Trên suốt chặng đường tới Udon Thani (Thái Lan) chúng tôi cùng nhau hát những bài về Bác. Thi thoảng, trưởng đoàn khảo sát “Hành trình theo dấu chân Bác”, Tổng giám đốc Thai Son Travel Võ Hồng Sáng lại thông báo: “Kiều bào ta tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, làng Nỏng Hang đã đợi đoàn hơn 3 tiếng rồi”, "Bà con đợi lâu lắm rồi"...
Đoàn famtrip "Hành trình theo dấu chân Bác" tại Lào - Thái Lan thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Udon Thani
Dấu chân Bác đặt chốn này…
Thật xúc động khi xe của đoàn chúng tôi vừa tới, các cô chú, anh chị là kiều bào ta tại Udon Thani đã đứng dọc 2 bên cổng để đón đoàn. Lời ca bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vang lên khắp vùng Xiêng Phin (Đông Bắc Thái Lan).
Đưa chúng tôi đi thăm Khu di tích, đặc biệt là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc ở đây, ông Phạm Đức Dậu, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Udon Thani kể lại: “Để phát triển phong trào yêu nước chống thực dân của nhân dân Việt Nam, tháng 7.1928 Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu về Thái Lan hoạt động. Gần 100 năm Người đến nơi này nhưng hình dáng Bác, nụ cười và giọng nói của Người như vẫn ở đây, bên chúng tôi, những người dân nước Việt xa quê. Đến bây giờ, chúng tôi vẫn khắc ghi lời dạy của Người, yêu thương, đoàn kết bên nhau và lan toả văn hoá Việt Nam tới bạn bè trong nước, quốc tế”.
Udon Thani là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc nước Xiêm, vùng có đông Việt Kiều sinh sống. Ở Udon Thani khi đó chi bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, Hội Thân ái và Hội Hợp tác cũng đã ra đời. Khoảng đầu tháng 8.1928, Bác tới Udon Thani, lấy tên là Thầu Chín, giờ cũng chính là tên con đường dẫn vào Khu di tích. Thời gian ở Thái Lan, Bác có nhiều tên gọi khác nhau như: Ông Thọ, Nam Sơn…
Ban quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Udon Thani tiếp đoàn khảo sát với hơn 80 thành viên là lãnh đạo các công ty du lịch Việt Nam
Khi mới tới Udon Thani, Thầu Chín trú chân ở Nỏng Bùa, gần ga xe lửa Udon hiện nay. Sau đó, Thầu Chín chuyển vào ở tại làng Nỏng Ổn, xã Chiêng Phin, thuộc huyện Mương, tỉnh Udon Thani. Những ngày lưu lại đây, Thầu Chín được bà con Việt Kiều giúp đỡ, đùm bọc rất nhiều.
Tại đây, Thầu Chính cũng đã có chủ trương mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Chủ trương phải làm cho người Xiêm có cảm tình hơn nữa với người Việt Nam và Cách mạng Việt Nam; giáo dục Việt Kiều tôn trọng phong tục, tập quán của nhân dân Xiêm; khuyên mọi người học chữ Xiêm và chữ quốc ngữ.
Năm 1929, Thầu Chín rời Udon Thani để tiếp tục đi các địa danh khác hoạt động cách mạng và khơi dậy tinh thần yêu nước trong bà con Việt Kiều ở Thái Lan.
Năm 2002, Tỉnh trưởng Udon Thani đã cho khởi công phục hồi, xây dựng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Nỏng Hang với mục đích đưa nơi đây thành nơi nghiên cứu, học tập lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Đồng thời, tăng cường sự hiểu biết và mối quan hệ hữu nghị giữa Thái Lan- Việt Nam. Chính quyền tỉnh Udon Thani cũng mong muốn phát triển địa danh này trở thành điểm du lịch lịch sử hấp dẫn; tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương thông qua các hoạt động về du lịch.
Đoàn famtrip "Hành trình theo dấu chân Bác" tại Lào- Thái Lan thành kính dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích
“Đầu tháng 12 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Việt Nam đã thăm, thành kính dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và dự lễ khởi công dự án mở rộng Khu di tích tại Udon Thani. Đây là sự động viên lớn đối với Kiều bào ta tại Thái Lan”, ông Phạm Đức Dậu chia sẻ với chúng tôi.
Giới thiệu khu vực mở rộng của Khu di tích, ông Phạm Đức Dậu tự hào cho biết: “Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani có khu trưng bày, gồm những tư liệu lịch sử quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác. Những tư tưởng vĩ đại và sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn mang tính thời sự, là hiện thân của khát vọng mà các dân tộc trên thế giới mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau”.
Thành kính dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, người bạn thân thiết của nhân dân Thái Lan, ông Nguyễn Thế Nghị, Giám đốc ANZ Travel & Event, đơn vị đồng chủ trì tổ chức famtrip “Hành trình theo dấu chân Bác” cho biết: “Sẽ tiếp tục cùng các doanh nghiệp du lịch Việt Nam quảng bá sâu rộng hơn Khu di tích quan trọng này, một trong những công trình mang tính biểu tượng của tình hữu nghị của nhân dân hai nước. Đây cũng là công trình thể hiện nguyện vọng của kiều bào Việt Nam tại Thái Lan nói riêng, trên toàn thế giới nói chung trong việc xây dựng, đồng thời gìn giữ và phát triển các công trình tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Ông Phạm Đức Dậu, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Udon Thani (phải) thông tin tới phóng viên Báo Văn hoá về Dự án mở rộng Khu di tích
Đoàn khảo sát đã trao quà tặng cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu di tích món quà nhỏ và mong muốn Khu di tích sớm hoàn thành mở rộng, đưa vào hoạt động, tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò ý nghĩa của Khu di tích trong thời gian tới.
Trong nhiều năm qua, Khu di tích đã thường xuyên đón các đoàn kiều bào ta cũng như bạn bè Thái Lan, khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chính điều đó đã giúp phát huy mạnh mẽ vai trò của một công trình văn hóa, lịch sử, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan, là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác, giao lưu và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Các thành viên đoàn khảo sát và đại diện Ban quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Udon Thani thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ trong thời gian Người lưu lại làng Nỏng Ổn
Mở ra cơ hội phát triển mới trên tuyến hành lang Đông- Tây
Trên chặng đường hơn 1.700 km xuyên 3 nước: Việt Nam- Lào- Thái Lan, Tổng giám đốc Thai Son Travel Võ Hồng Sáng kể với chúng tôi nhiều câu chuyện về những cơ hội để Việt Nam có thể bứt phá, đón lượng khách lớn từ Lào, Đông Bắc Thái Lan. Tất nhiên, cả việc đưa ngày càng nhiều khách du lịch đi Lào, Thái Lan.
Là lãnh đạo một trong những đơn vị hàng đầu của Nghệ An trong việc tổ chức tour du lịch đường bộ đi Lào và Thái Lan, ông Sáng cho biết: “Trong xu thế hội nhập toàn diện với khu vực và quốc tế, Việt Nam đã tham gia vào “Chiến lược phát triển du lịch ASEAN giai đoạn 2016 - 2025” và đang trở thành điểm đến, thị trường mới nổi với những lợi thế nhất định trong hợp tác song phương và đa phương với các nước trong khu vực”.
Các dòng khách du lịch đang có xu hướng dịch chuyển mạnh tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam ngày càng được thế giới biết đến với những giá trị về bản sắc văn hóa và cảnh quan sinh thái đặc sắc, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho du lịch cả nước nói chung và Hà Tĩnh, các tỉnh miền Trung nói riêng.
Du lịch Lào ngày càng đón nhiều khách du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19
Quan trọng nhất, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Hà Tĩnh nằm trên tuyến hành lang Đông - Tây với CHDCND Lào, Thái Lan, Myanmar và các nước khác trong khối ASEAN. Mặc dù không có những lợi thế vượt trội so với các tỉnh trong khu vực nhưng du lịch Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng để phát triển, có bờ biển dài 137km với nhiều bãi tắm đẹp, hấp dẫn như Thiên Cầm, Xuân Thành, Cửa Sót; là vùng đất có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như: núi Hồng - sông La, hồ Kẻ Gỗ, hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang, rừng Vũ Quang, suối Nước Sốt - Sơn Kim, quần thể khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông, Hoành Sơn Quan, thác Vũ Môn, đảo nổi Xuân Giang…
Tổng giám đốc Thai Son Travel Võ Hồng Sáng (trái) và hướng dẫn viên Lào giới thiệu về điểm đến và dịch vụ du lịch Lào sau dịch Covid-19
Bên cạnh đó, đây còn là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, cách mạng, quê hương của nhiều danh nhân kiệt xuất, gắn liền với các di tích lịch sử như: di tích Đại thi hào Nguyễn Du, di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đền thờ Vua Mai Hắc Đế, đền thờ Chiêu trưng Đại Vương - Lê Khôi, chùa Hương Tích, đền Chợ Củi, đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, thành Sơn phòng Hàm Nghi, khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú, khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập, khu lưu niệm anh hùng Lý Tự Trọng, khu lưu niệm Thành Sen nơi Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc... Toàn tỉnh hiện có 452 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 77 di tích cấp quốc gia và 2 di tích quốc gia đặc biệt.
Điểm đến Lào thu hút khách Việt Nam nói riêng và khách quốc tế nói chung bằng vẻ đẹp bình yên, sâu lắng
Hà Tĩnh cũng là vùng đất nổi danh với đời sống văn hoá dân gian hết sức phong phú được phản ánh qua các làn điệu dân ca, ví dặm, qua lễ hội, làng nghề thủ công… như: Hát Ví, hát Giặm, hát phường vải Trường Lưu và Trường Nga, ca trù Cổ Đạm, múa sắc bùa (ở Kỳ Anh, Đức Thọ, Hương Khê), hò chèo cạn ở Cẩm Nhượng, hò Thạch Khê. Đặc biệt là dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO vinh danh là văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại, “Mộc bản Trường học Phúc Giang” được UNESCO công nhận là Di sản Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương...
“Ở chiều ngược lại, chúng tôi liên tục làm mới lại các sản phẩm, dịch vụ tới Lào, Thái Lan để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách Việt Nam”, ông Võ Hồng Sáng nói.
Kể lại quãng thời gian mới bước vào nghề du lịch, làm nhân viên khách sạn, rồi hướng dẫn viên, đến giờ lãnh đạo công ty du lịch Thái Sơn, ông Sáng nói rằng, Lào có sức hút đặc biệt với các hướng dẫn viên. Nhiều người đã từng chuyển sang hướng dẫn tuyến khác như: Trung Quốc, Hàn Quốc… nhưng rồi lại quay về hướng dẫn tour Lào. Và hướng dẫn tuyến này cũng liên tục có sự bồi đắp kiến thức, sâu sắc hơn, tinh tế hơn để phù hợp với những vị khách luôn dành những tình cảm đặc biệt cho Lào.
Văn hoá Lào hiển hiện trong cuộc sống đời thường và tạo ra vẻ đẹp khác biệt của điểm đến
Khách du lịch đi Lào thường là những người hoài cổ, ưa cuộc sống bình yên, nhẹ nhàng, đằm thắm, thuỷ chung. Đặc biệt là các cựu binh bộ đội tình nguyện và chuyên gia tình nguyện Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào trong các cuộc chiến chống kẻ thù chung, giành độc lập và tự do cho người dân hai nước. Họ- những người lính ấy và con cái họ vẫn không thể nào quên được những năm tháng cùng chung chiến hào, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, những tháng ngày tuổi trẻ đầy ý nghĩa của cha ông.
Hiện nay, tuyến du lịch trong nước và quốc tế đã được liên kết; phối hợp với các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ xây dựng bản đồ liên kết, khai thác lợi thế về hành lang kinh tế Đông - Tây trên tuyến Quốc lộ 8A và đường 12, tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh; hợp tác với các tỉnh trong khu vực theo chủ đề “4 địa phương một điểm đến”.
Hà Tĩnh (Việt Nam) có nhiều cơ hội kết nối, trao đổi khách với các tỉnh của Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan qua hành lang kinh tế Đông - Tây
Qua các chương trình hợp tác 9 tỉnh của 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan (sử dụng chung Quốc lộ 8A và đường 12), Hà Tĩnh đã kết nối các khu du lịch: Thiên Cầm, Xuân Thành, các khu di tích (Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc) với suối nước nóng Laksao, du lịch bản Nacoi, hang đá núi Thenchau của tỉnh Bolykhamxay và khu bảo tồn Đa dạng sinh học Quốc gia Nakai - Nam Theun của tỉnh Khammuane (Lào) để tạo thành tour du lịch theo Quốc lộ 8 qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) và Cha Lo (Quảng Bình).
Những định hướng này đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, trao đổi khách giữa Hà Tĩnh nói riêng, Việt Nam nói chung với các tỉnh thuộc Lào và Đông Bắc Thái Lan.
(Còn nữa)
Ghi chép của THUÝ HÀ