Trước những thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua, sự sẻ chia, đồng cam cộng khổ của những người Sun Group đã trở thành nguồn sức mạnh để tạo ra kỳ tích giữa đỉnh trời.
Hơi ấm giữa đại ngàn
Từ trên cabin nhìn xuống đại ngàn, anh Trịnh Văn Hà khựng lại khi nhác thấy chiếc lán trúc giữa Hoàng Liên Sơn, như một chấm nhỏ lặng lẽ nhưng tràn đầy cảm xúc. Đó là một trong những nơi anh cùng đồng nghiệp đã dừng chân trong những ngày “mở đường” lên nóc nhà Đông Dương.
Từng là kỹ sư có bề dày kinh nghiệm khi triển khai cáp treo của Sun Group ở Bà Nà, năm 2013, Trịnh Văn Hà được điều động tới Sa Pa với nhiệm vụ định tuyến cho tuyến cáp treo 3 dây đầu tiên của Việt Nam, nối thẳng lên đỉnh Fansipan. Dù hành trang mang theo là sự tự tin và hứng khởi, chàng kỹ sư năm ấy không khỏi choáng ngợp khi đối diện với trùng trùng điệp điệp thử thách đặt ra trước mắt.
“Khó khăn nhiều hơn những gì chúng tôi đã tưởng tượng khi phải “cõng” trên lưng 20 kg vật dụng, từ quần áo tới nồi niêu, xoong chảo. Và khi đặt chân tới độ cao 3.100m - nơi dự định đặt ga đến, mọi thử thách như chỉ mới bắt đầu”, anh Hà hồi tưởng lại những kỷ niệm như mới chỉ diễn ra ngày hôm qua. Ở địa điểm khảo sát này, bất kể ngày hay đêm, sương mù luôn đặc quánh. Nguồn nước khan hiếm tới mức họ phải hứng từng giọt sương đêm, ngóng từng cơn mưa rừng để trữ lại... Gió trên đỉnh Fansipan hun hút, việc nhóm lửa cũng trở nên khó khăn nên những bữa cơm chín trở thành một điều xa xỉ.
Những ngày mở đường định tuyến đầy gian khó.
Màn đêm buông xuống, trong chiếc lán vòm được tính toán để kín gió nhất có thể, những chàng kỹ sư –hầu hết trưởng thành ở miền Trung nóng bức phải chống chọi lại cái rét tê tái, thấu xương. Trong hơi thở tưởng như cũng “hóa băng”, họ cố gắng nằm thật sát bên nhau để mang lại hơi ấm. Đôi khi, những câu chuyện vụn vặt về gia đình, về ước mơ, hoài bão… khiến họ phần nào quên đi tiếng gió rít và thời tiết khắc nghiệt ở bên ngoài kia, khiến họ không bỏ cuộc.
“Ngày qua ngày, những nỗi khiếp đảm đã trở thành điều bình thường. Yêu thương, đoàn kết, đùm bọc, sẻ chia từ miếng cơm, điếu thuốc, tấm áo ấm mới là điều sau cùng đọng lại” - anh Hà kể lạinhững tháng ngày đáng nhớ cùng “đồng đội”. Chính sự yêu thương, sẻ chia ở nơi mà anh vẫn hay tếu táo “chỉ có đàn ông mới mang lại hạnh phúc cho nhau”… đã trở thành một phần sức mạnh để họ hoàn thành nhiệm vụ- góp phần tạo nên kỳ tích giữa đỉnh trời.
Dìu nhau vượt cửa tử
Đối với tất cả những ai xây cáp treo Fansipan, có lẽ, không một ai chưa từng nhìn thấy rắn – thứ “đặc sản” quái gở của dãy Hoàng Liên Sơn. Trong đó có những người không may mắn, trở thành đối tượng bị tấn công của loài mang nọc độc chết người này. Anh Võ Hoài Quốc vẫn dựng tóc gáy khi nhớ tới tiếng kêu thất thanh của ông Minh, người đồng nghiệp cùng anh khảo sát trong rừng, gần trụ T4:“Chú chạy vào đứng trước mặt tôi với khuôn mặt tái mét, trên bắp tay in hằn 4 dấu răng lớn. Tôi vội buộc garo trên vết cắn, rồi cùng một đồng nghiệp khác dìu chú lao nhanh xuống núi”.
Rắn - đặc sản quái gở của Fansipan.
Quãng đường từ trụ T4 tới cửa rừng, nơi các phương tiện cứu hộ có thể tiếp cận xa tới 12 km. Đợt tuyết rơi 3 ngày trước đã xô đổ những cây cổ thụ, trơ những rễ ngoằn ngoèo đầy rêu, khiến lối đi giăng đầy những chướng ngại vật. Thế nhưng, ba con người ấy, không dám dừng lại chỉ một giây. Qua khu vực trụ T3, người của ông Minh bắt đầu sưng lên rồi dần dần căng phồng như một quả bóng. Nọc độc phát tác, người đàn ông khốn khổ rơi vào tình trạng khó thở, đau lưng, toàn bộ vùng cánh tay tím ngắt. Họ cố gắng xách nách, như kéo lê bệnh nhân đi bởi lúc này, toàn bộ cơ thể đã bắt đầu tê liệt vì ngấm độc. Sau 3 tiếng, họ đã tới được cửa rừng, quãng đường mà thông thường có khi mất tới già nửa ngày mới chạm đích.
Chiếc xe cứu hộ đã đứng sẵn ở đó để đưa ngay nạn nhân tới bệnh viện Sa Pa.... Đến tận bây giờ, mỗi lần có dịp gặp nhau ôn chuyện,họ vẫn không thể hiểu nổi, tại sao lại có thể băng qua quãng đường rừng 12 km trong khoảng thời gian 3 tiếng như vậy. Chỉ biết rằng, thời điểm ấy, không thể dừng lại, không thể chậm hơn vì tử thần đang đuổi đến rất gần...
Thử thách tạo nên… gia đình
Ký ức khó quên nhất về tuyến cáp treo Fansipan với phiên dịch viên Nguyễn Xuân Hậu là cái “đập bàn” của chuyên gia tập đoàn hàng đầu thế giới về cáp treoDoppelmayr Garaventa. “Họ đặt ra yêu cầu Sun Group phải đưa đủ vật liệu thi công tập kết trên khu vực đỉnh trong 2 ngày, nếu không họ sẽ bỏ về nước. Chúng tôi bằng mọi giá phải hoàn thành nhiệm vụ này,vì công việc và vì danh dự của chính mình” – Hậu hồi tưởng.
Một đợt cao điểm được đề ra, hàng trăm anh em đồng nghiệp nhất trí đồng lòng làm việc xuyên đêm chạy tiến độ. Người này mệt quá nghỉ, người khác lập tức thay vào, cứ thế liên tục, liên tục. Không một lời thở than, chỉ là những ánh mắt những câu nói động viên nhau cùng cố gắng. Và đúng 48 giờ sau, toàn bộ vật liệu đã được tập kết đầy đủ tại những vị trí yêu cầu.
Tuyến cáp công vụ dùng để vận chuyển vật liệu thi công cáp treo Fansipan.
Khi được hỏi, bằng cách nào có thể vượt qua được “tứ bề áp lực” như vậy, Hậu bảo, có lẽ cái tình đã dìu họ đi qua gian khó. Họ không chỉ sẻ chia từng miếng cơm, cọng mì, mà cùng nhau đặt quyết tâm, đồng lòng hoàn thành những nhiệm vụ. “Chúng tôi cứ làm vì phía trước không biết phải đối mặt với điều gì, cứ xác định vướngở đâu, gỡ ở đó. May mắn, anh em đều là những người trẻ với khát vọng chinh phục lớn, quyết tâm chứng tỏ bản thân mình. Và hơn nữa, ở đây còn có sự tự tôn của dân tộc, chúng tôi quyết tâm khẳng định cho nhiều người thấy được, người Việt Nam nói được, làm được”.
Trải qua nhiều vị trí công tác và các dự án khác nhau của Sun Group nhưng tới nay, chàng phiên dịch viên ngày nào thừa nhận, chưa ở nơi nào anhcảm nhận được tình người ấm áp như tại công trình cáp treo Fansipan. Có lẽ, chính những thử thách “vào sinh ra tử” trong công việc đã khiến khoảng cách của những người đồng nghiệp được thu hẹp để trở thành những “người thân”, như một gia đình.
Nguồn: Báo Văn hoá