Chính sách phục hồi du lịch trong và sau COVID-19 trên thế giới và bài học với Việt Nam

Là ngành kinh tế đóng góp 10,4% vào GDP và cung cấp 1/10 tổng số việc làm cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2019 (WTTC, 2019), tuy nhiên ngành du lịch đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng do tác động của dịch bệnh Covid-19 trong suốt hơn một năm qua. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, có những thời điểm 100% các điểm đến du lịch trên toàn cầu phải áp dụng các biện pháp giới hạn đi lại, 72% quốc gia đóng cửa biên giới đối với khách du lịch quốc tế (UNWTO, 2020). Ở Việt Nam, dù được đánh giá là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt nhưng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, du lịch quốc tế vẫn chưa thể hoạt động trở lại, du lịch nội địa thường xuyên bị gián đoạn bởi các đợt dịch. Du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong nền kinh tế (Tổng cục Thống kê, 2020).

Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, nhiều quốc gia, khu vực đã bàn bạc, liên kết hợp tác để đưa ra các chính sách phục hồi ngành du lịch trong điều kiện bình thường mới. Một số quốc gia và khu vực cũng đã bắt đầu áp dụng, thực hiện một số chính sách để khởi động lại hoạt động du lịch. Việt Nam cũng đang trong giai đoạn tìm kiếm các giải pháp để sớm đưa ngành du lịch hoạt động trở lại. Việc này rất cần sự tham khảo các giải pháp đã được đề xuất và áp dụng ở các quốc gia trên thế giới để kích hoạt hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế hoạt động trở lại theo thông lệ quốc tế, trong điều kiện đảm bảo an toàn cho du khách và cộng đồng.

Chính sách phục hồi du lịch trên thế giới

Trước thực trạng dịch bệnh đã và vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch, UNWTO đã xác định rõ phương hướng cần thực hiện đó là khôi phục lại hoạt động du lịch, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh về kinh tế, xã hội và từng bước phục hồi và phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững. UNWTO cũng xác định việc tìm giải pháp phục hồi ngành du lịch chính là cơ hội để chuyển đổi ngành theo hướng xây dựng một ngành du lịch, cộng đồng du lịch có năng lực phục hồi tốt hơn thông qua đổimới sáng tạo, số hóa, phát triển bền vững và tăng cường quan hệ hợp tác. Xuất phát từ quan điểm này, các vấn đề ưu tiên được đặt ra là quản lý khủng hoảng và giảm thiểu các tác động kinh tế xã hội, thúc đẩy năng lực cạnh tranh và xây dựng năng lực phục hồi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và số hóa của hệ sinh thái du lịch, thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng xanh toàn diện, thúc đẩy quan hệ hợp tác để chuyển đổi ngành du lịch hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững (UNWTO, 2020).

Chính sách phục hồi du lịch tại các khu vực

Theo các mục tiêu về phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đã đề ra và các mục tiêu cụ thể mà UNWTO đã xác định cho ngành du lịch, các tổ chức khu vực cũng đã hợp tác và chỉ ra các vấn đề cụ thể cần giải quyết cho ngành du lịch. Các tổ chức quốc tế ở các khu vực như OECD, EC đã xác định các nhóm vấn đề cần giải quyết là (1) thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn để giảm thiểu những tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội do dịch bệnh gây ra, (2) thiết lập các quy định trong điều kiện bình thường mới để khởi động lại hoạt động du lịch, (3) đầu tư phát triển theo hướng bền vững và xây dựng năng lực phục hồi cho ngành du lịch (OECD, 2021) (EC, 2021).

Về giảm thiểu tác động tiêu cực do khủng hoảng gây ra, OECD xác định các quốc gia cần phải có kế hoạch quản lý khủng hoảng hiệu quả. Trong những năm gần đây, số cuộc khủng hoảng mà ngành du lịch phải đối mặt ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ. Các nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng đối với ngành du lịch là thiên tai, bất ổn chính trị-xã hội, dịch bệnh. Thực tế này cho thấy sự cần thiết phải có kế hoạch chuẩn bị ứng phó với các cuộc khủng hoảng có thể bất ngờ xảy ra trong tương lai. Kế hoạch này cần phải được xây dựng lồng ghép trong một kế hoạch tổng thể của quốc gia về ứng phó với khủng hoảng trong đó có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều thành phần để có thể xem xét và giải quyết các vấn đề một cách toàn diện (OEDC, 2021).

Về thiết lập các quy định về hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới nhằm khởi động lại hoạt động của toàn ngành hoặc một phần hoạt động của ngành, các quy định về an toàn sức khỏe cộng đồng được các tổ chức quốc tế đặt lên hàng đầu. Đại dịch Covid-19 đã buộc các quốc gia phải kiểm soát chặt chẽ và đặt ra các rào cản đối với việc đi lại để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái của ngành du lịch. Do đó, các quốc gia cần liên kết để thiết lập những quy định mới để dần thiết lập trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thông trong phạm vi đã được phân loại và đánh giá an toàn. Ngoài ra, cũng cần ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể đối với khách du lịch và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn trong phòng chống dịch bệnh (OEDC, 2021) (EC, 2021).

Ngoài ra, các tổ chức về du lịch ở các khu vực đều xác định rõ phải có các chính sách để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Để giải quyết các vấn đề bền vững trên khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường thì các giải pháp cần hướng đến là tăng cường năng lực phục hồi, mở rộng sự tham gia của cộng đồng, phát triển du lịch xanh và chuyển đổi số trong hoạt động của ngành du lịch. Để tăng cường năng lực phục hồi thì cần tìm cách đa dạng hóa các nguồn thu nhập để phân tán rủi ro cho doanh nghiệp du lịch. Trên khía cạnh xã hội, việc mở rộng sự tham gia của cộng đồng sẽ giúp hoạt động du lịch tại điểm đến thực sự đem lại những lợi ích cho cộng đồng và ngược lại cộng đồng cũng sẽ giúp cho hoạt động du lịch phát triển theo chiều sâu. Về vấn đề môi trường, phát triển du lịch không thể không dựa trên các yếu tố về môi trường tự nhiên. Việc phát triển du lịch phải đi song song với bảo vệ môi trường tự nhiên của từng quốc gia cũng như môi trường tự nhiên của toàn cầu. Kết quả của việc thực hiện các chính sách và kế hoạch trên phụ thuộc rất lớn vào trình độ phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ của từng khu vực, từng quốc gia. Trong phát triển du lịch, công nghệ số được đặc biệt coi trọng trong việc hỗ trợ thực hiện các chính sách, kế hoạch. Chuyển đổi số cần có sự tham gia của tất cả các thành phần trong nền kinh tế, từ chính phủ cho đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chuyển đổi số thành công sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho tất cả các thành phần tham gia trong ngành du lịch (OECD, 2021).

Như vậy, để giải quyết bài toán về phục hồi ngành du lịch cần có cái nhìn tổng thể, mang tính hệ thống vì đây là vấn đề liên quan đến chính phủ, doanh nghiệp và cả cộng đồng dân cư. Do đó, chính sách phát triển du lịch cần được lồng ghép trong chính sách phát triển kinh tế xã hội tổng thể của quốc gia. Mối quan hệ liên kết giữa chính sách, kế hoạch của ngành du lịch với các ngành khác trong việc triển khai thực hiện cần phải được chỉ rõ. Có như vậy, các chính sách, kế hoạch của ngành du lịch mới có thể đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả.

Chính sách phục hồi du lịch tại các quốc gia

Theo khuyến nghị của Tổ chức du lịch thế giới và của các tổ chức quốc tế ở khu vực, một số quốc gia cũng đã đưa ra các giải pháp cụ thể để từng bước khôi phục lại hoạt động du lịch. Các giải pháp tập trung vào chính sách thuế, chính sách tiền tệ, chính sách về nguồn nhân lực, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, tăng cường hợp tác công tư để phục hồi hoạt động du lịch và các giải pháp về an toàn sức khỏe để giải quyết ba nhóm vấn đề nêu trên (UNWTO, 2021).

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực cho ngành du lịch do dịch bệnh gây ra, nhiều quốc gia đã đưa ra các gói cứu trợ và hàng loạt các biện pháp bổ sung đi kèm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động. Tây Ban Nha, quốc gia có tỷ lệ đóng góp vào GDP của ngành du lịch năm 2019 là 14,1%, đã bơm thanh khoản 14 tỷ EUR để thúc đẩy nền kinh tế, 3,8 tỷ EUR để tăng cường sức khỏe cộng đồng, 400 triệu EUR cho hầu hết các lĩnh vực bị ảnh hưởng trong đó có du lịch và vận tải (UNWTO, 2021) (WTTC, 2020). Mỹ, quốc gia có tổng thu từ ngành du lịch lớn nhất thế giới, đạt 9.170 tỷ USD năm 2019, đưa ra gói hỗ trợ 50 tỷ USD chỉ riêng cho các hãng hàng không; trong đó, một nửa là viện trợ không hoàn lại, một nửa là các khoản vay. Các sân bay của Mỹ cũng nhận được gói hỗ trợ 10 tỷ USD từ Chính phủ. Các công ty du lịch cũng nhận được sự trợ giúp từ gói hỗ trợ 2000 tỷ USD dành cho tất cả các doanh nghiệp; trong đó, các doanh nghiệp du lịch là nhóm được quan tâm do thuộc nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất (UNWTO, 2021) (WTTC, 2020). Về chính sách thuế (UNWTO, 2021), các quốc gia đều thực hiện miễn giảm, gia hạn thuế, trả lại các doanh nghiệp du lịch khoản ký quỹ (UNWTO, 2021). Về hỗ trợ người lao động (UNWTO, 2021), các chính sách cắt giảm, miễn nộp thuế và bảo hiểm xã hội được nhiều nước áp dụng (Tây Ban Nha, Trung Quốc), trợ cấp lương cho người lao động bị ảnh hưởng (Thái Lan, New Zealand), cung cấp các khóa đào tạo trực tuyến, hỗ trợ kết nối người lao động với nhà tuyển dụng (Trung Quốc, New Zealand). Quỹ An sinh xã hội của Thái Lan hỗ trợ một phần tiền lương cho những người người lao động không thể làm việc do phải trải qua thời gian cách ly. Trung Quốc đã ban hành chính sách nhằm duy trì việc làm cho hướng dẫn viên du lịch để giữ lại lực lượng lao động thiết yếu cho việc phục hồi ngành du lịch. Chính sách này bảo vệ các quyền và lợi ích của hướng dẫn viên du lịch như gia hạn thời hạn chứng chỉ hướng dẫn, miễn lệ phí hàng năm, cung cấp các khóa đào tạo trực tuyến miễn phí. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đưa ra một số lượng lớn các chương trình đào tạo trực tuyến miễn phí để hỗ trợ người lao động nâng cao trình độ, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm. Như vậy, chính sách tiền tệ, chính sách thuế và các chính sách hỗ trợ người lao động là các giải pháp chính cho vấn đề giảm thiểu các tác động tiêu cực do đại dịch gây ra.

Về các hoạt động thiết lập các quy định bình thường mới, từng bước đưa hoạt động du lịch hoạt động trở lại đòi hỏi phải có các giải pháp về an toàn sức khỏe (UNWTO, 2021) như ban hành hướng dẫn về phòng ngừa dịch bệnh (Mỹ), kiểm soát việc di chuyển của người dân và du khách (NewZealand, Trung Quốc), ban hành chứng nhận an toàn cho những tổ chức, điểm đến đảm bảo thực hiện tốt các tiêu chuẩn về phòng ngừa dịch bệnh (Tây Ban Nha). Cụ thể Mỹ đã ban hành hướng dẫn về vấn đề an toàn và sức khỏe dành cho các du khách. Hướng dẫn này cung cấp cho khách hàng sự hiểu biết về các hoạt động chính trong ngành du lịch của Mỹ bao gồm: Tạo rào cản truyền tải, tăng cường vệ sinh, thúc đẩy tầm soát sức khỏe, làm theo hướng dẫn về dịch vụ ăn uống. Hướng dẫn này được phát triển dựa trên hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC và Nhà Trắng và tham khảo ý kiến của các chuyên gia sức khỏe cộng đồng. Tây Ban Nha đã ban hành con dấu Chứng nhận Du lịch an toàn cho các tổ chức, công ty vượt qua cuộc kiểm tra do các công ty độc lập thực hiện như một dấu hiệu đảm bảo và chứng nhận việc thực hiện Hệ thống phòng ngừa rủi ro sức khỏe do Covid-19. Trung Quốc yêu cầu tất cả khách du lịch trong nước (kể cả công dân Trung Quốc) phải cung cấp kết quả xét nghiệm trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành và thực hiện cách ly theo hướng dẫn. New Zealand đưa vào sử dụng ứng dụng NZ Covid Tracer cho phép tạo nhật ký về những nơi bạn đến thăm bằng cách quét mã QR chính thức. Điều này sẽ giúp các thiết bị theo dõi tiếp xúc nhanh chóng xác định và cô lập bất kỳ ai có thể đã tiếp xúc với Covid-19 nếu có thêm một đợt bùng phát ở New Zealand.

Ngoài ra, việc tiêm vắc xin đã được thực hiện khá rộng ở nhiều nước trên thế giới. Đây chính là cơ sở để khởi động lại hoạt động du lịch một cách an toàn. Dựa trên cơ sở này, Liên minh Châu Âu (EU) đã xây dựng lộ trình cấp Chứng nhận Covid số tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do và an toàn cho công dân các nước thuộc Liên minh trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Chứng nhận này được cấp cho những người đã tiêm văc xin, đã mắc Covid và khỏi bệnh, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính (EC, 2021).

Với các giải pháp thiết lập các quy định bình thường mới như trên, hoạt động du lịch đã bắt đầu khởi động lại ở một số khu vực và quốc gia trên thế giới. Công dân EU sẽ được di chuyển tự do và an toàn bằng việc sử dụng Chứng nhận Covid số từ 1/7/2021. Thái Lan dự kiến sẽ mở cửa tr lại hoàn toàn vào tháng 10/2021 và tất cả các hạn chế của Covid được dỡ bỏ nếu tất cả các lĩnh vực tiếp tục hợp tác với Trung tâm quản lý tình huống Covid-19 (EC, 2021).

Ngoài việc tìm kiếm các giải pháp để giải quyết vấn đề khó khăn đang hiện hữu của ngành du lịch, các quốc gia còn thực hiện song song các kế hoạch lâu dài, giúp phát triển ngành du lịch bền vững và có sức chống chịu trước rủi ro tốt hơn. Tổng cục du lịch Thái Lan đã đưa ra Kế hoạch phục hồi du lịch tập trung vào 5R với các kế hoạch cụ thể là Restart – Khởi động lại, Rebuild – Xây dựng lại, Refresh – Làm mới, Rebound-Phục hồi và Rebalance – Tái cân bằng. Kế hoạch này hướng đến một ngành du lịch với các sản phẩm chất lượng cao, tăng cường sự cần bằng giữa tăng trưởng kinh tế, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Tây Ban Nha xây dựng ngành du lịch cho tương lai thông qua việc thúc đẩy các hoạt động đầu tư trong các lĩnh vực có tính bền vững, các dự án thân thiện với môi trường, các dự án số hóa. Trung Quốc thực hiện nhiều dự án số hóa cho các doanh nghiệp văn hóa và du lịch, thúc đẩy xây dựng du lịch thông minh, tăng cường quản lý thị trường du lịch và chấn chỉnh ngành, cải thiện khả năng phát triển của ngành. (UNWTO, 2021)

Như vậy, các quốc gia đều hướng đến các giải pháp nhằm: giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh thông qua chính sách tiền tệ, chính sách thuế, chính sách về nguồn nhân lực; thiết lập điều kiện bình thường mới thông qua các biện pháp liên quan đến an toàn sức khỏe của du khách và cộng đồng; thực hiện kế hoạch và các dự án đầu tư để xây dựng một ngành du lịch bền vững và có năng lực phục hồi tốt hơn.

Chính sách phục hồi ngành Du lịch tại Việt Nam

Ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, Chính phủ đã khẩn cấp thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh. Thành viên Ban chỉ đạo gồm có Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thứ trưởng của nhiều bộ ngành như Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Tài chính, … Điều đó cho thấy, Chính phủ đã xác định để giải quyết vấn đề do dịch bệnh Covid-19 gây ra cần phải có sự tham gia, phối hợp giữa nhiều bộ ngành và đưa ra những chính sách có tính tổng thể, hệ thống, bước đầu mang lại những kết quả tốt. (Quyết định 170/QĐ-TTg)

Để giảm thiểu tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra, Việt Nam tập trung vào các chính sách thuế, chính sách tiền tệ và chính sách an sinh xã hội. Về chính sách thuế, Việt Nam đã đưa ra các chính sách miễn, giảm, hoãn nộp thuế cung cấp tín dụng thích hợp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Về chính sách tiền tệ, Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn vay, rút ngắn thời gian xem xét hồ sơ vay vốn, giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn; đồng thời các tổ chức tín dụng cũng áp dụng các biện pháp hỗ trợ khác như giãn nợ, miễn giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí cho các khách hàng đang gặp khó khăn. Về chính sách an sinh xã hội, ngay từ đợt dịch đầu tiên, Chính phủ đã đưa ra Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Mới đây nhất, Chính phủ đã đưa ra Nghị quyết 68 ngày 01 thang 7 năm 2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.  Các chính sách này tập trung vào các nội dung như: tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động. Những chính sách này có ý nghĩa rất lớn đối với ngành du lịch, hàng không khi phần lớn các doanh nghiệp du lịch phải tạm ngừng hoạt động, hoạt động hàng không cũng ở mức độ rất hạn chế. Với chính sách này, các hướng dẫn viên du lịch nội địa, quốc tế ở các công ty lữ hành, điểm du lịch sẽ được xem xét hỗ trợ.

Dịch bệnh xuất hiện từ đầu năm 2020 và chưa thể dự báo thời điểm chấm dứt. Chính vì vậy, Việt Nam đã sớm xác định và thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới thông qua các giải pháp như tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh nhằm củng cố trạng thái bình thường mới; kiểm soát phù hợp người nhập cảnh, ngăn chặn hiệu quả nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài; đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vắc xin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc xin phòng dịch Covid-19 sớm nhất. Ngoài các giải pháp chung, ngành du lịch đã đưa ra những giải pháp cụ thể riêng cho hoạt động của ngành. Tổng cục Du lịch đã ban hành Quyết định số 473/QĐ-TCDL ngày 29/4/2020 về việc ban hành hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch. Quyết định này yêu cầu cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên của các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ kinh doanh du lịch được hướng dẫn và phổ biến các quy định về cách phòng, chống dịch Covid-19. Niêm yết bảng thông tin hướng dẫn an toàn phòng chống dịch Covid tại nơi đón tiếp, các khu vực công cộng, khu vực dịch vụ và trong phòng ngủ của khách đối với dịch vụ lưu trú du lịch.

Bằng các giải pháp củng cố trạng thái bình thường mới, Bộ Chính trị chủ trương nghiên cứu cho thí điểm sử dụng Hộ chiếu vắc-xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh. Trên cơ sở tỷ lệ bao phủ vắc xin đạt gần 100% ở nhiều địa phương, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã có đề xuất khôi phục hoạt động du lịch theo ba giai đoạn. Giai đoạn một (từ tháng 11/2021), thí điểm đón khách quốc tế theo chương trình trọn gói thông qua các chuyến bay thuê bao, chuyến bay thương mại tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), Quảng Nam, Đà Nẵng. Giai đoạn hai (từ tháng 1/2022), sẽ mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê bao và quốc tế thường lệ. Giai đoạn ba (từ quý II/2022) mở cửa lại hoàn toàn thị trường khách quốc tế. Kế hoạch cũng đề xuất lựa chọn thị trường khách du lịch quốc tế có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh và lựa chọn một số khu, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, đủ khả năng phân chia khu nghỉ cách biệt, an toàn, dành riêng phục vụ cho khách du lịch quốc tế để triển khai thí điểm trước khi xem xét mở rộng phạm vi theo lộ trình.

Mặc dù hoạt động đón khách du lịch bị ngừng trệ những ngành du lịch vẫn đang tích cực thực hiện các chính sách, chiến lược mang tính lâu dài với quan điểm phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng của cuộc cách mạng 4.0 và chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Với quan điểm này, Tổng cục Du lịch đã triển khai truyền thông mạnh mẽ trên hệ thống website và mạng xã hội, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và địa phương trong chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh; phát triển ứng dụng Việt Nam an toàn, hệ thống khai báo an toàn Covid-19 tích hợp vào hệ thống phòng chống, dịch quốc gia, xây dựng bản đồ số du lịch an toàn, hệ thống chứng nhận số vắc-xin để hỗ trợ đón khách du lịch quốc tế.

Các thách thức đối với ngành Du lịch Việt Nam

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn cho ngành du lịch trên quy mô toàn cầu nhưng vấn đề mà mỗi quốc gia phải đối mặt vẫn có những đặc thù riêng. Đối với ngành du lịch Việt Nam, giai đoạn 2015-2019 là giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất từ trước đến nay. Số lượt khách quốc tế đến hàng năm đều liên tục tăng trưởng ở mức cao. Số lượt khách quốc tế đến năm 2015 đạt 7.9 triệu lượt khách, đến năm 2019 đã tăng gấp 2,3 lần, đạt 18 triệu lượt khách (Tổng cục thống kê, 2015) (Tổng cục thống kê, 2019).

Trong giai đoạn này, lượng vốn đổ vào các dự án đầu tư vào các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, nâng cấp sân bay quốc tế đều tăng mạnh. Các khu du lịch mới đi vào hoạt động đã thu hút được một lực lượng lớn lao động. Dịch bệnh Covid-19 ập đến trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ này là một cú sốc lớn đối với các doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Dịch bệnh kéo dài đã khiến nguồn lực của các doanh nghiệp bị suy kiệt, đời sống người lao động gặp khó khăn, nhiều lao động phải chuyển sang các ngành khác làm việc. Đối với các doanh nghiệp lữ hành, khoảng 90% doanh nghiệp đã tạm thời đóng cửa, 10% trong số đó đã đóng cửa vĩnh viễn. Đối với các doanh nghiệp khách sạn, tỷ lệ lấp đầy phòng chỉ ở mức 10-20% buộc các khách sạn phải cắt giảm lao động, các dự án xây dựng khách sạn mới phải tạm dừng. Chính vì vậy, việc hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động để giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ các nguồn lực có vai trò rất quan trọng không chỉ trong ngắn hạn mà còn có ý nghĩa lớn cho quá trình phục hồi và phát triển của ngành trong dài hạn. (UNWTO, 2021).

Ngoài ra, để có thể thiết lập và duy trì điều kiện bình thường mới thì điều kiện tiên quyết là tỷ lệ tiêm chủng của dân số phải đạt mức cao (khoảng 70%) để đạt được mức miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, khó khăn của Việt Nam là chưa tự sản xuất được vắc-xin nên khó chủ động trong quá trình tiêm chủng cũng như thiết lập các điều kiện bình thương mới và thực hiện các kế hoạch theo đúng dự kiến đã đề ra. Chính vì vậy, mặc dù tỷ lệ bao phủ vắc xin đã đạt được mức cao ở nhiều tỉnh thành trọng điểm nhưng Việt Nam vẫn cần thúc đẩy quá trình đưa vắc xin vào sản xuất và sử dụng để có thể chủ động hơn trong vấn đề kiểm soát an toàn dịch bệnh trong thời gian tới.

Đề xuất giải pháp phục hồi ngành du lịch Việt Nam

Trên cơ sở khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về du lịch và kinh nghiệm thực tế ở các quốc gia, để phục hồi ngành du lịch Việt Nam cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động giảm thiểu thiệt hại, vượt qua khó khăn thông qua chính sách tiền tệ, chính sách thuế và chính sách hỗ trợ người lao động đồng thời giúp cho các doanh nghiệp hạn chế được sự suy giảm nguồn lực đang diễn ra hàng ngày.

Hai là, lập kế hoạch ứng phó với khủng hoảng để tiếp tục giải quyết vấn đề khó khăn hiện tại. Từ bài học về việc ứng phó với khủng hoảng trong hiện tại và quá khứ, lập kế hoạch để chủ động ứng phó với những rủi ro, khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.

Ba là, ban hành và cập nhật các hướng dẫn đẩy đủ về đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch đối với cơ sở kinh doanh du lịch và khách du lịch. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn trong các cơ sở kinh doanh du lịch.

Bốn là, hợp tác quốc tế để thường xuyên cập nhật và áp dụng các biện pháp về đi lại an toàn theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là các biện pháp về đi lại an toàn đối với các thị trường du lịch chính của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Tây Âu.

Năm là, tạo lập các trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh để đón khách quốc tế sử dụng Hộ chiếu vắc-xin. Các trung tâm này cần có hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất tốt, đảm bảo thực hiện được các yêu cầu về an toàn trong phòng tránh dịch bệnh như Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa. Từ đó, tạo lập hành lang du lịch, từng bước mở rộng, phục hồi hoạt động của ngành du lịch.

Sáu là, thúc đẩy hợp tác công tư trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững: phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao theo hướng sản phẩm du lịch xanh, nâng cao các tiêu chuẩn dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm và tuyến du lịch, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch.

Bảy là, tăng cường hợp tác và phối hợp thực hiện giữa nhiều bộ ngành trong chính phủ, giữa cấp trung ương với cấp địa phương, giữa chính phủ với các doanh nghiệp và các cộng đồng làm du lịch trong việc thực hiện các kế hoạch. Đặt các chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch trong tổng thể chiến lược phát triển chung của vùng, của quốc gia để tăng cường năng lực phục hồi cho điểm đến, các doanh nghiệp du lịch và người lao động trong ngành du lịch.

Tài liệu tham khảo:

1. EC (2021), Communication from the commission to the European Parliament, the European Council and the Council, A common path to safe and sustainable re-opening.
2. EC (2021), EU Digital COVID Certificate, https://ec.europa.eu/info/live-work-travel-eu/coronavirus-response/safe-covid-19-vaccines-europeans/eu-digital-covid-certificate_en
3. OECD (2021), G20 Rome Guidelines for the future of tourism, https://www.g20.org/wp-content/uploads/2021/05/G20-Rome-guidelines-for-the-future-of-tourism_OECD-report-to-G20-TWG_CLEAN-COVER.pdf
4. UNWTO (2020), Covid-19 Related travel restrictions a global review for tourism,  https://bit.ly/37lRAMO
5. UNWTO (2020), Policy brief: Covid-19 and Transforming Tourism
6. UNWTO (2021), Covid-19: Measures to support the Travel and Tourism sector, https://webunwto.s3-eu-west-1.amazonaws.com/s3fs-public/2020-06/total.pdf
7. WTTC (2019), Economic Impact Reports, https://wttc.org/research/economic-impact
8. Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội.
9. Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khă do đại dịch Covid-19.
10. Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
11. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.
12. Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 30/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
13. Quyết định số 473/QĐ-TCDL ngày 29/4/2020 của Tổng cục Du lịch về việc ban hành hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
14. Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về Phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
15. Tổng cục thống kê (2020), Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội Quý IV và năm 2020.
16. Tổng cục Thống kê, Kết quả kinh doanh của ngành du lịch 2015.
17. Tổng cục Thống kê, Kết quả kinh doanh của ngành du lịch 2019.

                                                                                                                                                                                                                                                  Phạm Trương Hoàng,
                                                                                                                                                                                                                                                  Lê Thị Bích Hạnh
                                                                                                                                                                                                                                     Trường Đại học Kinh tế quốc dân

(Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo “Du lịch Việt Nam – Phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới”)

 

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam