Tối ngày 21/5, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Ucraina tại Việt Nam tổ chức sự kiện “Sắc màu Di sản”, trnh diễn bộ sưu tập áo dài và trang phục thêu truyền thống của Nghệ nhân ưu tú áo dài Việt Nam Lê Thị Lan Hương và nhà thiết kế Ucraina Oksana Polonets.
Tham dự sự kiện có Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương; Đại sứ Ucraina tại Việt Nam Oleksandr Gaman; đại diện các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế; các đại sứ quán và đoàn ngoại giao tại Việt Nam.
Sự kiện “Sắc màu Di sản” giới thiệu vẻ đẹp duyên dáng, thướt tha, không kém phần lộng lẫy của trang phục truyền thống Việt Nam và Ucraina; với nét tương đồng thú vị trong sử dụng kỹ thuật thêu tay tinh xảo, thực hành lâu đời trong cộng đồng qua trình diễn thời trang áo dài Việt Nam và trang phục thêu truyền thống Ucraina do các người mẫu chuyên nghiệp thể hiện. Hai bộ sưu tập trình diễn tại sự kiện là “Hào quang vi diệu” của Nghệ nhân ưu tú áo dài Việt Nam Lê Thị Lan Hương và “Sắc màu Ucraina” của nhà thiết kế Oksana Polonets.
Bộ sưu tập “Hào quang vi diệu” gồm 30 bộ áo dài, được thiết kế trên chất liệu sợi tơ tằm và sợi gai xanh; dành cho phụ nữ và trẻ em với các chủ đề về cổng làng, tranh Đông Hồ, trẻ em dân tộc vùng cao… Trang trí trên áo dài được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp kỳ vĩ của những thửa ruộng bậc thang, hình ảnh người dân sống trên lưng chừng mây an yên, hạnh phúc trên đất nước Việt Nam; được thêu tay kỳ công, tinh xảo trên mỗi tấm áo dài đã tạo nên các tác phẩm thời trang nghệ thuật đỉnh cao quý phái. Thông qua bộ sưu tập, Nghệ nhân ưu tú áo dài Lê Thị Lan Hương muốn gửi gắm thông điệp tri ân mẹ thiên nhiên vĩ đại đã kiến tạo và ban tặng những điều tuyệt vời cho trái đất.
Bộ sưu tập “Sắc màu Ucraina” gồm 32 trang phục nữ được làm từ các chất liệu vải lanh, lụa, sợi gai dầu và cây gai xanh; phong phú về loại hình từ quần áo thường ngày cho cả gia đình đến dạ hội và quần áo cưới. Đó là sự kết hợp độc đáo giữa vẻ đẹp hiện đại và nét dân tộc; giữa truyền thống và hiện đại. Bộ sưu tập phô diễn kỹ thuật thêu tinh xảo lâu đời của phụ nữ Ucraina với các họa tiết hình khối và hoa đầy màu sắc, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được sáng tạo và phối theo phong cách hiện đại.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, sự kiện “Sắc màu Di sản” nhằm tôn vinh giá trị di sản, văn hóa truyền thống của Việt Nam và Ukraina qua ngôn ngữ kỳ diệu của thời trang. “Tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta, dù là nam hay nữ, khi mặc trên mình trang phục truyền thống cùa dân tộc, đều tự hào về bản sắc riêng có, về các giá trị văn hóa và lịch sử ăn sâu trong từng nét cắt, từng đường kim, mũi chỉ” - bà Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, trong tà áo dài Việt Nam chứa đựng bề dầy lịch sử, truyền thống văn hóa, những quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Những năm qua, Hội LHPN Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động, chương trình tôn vinh áo dài Việt để khẳng định áo dài là Di sản văn hóa Việt Nam. Và hôm nay, càng tuyệt vời hơn khi tà áo dài Việt Nam được đồng hành cùng trang phục truyền thống của đất nước Ucraina trong một sự kiện thời trang đặc biệt này. “Buổi trình diễn thời trang ngày hôm nay giống như một hành trình di sản, hành trình mà cả hai nhà thiết kế của Việt Nam và Ucraina đang thực hiện sứ mệnh cao cả là tri ân với văn hóa, nghệ thuật dân tộc; đưa bước chân di sản hội nhập, phát triển theo những phong cách riêng và sự sáng tạo tuyệt vời” - bà Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.
Tuấn Sơn