.000 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của hơn 20 dân tộc.
Hiện khoảng 120 di tích, di sản đã nằm trong các tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác.
Theo quangninh.gov.vn