Tết, ngày lễ quan trọng và có ý nghĩa nhất trong năm của người Việt. Tết với mỗi người dân là thời khắc vô cùng thiêng liêng để hướng về cội nguồn, là dịp để mỗi người con đất Việt sum họp bên gia đình sau những ngày lao động vất vả. Không biết từ bao giờ người dân Việt Nam bắt đầu có Tết, và không biết tự bao giờ Tết đã trở nên thiêng liêng trong đời sống của những người con đất Việt.
Người Việt sống gần gũi với thiên nhiên, ngày Tết không thể thiếu đi sắc thắm của hoa đào, rực rỡ của hoa mai. Vào thời điểm miền Bắc bung nở những nụ hoa đào tươi thắm, miền Nam rạng rỡ những cánh hoa mai vàng là lúc tiết xuân đã đến. Người người, nhà nhà rộn ràng chuẩn bị cho Tết với sự náo nức mong chờ của cả một năm. Với người Việt Nam, Tết cũng là dịp để mọi người kết nối các mối quan hệ của mình, xóa bỏ hận thù, gia đình đoàn tụ. Có những người cả năm bận rộn công việc thì Tết chính là dịp được họ trông chờ nhất để trở về quê hương ăn tết cùng với gia đình, chăm nom thờ cúng tổ tiên và thăm hỏi sức khỏe của họ hàng, người thân.
Không khí Tết rộn ràng trong mỗi gia đình bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp. Đây cũng chính là ngày cung tiến ông Công, ông Táo về trời, một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong năm. Tục cúng Táo quân khởi nguồn từ bếp lửa tượng trưng cho sự ấm no, sung túc. Ngày Tết là khởi đầu mới chất chứa bao điều hy vọng về sự sung túc và thịnh vượng. Chuẩn bị một cái tết đủ đầy để mong một năm đầy đủ, vì thế người ta sẽ cố gắng một cái Tết thật trọn vẹn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Những ngày giáp Tết, người dân rất thích đến những vườn đào để ngắm và chọn về cho gia đình những cành hoa đào đẹp nhất. Trong quan niệm của người Việt, hoa đào mang lại sự may mắn, niềm vui. Vì thế, Tết không thể thiếu loài hoa này. Ngoài ra, còn có thêm quất. Đào có cả nụ, cả hoa, cánh dày dặn. Quất thì có cả quả xanh, quả chín, đầy đủ nụ và hoa, như vậy mới tượng trưng cho tài lộc, may mắn.
Không khí trước Tết càng lúc càng rộn ràng, khi mọi thứ đã lên mâm thì cũng là lúc trang hoàng nhà cửa, lau dọn bàn thờ được hoàn tất. Lễ tết chính là dịp quan trọng nhất, người ta dành những món ngon nhất thành kính dâng lên tổ tiên. Đây còn là lúc để nhớ ơn ông bà, cha mẹ đã khuất, tạ ơn các vị gia thần, thần đất đã trông coi nơi mình ở chu đáo. Sau đó là cả nhà quây quần bên mâm cỗ Tết, với các thành viên trong gia đình, đó là điều thiêng liêng, cũng là điều rất đáng tự hào.
Tết mang lại cho người ta thật nhiều xúc cảm. Khi thấy sắc hoa đào trên phố, lòng người thường xốn xang khát khao trở về quê hương, đó cũng là đạo lý uống nước nhớ nguồn bao đời của người Việt. Nếu Tết của phương Tây là vui chơi cộng đồng thì Tết của người Việt là sum vầy. Tết đã tạo ra sợi dây gắn kết những thành viên trong gia đình, bởi đó là thời điểm người Việt cùng nhau thực hành những lễ nghi, sinh hoạt chung.
Đối với người Việt Nam thì mâm cỗ tết rất quan trọng. Mâm cơm chiều 30 Tết không phải vui bởi mâm cao cỗ đầy, mà vui bởi sự hội ngộ của bao gương mặt đã lâu không gặp. Chén rượu ngày cuối năm mọi người sẽ nói với nhau những điều tốt đẹp, cư xử với nhau chan hòa thân ái. Tết là dịp quan trọng, nên trong mọi lễ nghi người ta thường đề cao cái tâm hơn là mâm cao cỗ đầy, mong ước những điều tốt đẹp, tình yêu với gia đình làng xóm. Tết níu giữ con người lại gần nhau hơn.
Những người con dù đi xa, ngày Tết cũng mong được quay trở về nhà bên nồi bánh chưng ngút khói. Chẳng ai bảo ai, nhưng cứ Tết đến, người ta lại trở về quê hương. Những người đi làm ăn xa mỗi lần về quê chính là những ngày trở về với nguồn cội, là sợi dây ý nghĩa gia đình gắn kết. Mọi thành viên trong gia đình bên nhau ngày Tết chính là ý nghĩa của sự sum vầy.
Hương vị Tết với bánh chưng xanh, mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên đã trở thành hình ảnh của quê hương, để mỗi người xa quê, dù ở nơi đâu đến mỗi độ xuân về lại bồi hồi nhớ quê da diết. Hương vị bánh chưng rất mộc mạc nhưng lại rất đỗi say lòng, khiến cho những người con Việt dù ở đâu, ngày Tết cũng muốn được ăn một miếng bánh chưng mới cảm thấy Tết trọn vẹn.
Tết đến xuân về không chỉ là niềm khao khát của biết bao đứa trẻ để được xúng xính quần áo mới, không những được ăn bánh mứt, được nhận lì xì mà đó còn là thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới giữa một chu kỳ vận hành giữa trời đất, vạn vật, cỏ cây. Bên cạnh đó là sự mong muốn trường tồn, sự hài hòa giữa thiên địa nhân và sự gắn kết giữa mọi người trong gia đình. Sau những gì đã qua trong một năm cũ, người ta cùng nhau cố gắng trong một năm mới an khang thịnh vượng, an lành hạnh phúc.
Tết đến, xuân về, hân hoan xuân mới với những hoài bão mới. Người người, nhà nhà rộn ràng đón xuân. Trong tiết xuân ngập tràn, người ta trao gửi đến nhau tình yêu thương với niềm hạnh phúc đong đầy trong từng ánh mắt, nụ cười.
Lam Sương