Phát triển ẩm thực chay thu hút khách du lịch quốc tế

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu cùng những bất cập về môi trường sống và vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch COVID-19 dẫn tới nhiều thay đổi về nhận thức và lối sống của con người. Lối sống xanh, hòa hợp với tự nhiên đang dần trở thành xu hướng phổ biến trên phạm vi toàn cầu. Cùng với đó, một bộ phận dân số thế giới đã chuyển sang hình thức ăn chay kể cả khi đi du lịch. với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa,Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển ẩm thực chay. Đây hứa hẹn là một hướng phát triển mới để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

 

 

Một bữa ăn chay

Trào lưu ăn chay trên thế giới

Ăn chay được hiểu là lối ăn uống hạn chế hoặc không sử dụng các thực phẩm và chế phẩm có nguồn gốc từ động vật. Có nhiều kiểu ăn chay như ăn thuần chay (vegan), trường chay (vegetarian), ăn thực vật (plant-based)...

Phong trào ăn chay trên thế giới đang phát triển hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây. Hầu hết tất cả các khu vực, các vùng lãnh thổ đều có những phong trào và hoạt động quảng bá cho lối sống này. Dữ liệu tìm kiếm từ Google Xu hướng (Google Trend) cũng cho thấy sự quan tâm đến lối sống ăn chay trên toàn thế giới tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn từ cuối những năm 2000. Tại Hoa Kỳ, theo kết quả nghiên cứu của Ipsos Retail Performance, đến năm 2019 số người ăn chay trường tại quốc gia này đã tăng lên gần 10 triệu người và theo dự báo con số này còn tiếp tục tăng lên trong những năm tới.

Trong khi đó, tổng hợp của The Goodness Project cho biết, năm 2019 chứng kiến bước nhảy vọt đáng kinh ngạc nhất ở vương quốc Anh khi số người ăn chay trường tăng lên 600.000 người (chiếm 1,16% dân số). Các thành phố lớn như Brighton, Bristol, Cardiff và Norwich đều được công nhận là những thành phố thân thiện với người ăn chay và thu hút một lượng lớn du khách.

Ở Canada, số người ăn chay đã tăng lên 250%. Theo số liệu năm 2020, quốc gia này có hơn 2,3 triệu người ăn chay và 850.000 người ăn chay trường. Hướng dẫn chế độ ăn uống của Canada xuất bản vào năm 2019 cũng nhấn mạnh đến việc ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

Chế độ ăn chay cũng đang phát triển trên khắp châu Á. Hướng dẫn chế độ ăn uống của Trung Quốc cũng khuyến khích tiêu thụ nhiều rau và đậu nành để nhằm khuyến khích 1,3 tỷ người của quốc gia này giảm lượng thịt ăn xuống 50% để có lợi cho cả sức khỏe và môi trường.

Ở Australia, từ năm 2014 đến năm 2016, số lượng các sản phẩm thực phẩm có công bố là thuần chay đã tăng 92%. Theo báo cáo năm 2020, Australia chỉ đứng sau vương quốc Anh về sở thích ăn uống từ thực vật.

Tại Việt Nam, người dân có cơ hội tiếp cận chế độ ăn chay từ rất lâu dưới sự ảnh hưởng của tín ngưỡng và tập trung ăn chay vào các ngày mùng 1 và ngày 15 (âm lịch) hàng tháng. Một kết quả nghiên cứu thị trường về ẩm thực chay cho thấy, ở Việt Nam có khoảng 10% dân số thường xuyên ăn chay và có xu hướng tăng trong tương lai.

Phong trào ăn chay trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ

Phát triển ẩm thực chay thu hút khách quốc tế

Là một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển ẩm thực chay như nguồn gia vị thực vật phong phú; nguồn thực phẩm rau củ quả rất dồi dào, đa chủng loại và tươi mới; bề dày ẩm thực lâu đời và kinh nghiệm pha trộn công thức độc đáo. Năm 2021, Việt Nam có 2 nhà hàng chay là Hum Vegetarian (thành phố Hồ Chí Minh) và Vegan Zone (Hội An, Quảng Nam) vinh dự lọt vào top 25 nhà hàng chay tốt nhất thế giới theo đánh giá của Tripadvisor. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia thân thiện với khách du lịch ăn chay và ẩm thực chay hứa hẹn là một hướng phát triển mới để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Để tăng cờng thu hút khách, khai thác hiệu quả lợi thế của Việt Nam về ẩm thực chay, cần có các chính sách khuyến khích và đầu tư của các doanh nghiệp để phát triển thêm các nhà hàng chay đạt tiêu chuẩn. Theo thống kê vào ngày 18/5/2022 từ trang Happy Cow - mạng lưới các nhà hàng chay toàn cầu, Việt Nam có khoảng 1.400 nhà hàng chay phục vụ khách du lịch quốc tế. Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu với khoảng 325 nhà hàng, Hà Nội 182 nhà hàng, Đà Nẵng 129 nhà hàng và các địa phương còn lại có nơi chỉ có một hoặc vài lựa chọn hạn chế như Đông Hà (30), Điện Biên Phủ (1)... Trong số đó, khoảng 70% là các nhà hàng chay nhỏ chưa phù hợp với khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các đoàn khách đông người. Việc có thêm các nhà hàng chay đạt tiêu chuẩn sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh về chất lượng món ăn và chất lượng dịch vụ.

Khuyến khích sáng tạo làm phong phú và cải thiện thực đơn chay. Theo khảo sát trực tiếp tại khoảng 20 nhà hàng chay tại Hà Nội, Huế và Hội An, thực đơn tại các nhà hàng chay còn khá đơn điệu. Trong khi các nhà hàng thông thường cung cấp thực đơn phong phú và sáng tạo với hàng nghìn lựa chọn thì nhiều nhà hàng chay vẫn dừng lại ở các món chay Việt như gỏi hoa chuối kiểu chay, gỏi xoài kiểu chay, đậu hũ, rau củ chiên, nem cuốn chay tươi, nem chay chiên, bún chay… Thêm vào đó, nhiều nhà hàng chay địa phương phục vụ khá nhiều món chiên xào và lạm dụng đồ giả thịt làm từ bột và phụ gia thực phẩm như giả thịt bò, giả tôm, giả sườn non, giả cá… Các món ăn trên có thể là những trải nghiệm thú vị ban đầu nhưng không có sức hút lâu dài với du khách ăn chay. Chính vì vậy, việc sáng tạo và bổ sung thực đơn món chay, đặc biệt là các món chay sử dụng nguyên liệu rau, củ, quả, nấm, hạt… được trồng và sản xuất tại địa phương, kết hợp phong vị Việt Nam và quốc tế sẽ mang đến sự mới lạ, phong phú để thu hút khách du lịch ăn chay quốc tế.

Đa dạng hóa và phát triển thực đơn chay phục vụ trong các khách sạn cao cấp. Theo khảo sát nhanh từ các trang website của 40 khách sạn 4 - 5 sao trên cả nước, khoảng 80% trong số đó chưa công bố một thực đơn ăn chay riêng để tạo thuận lợi cho khách hàng lựa chọn. Số ít khách sạn còn lại có thực đơn món chay riêng hoặc món chay lẫn trong thực đơn như Khách sạn Sofitel Metropole, hệ thống Khách sạn La Siesta, Khách sạn Caravelle… nhưng số lượng món chay vẫn rất khiêm tốn. Việc bổ sung thêm món chay vào thực đơn sẽ giúp các khách sạn nâng cao tính cạnh tranh trong lĩnh vực ẩm thực.

Thiết kế không gian nhà hàng mang lại sự thoải mái và hòa nhập. Nhiều du khách quốc tế chuyển sang ăn chay không vì mục đích tôn giáo, họ chú trọng nhiều hơn vào mục đích chữa lành, bảo vệ môi trường, sức khỏe và đạo đức… Tuy nhiên, khoảng 80% nhà hàng chay tại Việt Nam có thiết kế và bài trí mang đậm màu sắc tôn giáo với việc trưng bày nhiều tượng Phật, đồ trang trí, tranh ảnh và các ấn phẩm liên quan tới đạo Phật. Đây là điều khá dễ hiểu khi ăn chay được biết đến như là lối ăn của những người theo đạo Phật. Song, việc lạm dụng thiết kế không gian đậm chất tôn giáo mang lại cho nhiều thực khách cảm giác e dè và bớt đi sự thoải mái, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế và những người không đồng tôn giáo. Chính vì vậy, việc kiến tạo một không gian ăn chay thân thiện, cởi mở, xanh tươi và lồng ghép với bảo vệ môi trường sẽ tạo ra sự tự nhiên và thoải mái giúp thu hút nhiều du khách ăn chay hơn.

Đẩy mạnh công tác truyền thông và quảng bá. Hiện nay, khi tìm kiếm với cụm từ “vegetarian restaurant near me” hoặc “vegan restaurant near me” ở Việt Nam trên các công cụ tìm kiếm như Google, Bing… cho kết quả hiển thị khá khiêm tốn. Điều này dẫn đến những trở ngại nhất định cho du khách khi muốn tìm kiếm các nhà hàng chay phù hợp. Nguyên nhân được nhận định là do các nhà hàng chay tại Việt Nam đa phần vẫn dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ nên gặp rào cản trong việc chuyển đổi ngôn ngữ nhằm truyền thông và quảng bá hình ảnh của mình. Vì vậy, các nhà hàng chay nên chú trọng đẩy mạnh quảng bá, giúp thu hút khách quốc tế nhiều hơn.

Món chay được bày trí rất đẹp mắt

 

Tin cùng chuyên mục

Video quảng bá du lịch

Thương hiệu du lịch hàng đầu

TRAVEL GUIDE BOOK

+26
°
C
H: +27°
L: +20°
Hà Nội
, 17
Xem Dự báo 7 ngày
+32° +28° +27° +29° +36° +35°
+20° +21° +20° +22° +23° +23°

Khám phá du lịch Việt Nam