Hà Nội, đất trăm nghề hội tụ, kết tinh, lan tỏa với nhiều ngành nghề truyền thống, không chỉ mang tới cho du khách những sản phẩm thủ công hấp dẫn mà còn giúp ngành Du lịch Thủ đô ngày càng phát triển.
Hà Nội hiện có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, 318 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận, với 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Du lịch làng nghề tại Hà Nội là một hướng phát triển du lịch đang được chú trọng.
Một số làng nghề đã có sự đầu tư để đón khách du lịch như làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh..., du khách đến với làng nghề có thể tìm hiểu văn hóa của làng, xem nghệ nhân trình diễn nghề và trải nghiệm một số công đoạn sản xuất sản phẩm làng nghề, mua sắm sản phẩm làng nghề, quà tặng.
Làng gốm Bát Tràng
Bát Tràng là một làng cổ nằm bên sông Hồng, từ xưa, người dân ở đây đã sinh sống và phát triển bằng nghề gốm sứ. Nhờ kỹ thuật tạo lớp men và kỹ thuật lò nung chuẩn xác cùng với việc thổi “linh hồn” vào tác phầm, các nghệ nhân ở đây đã khéo léo tạo nên một loại sản phẩm gốm đặc biệt hài hòa về bố cục, màu sắc thanh nhã thể hiện cho sự tinh tế của con người. Đến làng cổ Bát Tràng, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc lâu đời và trải nghiệm một đời sống bình yên nơi làng quê: nhà cổ Vạn Vân, đình làng Bát Tràng. Hầu hết khách du lịch khi đến với làng gốm Bát Tràng đều mong muốn được một lần tự mình làm ra những sản phẩm gốm sứ độc đáo.
Lụa Hà Đông hay làng lụa Vạn Phúc
Lụa Hà Đông hay làng lụa Vạn Phúc chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Tơ lụa Vạn Phúc là những mặt hàng dệt thủ công từ tơ tằm, bền, đẹp, lại vô cùng phong phú về màu sắc, kiểu dáng. Nhiều năm trở lại đây, làng lụa Vạn Phúc đã phát triển và trở thành một trong các điểm du lịch được yêu thích nhất tại Hà Nội. Du khách đến đây sẽ được đi tham quan xưởng dệt, tìm hiểu quy trình để tạo ra những tấm lụa mềm mịn, từ công đoạn như khâu tơ, hồ sợi, khâu dệt đến khâu nhuộm… Mỗi khâu đều phải tiến hành từng bước khá công phu thì mới cho ra đời được những sản phẩm chất lượng nhất khiến lụa Hà Đông lừng danh khắp trong nước.
Làng chuồn chuồn, bướm tre Thạch Xá
Làng nằm dưới chân núi Tây Phương nơi chùa Tây Phương tọa lạc thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Sản phẩm chính là chuồn chuồn, bướm đủ màu sắc làm bằng tre và được sơn vẽ đẹp mắt, điều đặc biệt là chuồn chuồn, bướm đứng cân bằng được bằng đầu mỏ.
Làng quạt Chàng Sơn
Quạt Chàng Sơn (Thạch Xá) đã có từ 200 năm nay. Quạt Chàng Sơn từng được người Pháp đem sang Paris triển lãm từ thế kỷ 19. Cả xã Chàng Sơn gần một vạn dân thì có đến 3.000 người làm nghề quạt, mỗi ngày xuất ra thị trường gần trăm nghìn chiếc đủ loại: quạt giấy, quạt nan, quạt the, quạt lụa, quạt tranh...
Làng nón Chuông
Làng thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng. Chợ nón làng Chuông họp mỗi tháng 6 phiên và đều vào ngày chẵn trong tháng, mùng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch mỗi tháng. Chợ họp rất sớm vào thời gian từ 6 giờ đến khoảng 8 giờ thì chợ tan. Phiên chợ chỉ bán nón và các nguyên liệu phục vụ làm nón. Nhưng không nhất thiết phải đi đúng phiên chợ, bạn có thể đến vào ngày thường xem làm nón và mua nón.
Làng mây tre Phú Vinh
Với truyền thống lâu đời, làng mây tre đan Phú Vinh ở xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm. Sản phẩm từ mây tre của người dân trong làng chủ yếu là thúng, mủng, dần, sàng, túi, hộp... các đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, theo nhu cầu cuộc sống, làng còn làm những sản phẩm mây tre đan như các đồ vật trang trí, chao đèn, rèm cửa, tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối...
Làng rối nước Đào Thục
Phường múa rối nước làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, được biết đến là nơi gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền, môn nghệ thuật dân gian rối nước, đã có gần 300 năm nay. Khi diễn có thủy đình - nhờ nước để con rối hoạt động, nhờ nước giấu đi bộ máy và cách điều khiển, đây là sáng tạo tuyệt vời của nghệ sĩ dân gian. Nước làm cho con rối sinh động, tươi tắn. Trưởng phường, diễn viên điều khiển con rối, nhạc công chơi đàn, sáo, nhị, trống, thanh la, tù và... cùng các ca sĩ. Các ca sĩ hát được các làn điệu chèo, tuồng, dân ca, hát văn, hát xẩm...
Ngoài ra, làng thêu Quất Động (Thường Tín), làng lồng chim Canh Hoạch (Thanh Oai), làng Kim hoàn Định Công, làng đúc đồng Ngũ Xã, làng hoa Tây Tựu, làng đào Nhật Tân, làng quất Tứ Liên... cũng là những làng nghề truyền thống hấp dẫn thu hút du khách, tạo nên một nét đặc sắc văn hóa, một loại hình du lịch trải nghiệm cho du khách khi đến Thủ đô.
Phương Lan