Chuyển đổi số và việc sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của ngành Du lịch Việt Nam, cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa và nâng cao hiệu suất của các hoạt động du lịch tại Việt Nam. Đó là chia sẻ của ông Caesar Indra, Chủ tịch Traveloka với phóng viên (PV) Tạp chí Du lịch.
PV: Đánh giá của ông về thị trường du lịch Việt Nam cuối năm?
Ông Caesar Indra: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đặt mục tiêu đạt 110 triệu lượt khách (gồm 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa) vào năm 2023. 5 tháng đầu năm, toàn ngành Du lịch đã có những bước tiến đáng kể, ghi nhận 50,5 triệu lượt khách nội địa và gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế. Những con số này tương ứng đạt 49,5% và xấp xỉ 57,5% mục tiêu năm 2023. Với 6 tháng còn lại và mùa du lịch cao điểm đang đến, có rất nhiều cơ hội để ngành Du lịch đạt được hay thậm chí vượt mục tiêu đề ra.
Sự phục hồi của ngành Du lịch Việt Nam năm 2023 dự kiến sẽ được hỗ trợ bởi cả thị trường du lịch nội địa và quốc tế. Đặc biệt, thị trường du lịch nội địa đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng của ngành, được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng cao, nhu cầu du lịch đa dạng và khả năng phục hồi mạnh mẽ đã được chứng minh từ năm 2022. Du lịch nghỉ dưỡng và du lịch ngắn ngày vào cuối tuần đặc biệt phổ biến, với những điểm đến hàng đầu như Bà Rịa, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng và Khánh Hòa...
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ góp phần quan trọng vào việc đạt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Năm 2023 đánh dấu năm đầu tiên biên giới được mở cửa trở lại hoàn toàn kể từ đại dịch, du khách có xu hướng lên kế hoạch chu đáo cho kỳ nghỉ của mình sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các thông tin. Việc các hãng hàng không tăng dần số lượng và công suất chuyến bay sẽ tạo ra nhiều cơ hội đi lại hơn trong năm 2023.
Nền tảng của chúng tôi đã ghi nhận lượng đặt vé máy bay tăng đều đặn kể từ đầu năm cho đến tháng 6, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ trước đại dịch tức năm 2019. Chúng tôi cũng ghi nhận lượng đặt phòng với mức tăng trưởng đầy hứa hẹn vào đầu năm 2023, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi cũng phát hiện du khách ở Việt Nam có sở thích đến các điểm tham quan thân thiện với gia đình, bao gồm các thành phố có bãi biển và các điểm tham quan gần gũi với thiên nhiên. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy xu hướng du lịch văn hóa đang phát triển mạnh mẽ, điều này được hậu thuẫn bởi di sản văn hóa và lịch sử phong phú của đất nước Việt Nam. Đáng chú ý hơn cả, các điểm đến như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc và Huế đã ghi nhận có lượng đặt vé máy bay đáng kể trên nền tảng của chúng tôi.
Những con số này cho thấy mối quan tâm bền vững và mạnh mẽ đối với các hoạt động du lịch và lữ hành tại Việt Nam. Với những số liệu liệu đáng khích lệ như vậy, chúng tôi tin tưởng rằng ngành Du lịch Việt Nam sẽ chào đón sự hồi sinh thành công vào cuối năm nay.
PV: Những thuận lợi và khó khăn của Traveloka trong quá trình chung tay phục hồi và phát triển Du lịch Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?
Ông Caesar Indra: Xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ là nền tảng kinh doanh của chúng tôi. Traveloka đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác địa phương và các cơ quan Chính phủ để khắc phục hậu quả của đại dịch đối với ngành Du lịch. Những mối quan hệ quý giá này cung cấp cho chúng tôi nền tảng vững chắc để giúp ngành Du lịch phục hồi, đẩy nhanh việc áp dụng các giải pháp số và thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động du lịch bền vững. Chẳng hạn như, chúng tôi đã hợp tác với Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh để ra mắt các sản phẩm Vận chuyển và Khách sạn cách ly. Dự án này rất quan trọng và độc đáo tại thời điểm đại dịch do những lợi ích của nó đối với xã hội. TP. Hồ Chí Minh là thành phố đầu tiên ở Việt Nam số hóa quy trình đặt khách sạn cách ly trong đợt dịch đầu tiên.
Hợp tác với các cơ quan Chính phủ cho phép Traveloka tận dụng công nghệ của mình để quảng bá các điểm đến địa phương và cung cấp thông tin về các hoạt động thú vị tại các tỉnh, thành đó. Đây là cơ hội để giới thiệu các điểm đến ít phổ biến trên nền tảng, góp phần vào nỗ lực của Chính phủ nhằm đa dạng hóa du lịch và phân phối lợi ích kinh tế giữa các vùng, miền khác nhau.
Việc thắt chặt các mối quan hệ đối tác với Chính phủ nhấn mạnh tầm nhìn của Traveloka về tiềm năng của các tác động kinh tế và xã hội mà nền tảng du lịch của chúng tôi có thể mang lại cho người dùng, các bên liên quan và toàn bộ hệ sinh thái trong khu vực. Chúng tôi nhận thấy những thành công của Chính phủ trong giai đoạn đầy khó khăn vừa qua đã giúp từng bước trên hành trình dẫn đến thành công của Traveloka. Do đó, chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để nắm bắt các cơ hội trong tầm tay, góp phần phục hồi và phát triển ngành Du lịch Việt Nam.
PV: Theo ông, công tác chuyển đổi số trong du lịch tại Việt Nam hiện nay diễn ra như thế nào? Đã đã đáp ứng được xu hướng chung của thế giới chưa?
Ông Caesar Indra: Quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, điều này nhằm thu hút du khách sau đại dịch. Các doanh nghiệp ở thành thị lẫn nông thôn đang chuyển đổi chiến lược sang tiếp cận người dùng trên nền tảng số bằng việc tập trung vào việc hiện diện trực tuyến và đổi mới công nghệ. Chuyển đổi số trong ngành Du lịch của Việt Nam đang được thúc đẩy bởi lộ trình chuyển đổi mới ban hành của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, với mục tiêu cải tổ ngành Du lịch thông qua tích hợp các công nghệ tiên tiến, như triển khai du lịch thực tế ảo và tiếp thị số tại Thanh Hóa và TP. Hồ Chí Minh. Việt Nam với vị thế tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực kinh tế số ở khu vực Đông Nam Á theo báo cáo của e-Conomy SEA 2022 thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với việc áp dụng chuyển đổi số trong ngành Du lịch.
Nỗ lực chuyển đổi số ngành Du lịch của Việt Nam phù hợp với xu hướng chung trên toàn cầu. Khi thế giới ngày càng số hóa, công nghệ sẽ không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là động lực phát triển cho nhiều ngành, bao gồm cả du lịch. Bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến như du lịch thực tế ảo và triển khai các chiến lược marketing sáng tạo, Việt Nam đang thể hiện sự cam kết trong việc dẫn đầu cuộc đua số hóa.
Hơn nữa, sự phát triển nhanh chóng của du lịch Việt Nam là minh chứng rõ ràng về tác động tích cực của chuyển đổi số. Bằng cách sử dụng các công cụ và nền tảng kỹ thuật số, Việt Nam đã thu hút được một số lượng lớn khách du lịch nội địa. Điều này một lần nữa nhấn mạnh sự thiết yếu của chuyển đổi số trong việc đáp ứng các nhu cầu và sở thích của các du khách hiện đại.
Việc giữ vị trí dẫn đầu trong chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam định vị mình là một điểm đến hấp dẫn cho du khách và duy trì sức cạnh tranh trên thị trường du lịch quốc tế. Bằng cách nhận thức rằng chuyển đổi số là một hành trình liên tục, ngành du lịch của Việt Nam sẽ có thể phát triển mạnh mẽ hậu đại dịch và xa hơn thế nữa
PV: Theo ông, Việt Nam nên có định hướng, thay đổi gì cho truyền thông, quảng bá du lịch?
Ông Caesar Indra: Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới đã cho thấy hiệu quả rất lớn của truyền thông quảng bá thông qua các thiết bị thông minh, nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram trong phát triển du lịch. Ngày nay, công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) cho phép nắm bắt và phân tích hành vi, sở thích của khách du lịch, dựa vào đó đưa ra những đề xuất phù hợp và dự đoán trào lưu tương lai. Việc phát triển các trang web thông tin du lịch hiện đại, đa ngôn ngữ và tích hợp văn hóa địa phương là rất quan trọng để thu hút khách du lịch nước ngoài. Ngoài ra, tận dụng các chương trình khuyến mãi trên internet, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm và các nền tảng kỹ thuật số như Google Arts & Culture và YouTube có thể giúp mở rộng thị trường du lịch tại Việt Nam.
Để bắt kịp xu hướng quốc tế, các cơ quan du lịch của Việt Nam có thể áp dụng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI). Bao gồm cả trí tuệ nhân tạo có khả năng tự tạo ra dữ liệu hoặc nội dung mới (generative AI) như ChatGPT và GPT-4, sẽ giúp cách mạng hóa ngành công nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả và sự tiện lợi cho khách du lịch. Chatbot AI có thể xử lý các câu hỏi và việc đặt vé của khách hàng, trong khi các trợ lý ảo AI có thể thiết kế lịch trình du lịch để nâng cao hiệu suất làm việc. Đầu tư vào những giải pháp này cho phép các công ty xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, mang lại những trải nghiệm du lịch mượt mà mà vẫn gia tăng hiệu quả.
Nhìn chung, chuyển đổi số và việc sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của ngành Du lịch Việt Nam, cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa và nâng cao hiệu suất của các hoạt động du lịch tại Việt Nam.
Traveloka là công ty cung cấp các sản phẩm dịch vụ địa phương và một danh mục phong phú bao gồm vé tham quan, vui chơi cũng như phiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp tại địa phương. Traveloka cũng cung cấp các sản phẩm tài chính, thanh toán và bảo hiểm để giúp người tiêu dùng Đông Nam Á đáp ứng nguyện vọng của mình. Traveloka trở thành nền tảng du lịch phổ biến nhất ở Đông Nam Á. |
Đoàn Hoa (Thực hiện)